| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh quyết định xây nhà hát ngàn tỷ: Nỗi đau người Thủ Thiêm

Thứ Tư 17/10/2018 , 14:05 (GMT+7)

Thủ Thiêm bây giờ có những con phố rất sang trọng, có những toà nhà cao chọc trời, những căn biệt thự cao cấp có giá hàng chục tỷ đồng. Nhưng còn đó hàng ngàn người dân, những người từng là chủ nhân vùng đất “kim cương” này, từ bao năm nay vẫn đang phải sống vất vưởng. 

Và bao năm nay, họ vẫn miệt mài đi đòi quyền lợi trong vô vọng. Và nay,  họ lại thêm bất bình khi hay tin chính quyền chuẩn bị bỏ ra 1.508 tỷ đồng để xây một công trình chưa phải cấp thiết…

Sau hơn chục năm ròng rã đòi quyền lợi, người dân Thủ Thiêm mới chỉ nhận được… lời hứa. Còn mất thì đã mất rất nhiều: Mất nhà đất, mất cuộc sống ung dung tự tại, mất thu nhập, thậm chí mất cả người thân…
 

Nỗi đau mất con

Nhắc đến bà Lê Thị The, 71 tuổi, ở số A1/3G, đường Lương Định Của, P. Bình An, Q.2, có lẽ từ người dân Thủ Thiêm đến chính quyền quận 2, ai cũng biết. Bà The hiện vẫn cư ngụ trong căn nhà của gia đình. Trong khi phần lớn những ngôi nhà xung quanh đều đã bị cưỡng chế. Nhà bà The ở khu đất 4,3ha mà thanh tra Chính Phủ vừa có kết luận có sai phạm trong vấn đề quy hoạch, thu hồi. Nhưng, để có được sự bình yên như hôm nay, cả chồng và con trai bà đều phải bỏ bà ra đi mãi mãi.

09-34-57_nh_4
Bà Lê Thị The, người phụ nữ chịu nhiều nỗi đau nhất ở Thủ Thiêm

Trên bàn thờ căn nhà rách nát, có đến 4 di ảnh đàn ông. “Vợ chồng tôi có 4 đứa con trai, nhưng nay chỉ còn 1 đứa. 2 đứa mất vì bệnh, còn 1 thằng mất vì mảnh đất này”, bà The mở đầu chậm dãi, tay bà cầm chiếc khăn, liên tục đưa lên lau nước mắt.

“Năm 2011, Q.2 bắt đầu thu hồi đất dự án xây dựng khu đô thi mới, phần đất nhà tôi không thuộc khu vực này. Nhưng đến 3/2015, UBND TP.HCM ban hành quyết đình mới, phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam, giao đất cho Cty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM thực hiện. Lúc này, đất của gia đình nằm trong khu dân cư phía Bắc, nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi”, bà The nói tiếp.

Tháng 7/2016, căn nhà của gia đình bà The bị cưỡng chế. Ngày 18/7, người con trai lớn của bà là Nguyễn Hùng Thái tranh cãi, xô xát với người thi công. Sau đó, Thái vào phòng tự vẫn. Do không ai nghĩ Thái lại dại dột thế nên không lường trước hậu quả. Đến  khi phát hiện, đưa Thái đi cấp cứu thì đã muộn. Khi đó, con trai của Thái mới 4 tuổi. Đến nay, cậu bé đã 6 tuổi, nhưng phát triển không bình thường khi phát âm không rõ chữ, thường nhảy nhót, cười nói và ít khi đứng im một chỗ. “Lúc mới sinh đến 2 - 3 tuổi, nó vẫn bình thuờng, từ ngày ba nó mất, tự nhiên nó cũng  thay đổi. Tôi xót lắm mà không biết làm sao, định khi nào đưa cháu đi khám”, bà The cho biết.

Còn chồng bà The, dù không suy nghĩ tiêu cực, nhưng cũng do ấm ức mà sinh bệnh. “Ổng là cán bộ hưu trí, sau mấy lần lên phường họp về vụ thu hồi đất, ổng về suy nghĩ quá nên bị tai biến. Dù không nói được, nhưng lúc trước khi mất, ổng cũng ráng nói với tôi mấy câu, đại ý là không được đi đâu, phải ở trên cái nhà của mình”, bà The lại rơm rớm nước mắt, nói.

Hiện nay, dù đã 71 tuổi, nhưng bà The vẫn miệt mài đi kêu cứu về bồi thường. “Tôi không cần tiền, tôi cần sự công bằng, rõ ràng và cần xử lý những ai sai phạm trong cái dự án này, khiến cho gia đình tôi lâm cảnh khốn cùng như hôm nay. Tôi đã mất quá nhiều, quá sức chịu đựng của tôi rồi. Nên bằng giá nào tôi cũng làm để trả được món nợ đau lòng này. Tôi đã già rồi, mong được nghỉ ngơi dưỡng già, nhưng nếu nhà mất, thì dưỡng già ở đâu?".
 

Nhà ở bỗng thành chuồng heo

Trường hợp chị Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1971, ở khu tạm cư P. An Lợi Đông khá hy hữu khi nhà chị có 2 vợ chồng và 2 đứa con lại bị chủ đầu tư kết luận là… chuồng heo, nhằm giảm tiền bồi thường, khiến vợ chồng chị vô cùng bức xúc.

