30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
30% diện tích dừa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; Thiên tai bất ngờ gây thiệt hại 2,6 tỷ đồng tại một huyện; Hơn 3.500 hộ dân tham gia sản xuất cánh đồng lớn.
Quỳnh Anh | 09:27 16/12/2024
30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
BẢN TIN NÔNG NGHIỆP TUẦN QUA
SỐ – 134 –
Kịch bản; Dựng; Biên tập: Xuân Hào, Quỳnh Anh
Kỹ thuật: : Bình Thành – DũngSEO
Đồ họa: Khánh Thiện
MC1: Tùng Sơn
MC2: Anh Quỳnh
Nhạc hiệu (25 giây)
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
- Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, nâng cao vị thế của Việt Nam
- Gần 80% sản phẩm OCOP được giao dịch trên sàn thương mại điện tử
- Bảo tồn sếu đầu đỏ gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái
- Thiên tai bất ngờ gây thiệt hại hơn 2,6 tỷ đồng tại một huyện
- Làng nghề tại Nam Định chú trọng bảo vệ môi trường
- Hơn 3.500 hộ dân tham gia sản xuất cánh đồng lớn
- Thái Nguyên trồng mới, trồng lại hơn 430ha chè
Sau đây là nội dung chi tiết:
- 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” tại tỉnh Bến Tre. Thông tin tại Diễn đàn cho biết, dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 được Bộ NN-PTNT ban hành với mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000ha. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD, đây là một kỷ lục. Thông tin thêm về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
- Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, nâng cao vị thế của Việt Nam
Hiện nay, để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp không chỉ cần thay đổi tư duy sản xuất mà phải vươn lên xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, tích hợp công nghệ và chuyển đổi số. Tại Hội nghị thường niên Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam - PSAV 2024 diễn ra mới đây, Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh vai trò của PSAV trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ngoài là cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, PSAV hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời, là nền tảng xây dựng chính sách phù hợp, thúc đẩy hội nhập quốc tế và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Gần 80% sản phẩm OCOP được giao dịch trên sàn thương mại điện tử
Bưu điện Việt Nam thông tin, Bưu điện hiện đã làm chủ công nghệ lõi và đang vận hành một sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử này trở thành cầu nối quan trọng giữa nông dân, các hợp tác xã sản xuất và người tiêu dùng, giúp đưa sản phẩm nông sản Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn và đưa hơn 5.500.200 tài khoản hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử này với trên 149.500 sản phẩm; trong số đó, có hơn 8.200 sản phẩm OCOP, đạt xấp xỉ 80 % sản lượng OCOP quốc gia.
- Bảo tồn sếu đầu đỏ gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái
Với chủ trương quan tâm đặc biệt đến môi trường và phát triển bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2032. Mục tiêu của đề án không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ loài chim quý hiếm mà còn mở rộng sang việc phục hồi hệ sinh thái và xây dựng mô hình sản xuất lúa sinh thái bền vững, tạo sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và nâng cao sinh kế cho người dân. Trong quá trình triển khai, mô hình lúa sinh thái đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ vụ hè thu 2023, gần 40 ha đầu tiên được thực hiện. Đến vụ hè thu 2024, diện tích đã tăng lên hơn 300 ha, vượt kế hoạch đề ra. Hiện tại, 12.000 hộ dân sống quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được tuyên truyền và hướng dẫn để tham gia vào mô hình này.
-
Thiên tai bất ngờ gây thiệt hại hơn 2,6 tỷ đồng tại một huyện
Hơn 2,6 tỷ đồng là con số thiệt hại ước tính do trận mưa lớn kèm theo dông lốc xảy ra trên địa bàn 2 xã Mỹ Bình và Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng vào cuối tuần qua. Thiên tai bất ngờ khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, hậu quả, 64 căn nhà của người dân bị thiệt hại, trong đó, có 15 căn bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, dông lốc cũng khiến 3 người bị thương, nhiều cây cối tại gãy đổ. Trước mắt, chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ các hộ có nhà bị sập hoàn toàn 5 triệu đồng và 2 triệu đồng đối với những trường hợp có nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đồng thời, lãnh đạo thị xã Ngã Năm cũng kịp thời xuống hiện trường thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách ổn định cuộc sống.
- Làng nghề tại Nam Định chú trọng bảo vệ môi trường
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 142 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống đang hoạt động. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất làng nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đầu tư cải tạo, khơi thông hệ thống cống rãnh, mương thoát nước trong làng nghề đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, ứ đọng nước mưa, nước thải, cảnh quan môi trường dần thay đổi, chuyển biến tích cực. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
- Hơn 3.500 hộ dân tham gia sản xuất cánh đồng lớn
Năm nay, mô hình Cánh đồng lớn tiếp tục được ngành Nông nghiệp tỉnh Long An triển khai, thực hiện và mang lại những kết quả tích cực trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã triển khai thành công gần 370 lượt cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 19.000ha, thu hút hơn 3.500 hộ nông dân tham gia. Các cánh đồng lớn đã giúp nông dân giảm chi phí giống với lượng giống gieo sạ thấp hơn bên ngoài từ 10-20kg/ha, lượng phân bón cũng thấp hơn từ 20-22kg/ha; đồng thời, số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 7-10%. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội với lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha.
-
Thái Nguyên trồng mới, trồng lại hơn 430ha chè
Năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên triển khai trồng mới, trồng lại hơn 430ha chè, vượt hơn 9% so với kế hoạch. Các giống chè được đưa vào trồng mới, trồng lại chủ yếu là những dòng chè lai cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện nay, cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên với diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm trà đang đứng đầu cả nước. Toàn tỉnh hiện có 22.200ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100ha, sản lượng đạt gần 270.000 tấn/năm. Đặc biệt, tỉnh hiện có 18.400ha chè giống mới với năng suất, chất lượng cao, chiếm hơn 80% trong tổng diện tích chè. Giá trị sản phẩm trà của tỉnh năm 2024 ước đạt 13.800 tỷ đồng.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm nay. Để ngành dừa có thể phát triển bền vững, mang lại những giá trị cao hơn, việc tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt là phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại, tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật là yếu tố rất quan trọng. Hiện nay, có 8 loài sâu, bọ và 4 bệnh hại phổ biến trên cây dừa. Trong đó, sâu dầu đen là đối tượng phổ biến nhất và cũng là đối tượng thuộc danh mục kiểm dịch thực vật. Để phòng, trừ loài sinh vật gây hại này, TS Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả Miền Nam lưu ý:
Băng
Quỳnh Anh
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
30% diện tích dừa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; Thiên tai bất ngờ gây thiệt hại 2,6 tỷ đồng tại một huyện; Hơn 3.500 hộ dân tham gia sản xuất cánh đồng lớn.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Những tia nắng ấm áp đang dần trở lại miền Bắc. Thời tiết miền Bắc sẽ có những chuyển biến tích cực, xua dần giá lạnh những ngày qua.
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.