Nhìn thẳng thực tế đặt cọc thu mua lúa non của thương lái ở ĐBSCL

Việc giá lúa gạo liên tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian gần đây đã tạo nhiều khởi sắc cho thị trường kinh doanh lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở ĐBSCL, tình trạng thương lái đặt cọc thu mua lúa non đã xuất hiện, gây nhiều lo ngại về mức độ uy tín của các thỏa thuận khi mọi giao dịch giữa nông dân và thương lái chủ yếu chỉ là trao đổi miệng.

Kim Anh  | 

Nhìn thẳng thực tế đặt cọc thu mua lúa non của thương lái ở ĐBSCL

Tự động

Nhìn thẳng thực tế đặt cọc thu mua lúa non của thương lái ở ĐBSCL

MC 1: Thưa quý vị, gần đây, việc giá lúa gạo liên tục tăng và giữ ở mức cao đã tạo nhiều khởi sắc cho thị trường kinh doanh lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh niềm phấn khởi của bà con nông dân, tích cực chăm sóc đồng ruộng để có một vụ lúa thắng lợi.

Tuy nhiên, tại một số địa phương ở ĐBSCL cũng xuất hiện tình trạng thương lái đặt cọc thu mua lúa non, bà con nông dân nhận thấy mức giá đã có lợi nhuận nên không ngại chốt giá. Thực tế vấn đề này như thế nào, mời quý vị cùng theo dõi ghi nhận của phóng viên Kim Anh.

MC 2:

Thời điểm này xuống các cánh đồng lúa ở miền Tây, chủ đề giá lúa tăng cao trở thành câu chuyện đồng án được bà con nông dân tranh luận rất sôi nổi.

Mất 2 phút qua phà, vượt kênh xáng Xà No, chúng tôi di chuyển đến ấp 6B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Tuyến đường độc đạo cặp kênh 4.000 ở ấp 6B, xã Tân Hòa hầu như nhà nào cũng trồng lúa. Như gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng hơn 20 năm trồng lúa, vụ thu đông 2023 chị gieo sạ 10 công lúa giống OM5451, lúa đã được khoảng 50 ngày. Cách đây nửa tháng, thương lái đã đến thương thảo thu mua lúa còn non với mức giá 6.800 đồng/kg, đồng thời đặt tiền cọc 4 triệu đồng, tương đương 400.000 đồng/công, nhận thấy mức giá cao hơn nhiều so với các vụ trước chị Linh đồng ý nhận cọc. Theo lời chị Linh, thời điểm này hầu hết lúa trong vùng đã được thương lái đặt cọc thu mua, so với những năm trước, thương lái bỏ cọc sớm hơn, lý giải nguyên nhân, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh cho hay:

[Băng NGUYEN THI MY LINH]:

“Hồi xưa giờ có vụ này lên vậy đó, 6.800 thấy mắc quá trời rồi ai cũng chốt giá hết, không ngờ giờ lên quá trời luôn. Chỗ này có 2 cò vô mua chứ không ai dám lại mua hết. Yêu cầu lúa nhóng lên là chốt giá mình, tới cắt lúa lên thì cho thêm 100 – 200 đồng thì mình cắt. Còn không đồng ý thì thôi không cắt được, đã làm ăn lâu năm mình đâu nói ngược người ta được, dài dài đây nhà nào cũng lấy cọc hết rồi không ai làm giấy tờ người lấy bao nhiêu ghi sổ không bắt mình ký tên”.

Tương tự chị Mỹ Linh, gia đình ông Nguyễn Văn Như ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cũng vừa nhận tiền đặt cọc thu mua hơn 20 công lúa thu đông từ thương lái, với mức giá 6.700 đồng/kg. Kinh nghiệm của ông Như, nhiều năm canh tác vụ thu đông chưa bao giờ ông ghi nhận giá lúa đạt mốc 7.000 đồng/kg. Nhận thấy đây là mức giá cao, ông Như đồng ý nhận tiền cọc khi lúa sạ được 1 tháng thay vì đợi lúa trổ bông đều như các năm trước. Trong sự tiếc nuối ông Nguyễn Văn Như chia sẻ:

[Băng NGUYEN VAN NHU]: “Lúc trước lấy cọc rồi thì đa số lúa sụt nhiều, thành ra mấy năm trước sụt mấy ông thương lái than quá trời tôi cũng bớt. Ví dụ như 200 đồng/kg thì mình bớt 100 đồng, mình cũng chịu thiệt thòi phân nữa. Năm nay mình cũng bị lỗ rồi”.

Tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, khi được thương lái đặt cọc thu mua lúa với mức giá 6.900 đồng/kg, ông Ong Kim Khiều đồng ý, không chút do dự khi mức giá này đã cao gần 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Ông Khiều cũng không nghĩ đến giá lúa thay đổi từng ngày theo đà tăng liên tục, hiện đã dao động ở mức gần 8.000 đồng/kg (tùy giống lúa). Dù có chút tiếc nuối khi giá nhận cọc chênh lệch so với giá lúa thị trường, nhưng ông Khiều vẫn rất phấn khởi khi lợi nhuận mỗi công lúa đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Ông Ong Kim Khiều bộc bạch:

[Bang ONG KIM KHIEU]: Mặc dù chênh lệch, nhưng mình đã nhận cọc rồi làm với công ty thì phải giữ chữ tín, tại mình làm ăn lâu dài mà. Năm nay năng suất ruộng tôi một công tầm cấy khoảng gần 750 – 800kg, trừ chi phí lợi nhuận đạt cỡ 3 triệu đồng”.

Trái ngược câu chuyện nhận tiền cọc khi lúa còn non, anh Dương Văn Siêu ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ khi vừa xuống giống dứt điểm 5ha lúa thu đông, lúa đang trong giai đoạn đòng trổ, anh cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ các thương lái để đặt cọc tiền lúa với mức giá 7.000 đồng/kg. Theo dõi diễn biến giá lúa ở nhiều địa phương lân cận, anh Siêu chưa đồng ý nhận cọc mà đợi giá lúa tăng lên mức 7.200 đồng/kg và lúa trổ đều mới chốt.

Trường hợp đã chốt giá và nhận tiền cọc, giá lúa xuống thấp, thương lái sẽ thương lượng lại với bà con nông dân để hạ giá thu mua phù hợp. Ngược lại, nếu cuộc thương thảo này không thành công, thương lái chỉ thu vừa đủ lượng lúa đã “dằn” tiền cọc ban đầu. Thậm chí, với những khoản tiền đặt cọc không lớn, thương lái sẽ bỏ lúa không nhận thu mua. Anh Dương Văn Siêu chia sẻ:

[Băng DUONG VAN SIEU]: “Nhận cọc rồi nếu không tin tưởng với nhau thì làm giấy tay thôi chứ không có hợp đồng gì hết. Nếu mà giá lúa rớt quá thì ở đây lấy vừa đủ cọc là bỏ lúa lại không lấy nữa. Ví dụ bây giờ 7.000 mà đợt sau rớt còn 6.000, thương lượng với dân mà dân không chịu bớt quá nhiều thì lấy đủ số lượng bỏ cọc, bẻ kèo, bỏ cọc. Hoặc lớp nào ít quá bỏ cọc luôn chứ không lấy lúa”.

Theo ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp radio, hình thức đặt cọc tiền và chốt giá thu mua lúa giữa bà con nông dân và thương lái hiện nay chủ yếu là trao đổi miệng, một số trường hợp thương lái viết giấy tay để ghi nhớ. Không ký hợp đồng hay văn bản nào xác nhận việc thỏa thuận này. Do đó, tình trạng “xin” lên giá hoặc hạ giá, bẻ kèo, bỏ cọc vẫn diễn ra.

Trao đổi với GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu ngành về cây lúa, việc nông dân nhận tiền cọc, bán lúa cho thương lái hay “cò lúa” quá sớm, mức giá này đã có lợi nhuận nhưng không cao và so với giá thực tế của thị trường vẫn còn thấp. Do đó, việc thương thảo lại một lần nữa để có mức giá hợp lý đôi bên vào thời điểm thu hoạch là cần thiết.

