| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái: Đẩy nhanh cải tạo đàn đại gia súc

Thứ Ba 07/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Với lợi thế của một tỉnh miền núi, tỉnh Yên Bái có nhiều cơ hội phát triển đàn đại gia súc mang lại thu nhập cao cho người nông dân. 

Do đàn gia súc chưa được cải tạo, nên sản lượng thấp. Trung tâm Giống vật nuôi của tỉnh đang áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đây là con đường ngắn nhất để cải tạo đàn gia súc...

Tỉnh Yên Bái có tổng diện tích 6.882,9 km², nhiều huyện có khả năng phát triển đàn đại gia súc như: Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình...

Thống kê chưa đầy đủ tổng đàn trâu, bò của Yên Bái hiện nay là 116.234 con, trong đó có 18.234 con bò, khoảng 98.000 con trâu. Một vùng chăn nuôi đại gia súc lớn của khu vực miền núi phía Bắc, hằng năm Yên Bái cung cấp ra thị trường và giết mổ tại chỗ khoảng 360 tấn thịt bò, 1.100 tấn thịt trâu.

Do nhiều năm bị dịch bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng cộng với chết rét nên đàn trâu bò của Yên Bái giảm mạnh. Từ năm 2009 đến nay tỷ lệ tăng trưởng của đàn đại gia súc rất thấp, đang có nguy cơ giảm do nhiều lý do khác nhau. Tỉnh đang xốc lại ngành chăn nuôi theo hướng tăng đầu đàn kết hợp cải tạo chất lượng nhằm tăng sản lượng thịt.

Nhiều năm trước đây Yên Bái thực hiện lai tạo đàn bò theo hướng lai sind trực tiếp, đàn bò nhiều nơi đã được cải tạo, nhưng phần lớn vẫn là giống bò địa phương, bé nhỏ, sản lượng thịt thấp giá bán không cao.

Nhất là vùng cao, giống bò địa phương người dân quen gọi là “bò cắp nách” còn nhiều. Điều đó ảnh hưởng lớn tới sản lượng chăn nuôi và thu nhập của người dân.

Cùng với việc cải tạo đàn bò, tỉnh Yên Bái đã trích ngân sách mua một số con đực giống tốt cung cấp cho một số địa phương để phối giống tự nhiên, nhưng hiệu quả không cao.

10-13-03_h1
Nghé con được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo đã có giá 26 triệu đồng

Từ thực tế đó Trung tâm Giống vật nuôi của tỉnh triển khai phương pháp truyền tinh nhân tạo, nhằm đẩy nhanh tốc độ cải tạo đàn trâu bò, việc làm đó đang được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Từ năm 2011 - 2013 Trung tâm đã tổ chức phối giống được 4.186 con bò sinh sản lai Sind và Brahman. Nếu năm 2011 chỉ phối được 1.240 con bò sinh sản lai Sind, đến năm 2012 phối được 1.572 con sinh sản, bằng 114% kế hoạch, tăng 332 con so với năm 2011, có 1.323 con bê được sinh ra.

Năm 2013 phối giống 1.374 con bò sinh sản, có 1.522 con bê lai Sind được sinh ra. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2014 đã phối giống được 749 con bò sinh sản, có 572 con bê được sinh ra. Kế hoạch năm 2014 sẽ phối giống được 1.800 con bò sinh sản.

Chất lượng đàn bò lai Sind bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo, trọng lượng cao gấp 1,5 lần so với bò nội, 1,25 lần so với dùng bò dực lai Sind F1 phối giống trực tiếp. Đối với bò lai 3 máu Brahman, bê sơ sinh có trọng lượng 20 - 24 kg, 6 tháng tuổi đạt 90 kg, nặng hơn 8 - 10 kg so với bê lai Sind, lại có ngoại hình đẹp và khả năng tăng trọng nhanh.

Ông Nguyễn Huy Bái, GĐ Trung tâm Giống vật nuôi: Tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh phát triển đàn đại gia súc, ngoài việc tăng đàn tự nhiên, việc cải tạo và nâng cao chất lượng con giống để nâng cao sản lượng nhằm mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Thực hiện phương pháp truyền tinh nhân tạo là cách đi nhanh nhất cho việc cải tạo đàn đại gia súc của Yên Bái...

Dự kiến hết năm 2014 tổng số đàn bò được thay máu lai Sind và Brahman là 6.000 con. Như vậy, chỉ trong 4 năm số lượng đàn bò lai tăng theo phương pháp truyền tinh nhân tạo được coi là “đột biến” bất ngờ ở tỉnh Yên Bái. Nhiều khu vực chăn nuôi đã giết mổ những con bò đực giống để chuyển sang thụ tinh nhân tạo.

Cùng với việc cải tạo đàn bò, từ tháng 7/2012 Trung tâm Giống vật nuôi Yên Bái đã nhập tinh giống trâu Murrah và giống trâu nội đã tuyển chọn kỹ áp dụng truyền tinh nhân tạo cho đàn trâu, nhằm cải tạo nhanh đàn trâu nội.

Năm 2012 Trung tâm đã phối được 20 con, năm 2013 phối được 150 con, 9 tháng đầu năm 2014 đã phối được 178 con. Những con nghé sinh ra khoẻ mạnh, trọng lượng đều đạt 30 - 34 kg, phát triển nhanh.

Việc phối giống cho đàn trâu theo phương pháp truyền tinh nhân tạo đang được người dân hưởng ứng, nhất là đối với vùng thấp các gia đình chăn thả theo phương pháp nuôi nhốt mang lại hiệu quả cao.

10-13-03_h2
Bê lai sinh ra từ thụ tinh nhân tạo có tầm vóc lớn hơn cả mẹ

Ông Nguyễn Tiến Liệu, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho biết: "Mấy năm gần đây giá trâu tăng không ngờ, một con nghé 9 - 10 tháng tuổi có giá 18 - 20 triệu đồng. Tính ra việc nuôi trâu sinh sản không chỉ giải quyết sức kéo, phân bón mà còn giúp cho gia đình có món tiền không nhỏ để làm được nhiều việc của người nông dân. Việc phối giống nhân tạo cho trâu đang được người dân mong đợi...".

Thấy được giá trị to lớn của việc truyền tinh nhân tạo, huyện Lục Yên đã đăng ký truyền tinh cho 100 con trâu từ tháng 8/2014 - 9/2015. Năm 2015 tỉnh Yên Bái hỗ trợ kinh phí để truyền tinh nhân tạo cho 550 con trâu cái sinh sản.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất