Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.
Ngô Thụy Miên một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
Nếu như việc phổ nhạc cho thơ Nguyên Sa là mối duyên thơ - nhạc, thì cuộc tình với Đoàn Thanh Vân là mối duyên đời - nhạc của Ngô Thụy Miên. Những xao xuyến lứa đôi đã làm thăng hoa âm nhạc đậm chất tình của nhạc sĩ tài hoa có gốc gác Hải Phòng.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào | 20:00 05/08/2023
Ngô Thụy Miên một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng. Khi được 6 tuổi, cả gia đình Ngô Thụy Miên chuyển vào Sài Gòn định cư. Hiệu sách Thanh Bình của người cha, đã khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật đối với Ngô Thụy Miên. Sau một thời gian theo học nhạc với nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt và nhạc sĩ Hùng Lân, chàng trai Ngô Quang Bình dùng bút danh Đông Quân để tập tành sáng tác. Sau một thời gian, bút danh Đông Quân được đổi thành bút danh Ngô Thụy Miên.
Cơ duyên nào để Ngô Thụy Miên viết tình ca? Đó là bóng hồng Đoàn Thanh Vân, mà Ngô Thụy Miên hạnh ngộ ở Trường Âm nhạc Sài Gòn. Người đẹp Đoàn Thanh Vân là con gái của tài tử Đoàn Thanh Mậu nổi tiếng bậc nhất trên màn ảnh Sài Gòn thập niên 1960 thế kỷ trước.
Hình ảnh Đoàn Thanh Vân khiến trái tim Ngô Thụy Miên rung động, và chàng trai 17 tuổi đã viết ca khúc đầu tay “Chiều nay không có em” thay cho lời tỏ tình: “Không có em đời mình, sao vắng vui/ Cuộc tình như lá khô, mộng mơ cơn mê chiều/ Không có em đôi mắt buồn nào đợi chờ/ Xin cho nhau lời vỗ về, sao đành quên đi ngày tháng đó”.
Bắt đầu hẹn hò với Đoàn Thanh Vân, Ngô Thụy Miên viết tiếp ca khúc “Mùa thu cho em” rạo rực: “Nắng úa dệt mi em/ Và mây xanh thay tóc rối/ Nhạt môi môi em thơm nồng/ Tình yêu vương vương má hồng/ Sẽ hát bài cho em, và ru em yên giấc tối/ Ngày mai khi mưa ngang lưng đồi/ Chờ em, anh nghe mùa thu tới”.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên rất hâm mộ dòng nhạc tiền chiến, nên những ca khúc khởi nghiệp của Ngô Thụy Miên có màu sắc tương đối giống lớp nhạc sĩ tiền bối. Tuy nhiên, âm nhạc Ngô Thụy Miên đã định hình phong cách riêng, sau một loạt ca khúc phổ thơ Nguyên Sa như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em” hoặc “Tuổi mười ba”.
Nếu như việc phổ nhạc cho thơ Nguyên Sa là mối duyên thơ - nhạc, thì cuộc tình với Đoàn Thanh Vân là mối duyên đời -nhạc của Ngô Thụy Miên. Những xao xuyến lứa đôi đã làm thăng hoa âm nhạc Ngô Thụy Miên, mà ca khúc “Mắt biếc” ông viết tặng người yêu được đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi ra đời: “Nhớ tới năm xưa bên nhau/ Bước trong chiều mưa phím ru nhẹ đưa/ Bến cũ đam mê say sưa/ Lá thu còn rơi người xa vắng người/ Mắt biếc năm xưa nay đâu/ Cánh sao còn đây tóc mây nào bay/ Phố vắng mênh mang mưa rơi/ Ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi”.
Đầu thập niên 1970, Ngô Thụy Miên trở thành một hiện tượng âm nhạc được giới trẻ đô thị hâm mộ, và cũng nhận được không ít lời khen tặng của các nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng…
(Trích băng ghi âm ca khúc “Mắt biếc”)
Năm 1973, Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân đính hôn. Đám cưới của họ dự định sẽ tổ chức sau khi Đoàn Thanh Vân tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, sự kiện 30/4/1975 đã thay đổi nhiều điều. Đoàn Thanh Vân theo cha mẹ di cư sang Mỹ, mà không kịp nói lời giã biệt vị hôn thê.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thổ lộ: “Một sáng tác mà tôi rất yêu quí, có mang một chút hình ảnh thời sự, đó là bài "Em còn nhớ mùa xuân”. Đó là tình khúc duy nhất tôi đã viết ở Sài Gòn sau tháng 4/1975 trong nỗi nhớ một người bạn gái đã ra đi, và giữa những biến chuyển xẩy ra quanh mình trong những ngày tháng đó. Bản nhạc nhắc đến những kỷ niệm đẹp của chúng tôi trong bối cảnh của một thời thơ mộng”.
Ca khúc “Em còn nhớ mùa xuân” được nhiều ca sĩ trình diễn ở hải ngoại, rồi sau đó lại tiếp tục chinh phục người yêu nhạc trong nước: “Những thành phố em sẽ đi qua/ Đây Paris, đây Luân Đôn, đây Vienne/ Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua/ Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau/ Em có mơ ngày hát câu hồi hương”.
Khi chắc chắn người yêu đã không thể “hát câu hồi hương” như mình hy vọng, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã vượt đại dương để đi tìm người phụ nữ đã cùng mình ước thề gắn kết. Thật may mắn, nước Mỹ mênh mông, họ cũng đã tìm được nhau.
Năm 1979, Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân tổ chức lễ cưới tại bang California. Trùng phùng hạnh phúc sau cách biệt bẽ bàng, Ngô Thụy Miên đã viết ca khúc “Trong mắt em là biển nhớ” đánh dấu ngày nên duyên chồng vợ: “Từng đêm em về như môi sương/ Từng lời em ru như gió buồn/ Anh đan giấc mơ trên mây trời xa/ Trên sóng tay em, anh là nhẫn cỏ/ Em trong anh là màu hoa/ Em trong anh là cơn sóng”
Chuỗi ngày hòa nhập nơi đất khách cũng đầy gian nan. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không còn hứng thú các hoạt động biểu diễn trên sân khấu, nên chọn cách đi làm công nhân như một người Việt bình thường mưu sinh xứ người. Vợ chồng Ngô Thụy Miên dọn đến thành phố Olympia của bang Wasington để sinh sống với không ít muộn phiền và lo toan.
Tình yêu và âm nhạc đã níu giữ Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân giữa nhiều xáo trộn bủa vây, mà ca khúc “Đôi vợ chồng dắt nhau đi trọn đời với thi ca” là ví dụ tiêu biểu: “Anh hát cho em bài tình ca thiết tha/ Anh hát cho em dù lòng nghe xót xa/ Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ/ Thương dáng em cười nhớ nụ mắt bờ môi…/Anh chúc cho em đời yên vui đắm say/ Anh chúc cho em dù lòng nghe đắng cay/ Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ/ Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi”.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đứng ngoài thị phi show biz. Ông bộc bạch: “Tôi đến với âm nhạc như một sự tự nhiên, không hề có tham vọng gì. Những sáng tác của tôi đều được cẩn trọng, chăm sóc từ lời ca đến ý nhạc. Những năm tháng học nhạc cổ điển Tây phương đã giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tạo, chọn lựa cũng như trau chuốt, làm đẹp câu nhạc. Đã có những bài tôi để cả năm trời chỉ để viết đi, viết lại những giai điệu mà mình chưa vừa ý! Nói về lời ca, thì có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không biết. Rồi khi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên sẽ đến”.
Nhìn vào số lượng ca khúc của Ngô Thụy Miên phổ biến sâu rộng trong đời sống, ai cũng ngỡ ông sáng tác rất nhiều. Thực tế, Ngô Thụy Miên sáng tác rất ít. Có khi vài ba năm ông mới có cảm hứng để viết một ca khúc. Và quan trọng hơn là có nhiều ca khúc ra đời mà Ngô Thụy Miên cũng không có ý định công bố. Chẳng hạn, ca khúc “Riêng một góc trời” chỉ được Ngô Thụy Miên hát cho vợ suốt nhiều năm, sau đó ca sĩ Tuấn Ngọc mới đến tận nhà để xin được thu âm và lan tỏa cực nhanh vào công chúng: “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ/ Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa/ Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ/ Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi…”.
(Trích băng ghi âm ca khúc “Riêng một góc trời”)
Tính toán chi li, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tự tổng kết ông viết được hơn 60 ca khúc. Vì sao như vậy? Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cạn kiệt cảm hứng chăng? Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bảo ông không muốn viết những điều quá hiu hắt từ tâm trạng mình. Ông thổ lộ “Với tôi, âm nhạc cũng như đời sống đều thay đổi theo thời gian và không gian. Sống ở quê nhà với những thân yêu quanh mình, với những lụa là mưa nắng Sài Gòn, những quán hàng, những con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều… tất cả đã cho tôi những ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca thơ mộng, dịu dàng. Ở Mỹ, người ta thật vội vã, thật xa lạ… Những thành phố, nhà cửa thật to lớn nhưng cũng thật lạnh lẽo. Ngày tháng bên này đã để lại trong âm nhạc của tôi những dấu vết buồn bã của cuộc sống tạm dung, những muộn phiền cay đắng của những phần đời lặng lẽ quanh mình…”.
Tâm sự ấy, ít nhiều được chứng minh qua ca khúc “Mưa trên cuộc tình tôi” mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết khi bước qua tuổi lục thập: “Tôi vẫn ngồi lặng ngắm mây trôi/ Mưa ngoài trời như bụi rơi/ Chỉ là phù du những tháng ngày vui/ Bên phím đàn tôi nghe hồn buông lơi”.
Bây giờ, ở tuổi 75, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vẫn sống êm đềm bên người vợ Đoàn Thanh Vân. Họ hiếm muộn con cái, nhưng đi đâu cũng có nhau. Thỉnh thoảng họ cùng hát lại những ca khúc một thời thanh xuân của mình để vỗ về cuộc tình trăm năm. Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tình đầu cũng là tình cuối, thủy chung và son sắt như ca khúc “Bản tình cuối” mà ông viết cho người bạn đời: “Mưa có rơi và nắng có phai/ trên cuộc tình yêu em ngày nào/ Ta đã yêu và ta đã mơ, mơ trăng sao đưa đến bên người/ Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào/ Một lần gặp gỡ nhưng tình đã xa xưa”.
Ngô Thụy Miên một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
Nếu như việc phổ nhạc cho thơ Nguyên Sa là mối duyên thơ - nhạc, thì cuộc tình với Đoàn Thanh Vân là mối duyên đời - nhạc của Ngô Thụy Miên. Những xao xuyến lứa đôi đã làm thăng hoa âm nhạc đậm chất tình của nhạc sĩ tài hoa có gốc gác Hải Phòng.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào
Các chương trình
Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.