| Hotline: 0983.970.780

Yên Thành thu hút nguồn lực ngoại hối

Thứ Sáu 25/10/2019 , 13:42 (GMT+7)

Ông Phan Minh Khuê, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, tính đến 31/07/2018, trên địa bàn huyện có 15.287 người đi xuất khẩu lao động tại nhiều nước trên thế giới. Trong đó, số người làm ăn ở Đài Loan, Nhật Bản và Lào chiếm số đông nhất.

Vươn lên giàu mạnh nhờ XKLĐ

Nguồn lực ngoại hối đã giúp cho xã Đô Thành (Yên Thành) giàu có, văn minh.

Cũng theo ông Khuê, trong 12 tháng (từ tháng 8 năm 2017 đến tháng 7 năm 2018), số tiền mà lao động xuất khẩu ở nước ngoài gửi về đạt gần 200 triệu USD. Bình quân một lao động ở nước ngoài gửi về một tháng gần 26 triệu đồng. Một số nước có tiền gửi về bình quân một tháng tương đối cao như: Anh 69 triệu đồng; Australia 55 triệu đồng; Mỹ 54 triệu đồng; Canada 44 triệu đồng…  

Với việc chi phí thấp, dễ đi và có thu nhập cao nên những năm gần đây lao động ở một số xã đã chuyển sang các nước có thu nhập cao như Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Tiêu biểu là các xã: Sơn Thành, Công Thành, Bảo Thành, Viên Thành, Hồng Thành, Đô Thành, Mã Thành, Đức Thành, Thọ Thành, Mỹ Thành, Liên Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Nam Thành, Phú Thành…

Theo hướng dẫn của Tổng Cục Thống kê về tính thu nhập bình quân đầu người/năm, số tiền lao động đi nước ngoài, xuất khẩu lao động gửi về được tính  từ 20 – 30% cho chi tiêu dùng, sinh hoạt được tính vào thu nhập, số còn lại tái đầu tư sản xuất kinh doanh vào lĩnh vực nào thì tính giá trị sản xuất cho ngành, lĩnh vực đó. Trên cơ sở này Chi cục Thống kê huyện Yên Thành đã tính toán cụ thể cho từng xã, Thị trấn, xin ý kiến phản hồi của lãnh đạo các xã, Thị Trấn và đã đi đến thống nhất số liệu.

Như vậy với tổng số tiền gửi về trong 12 tháng qua là 4.690.980 triệu đồng x 30% = 1.407.294 triệu đồng được tính vào thu nhập. Trên cơ sở đó thu nhập bình quân đầu người ước tính năm 2018 trên địa bàn huyện Yên Thành ước đạt 38 triệu đồng/người/năm.

Theo giới thiệu của ông Khuê, chúng tôi về xã Mã Thành một trong những địa phương có số người đi XKLĐ chiếm tỷ lệ cao của huyện. Trước đây Mã Thành là xã nghèo vùng núi, cuộc sống người dân rất khó khăn vì thu nhập của các hộ dân chỉ trông chờ vào những vụ màu. Khi thấy nhiều người ở các địa phương khác đi XKLĐ có điều kiện nên lần lượt các lao động chính của xã đăng ký đi ra nước ngoài với khát vọng thoát nghèo.

Một người dân ở xóm Đồng Bàu chia sẻ, trước đây gia đình rất khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, 8 năm nay, cho 2 người con đi xuất khẩu lao động ở Đức thì cuộc sống khá hẳn lên. Mỗi năm 2 người con gửi về khoảng 1 tỷ đồng. Từ đó, nhiều gia đình khác cũng làm theo và đến bây giờ hầu hết nhà cửa trong xã đều đã được xây dựng mới khang trang, đủ đầy tiện nghi sinh hoạt.

Đến thời điểm này toàn xã Mã Thành có gần 2.000 lao động xuất khẩu và lượng tiền chuyển về đạt trên 153 tỷ đồng/năm, quả là rất lớn so với một xã nghèo. Dân giàu nhờ XKLĐ nên tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 12,5% năm 2015 xuống còn 3,68% năm 2018.

Cùng với Mã Thành thì xã Đô Thành cũng là địa phương thoát nghèo, vươn lên giàu mạnh nhờ XKLĐ. Đô Thành hiện có hơn 330 nhà giàu có từ 10 tỷ đồng trở lên. Hầu hết nhà cửa được xây dựng khang trang, nhà tầng, trên 400 xe ô tô các loại.
 

Thu hút DN đầu tư để đất lúa luôn xanh

Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên nói với chúng tôi rằng, là huyện trọng điểm nông nghiệp, độc canh cây lúa nhưng giá đất ở lại rất cao. Nôm na là đất ở nông thôn mà dùng tiền đô để giao dịch. Vì thế mà, dân giàu nhờ ngoại hối, nước mạnh nhờ nguồn lực trong dân.

Không gian sống sang trọng ở vùng nông thôn xã Sơn Thành (Yên Thành).

Để người dân khi ra nước ngoài làm việc tốt, địa phương luôn khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong nước và cả nước nơi mình làm việc. Giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về vay vốn, hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động tham gia XKLĐ.

Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động người lao động làm việc tại thị trường Hàn Quốc về nước đúng hạn, cung cấp danh sách lao động hết hợp đồng, sắp hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc cho các xã, thị trấn để tuyên truyền vận động người lao động về nước nhằm giảm tỷ lệ lao động sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Cũng theo ông Tuyên, Yên Thành tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu lao động theo hướng duy trì các thị trường truyền thống có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời giới thiệu những đơn hàng mới, thị trường mới trong đó đặc biệt quan tâm đến lao động xuất khẩu theo chương trình thực tập kỹ thuật ở Đức, điều dưỡng ở Nhật Bản, lao động kết hợp kỳ nghỉ ở Australia...

Trả lời câu hỏi, phần lớn lao động chính đi xuất khẩu, địa phương trọng điểm SXNN, vậy làm cách nào để “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”? Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện nói, Yên Thành được biết đến với thế mạnh cây lúa đóng vai trò chủ lực. Vì thế, việc thay đổi cách làm để đất không được nghỉ mà giá trị kinh tế được nâng cao, cách tốt nhất là thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gắn với công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm. 

Xác định rõ quan điểm như vậy nên môi trường đầu tư ở Yên Thành luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Chẳng hạn như Tập đoàn TH cam kết đầu tư 4.000 – 6.000 ha lúa chất lượng cao với tổng mức 3.000 tỷ đồng.  

Trong năm 2018 Tập đoàn TH đầu tư, liên kết hợp tác sản xuất thử nghiệm trên 100 ha lúa chất lượng cao theo 2 hình thức là liên kết với nông dân và thuê lại đất, sử dụng người lao động của địa phương, người dân được đảm bảo mức thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí.

Cụ thể, TH đưa giống lúa thuần QJ1, do Viện Nông nghiệp hữu cơ chọn tạo vào sản xuất. Gạo của giống lúa này là nguyên liệu để chế biến các sản phẩm mang thương hiệu TH như: Sữa gạo, bánh kẹo và gạo hàng hóa chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Bằng cách làm này cây lúa Yên Thành sẽ được nâng tầm lên vị thế mới, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất các giống lúa thông thường trước đây. Với đà phát triển này, Yên Thành đang phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển cây lúa theo hướng hàng hóa lớn, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Việc thu hút nguồn lực từ ngoại hối để nâng cao cho đời sống người dân, từ đó, đất đai trong huyện cũng được nâng giá trị khai thác khi chính quyền biết thu hút đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Cách làm sáng tạo và quyết liệt này đang giúp cho vùng nông nghiệp trọng điểm của Yên Thành vươn lên giàu mạnh, trở thành điểm sáng của tỉnh Nghệ An.

Trong năm 2019, Tập đoàn TH sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền nhà máy chế biến gạo với quy mô lớn, huyện Yên Thành sẽ mở rộng quy mô diện tích từ 5.000 – 6.000 ha ở 12 xã. Tập đoàn TH cung ứng giống và các chế phẩm sinh học xử lý hạt giống hướng dẫn KHKT. Đồng thời cam kết thu mua toàn bộ thóc tươi tại ruộng, đảm bảo an toàn sau thu hoạch, tạo sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất theo chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất