| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt sai phạm đất nông, lâm trường ở Hà Giang:

Yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm

Thứ Hai 25/06/2018 , 10:05 (GMT+7)

Trong quá trình thanh tra việc quản lý và sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại tỉnh Hà Giang, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm.

Hàng loạt sai phạm về đất nông, lâm trường ở Hà Giang

Theo đó, trong giai đoạn từ 2003 đến 2016, về công tác giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ, đất đai do các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng tại tỉnh Hà Giang, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ rõ trách nhiệm trực tiếp của một số lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành liên quan.

Cụ thể, về công tác quản lý, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã để xảy ra thực trạng đất nông, lâm trường quốc doanh chủ yếu được giao trên bản đồ, không thực hiện đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới cụ thể trên thực địa. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng đất, giao đất cũng không cụ thể, căn cứ để quản lý, giao đất là các bản đồ có độ chính xác thấp… Các vấn đề nổi cộm tập trung tại 4 doanh nghiệp gồm Cty Lâm nghiệp Cầu Ham, Cty Lâm nghiệp Ngòi Sảo, Cty Lâm nghiệp Vĩnh Hảo (3 doanh nghiệp này trực thuộc TCty Giấy Việt Nam) và Cty CP chè Hùng An.

Cụ thể, tại diện tích 17,42ha đất thuộc Cty Lâm nghiệp Vĩnh Hảo (7,71ha) và Cty CP chè Hùng An (9,71ha) đã xảy ra tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền từ năm 1993 nhưng đến thời điểm hiện tại, đã hơn 25 năm nhưng UBND tỉnh Hà Giang vẫn chưa chỉ đạo thu hồi theo quy định.

Tương tự, UBND tỉnh Hà Giang từng thu hồi để điều chỉnh từ 14.213,1ha xuống còn 10.210,61ha đối với 3 Cty lâm nghiệp Cầu Ham, Ngòi Sảo, Vĩnh Hảo nhưng lại chưa thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của những doanh nghiệp này để điều chỉnh diện tích, tên người sử dụng, dẫn đến tình trạng, sổ đỏ một đằng, đất một nẻo và tình trạng tranh chấp...

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Giang đã thu hồi diện tích đất các nông, lâm trường nhưng lại chưa tiến hành giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Cụ thể như 4.732,51ha đất thu hồi từ 3 Cty lâm nghiệp đã giao cho UBND huyện Bắc Quang và Quang Bình quản lý nhưng chưa tiến hành giao cho dân. Thậm chí, đối với diện tích 2.780,98ha mà 3 công ty đề nghị giao lại cho địa phương theo phương án sử dụng đất từ năm 2015 nhưng Sở TN-MT Hà Giang vẫn chưa hoàn thiện phương án sử dụng. Các ngành chức năng Hà Giang còn để UBND huyện Yên Minh sử dụng 0,998ha đất vườn ươm đã giao BQL rừng phòng hộ Yên Minh quản lý để giao lại cho Trung tâm dạy nghề xây dựng huyện Yên Minh nhưng không có quyết định thu hồi đất, giao đất.

Về công tác xử lý, giải quyết xâm canh đất, đã để xẩy ra việc tranh chấp, lấn chiếm đối với diện tích 359,54ha đất tại 4 công ty. Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có Cty CP chè Hùng An đã thực hiện 3,46ha, huyện Quang Bình xử lý 12,65ha, còn diện tích 346,89ha tại huyện Bắc Quang vẫn chưa được triển khai, thực hiện các thủ tục giải quyết dứt điểm…

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016, tỉnh Hà Giang chỉ tổ chức 4 cuộc thanh tra tại 4 đơn vị doanh nghiệp, trong khi đó, đối với đất rừng phòng hộ không tổ chức cuộc thanh tra nào. “Việc phát hiện vi phạm qua thanh tra chưa được quan tâm, xử lý kịp thời, kết quả còn hạn chế”, TTCP chỉ rõ.

Từ những sai phạm, khiếm khuyết của Hà Giang, TTCP yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân về những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn.

Sau khi có kết luận của TTCP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu xem xét bổ sung trách nhiệm của TCty Giấy Việt Nam theo ý kiến của Bộ NN-PTNT tại văn bản ngày 1/3/2018. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tổ chức thực hiện các kiến nghị của Thanh tra, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8/2018.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất