| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh vụ 2 cựu lãnh đạo Vinacafe bị khởi tố: Mong manh công, tội

Thứ Ba 30/10/2018 , 08:40 (GMT+7)

Từng có những đóng góp rất lớn giúp công ty “mẹ” vượt qua một khoảng thời gian rất khó khăn về vốn, và không hề “tư túi”. Nhưng họ đã từng bị tạm giam, nay đang được tại ngoại chờ ngày hầu tòa. Vậy họ đã sai phạm gì để đến mức bị khởi tố?

Hai nhân vật chúng tôi nhắc đến là ông Nguyễn Nhật, nguyên Giám đốc Công ty Vinacafe Quy Nhơn và ông Nguyễn Công Hoàng, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinacafe kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu Vinacafe, cả 2 đơn vị đều thuộc Tổng Cty Cà phê Việt Nam (Vinacafe). Họ cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về Quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sau khi giúp TCT Vinacafe vượt qua khó khăn vì thiếu vốn.
 

Diễn biến vụ việc

Theo cáo trạng của VKSNDTC, năm 2010, ông Nguyễn Nhật, khi đó là giám đốc Cty Vinacafe Quy Nhơn và ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Vinacafe kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu (TTXNK) Vinacafe, đã có hành vi ký Hợp đồng số 01 (HĐ 01) vay vốn với nội dung: TTXNK Vinacafe (bên A) vay của Vinacafe Quy Nhơn (bên B) số tiền 50 tỷ đồng, để thu mua cà phê với lãi suất 13% năm, thời hạn vay theo kế hoạch thu mua và xuất khẩu cà phê của bên A. Số tiền vay sẽ được thanh toán sau khi thanh lý hợp đồng.

04-21-30_nh_1
Ông Nguyễn Nhật trình bày vụ việc với phóng viên

Thực hiện hợp đồng trên, trong vòng hơn 3 tháng (từ 3/8/2010 đến 12/11/2010), TTXNK Vinacafe đã gửi cho Vinacafe Quy Nhơn 9 giấy đề nghị chuyển tiền tổng giá trị 124 tỷ đồng. Căn cứ các giấy đề nghị, Vinacafe Quy Nhơn đã ký 21 ủy nhiệm chi chuyển cho TTXNK Vinacafe tổng số tiền 116,8 tỷ đồng. Ngược lại, TTXNK Vinacafe cũng đã 19 lần chuyển tiền trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn với tổng số tiền 71,7 tỷ đồng. Tổng số tiền TTXNK còn nợ Vinacafe Quy Nhơn (gồm tiền gốc và lãi) hơn 45 tỷ đồng. 

Cáo trạng cho rằng, việc các bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng đại diện cho Vinacafe Quy Nhơn và TTXNK ký HĐ 01 khi không có phương án vay vốn, không có văn bản báo cáo xin ý kiến TCT và không được TCT Vinacafe phê duyệt là trái với các quy định pháp luật, dẫn đến TCT Vinacafe thiệt hại hơn 45 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong 2 phiên tòa diễn ra các ngày 26, 27/9/2017 và 16, 17/01/2018 tại TAND TP.HCM, 2 ông Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng đều kêu oan và khẳng định: việc ký HĐ 01 là làm theo chỉ đạo của lãnh đạo TCT Vinacafe sau nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho TCT. HĐ 01 chỉ mang tính hình thức, không phải là hợp đồng vay mượn thực tế.

“Việc TCT chấp thuận phương án vay vốn tuy chưa có văn bản chính thức nhưng đã được lãnh đạo TCT thông qua trong cuộc họp vào các ngày 27 và 28/7/2010 tại Văn phòng TCT. Cuộc họp này do ông Đỗ Văn Nam, Tổng Giám đốc Vinacafe chủ trì với nội dung bàn biện pháp giải quyết công nợ và nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Công văn của TCT Vinacafe gửi C46.

Cuộc họp ngoài tôi còn có các ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch HĐTV Vinacafe; ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vinacafe kiêm Giám đốc TTXNK Vinacafe; ông Nguyễn Văn Minh, Kế toán trưởng TCT; ông Lê Thế Hệ, Giám đốc Cty Cà phê Ea Tul; ông Ngyễn Đại Ngọc, Giám đốc Cty cà phê Ia Grai. Tại cuộc họp, ông Nam đã chỉ đạo Vinacafe Quy Nhơn cho TTXNK ứng số tiền 50 tỷ đồng để đơn vị này mua cà phê xuất khẩu. Sau khi xuất khẩu được cà phê, TT thu ngoại tệ về bán lại cho BIDV Bình Định, BIDV Bình Định sẽ bán ngoại tệ lại cho Vinacafe Quy Nhơn để nhập khẩu phân bón. Chủ trương này là phù hợp với tình hình, không trái pháp luật nên ông Thiêm đã đồng ý và chỉ đạo thực hiện. Nội dung cuộc họp này thể hiện rõ quan điểm của Ban lãnh đạo TCTvề phương án tháo gỡ khó khăn bằng việc ký HĐ 01. Vậy nên Cáo trạng truy tố bị cáo về hành vi “Cố ý làm trái...” là không đúng với bản chất của sự việc”, ông Nhật trình bày.
 