Chị Oanh cho biết, năm 1992, chị từ Hải Dương vào đây lập nghiệp, sang mua đất ở Thủ Thiêm khi còn chưa có gia đình. Miếng đất khi đó chỉ có một cái chòi lá. Thời đó mua bán đất, nhà hầu hết là chỉ làm giấy tay.

09-34-57_nh_6
Khu nhà tạm cư của cư dân Thủ Thiêm, mỗi khi mưa hay triều cường, nước ngập đến bụng và tràn vào nhà lênh láng
Chị Oanh đem ra hình ảnh làm đám cưới, nuôi con, sinh hoạt trong ngôi nhà hàng chục năm trời và bảo: “Nhà chúng tôi hạnh phúc đẹp đẽ thế này mà họ lại bảo là chuồng heo, chỉ có heo ở chứ làm gì có nhà cửa và con người”. Chị Oanh lên hỏi ban dự án thì được trả lời: “Những gia đình kia đi kiện, thắng kiện, tòa phán phải đền bù đất ở cho họ. Nếu chị đi kiện mà thắng thì chúng tôi cũng đền cho chị như các hộ kia, còn hiện giờ chúng tôi không giải quyết”. Chị cùng nhiều hộ khác đâm đơn đi kiện nhiều nơi, với hy vọng “tòa án sẽ phán xét xem nhà tôi có phải chuồng heo hay không”.

Từ mảnh đất này, chị canh tác, lập nghiệp, sau đó lấy chồng, tổ chức đám cưới và sinh 2 đứa con trên căn chòi ấy. Sau khi tích cóp được ít tiền, vợ chồng chị quyết định “nâng cấp” cái chòi lá thành nhà cấp bốn.

“Nhưng lúc quyết định sửa nhà, chúng tôi làm đơn lên phường cả tháng không thấy trả lời.

Lên phường hỏi, cán bộ phường bảo, anh chị viết giấy xin sửa nhà thì rất là khó duyệt. Nếu xin làm cơ sở chăn nuôi heo sẽ dễ thông qua hơn.

Thế là chúng tôi làm theo ý các anh ấy, cốt để sửa nhà mà ở.

Không ngờ lúc giải tỏa, chính quyền vin vào cái giấy xin nuôi heo, bảo là miếng đất chúng tôi chỉ dùng nuôi heo, không có ai ở cả, chỉ đền bù đất nông nghiệp”.

Cùng ở chung trong khu tạm cư P. An Lợi Đông với gia đình chị Oanh là đại gia đình 16 người của ông Lê Văn Hơn, sinh năm 1967.

Gặp chúng tôi, ông Hơn bức xúc cho biết, đất của gia đình ông ở ấp 4, P. An Lợi Đông nằm ngay mặt tiền đường lớn, có từ thời ông nội, và đã được cấp giấy chủ quyền (sổ đỏ) từ hơn chục năm trước, phần nguồn gốc trong sổ ghi rõ là đất có lịch sử lâu đời.

Trên diện tích đất gần 800m2 của gia đình ông khi đó có 3 căn nhà, dù không phải loại kiên cố. Nhưng khi TP thu hồi làm khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đất và tài sản trên đất của gia đình ông lại không được xét đền bù, mà là “bồi thường thiệt hại” số tiền chưa đến 600 triệu. Trong khi trị giá khu đất của gia đình ông Hơn tính theo thị trường, lớn hơn hàng trăm lần.

09-34-57_nh_3
Ông Lê Văn Hơn trong căn nhà tạm cư P. An Lợi Đông, Q.2

"Chúng tôi chỉ ao ước có được một chỗ để an cư, ổn định cuộc sống. Trước khi giao đất, giao nhà cho dự án, tôi và các con tôi đang có một cuộc sống rất tốt. Giao đất xong chúng tôi mất nhà, và cuộc sống như thế này. Chúng tôi không đồng ý đền bù và khiếu kiện khắp nơi nên mới được cho vào ở tạm cư. Mà khu tạm cư như các anh thấy… 16 người nhét vào 3 phòng. May là có một số nhà bỏ đi nơi khác sống nên chúng tôi chia ra ở tạm, nếu không thì chẳng khác gì chuồng heo thật”, ông Hơn nói.

“Chúng tôi đều là nông dân, quanh năm làm lụng vất vả, tích cóp mãi mới có tiền mua miếng đất cắm dùi, còn nếu là đất cha ông để lại, thì cũng là mồ hôi xương máu của cha ông. Đâu phải từ trên trời rơi xuống mà họ thu hồi rồi muốn trả bao nhiêu thì trả giống như bố thí vậy? Nếu đất đai của chúng tôi hiến cho nhà nước làm bệnh viện, trường học, chúng tôi không tiếc. Đằng này, giao cho doanh nghiệp tư nhân để họ bán hàng trăm triệu đồng 1m2 như vậy, thử hỏi có ai chấp nhận được không?”, ông Hơn chia sẻ bức xúc chung của những người dân Thủ Thiêm.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã  'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 2] Cận cảnh gã 'đồ tể' xẻ thịt thú rừng

Người đàn ông bóp 'cò' chiếc khò ga, một ngọn lửa xanh lè phun lên mình con voọc chà vá đang nằm co quắp, cứng đơ trên tấm ván gỗ. Mùi lông cháy khét lẹt…

Bình luận mới nhất