Nông nghiệp Hậu Giang đón vận hội mới
Hậu Giang là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là sức hút của nông nghiệp, thủy sản, đến nay tỉnh đã thu hút được 320 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn khoảng 170.000 tỷ đồng
Nông nghiệp Radio | 15:16 30/06/2022
Xúc tiền đầu tư tại Hậu Giang: 21 dự án nộng nghiệp dự kiến kêu gọi đầu tư
Xây dựng và phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL
Thưa quý vị, ngày 21/6 vừa qua trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Bộ ngành trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả của quốc gia và khu vực. Đây là lần đầu tiên một quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng được Chính phủ thông qua với định hướng liên kết, phát triển rõ ràng cho tương lai 10 năm và xa hơn.
Cơ hội mới, vận hội mới này đã tạo điều kiện cho nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL có thêm sự “trợ lực” đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại tỉnh Hậu Giang, trong tháng 7 tới, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô dự kiến 30.265ha, tổng mức đầu tư 48.175 tỉ đồng. Hậu Giang có lợi thế gì, tiềm năng ra sao khi kêu gọi nhà đầu tư, mời quý vị cùng nghe phần ghi nhận của phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL thực hiện.
Hậu Giang đón vận hội mới
Sau hơn 18 năm thành lập tỉnh, từ một tỉnh còn non trẻ, Hậu Giang đã và đang phát triển, khẳng định vị thế trong vùng. Địa phương là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đến nay tỉnh đã thu hút được 320 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn khoảng 170.000 tỷ đồng. Ngoài ra có 25 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động, với tổng vốn hơn 3,9 triệu USD.
Với nhiều ưu đãi, chính quyền thân thiện, Hậu Giang đang trở thành nơi “đất lành” cho các nhà đầu tư. Dù số lượng doanh nghiệp còn hạn chế vì là tỉnh trẻ nhưng chậm mà chắc, bằng nhiều giải pháp, địa phương đang nâng tầm vị thế phát triển trong giai đoạn mới.
Với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với TP Cần Thơ, đây chính là cơ hội không phải địa phương nào trong vùng cũng có được. Mặt khác, vị trí này cũng giúp Hậu Giang tiếp cận được nhiều dịch vụ phụ trợ về hạ tầng y tế, giáo dục, lưu trú, phục vụ cho cụm ngành nghề logistics phát triển.
Ngoài ra, tỉnh là một trong những trung tâm logistics có lợi thế về chi phí vận tải, tối đa hóa nguồn hàng. Vị trí này sẽ đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các vùng nguyên liệu, từ đó giảm thiểu rủi ro về vận chuyển cũng như bảo quản sau thu hoạch. Tỉnh có kết nối giao thông đường bộ kể cả đường thủy và đường hàng không, từ đó góp phần quan trọng trong vận chuyển, vận tải bằng nhiều phương thức khác nhau.
Trong tháng 7 tới, Hậu Giang sẽ kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô dự kiến 30.265ha, tổng mức đầu tư 48.175 tỉ đồng. Trong đó phát huy thế mạnh nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang kêu gọi 21 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như: Dự án sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thông minh, lúa hữu cơ; Dự án nuôi trồng thủy sản các loại; Dự án Nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản các loại; Dự án xây dựng Trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối nông sản tỉnh Hậu Giang; Dự án xây dựng vùng chuyên canh, tập trung gắn với nhà máy chế biến đóng gói trái cây xuất khẩu...Tổng mức kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp hơn 5.687 tỷ đồng.
Và năm 2022 là năm được tỉnh Hậu Giang lựa chọn là năm doanh nghiệp với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang nêu lên một số điểm nhấn trong công tác kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Hậu Giang có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư
“Tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động để đi xúc tiến đầu tư, đặc biệt là tiếp cận những nhà đầu tư lớn, để kêu gọi đầu tư vào trong tỉnh. Tình hình thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua cũng rất tích cực. Trong năm 2022 bốn chiến lược đột phá là phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Và đặc biệt là Hậu Giang có khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khu này có diện tích 2.800 ha. Gần đây có rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư các lĩnh vực về nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp”
Với quan điểm, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang và khẩu hiệu hành động “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.
Theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành, giai đoạn 2021-2025, địa phương có 3 đô thị loại V. Giai đoạn 2030-2050, có 2 đô thị loại IV và 2 đô thị loại V. Không gian phát triển đô thị lan tỏa từ thị trấn Ngã Sáu phát triển hướng ra sông Hậu, kết nối với thị trấn Mái Dầm, đô thị Đông Phú. Nơi đây được xác định là bệ phóng cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Không gian phát triển công nghiệp dọc theo trục sông Hậu, vùng trung tâm xã Đông Phú và thị trấn Mái Dầm. Phát huy thế mạnh giao thông thủy của sông Cái Lớn và trục giao thông bộ Đường tỉnh 927C; thành lập 6 cảng chuyên ngành ven sông Hậu và các bến nội địa tại sông Mái Dầm, Cái Côn. Phát triển vùng công nghiệp chế biến nguyên liệu tại Phú Tân - Phú Hữu.
Vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung tại các xã: Đông Thạnh, Đông Phước A, Đông Phước, Phú Hữu, Phú Tân. Thành lập trung tâm đầu mối ngành nông nghiệp và hậu cần dịch vụ nông nghiệp tại xã Đông Phước, Đông Phước A, phục vụ cho huyện và vùng lân cận. Vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã: Đông Phước, Phú Tân, Đông Phước A và thị trấn Ngã Sáu.
Tại huyện Phụng Hiệp, Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, có hệ thống máy móc hiện đại, hoàn toàn tự động đến từ châu Âu. Dù thành lập chưa lâu nhưng doanh nghiệp này đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong lĩnh vực sản xuất nước ép và các loại trái cây sấy dẻo mang hương vị ĐBSCL phục vụ thị trường xuất khẩu.
Với công suất chế biến 10.000 tấn sản phẩm/năm, nguồn nguyên liệu chủ yếu tại Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL. Công ty có chuỗi cung ứng bền vững, liên kết chặt chẽ với nông dân từ khâu giống, phân bón đến hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Xác định nông nghiệp là trụ đỡ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, Hậu Giang đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể là hoàn thiện cơ chế chính sách nhất là cơ chế chính sách tạo lập môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bí thư Tỉnh Hậu Giang ông Nghiêm Xuân Thành đưa ra đường hướng phát triển của tỉnh.
Hậu Giang mời gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
“Tỉnh ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp chế biến nông sản và nông nghiệp sinh thái. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách và bảo vệ môi trường. Đồng thời tỉnh có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và các doanh nghiệp có thế mạnh trong xây dựng các khu đô thị hiện đại.”
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là muốn phát triển tốt, phải có quy hoạch tốt, mà quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt, mới có ngân sách tốt. Vì vậy tỉnh xác định quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “một tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Hậu Giang có 21 dự án nông nghiệp dự kiến kêu gọi đầu tư
“Tin vui là trước thềm hội nghị xúc tiến đầu tư đã có 12 dự án đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư với giá trị trên 30.000 tỷ, tương đương 1,5 tỷ USD. Và có nhiều dự án đủ điều kiện ký kết biên bản ghi nhớ và ký kết thỏa thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đây là những minh chứng, nền tảng vững chắc để tỉnh hiện thực hóa được mục tiêu là đưa tỉnh Hậu Giang phát triển khá trong khu vực và cả nước”
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp với tổng diện tích 494ha, hiện đã lấp đầy 80%, có 320 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 169.736 tỉ đồng. Trong đó, có 4 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang. Tới đây, tỉnh áp dụng chỉ số đánh giá nhà đầu tư để chọn được các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, đáp ứng các yêu cầu và đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang quy hoạch thêm 7 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp. Tỉnh quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5.200ha, hiện mới khai thác khoảng 300ha.
Từ sự đầu tư quyết liệt của Trung ương dành cho vùng ĐBSCL nói chung cũng như tỉnh Hậu Giang nói riêng, tạo ra lực đẩy lớn thúc đẩy nông nghiệp địa phương có thêm “đôi cánh” bay xa hơn. Hội nghị xúc tiến đầu tư một lần nữa mở ra cánh cửa mời gọi nhà đầu tư đến với tỉnh ngày càng nhiều hơn, để sản phẩm của nông dân làm ra vươn xa, nâng tầng giá trị, tăng thu nhập cho người nông
dân.
Nông nghiệp Hậu Giang đón vận hội mới
Hậu Giang là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là sức hút của nông nghiệp, thủy sản, đến nay tỉnh đã thu hút được 320 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn khoảng 170.000 tỷ đồng
Nông nghiệp Radio
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.