| Hotline: 0983.970.780

Ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân được nâng cao rõ rệt

Thứ Hai 26/03/2018 , 10:05 (GMT+7)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Vương quốc Bỉ, ngày 21 và 23/3, Đoàn công tác kỹ thuật về chống khai thác IUU đã có 2 phiên đối thoại với Bộ phận IUU, Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban Châu Âu (EC).

13-11-46_img_20180325_113515
Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu (bên phải ảnh) làm việc với đại diện EC

Phía Việt Nam khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT về việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC đối với khai thác hải sản của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.

Đoàn Việt Nam đã cập nhật nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC 5 tháng vừa qua, một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

+ Từng bước hoàn thiện khung pháp lý hướng tới quản lý nghề khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế; Luật Thủy sản 2017 đã cơ bản tiếp cận được với các quy định của quốc tế trong quản lý nghề khai thác hải sản; hiện tại, đang tập trung vào xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thủy sản, theo kế hoạch các văn bản này sẽ được hoàn thành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thủy sản vào 1/1/2019.

+ Tăng cường việc giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài. Sau khi Việt Nam triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, đặc biệt là tàu cá vi phạm các nước quốc đảo Thái Bình Dương đến nay hầu như không có; hiện tại chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia…

+ Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác hải sản theo quy định để ngăn chặn nguyên liệu khai thác từ hoạt động khai thác IUU đi vào chuỗi sản xuất…

+ Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, người dân, cán bộ quản lý nghề cá đã nhận thức sâu sắc về chống khai thác IUU, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng cao.

Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC đánh giá cao cam kết ở các cấp chính quyền của Việt Nam, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Công điện 732, Chỉ thị 45, Quyết định 78 với mục tiêu chống khai thác IUU. Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.

Ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp để dần đưa khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong nước, Việt Nam đã xác định rõ lộ trình gia nhập Hiệp định quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là đã quy định các biện pháp xử phạt bổ sung như tước giấy phép khai thác, nâng mức phạt để đảm bảo tính răn đe...

Xử lý tàu cá vi phạm

Phía Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC làm rõ những vấn đề phía Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới để tiếp tục khắc phục các khuyến nghị trước khi đoàn công tác của Tổng vụ sang đánh giá sau 6 tháng Việt Nam triển khai. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam cần đẩy mạnh thực thi có hiệu quả việc giám sát tàu cá trên biển thông qua việc xác định rõ lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với hiện trạng nguồn lợi hải sản; quản lý hiệu quả hệ thống đăng ký và cấp giấy phép khai thác hải sản; đẩy mạnh quản lý hoạt động khai thác hải sản tại các cảng cá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt để ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU; tăng cường tuần tra trên biển để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tàu cá Việt Nam khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.

Đại diện của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC cũng khẳng định sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, biện pháp chống khai thác IUU với Việt Nam dựa trên kinh nghiệm phối hợp với 50 quốc gia khác đã và đang chống khai thác IUU. Đặc biệt, đối với với 2 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng và các thông tư đang trong quá trình xây dựng để hướng dẫn Luật Thủy sản 2017. Phía bạn đề nghị phía Việt Nam chia sẻ dự thảo để có thể hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn nhằm đưa các quy định của quốc tế về quản lý nghề cá vào các văn bản dưới Luật.

Hai bên thống nhất về kế hoạch tiếp theo về trao đổi thông tin, tài liệu, cũng như tiếp tục tổ chức đối thoại để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá vào tháng 5/2018 là thời điểm sau 6 tháng Việt Nam triển khai các khuyến nghị của EC. Hai bên cũng thống nhất về thời gian và chương trình đoàn công tác của DG-MARE làm việc tại Việt Nam và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.

Chuyến công tác đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ủy ban Châu Âu đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong 5 tháng triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, đồng thời cũng ghi nhận những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải khi chuyển từ nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ sang nghề khai thác hải sản có trách nhiệm, thực hiện các quy định của quốc tế.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý, nâng cao nhận thức và hành vi khai thác hải sản cho cộng đồng ngư dân… nhằm phát triển khai thác hải sản có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất