Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị một thời người em sầu mộng
Trong ngôi biệt thự ấy, từ căn phòng của Phạm Hầu, chỉ cần mở cửa sổ ra là thấy cửa sổ của căn phòng mà Phùng Thị Cúc đang cư ngụ. Hàng ngày, mặc kệ Phạm Hầu cặm cụi hết vẽ chân dung đến vẽ phong cảnh, thi sĩ Lưu Trọng Lư chỉ đứng bên cửa sổ để chờ đợi bóng dáng của Phùng Thị Cúc xuất hiện.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào | 20:00 12/08/2023
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị có họ tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh ra ở làng Châu Ê nằm ven đô Huế. Mồ côi mẹ từ nhỏ, tuổi thơ Phùng Thị Cúc theo thân phụ Phùng Duy Cẩn là một vị quan triều đình nhà Nguyễn, lên sống nhiều năm tại Tây Nguyên. Sau đó, Phùng Thị Cúc về lại Huế để học trường Đồng Khánh.
Năm 1936, Phùng Thị Cúc được cha gửi ra Hà Nội tiếp tục đèn sách với ước mơ bước chân vào bậc cao đẳng. Thương Phùng Thị Cúc một mình phận gái đi xa, người nhà đã gửi gắm Phùng Thị Cúc cho một nhân vật nổi tiếng có cùng hành trình Huế - Hà Nội là thi sĩ Lưu Trọng Lư.
Lúc ấy đang chủ trương Ngân Sơn Tùng Thư ở Huế, nhưng thi sĩ Lưu Trọng Lư đã có không ít năm tháng lăn lộn giới báo chí và văn chương Hà Nội, nên không xa lạ gì mảnh đất Thăng Long. Nhận lời nhờ cậy, thi sĩ Lưu Trọng Lư đưa nữ sinh Phùng Thị Cúc lên tàu. Và thi sĩ Lưu Trọng Lư choáng ngợp trước vẻ đẹp đài các của cô gái đồng hành Phùng Thị Cúc.
Tàu chuyển bánh rời khỏi núi Ngự sông Hương. Những cảnh vật khác lạ của đồi cao vực thấp qua ô cửa toa tàu khiến nữ sinh Phùng Thị Cúc ngắm nhìn say mê. Một điều nữ sinh Phùng Thị Cúc không biết, hoặc có biết cũng làm lơ, đó là thi sĩ Lưu Trọng Lư luôn ngắm cô không rời mắt suốt chuyến đi.
Sẵn tính ga – lăng với người đẹp, cộng với sự nhờ cậy từ Huế, khi tàu đến ga Hàng Cỏ, thì thi sĩ Lưu Trọng Lư đưa nữ sinh Phùng Thị Cúc về tận nơi ở trọ đã được gia đình sắp xếp trước. Đó là một căn phòng nằm trong ngôi biệt thự gồm nhiều gian thiết kế riêng biệt và nguy nga. Nàng đã yên ổn chốn trú ngụ, nhưng chàng ngẩn ngơ không nỡ bước chân đi.
Thi sĩ Lưu Trọng Lư đứng bần thần trước cổng biệt thự nhiều giờ đồng hồ, chưa biết tính toán làm sao thương lượng với trái tim đang rối bời, thì thật may mắn lại gặp đồng nghiệp Phạm Hầu. Cùng tuổi Canh Thân 1920 với Phùng Thị Cúc, nhưng Phạm Hầu là con trai của quan thượng thư Phạm Liệu, nên được cha đưa từ Quảng Nam ra Hà Nội học hành vài năm trước Phùng Thị Cúc. Dĩ nhiên, đẳng cấp của Phạm Hầu thì cũng có một căn phòng trong ngôi biệt thự sang trọng mà Phùng Thị Cúc vừa được gia nhập.
Tuy đang theo học trường mỹ thuật Đông Dương, nhưng Phạm Hầu cũng là một thi sĩ với những câu thơ tình như “đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ chẳng biết xa lòng có những ai”. Thi sĩ Phạm Hầu dù làm thơ không nhiều, nhưng cũng được Hoài Thanh – Hoài Chân đưa vào cuốn “Thi nhân Việt Nam” như Lưu Trọng Lư. Cũng nòi thơ phú, cũng nòi đa tình, Phạm Hầu lập tức gật đầu đồng ý, khi thi sĩ đàn anh Lưu Trọng Lư xin ở ké.
Trong ngôi biệt thự ấy, từ căn phòng của Phạm Hầu, chỉ cần mở cửa sổ ra là thấy cửa sổ của căn phòng mà Phùng Thị Cúc đang cư ngụ. Hàng ngày, mặc kệ Phạm Hầu cặm cụi hết vẽ chân dung đến vẽ phong cảnh, thi sĩ Lưu Trọng Lư chỉ đứng bên cửa sổ để chờ đợi bóng dáng của Phùng Thị Cúc xuất hiện.
Bất ngờ và ngỡ ngàng khi nhận ra người “hộ tống” mình trên chuyến tàu Huế - Hà Nội cũng sống ngay bên cạnh, Phùng Thị Cúc có những rung động riêng của thiếu nữ mới lớn. Cánh cửa sổ của hai căn phòng đối diện bắt đầu những đợt mở khép có chủ đích, có tâm tư.
Vậy là cả mùa đông căm căm giá rét, thi sĩ Lưu Trọng Lư vẫn chấp nhận cái lạnh thấu thịt da chỉ để chiêm ngưỡng dung nhan cô gái Huế kiêu sa phía khung cửa sổ bên kia. Ngoài trời tNgô Thụy Miên một lần gặp gỡ đã như quen thuở nàohì lạnh, mà trong lòng vẫn nóng bừng bao xao xuyến, thi sĩ Lưu Trọng Lư viết những dòng thơ ấm áp cho Phùng Thị Cúc: “Đôi mắt em lặng buồn/ Nhìn thôi mà chẳng nói/ Tình đôi ta vời vợi/ Có nói cũng không cùng/ Yêu hết một mùa đông/ Không một lần đã nói/ Nhìn nhau buồn vời vợi/ Có nói cũng không cùng/ Trời hết một mùa đông/ Gió bên thềm thổi mãi/ Qua rồi mùa ân ái/ Đàn sếu đã sang sông/ Em ngồi trong song cửa/ Anh đứng dựa tường hoa/ Nhìn nhau mà lệ ứa/ Một ngày một cách xa”.Bối cảnh ấy, có thể gọi là một mối tình câm, mà lai láng nỗi niềm. Khuôn mặt Phùng Thị Cúc thoắt ẩn thoắt hiện sau khung cửa sổ, trở thành nguồn cảm hứng lai láng cho thi sĩ Lưu Trọng Lư viết những dòng thơ đắm đuối: “Em chỉ là người em gái thôi/ Người em sầu mộng của muôn đời/ Tình em như tuyết giăng đầu núi/ Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời/ Ai bảo em là giai nhân/ Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho vướng víu nợ thi nhân”.
Nữ sinh Phùng Thị Cúc đi vào bài thơ “Một mùa đông” của thi sĩ Lưu Trọng Lư, không chỉ bằng một đoạn ngắn, mà bằng bốn đoạn dài. Thực chất, “Một mùa đông” gồm bốn bài thơ, nhưng viết cho một người, nên thi sĩ Lưu Trọng Lư gộp chung lại. Trong bài thơ “Một mùa đông”, cũng không khó để hiểu có những ngày Phùng Thị Cúc không mở cửa sổ, vì đi học hoặc đi chơi, khiến thi sĩ Lưu Trọng Lư thảng thốt: “Ngày một ngày hai cách biệt nhau/ Chẳng được cùng em kê gối sầu/ Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo/ Cùng cười những chuyện thế gian đau”.
Sau khi học xong trung học, Phùng Thị Cúc chọn ngành nha khoa và tốt nghiệp khoá đầu tiên của Trường Y Hà Nội vào năm 1946. Toàn quốc kháng chiến, Phùng Thị Cúc về vùng tự do phục vụ trong ngành y tế. Được một thời gian ngắn thì Phùng Thị Cúc mắc bạo bệnh, phải sang Pháp điều trị.
Người con gái sông Hương những ngày bên sông Seine đã kết hôn với bác sĩ Bửu Điềm, bỏ lại tái tê bất tận trong bài thơ “Một mùa đông” của thi sĩ Lưu Trọng Lư: “Hãy xếp lại muôn vàn ân ái/ Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau/ Thuyền yêu không ghé bến sầu/ Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng/ Hãy như chiếc sao băng băng mãi/ Để lòng buồn, buồn mãi không thôi”.
(Trích băng ghi âm ca khúc “Mắt buồn” của Phạm Đình Chương, do Trần Thái Hòa hát)
Chuyện tình có vẻ lãng đãng và mơ hồ nhưng nhiều dư âm nồng nàn với nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, đã làm nên bài thơ “Một mùa đông” mang đậm phong cách thi sĩ Lưu Trọng Lư. Thử đắm chìm trong không gian của bài thơ “Một mùa đông” sẽ có sự đồng cảm với những nhận định của Hoài Thanh – Hoài Chân về thi sĩ Lưu Trọng Lư: “Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta hãy tin rằng tiếng kêu kia, màu hoa kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới chính là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng, Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày trên các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào… Nhưng dầu sao con người mơ mộng ấy cũng đã rơi xuống giữa cõi trần, người đã sống một cuộc đời rất thực ở trần gian. Có điều mỗi khi kể lại những chuyện thực trong đời mình, người kể xen vào rất nhiều chuyện mộng. Nhưng chuyện dầu là chuyện mộng, tình bao giờ cũng thực. Và mối tình chan chứa trong bài thơ bắt ta phải bồi hồi”.
Sau năm 1975, người gợi hứng và người làm nên bài thơ “Một mùa đông” có dịp tái ngộ tại Hà Nội, nhưng thân phận đã khác xưa. Bởi lẽ, Phùng Thị Cúc không còn là nữ sinh Huế rụt rè nữa. Năm 30 tuổi, lúc đã có học vị Tiến sĩ Nha khoa, Phùng Thị Cúc khởi nghiệp điêu khắc với nghệ danh ghép tên chồng vào họ mình mà thành Điềm Phùng Thị. Những tác phẩm của Điềm Phùng Thị nhanh chóng chinh phục công chúng Pháp và vang danh khắp thế giới. Có giai thoại kể rằng, trong một cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Tuân đã nắm tay nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đến trước mặt thi sĩ Lưu Trọng Lư và bảo rằng: “Đối diện nhau rồi, ngâm lại vài thơ xưa đi!”. Thi sĩ Lưu Trọng Lư thoáng bối rối, và đọc luôn mấy câu thơ trong bài thơ “Một mùa đông” hôm nào được thai nghén trên căn gác của anh bạn Phạm Hầu tốt bụng cho ở ké: “Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm/ Em vẫn đùa nô uống rượu say/ Em có biết đâu đời vắng lặng/ Lạnh buồn như ngọn gió heo may”.
Năm 1991, tên tuổi Điềm Phùng Thị trở thành một mục từ trong cuốn “Từ điển Larousse – Nghệ thuật thế kỷ 20”. Năm 1992, Điềm Phùng Thị hồi hương, về lại cố đô sinh sống, và lập nên Không gian nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại số 1 Phan Bội Châu, thành phố Huế. Trước khi qua đời ở tuổi 82, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị hiến tặng toàn bộ sản nghiệp của mình cho tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, bày tỏ niềm tự hào của người dân cố đô với nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị
(Trích băng ghi âm ý kiến của Hồ Đăng Thanh Ngọc)
Bây giờ, cả nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và thi sĩ Lưu Trọng Lư đều không còn trên dương gian. Thế nhưng, mối tình thoáng chốc mây bay của họ vẫn ở lại cùng bài thơ “Một mùa đông” mà nhiều nhạc sĩ khai thác để viết nên ca khúc chinh phục công chúng hôm nay. Từ bài thơ “Một mùa đông” với nhân vật trữ tình là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành ca khúc “Người em sầu mộng”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành ca khúc “Mắt buồn”, và nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành ca khúc “Ai bảo em là giai nhân”.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị một thời người em sầu mộng
Trong ngôi biệt thự ấy, từ căn phòng của Phạm Hầu, chỉ cần mở cửa sổ ra là thấy cửa sổ của căn phòng mà Phùng Thị Cúc đang cư ngụ. Hàng ngày, mặc kệ Phạm Hầu cặm cụi hết vẽ chân dung đến vẽ phong cảnh, thi sĩ Lưu Trọng Lư chỉ đứng bên cửa sổ để chờ đợi bóng dáng của Phùng Thị Cúc xuất hiện.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào
Các chương trình
Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.