| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh vụ kết dư hơn 2700 tỷ đồng tiền BHYT: Hàng ngàn tỷ đồng có nguy cơ “đắp chiếu”

Thứ Sáu 14/10/2011 , 10:44 (GMT+7)

Hàng ngàn tỷ đồng đang có nguy cơ “đắp chiếu” chỉ vì những quyết định “bất ngờ” của các bộ, ngành.

Lãnh đạo cơ quan quản lý đang kiểm tra chất lượng một số trang thiết bị y tế

Sau 8 năm liên tiếp bị âm, năm 2010, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) vui mừng khi đã có 2.733 tỷ đồng để dành cho BHXH các địa phương nâng cấp trang thiết bị đã quá cũ và lạc hậu.

Thế nhưng họ cũng đang lo sợ bởi số tiền này có thể bị nhập về Quỹ dự phòng vì thời hạn sử dụng kinh phí sắp hết. Tất cả xuất phát bởi sự không rõ ràng giữa các cơ quan chức năng.

Trúng thầu cũng sợ

Nhiều doanh nghiệp đang rất lo lắng bởi chỉ sau 5 tháng văn bản cho phép sử dụng số kết dư Quỹ BHYT năm 2010 để mua sắm trang thiết bị y tế thì tháng 8/2011, Bộ Tài Chính và Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu BHXH Việt Nam dừng việc triển khai thực hiện việc phân bổ, sử dụng số kết dư quỹ BHYT năm 2010.

Nếu họ trúng thầu, dồn toàn bộ tiền để mua trang thiết bị (toàn thứ đắt tiền, vài chục ngàn USD) thì Bộ Tài Chính hay Thủ tướng Chính phủ lại chỉ đạo không cho các dịa phương sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2010 để mua sắm trang thiết bị y tế thì sẽ khốn đốn hơn vì lúc đó coi như mất tất cả.

Nói rõ hơn về khoản tiền hàng tỷ đồng đang có nguy cơ “đắp chiếu” này, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN (BHXH VN) cho biết, sau 8 năm “lõm”, năm 2010, Quỹ BHYT kết dư khoảng 5.817 tỷ đồng, trong đó Quỹ khám chữa bệnh BHYT do BHXH tỉnh quản lý là 3.653 tỷ đồng, Quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT do BHXH Việt Nam quản lý khoảng 2.164 tỷ đồng.

Và theo quy định tại điều 11, Nghị định 62 của Chính phủ, các địa phương có kết dư sẽ được sử dụng 60% kinh phí kết dư này để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao trình độ và những khoản chi khác để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại địa phương. 40% chuyển về BHXH Việt Nam để bổ sung vào quỹ dự phòng khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Ngày 22/3/2011, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đã có Nghị quyết sử dụng số kết dư Quỹ BHYT năm 2010 để trả nợ Quỹ BHXH (khoảng 3.083 tỷ đồng). Số thực kết dư Quỹ BHYT sau khi trả nợ còn lại khoảng 2.733 tỷ đồng và được BHXH Việt Nam thông báo, hướng dẫn BHXH các địa phương sử dụng mua sắm trang thiết bị y tế. 

Tại sao?

Sau đúng 5 tháng văn bản cho phép các địa phương sử dụng số tiền kết dư trong Quỹ BHYT, Bộ Tài chính gửi cơ quan bảo hiểm văn bản số 12625 nói rõ, lý do bởi BHXH VN chưa có số liệu tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi quỹ BHXH năm 2010 được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua nên chưa có căn cứ chính xác số kết dư Quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2010. Hơn nữa số kết dư Quỹ BHYT sau khi trừ trả nợ Quỹ BHXH chưa đủ dự phòng theo quy định. Bộ Tài Chính cũng đề nghị BHXH Việt Nam nghiêm túc rút kinh nghiệm về sai sót này.

Còn với Bộ Y tế, ngày 4/10/2011 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản số 6187/BYT-BH đề nghị BHXH Việt Nam có văn bản gửi các địa phương đề nghị chưa triển khai việc phân bổ, sử dụng số kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2010 tại các địa phương. Để hồi đáp tiếp những văn bản này cho các địa phương, BHXH Việt Nam chỉ gửi thông báo nói rằng, số quyết toán chính thức chưa có nên BHXH các tỉnh phải báo cáo UBND để UBND quyết định.

Với từng ấy văn bản với những nội dung chung chung, không rõ ràng thì các địa phương vẫn đang mời thầu mua sắm thiết bị y tế từ nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT 2010 này. 

Tiền tỷ “đắp chiếu” chờ…hết hạn? 

Ngay khi có thông tin đấu thầu, một số địa phương, bệnh viện đã có phương án thay thế 1 số máy đã cũ và lạc hậu như: Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh Sơn La mời đấu thầu gói thầu máy điều trị sóng ngắn, máy điều trị bằng sóng xung kích, máy điều trị phục hồi chức năng nuốt ở bệnh nhân đột quỵ; Các bệnh viện U Minh, Phú Tân, Đầm Dơi của tỉnh Cà Mau cũng mời thầu hàng loạt các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn kết dư quỹ BHYT năm 2010; Bệnh viện Xanh Pôn- Hà Nội mới đây ( ngày 9/10) cũng bán hồ sơ đấu thầu rộng rãi gói thầu mua sắm thiết bị y tế và ghi rõ đây là dự án sử dụng nguồn vốn kết dư BHYT năm 2010.

Xung quanh sự vụ này cũng có ý kiến cho rằng Bộ Y tế quá lo việc tăng viện phí nên muốn giữ lại 2.733 tỷ đồng kết dư từ quỹ BHYT năm 2010 để “bù” khi viện phí tăng. Và cũng không rõ vì lý do gì, tới nay hai Bộ (Tài chính và Y tế) vẫn chưa báo cáo Thủ tướng.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó TGĐ BHXH Việt Nam, Luật BHYT và điều 15 Nghị định 62 của Chính phủ nói rõ, BHXH Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc thu, chi, quản lý và quyết toán quỹ BHYT theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa BHXH Việt Nam là đơn vị quản lý quỹ BHYT và quy định của Luật cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số thu bảo hiểm y tế lớn hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì được sử dụng một phần kết dư để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương. “Việc BHXH Việt Nam thông báo số kinh phí được sử dụng từ nguồn kết dư quỹ BHYT 2010 để mua sắm trang thiết bị y tế cho các địa phương đã được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chấp thuận tại Nghị quyết số 1065/NĐ-HĐGL ngày 22/3/2011”- ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, văn bản số 2078 do nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 5/4/2011 ghi rõ Chính phủ cho phép BHXH Việt Nam được sử dụng số kết dư quỹ BHYT năm 2010 để mua sắm trang thiết bị y tế vẫn là văn bản chỉ đạo cao nhất trong việc xử lý số kết dư quỹ BHYT 2010. Nó đồng nghĩa với việc pháp luật cho phép các địa phương được dùng kinh phí kết dư của Quỹ BHYT mua sắm trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và Văn phòng Chính phủ cũng đã chấp thuận, nếu BHXH Việt Nam ra thông báo tạm dừng thì sẽ là trái luật.

Hàng ngàn tỷ đồng đang có nguy cơ “đắp chiếu” chỉ vì những quyết định “bất ngờ” của các bộ, ngành. Trong khi đó, thời hạn sử dụng kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2010 chỉ còn chưa đầy 4 tháng có hiệu lực (13/9/2011- 31/12/2011). 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất