| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái: 1/4 dân số sống nhờ rừng

Thứ Năm 27/10/2011 , 11:19 (GMT+7)

Nhờ sự tiếp sức của chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng, đến nay độ che phủ rừng ở Yên Bái đã lên đến 59,2%.

Nhờ sự tiếp sức của chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng, đến nay độ che phủ rừng ở Yên Bái đã lên đến 59,2%. Kinh tế rừng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 160.000 lao động, chiếm 1/4 dân số của tỉnh.

Những tỷ phú trồng rừng

Ông Đỗ Thập- GĐ Doanh nghiệp trồng rừng 327 có trụ sở tại thị trấn Yên Bình (Yên Bái) nguyên là cán bộ Cty Lâm sản Hồng Lô, chuyên mua bán lâm sản cung cấp cho các nhà máy chế biến lâm sản. Thấu hiểu nỗi đau của rừng, ông xin về hưu trước tuổi ra các đảo hồ Thác Bà xin đất trồng rừng. Ông lập doanh nghiệp tư nhân trồng rừng lấy tên là Doanh nghiệp trồng rừng 327.

Bắt đầu trồng rừng từ năm 1987 đến năm 1998, sau 10 năm DN 327 trồng được hơn 300 ha rừng nguyên liệu giấy trên các đảo hồ Thác Bà và khu vực đất trống đồi núi trọc khu vực thị trấn Yên Bình. Năm 1998 khi dự án trồng mới 5 triệu ha rừng triển khai đã tiếp sức và nghị lực cho ông nhận thêm đất để trồng rừng. Ngoài việc vay vốn của những người thân, ông còn vay vốn ngân hàng, đất ông nhận trồng rừng toàn những "đồi ông sư", đá sỏi nhiều đến nỗi cuốc nhát nào toé lửa nhát đó.

Chế biến gỗ rừng trồng

Không nản chí, ông cùng vợ con trần lưng ra làm, rồi thuê người trồng, tất cả vốn liếng ông đều đầu tư để trồng rừng. Nhiều người bảo ông là lập dị, thần kinh không ổn định…trong lúc người ta đi phá rừng để trồng cây lương thực nuôi cái bụng hôm nay, còn ông nhịn đói trồng rừng để nuôi cái bụng 10 năm sau. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhiều lần đến thăm những khu rừng do DN 327 trồng, đã nhận xét: Đây là mô hình DN trồng rừng tư nhân có hiệu quả nhất, Việt Nam cần nhiều DN tư nhân như thế này…

Được sự khuyến khích của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, bất kể chỗ nào có đất trống đồi núi trọc là DN 327 xin được trồng rừng. Cho đến nay DN 327 đã có trên 1.600 ha rừng trồng, ngoài ra ông còn liên kết với hàng ngàn hộ nông dân trồng rừng giúp họ vay vốn để trồng rừng và nhận bao tiêu toàn bộ gỗ rừng trồng của các hộ làm ra. Không chỉ trồng rừng ở Yên Bái ông còn đến các tỉnh xung quanh nhận đất trồng rừng với diện tích mấy ngàn ha mà ông chưa muốn công bố.

Ông cho biết, hiện nay mỗi năm ông khai thác khoảng 300 ha, sản lượng 30.000-32.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy, với giá gỗ trung bình hiện nay là 650.000đ/m3, như vậy thu nhập từ rừng của ông khoảng 20 tỷ. Ông nhiều lần được mời tham dự các diễn dàn kinh tế trong nước và thế giới. Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2006, ông Đỗ Thập đã được mời tham dự với tư cách là GĐ DN trồng rừng.

Quế vỏ khô chờ khách tới mua

Ông Hoàng Văn An, người dân tộc Tày thôn I, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) là người đầu tiên trồng quế trên đất Đại Sơn. Đa số người dân Đại Sơn trước đây chỉ biết phá rừng làm nương thì ông lại là người trồng quế trên những diện tích nương rẫy đã bỏ hoang. Đồi quế của gia đình ông ngày một lan rộng, thấy chỗ nào đất trống đồi núi trọc là ông trồng quế. Điều không ai ngờ tới, cây quế đã mang lại cho gia đình ông một nguồn thu rất lớn, từ đó không chỉ người dân xã Đại Sơn mà hầu như tất cả người dân huyện Văn Yên đất chỗ nào trồng được quế là họ trồng, toàn huyện có khoảng gần 15.800 ha quế, xã Đại Sơn có gần 2.000 ha quế, riêng gia đình ông Hoàng Văn An có hơn 100 ha quế.

Mỗi năm ông An và các con ông thu hàng chục tấn quế, ông cho biết 5 người con trai của ông đều đã xây nhà tầng, những ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự rộng cả trăm mét vuông, trị giá vài ba tỷ. Tiền nhiều quá, các con ông chả biết làm gì thì xây nhà to để ở cho sướng. 

Tỷ phú trồng quế Hoàng Văn An bên ngôi nhà tiền tỷ

Khi rừng và đất rừng giao cho dân

Nhu cầu đất trồng rừng của người dân ở tỉnh Yên Bái mỗi ngày một tăng nhất là sau khi dự án trồng mới 5 triệu ha rừng triển khai. Tính đến ngày 31/12/2009 Yên Bái đã giao đất, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho các DN, hộ gia đình được 48.179 giấy, diện tích được giao là 251.197,64 ha đất rừng. Trong đó giao 120.926 ha cho các DN nhà nước, 2.867 ha cho 4 DN ngoài quốc doanh, 127.403 ha cho các hộ gia đình.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng mang đầy tính nhân văn, đã xác lập quyền làm chủ của người dân trong việc bảo vệ và trồng rừng, được đông đảo người dân tham gia và hưởng ứng. Dự án không chỉ xoá đói giảm nghèo cho rất nhiều hộ dân vùng đồng bào đặc biệt khó khăn mà còn làm thay đổi sâu sắc cuộc sống và bộ mặt nông thôn miền núi phía Bắc.

Cùng với việc giao đất rừng để các tổ chức và các hộ gia đình trồng rừng mới, tỉnh Yên Bái còn giao rừng cho các gia đình và các tổ chức kinh tế.

Từ năm 2007 đến nay tỉnh Yên Bái đã giao và cho thuê là 512.263 ha rừng, trong đó giao cho các hộ gia đình là 325.886 ha…tổng kinh phí thực hiện dự án giao rừng, cho thuê rừng là 37 tỷ đồng, trong đó năm 2011 là 13 tỷ đồng.

Rừng phòng hộ ở huyện Mù Cang Chải

Khi rừng và đất rừng được giao cho người dân và các tổ chức kinh tế thì rừng được trồng mỗi năm trung bình từ 14.000-15.000 ha. Từ năm 1999-2010 Yên Bái trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất được 138.574 ha rừng các loại, trong đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là 28.342 ha, rừng SX là 112.036 ha, đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,2% đứng thứ 3 sau tỉnh Tuyên Quang và Lào Cai.

Sau 13 năm triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, hàng trăm ngàn ha rừng được bảo vệ và trồng mới, mỗi năm Yên Bái cung cấp ra thị trường từ 200.000-250.000m3 gỗ rừng trồng các loại, 120.000 tấn tre nứa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 1.200 cơ sở chế biến gỗ, tre nứa, giá trị của ngành chế biến lâm sản khoảng 250 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 160.000 lao động, chiếm 1/4 dân số của tỉnh.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.