| Hotline: 0983.970.780

Yên Thế xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia cầm

Thứ Ba 27/04/2021 , 17:47 (GMT+7)

Bắc Giang sẽ xây dựng toàn huyện Yên Thế trở thành cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm và bệnh newcastle trên gia cầm trong giai đoạn 2021 – 2022.

Toàn huyện Yên Thế trở thành cơ sở an toàn dịch bệnh

Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, Cục Thú y và UBND huyện Yên Thế vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên trong thực hiện đề án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) cúm gia cầm và newcastle đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế giai đoạn 2021-2025.

Ông Dương Thanh Tùng (bìa trái), Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, ông Phạm Văn Đông (giữa), Cục trưởng Cục Thú y và ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế ký biên bản gi nhớ. Ảnh: Trung Quân.

Ông Dương Thanh Tùng (bìa trái), Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, ông Phạm Văn Đông (giữa), Cục trưởng Cục Thú y và ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế ký biên bản gi nhớ. Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm xây dựng vùng chăn nuôi ATDB đối với bệnh cúm gia cầm (CGC) và newcastle trên gà tại huyện Yên Thế, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Cụ thể, thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi ATDB đối với bệnh CGC và newcastle trên gà tại huyện Yên Thế; giám sát định kỳ hàng năm, duy trì điều kiện vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh sau khi được chứng nhận.

Đề án đặt kế hoạch xây dựng 30 trang trại gà ATDB trong năm 2021; đưa 19/19 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế trở thành cơ sở ATDB trong giai đoạn 2021 – 2022. Hoàn thành việc khống chế CGC, newcastle ở quy mô nông hộ và trang trại. Hoàn tất hồ sơ về vùng ATDB cúm gia cầm, newcastle trên gà tại huyện Yên Thế, đề nghị Cục Thú y thẩm định, công nhận trong năm 2022...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Việc xây dựng cơ sở ATDB sẽ hạn chế được các bệnh truyền nhiễm, nâng cao tỷ lệ sống của vật nuôi, giảm chi phí thú y, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng giảm thiểu được nhiều chi phí cho công tác chống dịch, tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh so với trước đây.

Việc xây dựng cơ sở ATDB có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững, ATDB, nâng cao giá trị sản phẩm.

Lãnh đạo Cục Thú y, Sở NN-PTNT Bắc Giang và UBND huyện Yên Thế thăm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghiệp tập trung tại huyện Yên Thế. Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Cục Thú y, Sở NN-PTNT Bắc Giang và UBND huyện Yên Thế thăm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghiệp tập trung tại huyện Yên Thế. Ảnh: Trung Quân.

Các cơ sở được cấp chứng nhận ATDB sẽ giúp ổn định sản xuất, đảm bảo được việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đồng thời, việc giảm sử dụng thuốc thú y tại các cơ sở chăn nuôi sẽ góp phần làm giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên động vật và trên người, hạn chế các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp quản lý chất thải chăn nuôi tại các cơ sở ATDB, an toàn sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ông Bạch Trọng Tọa, Giám đốc Trung tâm gà giống gốc Dabaco Yên Thế chia sẻ: Bắc Giang nói chung và huyện Yên Thế nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà quy mô lớn.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân còn chăn nuôi theo thói quen nông hộ, hiệu quả mang lại thấp, tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc xử lý chất thải ra môi trường còn nhiều hạn chế. Sản phẩm đưa ra thị trường chưa được kiểm soát, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu gà đồi Yên Thế...

Vì vậy, doanh nghiệp rất mong muốn sớm xây dựng được vùng sản xuất ATDB, tạo nguồn cung nguyên liệu dồi dào để tập đoàn có cơ sở nhập gà với số lượng lớn, đảm bảo nhà máy chế biến vận hành ổn định.

Cơ hội tái cơ cấu chăn nuôi quy mô lớn

Bắc Giang là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, tính đến thời điểm tháng 7 năm 2020, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt hơn 18 triệu con, trong đó đàn gà hơn 15,7 triệu con (chiếm 87% tổng đàn gia cầm). Huyện Yên Thế, là địa phương chăn nuôi gà lớn nhất tỉnh, với trên 1.000 hộ chăn nuôi gà, quy mô tổng đàn hàng năm là hơn 4 triệu con. Giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục Thú y, Sở NN-PTNT Bắc Giang và huyện Yên Thế tham quan một số sản phẩm gia cầm chế biến của DABACO tại huyện Yên Thế. Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Cục Thú y, Sở NN-PTNT Bắc Giang và huyện Yên Thế tham quan một số sản phẩm gia cầm chế biến của DABACO tại huyện Yên Thế. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành chăn nuôi chịu rất nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sự thay đổi thất thường của thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của vật nuôi, làm tăng nguy cơ phát sinh các loài dịch bệnh, đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi có điều kiện nuôi dưỡng và phòng bệnh kém.

Nhiều loại dịch bệnh vẫn luôn là mối nguy hại thường trực cho các hộ chăn nuôi như: Newcastle, tụ huyết trùng, phó thương hàn… Đặc biệt, bệnh CGC đang có những diễn biến rất phức tạp, nhiều biến chủng có thể lây nhiễm sang người, nguy hại lớn tới sức khỏe cộng đồng.

Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang đánh giá: Trong chăn nuôi, lấy phòng bệnh là khâu then chốt. Bệnh dịch nói chung và bệnh CGC, newcastle nói riêng gây thiệt hại rất lớn cho các hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, hệ thống thú y ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn do tỉnh Bắc Giang đã thực hiện sát nhập trạm chăn nuôi và thú y, trạm bảo BVTV và trạm khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện.

Vì vậy, việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y với các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh và quản lý nhà nước còn nhiều bất cập.

Thực tế cho thấy, hệ thống thú y cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc cập nhật thường xuyên, nhanh chóng tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, quản lý giám sát dịch bệnh tới các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là cơ hội để huyện Yên Thế tiến một bước mới chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là cơ hội để huyện Yên Thế tiến một bước mới chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng: Sự thành công của dự án lần này sẽ là cơ sở thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hình thành các trang trại tập trung quy mô lớn. Tạo chuỗi sản xuất khép kín, bền vững gắn với thị trường, cung cấp những sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các nước.

Cũng theo ông Đông, để đề án xây dựng vùng ATDB thành công, công tác chỉ đạo đóng vai trò tiên quyết, các đơn vị phải vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng.

Bên cạnh đó, huyện Yên Thế cần tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ chăn nuôi nông hộ sang hình thức trang trại, chủ động cử cán bộ có chuyên môn bám sát diễn biến của dịch bệnh, sớm có biện pháp phòng trừ, với phương châm "phòng hơn chống".

Chính vì vậy, việc củng cố hệ thống thú y, nhất là hệ thống thú y cơ sở cần được đặc biệt quan tâm. Bởi hệ thống thú y ở nhiều địa phương đang có hiện tượng bị đứt gãy nhất là ở các huyện, xã…

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: Cục Thú y sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương của tỉnh Bắc Giang trong việc hình thành nhiều vùng chăn nuôi ATDB, làm cơ sở để lan tỏa ra các tỉnh trong cả nước, tạo nên “cuộc khởi nghĩa mới trong chăn nuôi”!

Để làm được điều này, cần tập trung tháo gỡ 6 nút thắt: Tạo chuỗi liên kết phát triển bền vững; có sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức, cá nhân theo chuỗi khép kín; tạo được thị trường tiêu thụ có niềm tin, có uy tín cao; tạo ra sản phẩm có chi phí thấp nhất có sức cạnh tranh cao nhất; tạo ra sản phẩm có chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; tạo ra sản phẩm thịt gà có chất lượng cao nhất, gây dựng được lòng tin với người tiêu dùng...

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.