| Hotline: 0983.970.780

Ý thức sử dụng, bảo quản công trình nước sạch kém

Thứ Sáu 28/10/2011 , 11:03 (GMT+7)

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 120 công trình nước sạch, ngoài 3 công trình trọng điểm quản lý, khai thác hiệu quả, hàng trăm công trình còn lại đang sống dở chết dở.

Bể nước công cộng ở thôn 1 xã An Toàn (An Lão)

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 120 công trình nước sạch, ngoài 3 công trình trọng điểm do Trung tâm NS - VSMTNT (thuộc Sở NN-PTNT Bình Định) quản lý, khai thác hiệu quả, hàng trăm công trình còn lại đang sống dở chết dở.

Theo ông Hồ Đắc Chương, GĐ Trung tâm NS - VSMTNT thì hiện trong số 120 công trình nước sạch tại Bình Định thì có 3 công trình, gồm: Phước Sơn (Tuy Phước) 3.000 khối/ngày; Nhơn Tân (An Nhơn) 1.000 khối/ngày và Bình Tường (Tây Sơn) 1.200 khối/ngày là đang được vận hành bằng công nghệ khá hiện đại, số còn lại do địa phương quản lý hầu hết vừa nhỏ, vừa ọp ẹp. Các công trình này đang “sống” mà như đã “chết”. Những địa phương có nhiều công trình nước sạch thoi thóp nhất là các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những công trình nước sạch ở các huyện miền núi hầu hết được xây dựng từ các Chương trình 134, 135. Các công trình này lấy nước từ núi cao dẫn về qua bể lọc xử lý, sau đó cấp về bể công cộng cho dân dùng. “Đã cấp qua bể công cộng thì không thu được tiền. Không thu được tiền thì không có kinh phí trả lương cho người vận hành và tu sửa, nâng cấp khi chúng hư hỏng dẫn đến thảm trạng ngày càng bệ rạc”, ông Hồ Đắc Chương cho biết.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các công trình kém hiệu quả là ý thức của người dân về bảo vệ các công trình gần như là con số không. Trong chuyến đi thực tế tại huyện miền núi Vân Canh, chúng tôi từng chứng kiến cảnh 1 người dân đi làm rẫy về, ngang qua bể chứa công cộng, anh ta xả nước để rửa. Rửa xong, anh ta thản nhiên không đóng vòi nước lại, cứ thế bỏ đi.

Tôi hỏi: “Sao anh không đóng vòi nước lại?". Anh ta trả lời: “Nước ở trên núi chảy cả ngày cả đêm thì có sao đâu”. Thậm chí có trường hợp đường ống dẫn nước sạch chạy qua qua ruộng, vào mùa khô hạn, những chủ ruộng biết chắc trong đường ống kia có nước nên họ không ngần ngại dùng rựa đập vỡ đường ống để nước chảy ra tưới lúa cứu hạn.

Các công trình nước sạch ở xã An Toàn (An Lão) trông càng bi đát. Những chiếc bình inox ở thôn 2 dùng để lấy nước từ trên núi về được đặt cao hơn so nguồn nước, máy bơm không đủ công suất bơm nước lên nên cứ nằm chỏng chơ ngoài mưa nắng suốt hàng chục năm qua, không phục vụ được gì cho dân.

Ông Chương cho biết: Trong những năm gần đây, để các địa phương phát huy tính tự chủ trong việc cấp nước sạch về các vùng nông thôn, hằng năm tỉnh phân bổ nguồn vốn của TƯ hỗ trợ về cho các địa phương. Sau đó, các địa phương đầu tư thêm kinh phí và vận động người dân đóng góp thêm để xây dựng công trình. Thế nhưng việc này chẳng mấy địa phương làm được.

Tiền của dân thì không thể vận động, vì chưa mấy người có ý thức nước sạch cần thiết như thế nào trong cuộc sống. Chính quyền các địa phương thì vì lý do nghèo nên cũng không đầu tư thêm kinh phí, có đồng nào của tỉnh đầu tư thì làm đồng nấy. Do vậy, hầu hết các công trình đều được xây dựng chắp vá với thiết bị cũ kỹ, lạc hậu.

"Bên cạnh phải hoàn thiện bộ máy vận hành để bảo đảm chất lượng nước, các địa phương cần tổ chức tập huấn nâng cao ý thức sử dụng nước sạch cho người dân. Khi họ nhận thấy việc sử dụng nước sạch là cần thiết thì công trình sẽ hoạt động hết công suất. Có nguồn thu, các địa phương sẽ có điều kiện để tu sửa, nâng cấp công trình", ông Hồ Đắc Chương, GĐ Trung tâm NS - VSMTNT Bình Định.

Bên cạnh đó, bộ máy vận hành các công trình nói trên cũng mang tính được chăng hay chớ. Những người có trách nhiệm vận hành các công trình nước sạch hầu như không được đào tạo bài bản, cùng lắm chỉ được dự những lớp tập huấn vài ba ngày nên việc vận hành được thực hiện theo kiểu “tiện đâu làm đó”. Thậm chí không hề có ý thức bảo quản nên ở một số công trình chúng tôi được nghe người dùng nước phản ánh: “Chúng tôi trả tiền mua nước sạch nhưng nước dùng thật sự không sạch nên thà chúng tôi quay lại dùng nước giếng sướng hơn”.

Giải thích vấn đề này, ông Chương cho biết thêm: “Sau mỗi mùa mưa lũ, các bể chứa tại những công trình phải được nạo vét thì mới đảm bảo được chất lượng. Công trình nào không thực hiện công đoạn này, bùn lắng trong bể chứa đóng hết lớp này đến lớp khác làm sao có nước sạch được”.

Thực trạng trên đã khiến người dân ngày càng xa rời nước sạch, quay lại dùng nước giếng. Thực tế hiện nay ở những vùng khó khăn về nước sinh hoạt, mỗi năm người dân cũng chỉ dùng nước sạch có 2 tháng vào mùa khô hạn. “Một công trình xây dựng đến bạc tỷ nhưng mỗi năm hoạt động chỉ 2 tháng nguồn thu không đủ để bù chi thì lấy đâu ra tiền mà tu sửa hư hỏng nên các công trình ngày càng xuống cấp trầm trọng là lẽ đương nhiên”, ông Hồ Đắc Chương nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm