| Hotline: 0983.970.780

Yên tâm sản xuất mía

Thứ Năm 04/10/2012 , 09:43 (GMT+7)

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích khoảng 15.000 ha.

Máy bơm công suất lớn do CASUCO tài trợ cho xã Hiệp Hưng

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích khoảng 15.000 ha. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích mía được trồng ở vùng trũng nên năm nào người dân cũng phải thu hoạch mía chạy lũ.

Mía chưa đủ độ chín nên năng suất và chữ đường rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Để tránh tình trạng này, tỉnh đã đầu tư 153 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao và vận động doanh nghiệp tài trợ máy bơm chống ngập úng cho vùng mía nguyên liệu, giúp nông dân yên tâm SX.

Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) vừa làm lễ bàn giao máy bơm công suất lớn cho những hộ nông dân trồng mía ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) để bơm rút nước chống úng cho vùng mía nguyên liệu, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch.

Đây là 1 trong tổng số 15 chiếc máy bơm mà Cty dự kiến sẽ đầu tư trong năm nay cho các vùng đê bao bảo vệ mía đang được khẩn trương hoàn thành ở huyện Phụng Hiệp, với tổng trị giá trên 1,1 tỷ đồng. Ông Phan Văn Tâm, một hộ dân trồng mía ở ấp Quyết Thắng vui mừng: “Có được hệ thống đê bao và máy bơm chống ngập úng cho cây mía nông dân chúng tôi ai cũng phấn khởi. Trước đây có năm lũ về sớm, mía mới 7-8 tháng đã phải thu hoạch, giờ có thể neo lên 10-11 tháng, khi đó năng suất và chữ đường đều cao nên bán sẽ đạt lợi nhuận tối ưu nhất”.

Theo ông Tâm, với hệ thống đê bao hoàn chỉnh này, nông dân không chỉ chủ động về thời gian thu hoạch mà cả trong khâu xuống giống mía vụ mới. Do không có máy bơm nên mọi năm phải xuống giống 2-3 lần mới xong, có khi vừa đặt mía hom vài ngày là bị mưa lớn gây ngập úng buộc phải dỡ lên. Vừa tốn công vừa tốn giống. Giờ thì yên tâm rồi.

Đây sẽ là tiền đề để tiến tới cơ giới hóa trong SX mía. Do không bị ngập lũ nên nông dân có thể san lấp để tạo ra liếp mía lớn hơn, giúp dễ dàng đưa các loại máy đào hộc xuống giống, bón phân, máy thu hoạch mía vào hoạt động. Từ đó góp phần làm hạ giá thành SX, nâng cao thu nhập...

Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 (năng suất mía đạt từ 200 tấn/ha trở lên do CASUCO thành lập) ở ấp Quyết Thắng chia sẻ: “Hàng chục năm nay, cứ mỗi khi mùa mưa lũ về là nông dân trồng mía ở đây lại nơm nớp lo sợ. Vì nước ngập bờ là buộc phải thu hoạch dù mía còn non, bán không có giá… Giờ có được hệ thống đê bao hoàn chỉnh, nước lên thì chỉ việc nổ máy bơm ra là xong, yên tâm chờ tới ngày mía chín. Do không còn áp lực thu hoạch mía chạy lũ nên nông dân có thể thu hoạch rải vụ, tránh được tình trạng thiếu nhân công”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Trần Văn Thắng cho biết, Phụng Hiệp là huyện chuyên SX nông nghiệp với cây trồng, vật nuôi chủ lực là mía, lúa và thủy sản. Riêng về cây mía, toàn huyện có hơn 9.000 ha, phần lớn đều bị ảnh hưởng khi lũ về. Do đó, trước mắt tỉnh đã đầu tư hệ thống đê bao cho hơn 5.000 ha thuộc địa bàn các xã Hòa An, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Cây Dương và Búng Tàu. Đồng thời vận động DN tài trợ máy bơm cho nông dân ở những vùng mía nguyên liệu đã đầu tư. Đây sẽ là cơ hội tốt cho nông dân yên tâm trồng mía, vì đã chủ động được từ khâu xuống giống đến thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang khẳng định, việc đầu tư hệ thống đê bao bảo vệ vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt. Nông dân sẽ chủ động được thời vụ xuống giống cũng như thu hoạch, mía đủ độ chín nên sẽ góp phần tăng thu nhập. Nguồn nguyên liệu tăng lên sẽ góp phần làm tăng sản lượng đường, nhà máy cũng có lợi.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất