| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái thức dậy

Thứ Hai 26/10/2015 , 20:24 (GMT+7)

Nằm ở trung tâm khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Yên Bái giống như “Nàng công chúa ngủ trong rừng” bất chợt thức dậy khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành.

Yên Bái đang trở thành vùng đất nhiệm màu có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư…

Nút giao thông kim cương

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa phận tỉnh Yên Bái 83 km với 4 nút giao: IC12, IC13, IC14 và IC15. Hiện đã hoàn thành 2 nút giao là IC12 và IC14, hai nút giao còn lại sẽ xây dựng vào giai đoạn II.

Trong 4 nút giao đó, nút IC12 được ví là “nút giao thông kim cương” kết nối với TP Yên Bái qua tuyến đường Tránh ngập. Đây là nút giao thông cuối cùng của giai đoạn I tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khánh thành ngày 1/6/2015. Nút giao thông IC12 đưa vào sử dụng, kết nối tỉnh Yên Bái với Hà Nội và các thành phố lớn cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân ngày càng thuận tiện hơn.

Đường Tránh ngập kết nối TP Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chiều dài 10,3km, mặt đường rộng 21m, có tổng mức đầu tư là 996 tỷ đồng. Đây là con đường đẹp nhất, hiện đại nhất tỉnh Yên Bái, khởi đầu của “con đường tơ lụa” kết nối Tây Bắc tới các tỉnh đồng bằng cũng như với nước láng giềng Trung Quốc.

Đoạn đường từ Yên Bái về Hà Nội trước đây đi theo qua QL2 và QL32C có độ dài từ 165-170km, nay qua tuyến cao tốc rút xuống chỉ còn 125km, tuyến Yên Bái - Lào Cai cũng chỉ còn 140km. Do đoạn đường được rút ngắn như vậy nên thời gian từ TP Yên Bái về Nội Bài chỉ hơn một giờ xe chạy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với một câu nói rất hình ảnh: Thông qua tuyến đường cao tốc tỉnh Yên Bái đã có cảng hàng không… Nếu so sánh thời gian từ nội thành TP Hà Nội ra tới sân bay Nội Bài thì câu nói đó rất đúng.

Nút giao IC12 là nút giao thông mở, qua TP Yên Bái có thể đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ lợi thế đó, tỉnh Yên Bái quy hoạch 200 ha để xây dựng quanh nút giao IC12 khu thương mại tổng hợp với hệ thống nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí không chỉ phục vụ người dân Yên Bái mà còn phục vụ hành khách tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Sân golf Ngôi Sao Yên Bái với 27 lỗ xây dựng cạnh đầm Hậu, diện tích 195ha; Khu nghỉ dưỡng, du lịch Vân Hội; Khu chế biến nông, lâm sản công nghệ cao phục vụ xuất khẩu…

Tiềm năng dồi dào và hiếm có

Tỉnh Yên Bái có diện tích 6.882km2, nằm dọc hai bờ sông Hồng, là vùng đất giao thoa giữa hai vùng khí hậu Đông Bắc và Tây Bắc, đã tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, một lợi thế để phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng vùng mà không tỉnh miền núi nào có được.

19-03-56_2
Ông Phạm Sĩ Quý- PGĐ sở Tài nguyên-MT trình bày khu vực dự kiến đầu tư xung quanh nút giao thông IC12 với lãnh đạo tỉnh Yên Bái

Những sản phẩm nông nghiệp nổi bật của Yên Bái đó là: Chè hơn 13.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt từ 75.000-80.000 tấn/năm, chế biến 19.000-22.000 tấn chè đen, xanh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới: Nga, Anh, I rắc, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan…; quế 40.000 ha, chất lượng quế Yên Bái được đánh giá là cao nhất nước, mỗi năm xuất bán khoảng 10.000 tấn vỏ quế, 300 tấn tinh dầu, gỗ quế ngoài làm ván ghép thanh, vỏ bao bì còn chế biến thành hàng gia dụng, mỹ nghệ với trên 45.000 m3/năm.

Cây quế mang lại cho người dân Yên Bái gần 500 tỷ đồng/năm; cây ăn quả 8.500 ha, hơn 200.000 ha rừng nguyên liệu giấy… Ngoài ra thiên nhiên phóng khoáng còn ban tặng cho Yên Bái nhiều sản vật quý giá: Nếp thơm Tú Lệ, cam sành Lục Yên, nhãn, quýt Văn Chấn, sơn tra Mù Cang Chải...

Yên Bái có nhiều khoáng sản: Sắt, thạch anh, fenspats, chì, kẽm, đá vôi trắng... Đặc biệt quặng sắt từ chỉ Yên Bái mới có, với trữ lượng hàng trăm triệu tấn để phối trộn với quặng sắt không từ luyện ra những loại gang, thép chất lượng phục vụ công nghiệp chế tạo máy. Đây là loại quặng sắt cấm xuất khẩu, có giá cao hơn rất nhiều so với quặng sắt không từ.

Đá vôi trắng Lục Yên từ lâu đã nổi tiếng do độ mịn và tỷ lệ trắng cao tới 93-95% được đánh giá là tốt nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp trong nước và thế giới đã xin phép đầu tư khai thác, mỗi năm chế biến và xuất khẩu hàng ngàn mét khối. Ngoài ra Yên Bái còn có mỏ đá hoa Suối Giàng với trữ lượng hàng trăm ngàn mét khối, một tiềm năng to lớn chưa được đánh thức.

Làn sóng đầu tư mới

Tỉnh Yên Bái hiện có 5 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia, với tổng diện tích 794 ha. Trong 5 năm qua đã thu hút được 167 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 16.800 tỷ đồng và 99 triệu USD, nâng tổng số dự án lên 356 dự án với số vốn đăng ký đầu tư 36.700 tỷ đồng và 130 triệu USD.

Năm 2015 khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới là Cty Quốc tế Vina KNF xây dựng nhà máy may XK đặt tại cụm công nghiệp Cổ Phúc (Trấn Yên) với diện tích thuê đất 3,5ha, công suất 16 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 189 tỷ đồng. Cty dự kiến thu hút khoảng 2.000-3.500 lao động, hiện công ty đang tiến hành xây dựng nhà xưởng để năm 2016 bắt tay vào SX.

19-03-56_3
“Nút giao thông kim cương” IC12 trong ngày khánh thành

Cty Dae Seung Global đang xây dựng nhà máy may XK tại cụm công nghiệp Thịnh Hưng (Yên Bình), diện tích thuê đất 3 ha, tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, giai đoạn I sử dụng từ 1.500-2.000 lao động, hiện đã đi vào hoạt động.

Dự án đầu tư nhà máy may mặc XK của Cty Unico Global Yên Bái đã bắt đầu khởi động tại khu công nghiệp Âu Lâu (TP Yên Bái) có tổng mức đầu tư 252 tỷ đồng.

Ngày 15/10/2015 Chủ tịch tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư cho Cty Nippon Zoki (Nhật Bản) triển khai dự án đầu tư chăn nuôi chế biến thỏ công nghệ cao. Theo dự án này Cty đầu tư 1.700 tỷ đồng xây dựng khu vực chăn nuôi và nhà máy chế biến thỏ tại xã Thượng Bằng La (Văn Chấn). Công suất của dự án, cung cấp 15.000 thỏ/ngày, trong đó cung cấp 5.000 thỏ cho nhà máy Công nghệ sinh học đặt tại Quế Võ, Bắc Ninh và gia công chế biến 10.000 thỏ XK sang các nước Châu Âu và các nước khác.

Theo dự án này Cty Nippon Zoki đang độc quyền SX thuốc Neurotropin sử dụng phòng chống lão hóa và thần kinh cho người, nguyên liệu lấy từ não thỏ trắng Newzealand không bệnh tật.

Các DN trong nước không bỏ lỡ cơ hội đầu tư và chậm chân hơn so với các nhà đầu tư nước ngoài, Cty may Chiến Thắng đã mở 2 nhà máy may XK tại TX Nghĩa Lộ và TP Yên Bái với tổng vốn đầu tư 82 tỷ đồng.

Cty CP Sân golf Ngôi Sao Yên Bái cũng đang tiến hành triển khai dự án sân golf 27 lỗ tại khu vực đầm Hậu, xã Minh Quân (Trấn Yên), với tổng mức đầu tư 683 tỷ đồng.

Tập đoànVinGroup cũng đã để mắt tới Yên Bái, dự án đầu tiên tập đoàn dự kiến triển khai là xây dựng là Trung tâm Thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố thương mại Shop-House, tổng mức đầu tư 685,3 tỷ đồng. Ngoài ra khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp du lịch tâm linh, dự kiến triển khai tại đầm Vân Hội (Trấn Yên) cũng đang được tiến hành khảo sát lập dự án, nhằm đánh thức một vùng đất đẹp mê hồn đầy tiềm năng du lịch đang ngủ quên trong rừng…

Ông Đoàn Hữu Phung - PGĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái:

19-03-56_4

Với những tiềm năng và lợi thế của tỉnh Yên Bái trên cơ sở phát huy tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai liên kết giữa các vùng nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Yên Bái đang triển khai xây dựng 7 tuyến đường kết nối với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La.

Không phân biệt đối xử với các nhà đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng trong việc cấp giấy phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh…để nhà đầu tư triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất dự án đầu tư…

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên

Ngày 21/4, Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm