| Hotline: 0983.970.780

Xuyên đêm đi kiểm tra thực phẩm thời dịch cúm

Thứ Năm 13/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Hơn 3 giờ sáng, mưa phùn mù trời, đèn không đủ sáng, chiếc ô tô chở chúng tôi đi theo khoảng vàng vọt lờ mờ trước mặt, lầm lũi tiến ra hướng Bắc Từ Liêm…

Giá mỗi kg bò ngon nhất hiện ở mức 250.000đ/kg.

Giá mỗi kg bò ngon nhất hiện ở mức 250.000đ/kg.

Thứ cháy hàng, thứ rẻ mạt

Một quầng sáng chói lòa trước mắt. Tiếng còi xe huyên náo, tiếng người nói lao xao khiến cho tôi tỉnh hẳn ngủ, rảo bước theo đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm do anh Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội làm Trưởng đoàn. Từ cán bộ đến người buôn bán đều khẩu trang kín mít chỉ lộ ra hai con mắt.

2h sáng chợ đầu mối Minh Khai đã bắt đầu nhộn nhịp nhưng sôi động nhất là vào quãng 4-6h. Đây là khu chợ khổng lồ của Thủ đô với tổng diện tích 41.520 m2  thu hút tới 960 hộ kinh doanh trong đó phần lớn là thực phẩm, mỗi đêm tiêu thụ 380-400 tấn sản phẩm rau, củ, quả, thịt, cá.

Sản phẩm nấm này chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc

Sản phẩm nấm này chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc

Anh Tuấn chủ sạp hàng cải bắp, củ cải, khoai tây, hành tây...bán mỗi đêm 4 tấn bảo riêng tỏi đã có hai loại là ta và Tàu. Tỏi Tàu củ và tép rất to, giá trên 40.000đ/kg, đắt hơn tỏi ta nhưng vẫn được các nhà hàng ưa chuộng vì dễ bóc còn tỏi ta thì được các gia đình ưa chuộng vì mùi thơm đặc trưng.

Từ hồi có dịch Corona gần như không có tỏi Tàu về bởi cấm biên nhưng hai ngày nay lại thấy xuất hiện. Mỗi loại tỏi trên hàng đêm anh Tuấn bán được khoảng 2 tạ bởi nhiều người quan niệm ăn nhiều để tăng cường sức đề kháng với virus.

Anh Phúc vừa chỉ đạo mấy người làm bốc dưa hấu lên chiếc xe đã nổ máy sẵn vừa cho biết mỗi đêm sạp bán được 15-20 tấn dưa hấu loại ngon của miền Nam với giá 15.000đ/kg, giảm so với trước 5.000đ bởi khi có dịch loại dưa hấu miền Trung không xuất khẩu được dội về chợ rất nhiều. Loại dưa này chỉ có giá 5.500đ/kg vì vị nhạt hơn, mỗi tối anh cũng bán được khoảng 30 tấn. Sau 1 tuần lượng đã bán được trên 200 tấn: “Nốt tối nay là hết hàng “dưa giải cứu”. Anh khẳng định.

Dưa hấu loại ngon giá đắt gấp ba lần

Dưa hấu loại ngon giá đắt gấp ba lần "dưa hấu giải cứu".

Chị Hiên-một người bán rau nhà ở quận Hà Đông mỗi tối vượt gần 20km chở 2 tạ rau trên chiếc xe máy cà tàng đến chợ từ hơn 1 h sáng và thường bán đến khoảng 7, 8 h sáng nhưng hôm nay mới chỉ 5 h đã về vì cháy hàng. Giá các loại rau so với trước Tết tăng gấp đôi trong đó rau lá tăng nhiều nhất, rau cần đắt đặc biệt, bán buôn đã 15.000đ/mớ: “Rau đắt bởi mưa đá và mưa to dịp Tết nên dập nát gần hết”. Chị lý giải.

Giá thực phẩm như thịt bò, thịt lợn hiện bằng giá dịp Tết nhưng giá vịt, giá gà công nghiệp giảm sâu hiếm có, chỉ khoảng 40.000đ/kg loại mổ sẵn nhưng bán cũng khá chậm khiến cho nhiều tiểu thương chỉ còn nước kêu trời.

Hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn

Hóa chất phun định kỳ trong những ngày này tuy nhiên dịch corona cũng khiến cho hệ thống thương mại của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng bộc lộ rõ sự yếu kém. Các siêu thị tương đối yên tâm nhưng các chợ kể cả đầu mối lớn như Minh Khai cũng chưa thể lập được một vành đai phòng chống đủ vững chắc.  

Rau cháy hàng nên mới 5 giờ tiểu thương này đã quay xe về nhà.

Rau cháy hàng nên mới 5 giờ tiểu thương này đã quay xe về nhà.

Ban quản lý ở đây dù đã quy hoạch phân lô, phân khu đối với từng ngành hàng riêng biệt tuy nhiên chưa được triệt để.

Hàng ngày, Trạm Chăn nuôi Thú y phối hợp với Ban kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, nguồn gốc xuất xứ nhưng mới chỉ 111 hộ kinh doanh đăng ký tham gia vào hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR.  Tại khu vực kinh doanh rau củ quả, hầu hết các hộ kinh doanh không có giá kệ nên các sản phẩm dù là loại ăn sống để bừa bộn sát nền bẩn thỉu.

Tại khu vực kinh doanh thủy sản nhiều hộ sơ chế hàng tươi sống ngay trên nền chợ đọng nước và phế phẩm. Mùa này tuy các loại rau quả Tàu không đúng mùa nhưng cũng không quá hiếm, phổ biến nhất là nấm và tỏi. Khi đoàn hỏi giấy tờ xuất xứ thì không hàng nào trình ra được với lý do không nhập khẩu trực tiếp mà phải qua đại lý khác. Phần lớn chỉ có sổ theo dõi mua, bán nhưng việc ghi chép không đầy đủ.

Gà ta như thế này vẫn khá giữ giá nhưng gà công nghiệp thì rớt giá thảm hại.

Gà ta như thế này vẫn khá giữ giá nhưng gà công nghiệp thì rớt giá thảm hại.

Những việc này đều được đoàn chỉnh đốn nhưng xem ra để đưa ngay vào quy củ cũng không thể một sớm, một chiều giống như thực trạng của mấy chợ lớn khác mà chúng tôi đã thực tế từ hôm trước.

Cụ thể, chợ cá Yên Sở ở quận Hoàng Mai hàng ngày có khoảng 40 xe ô tô đến giao và đóng hàng, số lượng trung chuyển 70-80 tấn. Tại chợ có 1 chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành hoạt động 24/24h để kiểm tra chủng loại, số lượng, xác nhận nguồn gốc trước khi vào.

Thời điểm này sản phẩm chủ yếu ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định bên cạnh một lượng nhỏ cá nhập khẩu về. Tất cả đều được bày bán trong những lều lán sập sệ, chật hẹp với hệ thống thoát nước thường ứ đọng vì rác.

Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có tổng diện tích 38.000 m2với 700 hộ kinh doanh, sản lượng 200-400 tấn mỗi ngày nhưng hoạt động sơ chế hàng tươi sống, phế phụ phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên nền ẩm thấp...

Đoàn đã tiến hành lấy nhiều mẫu thịt gà, lợn, bò, rau để kiểm nghiệm nhanh, kết quả tạm yên tâm vì vẫn đảm đảm bảo an toàn với các chỉ tiêu được phân tích.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.

Bình luận mới nhất