| Hotline: 0983.970.780

Yêu chỉ bằng lời nói có kết cục gì?

Thứ Bảy 28/11/2020 , 10:01 (GMT+7)

Vợ tôi tên Thúy Hoa, nhưng tôi thường gọi cô ấy là Thúy Kiều. Gọi thế không phải vì thuận từ Thúy, mà là vợ tôi có nhiều ưu điểm giống Thúy Kiều.

Vợ tôi không chỉ đẹp, mà còn giỏi cả cẩm, kỳ, thi, họa. Bởi vậy, trách sao tôi chẳng rất yêu  cô ấy. Hiện tại, nghề chính của cô ấy là họa sĩ, nhưng cô ấy vẫn thường viết truyện, làm thơ...

Hai chúng tôi chơi với nhau từ thuở còn tắm mưa ở... trần. Từ nhỏ, vợ tôi đã bộc lộ rõ năng khiếu về hội họa, thẩm mỹ. Mới 5 tuổi, cầm một cục đất sét, cô ấy đã biết nặn thành hình con gà, con vịt, cái nồi... rất giồng và cũng rất đẹp.

Lớn hơn một tí, cô ấy bắt đầu biết mộng mơ, yêu cỏ cây hoa lá. Cô ấy cứ mơ, sau này lớn lên sẽ làm họa sĩ, vẽ lại cảnh đẹp của quê hương, của thiên nhiên... Còn tôi thì ngược lại. Tôi mơ ước được làm bác sĩ, để chữa bệnh cho mọi người. Rất may là chúng tôi đều học giỏi, nên cả hai đếu thực hiện được ước mơ.

Ngoài ước mơ được làm bác sĩ, tôi một mơ ước cháy bỏng khác, đó là được cưới Thúy Hoa làm vợ. Và rồi, ước mơ này cũng đã trở thành hiện thực, sau khi cả hai đã tốt nghiệp đại học. Cả hai chúng tôi đều rất vui mừng, hân hoan.

Thế nhưng, trở thành vợ chồng, đời sống thực tế đã khác nhiều so với những ước mơ thời học sinh, sinh viên, lại càng khác xa với thơ văn, hội họa của Thúy Hoa. Về kinh tế, chúng tôi không gặp khó khăn, vì cả hai đều có thu nhập khá. Có chăng, chỉ là bất hòa từ công việc của hai đứa, chính xác hơn là nghề nghiệp của Thúy Hoa.

Đã làm vợ rồi, mà Thúy Hoa vẫn suốt ngày chỉ biết đến cây cọ và dĩa mực. Ngoài giờ dạy vẽ ở hội mỹ thuật, cô ấy hết rong ruổi tìm cảnh đẹp, tìm cảm hứng lại dán mắt vào vẽ tranh.

Mà mỗi khi cô ấy có ý tưởng, có cảm hứng thì cứ như người... cõi trên, không còn biết mình là ai, bên mình có ai, người đó cần gì.

Cô ấy mải mê, bỏ mặc chồng, bỏ cả ăn uống. Có khi đến mấy tháng liền như vậy. Cô ấy chỉ luôn miệng an ủi tôi: "Chồng yêu, thông cảm cho công việc của em nghe. Không thể để đứt mạch cảm xúc được. Nghệ thuật mà. Xong rồi, em sẽ bù cho anh... "

Vậy là tôi cứ bị lãng quên, ngay bên vợ mình, trong chính căn nhà của mình. Cơm nước, quần áo, nhà cửa tôi tự lo. Cô ấy có đề nghị thuê người giúp việc, nhưng tôi thấy không cần thiết. Vì chủ ý là tôi muốn được bàn tay vợ chắm sóc, có bữa cơm gia đình... chứ không cần người phục vụ.

Hết vẽ tranh, vợ tôi lại sáng tác truyện ngắn, làm thơ, rồi gặp gỡ anh em điồng nghiệp, xem triển lãm... Cô ấy vốn đã đẹp, lại có quan niệm, đã dạy vẽ tranh thì cô giáo phải đẹp như... tranh vẽ.

Vì vậy, Thúy Hoa luôn ăn mặc đẹp, hợp thẩm mỹ. Có vợ đẹp, thì tất nhiên là tôi thích rồi, nhưng không vui chút nào khi cô ấy suốt ngày đi với cánh đàn ông.

Dù là vợ tôi không có ý gì, nhưng với cánh đàn ông (lại là văn nghệ sĩ kia), làm sao dám chắc, họ không tơ tưởng đến người đẹp như thế. Tôi có ý phàn nàn, thì vợ tôi bảo, chỉ vì công việc, không ai khác thay thế được tôi trong lòng cô ấy.

Thế nhưng, lẽ nào cô ấy chỉ yêu tôi bằng lời nói, không dành cho tôi chút thời gian, sự quan tâm chăm sóc. Đúng là, sau mỗi bức tranh hoan thành, vợ tôi có "bù" cho tôi thật, song thời gian này quá ít. Bởi liền sau đó, cô ấy lại thai nghén ngay một đứa con tinh thần khác. Thúy Hoa làm điều này vì đam mê hơn là lý do kinh tế, dù tranh cô ấy vẽ bán rất chạy.

Thúy Hoa say mê công việc đến nỗi, chúng tôi cưới nhau đã hơn ba năm, cô ấy vẫn chưa chịu sinh con, trong khi tôi đau đáu mong đợi. Thúy Hoa cứ khất lần khất lựa với tôi. Lắm lúc, tôi nghĩ có lẽ cô ấy chẳng yêu thương gì tôi cả. Phải không các bạn?

HẢI LONG

Giải quyết tình huống: "Một giọt máu đào ngậm ngùi" KTGĐ số 43/2020

Thành An thân mến!

Dù muốn hay không, thì chàng trai kia vẫn là người em cùng cha khác mẹ với anh. Hai người có chung một dòng máu, một người cha, tình thân là như một rồi.

Vậy anh không nên từ chối sự giúp đỡ của chàng trai kia. Có thể nhận thấy, cậu ấy giúp anh không phải vì thương hại, không vì sự "trả đũa" với thái độ phản đối trước kia của anh.

Bởi không ai lại vì thương hại hay trả đũa mà phải chịu mất một số tiền lớn như thế. Cậu ấy giúp anh chỉ vì một lý do duy nhất: anh là anh trai, là ruột thịt của cậu ấy. Khi nghe anh làm ăn thất bại, có thể cậu ấy rất vui.

Nhưng không phải vui vì hả hê, mà vui vì có cơ hội giúp đỡ cho anh, cũng đồng nghĩa là có cơ hội được nhìn nhận anh em, họ hàng, điều mà cậu ấy vô cùng khát khao, thèm muốn.

Bây giờ, nếu anh không nhận  sự giúp đỡ kia, có khác nào anh vẫn tiếp tục không nhìn nhận cậu ấy là em. Như vậy sẽ khiến cậu ấy đau buồn biết bao.

Chi bằng, cứ xí xóa với nhau, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Điều đó đã trở thành kinh điển rồi, không thể chối cãi. Tất nhiên, là anh cũng ngại ngùng vì hành xử trước kia với cậu ấy.

Nhưng không sao. Một người tốt như cậu ấy, chắc chắn sẽ hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của anh,  khi biết ba mình có con riêng, mẹ mình bị phản bội... Vì thế cậu ấy sẽ không quá tức giận anh đâu. Anh đừng quá nghĩ ngợi.

CẨM TÚ

(Bình Lộc, Diên Khánh, Khánh Hòa)

(Kiến thức gia đình số 48)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?