[Băng VO TONG XUAN]: “Khi thu hoạch để đó thì lúa bị hư, bởi vì lúa thu hoạch rồi trong vòng 48 tiếng phải sấy nếu không bị hư. Nhưng nếu để ngoài đồng chờ bán có giá thì cũng không được. Bây giờ vì giá tăng hàng ngày nông dân mình bán lúa non thì hoàn cảnh tội quá trời tội. Chỉ có cách là chính quyền địa phương đứng ra giải thích với doanh nghiệp. Doanh nghiệp lấy lúa đó sấy xong chờ ai tới mua giá cao hơn thì mới bán thì cũng tội nghiệp cho nông dân”.

Tại TP Cần Thơ, có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong năm 2022 đã xuất khẩu khoảng 900 nghìn tấn gạo, nhu cầu thu mua lúa lên tới 2 triệu tấn. Theo đánh giá của lãnh đạo ngành nông nghiệp TP Cần Thơ còn phải gánh thêm chi phí vận chuyển, sấy, hệ thống logistics, silo chứa… rất ít doanh nghiệp trên địa bàn đủ sức thực hiện. Do đó, đã hình thành khâu trung gian như thương lái, cò lúa, có nhà kho, lò sấy mua dự trữ, làm vệ tinh cho doanh nghiệp. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phân tích:

[Băng TRẦN THÁI NGHIÊM]: “Hiện nay giá gạo trên thị trường thế giới tăng nhưng để tăng được cho người nông dân ở mức độ như thế nào phụ thuộc lớn vào ứng xử của doanh nghiệp, thương lái, và thị trường thu mua trong nước. Để cho người dân có lợi hơn theo tôi cần có sự kết nối chặt doanh nghiệp cần phải có sự chia sẻ lợi ích hài hòa với người dân trong hợp đồng liên kết, mặt khác người dân cũng nên liên kết tốt với doanh nghiệp để tạo uy tín tạo một nguyên liệu tạo niềm tin cho doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Nghiêm, vấn đề đặt cọc tiền lúa trước mỗi vụ chỉ mang tính chất tượng trưng, chưa tạo được niềm tin lớn. Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đang tìm phương án thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua hợp đồng điện tử. Với mục tiêu chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Nếu giá tăng trên 10%, doanh nghiệp sẽ tăng thêm 5% cho nông dân. Ngược lại, giá giảm từ 10% nông dân cũng đồng tình giảm 5% cho doanh nghiệp.

MC 1: Thưa quý vị, vấn đề đặt cọc, chốt giá thu mua trước mỗi vụ lúa được thực hiện dựa trên tinh thần thỏa thuận tự nguyện giữa bà con nông dân, thương lái và đã trở thành cách làm truyền thống của nông dân nhiều năm qua.

Thời điểm giá lúa biến động, nếu thỏa thuận không thành, việc bỏ cọc, bẻ kèo đã xảy ra. Giá lúa tăng, thương lái có lợi nhuận cao nhưng khi giá giảm, lại thỏa thuận điều chỉnh mức giá bỏ cọc ban đầu, nông dân vẫn chịu thiệt. Thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, vai trò điều tiết, kiểm soát việc thực hiện những thỏa thuận liên kết này để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tự động

Nhìn thẳng thực tế đặt cọc thu mua lúa non của thương lái ở ĐBSCL

Việc giá lúa gạo liên tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian gần đây đã tạo nhiều khởi sắc cho thị trường kinh doanh lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở ĐBSCL, tình trạng thương lái đặt cọc thu mua lúa non đã xuất hiện, gây nhiều lo ngại về mức độ uy tín của các thỏa thuận khi mọi giao dịch giữa nông dân và thương lái chủ yếu chỉ là trao đổi miệng.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bản tin Thủy sản ngày 17/5/2024: Tiêu hủy 444.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch
Thời sự

Tiêu hủy 444.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch; Năng nóng giảm, người nuôi tôm đồng loạt thả giống; Chủ động nguồn giống, phát triển thương hiệu cá Bỗng Hà Giang.

Bản tin Thủy sản ngày 17/5/2024: Tiêu hủy 444.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch
4 vấn đề then chốt ngành nông nghiệp cần trợ lực của khoa học, công nghệ
Thời sự

4 vấn đề then chốt ngành nông nghiệp cần trợ lực của khoa học, công nghệ; Nhiều loại sâu bệnh có thể phát sinh gây hại lúa xuân.

4 vấn đề then chốt ngành nông nghiệp cần trợ lực của khoa học, công nghệ