Hai bị cáo 'gỡ khó' cho Vinacafe như thế nào?

Theo hồ sơ vụ việc, thời điểm năm 2010, TCT Vinacafe trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về vốn, nhiều khoản dư nợ trên hệ thống ngân hàng, trong đó có các khoản nợ thuộc Nhóm 3 (dư nợ dưới tiêu chuẩn) và Nhóm 5 (dư nợ có khả năng mất vốn). Theo quy định, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các công ty tài chính sẽ từ chối cho vay đối với các khách hàng đang có khoản nợ được phân loại từ Nhóm 3 trở lên. Trong khi đó, các đơn vị trực thuộc và Tổng Công ty dùng nguồn tiền chủ yếu để kinh doanh là vốn vay tại các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu không thanh toán được các khoản nợ xấu thì nguy cơ toàn bộ hệ thống Vinacafe sẽ không được các ngân hàng cấp tín dụng, hậu quả là hoạt động kinh doanh sẽ bị ngưng trệ, thậm chí dừng hẳn vì không có vốn.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2010, TCT giao nhiệm vụ cho Vinacafe Quy Nhơn nhập khẩu 80.000 tấn phân bón. Để nhập được số phân bón này, cần phải có khoảng hơn 20 triệu USD, trong khi ngân hàng khan hiếm nguồn ngoại tệ. Trước tình hình này, Vinacafe Quy Nhơn dù có nguồn tiền VND nhưng sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ nếu không có ngoại tệ.

Văn bản xác nhận của ông Lê Thế Hệ, Giám đốc Cty Cà phê Ea Tul. Ông Hệ là người tham dự cuộc họp ngày 27,28/7/2010 về việc vay vốn giữa Trung tâm XNK Vinacafe (Đại diện là ông Nguyễn Công Hoàng) và Công ty Vinacafe Quy Nhơn (Đại diện là ông Nguyễn Nhật)

Tương tự, TTXNK Vinacafe được giao chỉ tiêu xuất khẩu 62.500 tấn cà phê và nông sản các loại trong năm 2010. Đồng thời phải mua tạm trữ 17.000 tấn cà phê (đây là nhiệm vụ đột xuất). Ngoài ra, TTXNK còn phải trả thay Vinacafe Sài Gòn (một đơn vị hạch toán phụ thuộc của TCT Vinacafe, đã giải thể) các khoản nợ gần 139 tỷ đồng. Trong khi đó, TTXNK Vinacafe chỉ được TCT cấp số vốn tương đương khoảng 1,63% so với yêu cầu nhiệm vụ và được TCT cung cấp hạn mức vay vốn ngân hàng thông qua các ủy quyền.

Trước tình cảnh lúc bấy giờ, phương án giải quyết được lựa chọn là: Vinacafe Quy Nhơn ứng trước tiền VND cho Trung tâm để đảm bảo có nguồn ngoại tệ; Trung tâm sử dụng tiền ứng trước để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Tổng Công ty đối với các khoản nợ quá hạn, đồng thời Trung tâm có tiền thực hiện nhiệm vụ thu mua cà phê và xuất khẩu, lấy ngoại tệ. Ngoại tệ thu về được Trung tâm chuyển lại cho Vinacafe Quy Nhơn thông qua ngân hàng.

Tại thời điểm đó, đứng trước những hoàn cảnh khó khăn chồng chất như vậy, giải pháp trên được xem là tối ưu, giúp tháo gỡ khó khăn cho cả Tổng Cty, Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm. Thực tế cũng đã chứng minh đây là một giải pháp đúng đắn. Tổng Cty cũng không có bất kỳ quy chế, quy định nào nhằm hạn chế phương thức ứng tiền trước trong nội bộ.

Ngày 25/4/2014, TCT Vinacafe đã có công văn gửi Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an (C46). Công văn do ông Nguyễn Văn Hà, khi đó là Chủ tịch HĐTV TCT Vinacafe ký, nội dung nêu rõ (trích): “Mặc dù xét vê thủ tục, quy trình, đơn vị phải cụ thể hóa bằng văn bản, hồ sơ phương án được TCT phê duyệt; tuy nhiên, quan hệ tín dụng giữa Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm XNK lại được quyết định và thực hiện thông qua 2 cuộc họp do Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐTV TCT chủ trì và quá trình thực hiện có sự giám sát của ngân hàng, nắm bắt của TCT trong việc thực hiện HĐ 01. Như kết luận thanh tra đã nêu, nguyên nhân dẫn đến mất cân đối tài chính, mất nguồn trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn là trách nhiệm của các giám đốc Trung tâm XNK qua (qua các thời kỳ), không thuộc trách nhiệm của cá nhân ông Nguyễn Nhật…”.

 

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất