3.000 tỷ đồng để xây thêm 10 hồ chứa nước
Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch, giảm tỉ lệ sử dụng mạch nước ngầm và chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư xây mới khoảng 10 hồ chứa nước với kinh phí thực hiện trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Lê Bình - Minh Sáng | 15:15 23/08/2023
3.000 tỷ đồng để xây thêm 10 hồ chứa nướcXin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình “Thủy lợi và phát triển”.
Thưa quý vị và bà con, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch, giảm tỉ lệ sử dụng mạch nước ngầm và chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn. Tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư xây mới khoảng 10 hồ chứa. Kế hoạch đầu tư các hồ chứa thủy lợi của UBND tỉnh Đồng Nai được xây dựng cũng gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương với tỉ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ 90-95%. Ghi nhận của phóng viên Minh Sáng và Lê Bình.Thưa quý vị, Đồng Nai hiện có 137 công trình thủy lợivới diện tích phục vụ trên 21.000ha.
Hiện nay, nguồn cung cấp nước sạch được lấy từ nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh chủ yếu được khai thác, sử dụng từ hệ thống sông Đồng Nai, các công trình hồ chứa thủy lợi. Trữ lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh khoảng 26 tỷ mét khối, hiện đang khai thác gần 12,6 triệu mét khối/ngày đêm.
Theo quy hoạch cấp nước sinh hoạt từ công trình thủy lợi đến năm 2025, tỉnh đầu tư xây dựng thêm 10 hồ chứa với dung tích khoảng 46 triệu mét khối, kinh phí thực hiện trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, hơn 90% dân số đô thị và trên 85% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; đến năm 2030, hơn 95% dân số đô thị và hơn 90% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi cho rằng, trong mục tiêu bảo vệ và mở rộng nguồn nước mặt đảm bảo cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn tới cần chú trọng nội dung bảo vệ nguồn nước.Việc triển khai thực hiện và nâng cao cái hiệu quả sử dụng cái nguồn nước, trong đó các cái nguồn nước của các cái hồ, đập, tôi thấy đó là cái việc cần thiết. Vì sau này là biến đổi khí hậu nó sẽ diễn ra rất là phức tạp. Vì vậy là có thể là chúng ta vừa tích nước để phục vụ cho sản xuất, cho sinh hoạt và nó cũng tích nước để đảm bảo cái vùng hạ du nó không bị ngập cục bộ ở từng cái giai đoạn nhất định. Cái thứ hai nữa là chúng ta tích nước để xử lý, cung cấp nước cho những cái giai đoạn là hạn hán vào mùa khô. Và cái yếu tố nữa là nó bảo vệ cái nguồn nước ngầm, rất là quan trọng và nó bảo vệ cái môi trường tiểu, khí hậu của khu vực có ý nghĩa rất là lớn.Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 18 hồ chứa nước, 56 đập dâng và 39 trạm bơm trải đều các huyện và TP Biên Hòa. Tổng dung tích các hồ chứa này là 107,2 triệu mét khối, tổng năng lực tưới phục vụ sản xuất gần 6,2 ngàn ha, tổng năng lực cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt là gần 112 ngàn mét khối /ngày.
Theo quy hoạch cấp nước sinh hoạt từ công trình thủy lợi đến năm 2025, 10 hồ chứa mà Đồng Nai sắp đầu tư sẽ có dung tích chứa khoảng 46 triệu mét khối. Tuy nhiên, đề án cũng vướng phải một số khó khăn như nguồn nước nhiều nhưng vị trí làm đập không có khó đánh giá hiệu quả các công trình cấp nước hiện đại.
Theo ông Vũ Quốc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV và thủy lợi Đồng Nai đang rà soát, đánh giá hiệu quả phục vụ của hồ chức trên từng khu vực, từ đó sẽ có những đề xuất hiệu quả trong việc đầu tư xây dựng mới cũng như duy tu các công trình hiện hữu. Từ đó, sẽ có những tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh và đề xuất cho UBND tỉnh có kế hoạch, lộ trình đầu tư bài bản, khoa học.Hiện nay trên địa bàn tỉnh thì có 18 hồ chứa thủy lợi, trong đó tập trung vào các địa bàn huyện Tân Phú, huyện Xuân Lộc, huyện Long Thành, huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ. Đây là những địa bàn là tương đối khan hiếm nguồn nước, sau khi có các công trình thủy lợi thì cơ bản đã phát huy hiệu quả và đáp ứng cho các cái yêu cầu về sản xuất và dân sinh, cấp nước sinh hoạt, đồng thời là điều kiện để phát triển kinh tế xã hội của người dân ở khu vực. Trong thời gian tới thì chúng tôi tiếp tục sẽ đề xuất một số hồ chứa ở huyện Cẩm Mỹ vì đây là vùng khan hiếm nguồn nước. Ví dụ như là huyện Cẩm Mỹ để có đề xuất đầu tư xây dựng hồ Xuân Quế và hồ Suối Cạn ở những cái khu vực khan hiếm của nguồn nước. Đồng thời là cấp nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt và sản xuất của người dân ở địa phương.Đồng Nai đang rất quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân nông thôn, nhất là cho các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. Đặc biệt, từ năm 2023, Đồng Nai sẽ áp dụng Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều chỉ tiêu và yêu cầu cao hơn giai đoạn trước đó. Nhiều người dân ở địa bàn nông thôn hiện vẫn chưa có nước sạch sử dụng mà dùng nước ngầm hoặc tự xử lý.
Hiện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đang quản lý 24 công trình thủy lợi, trong đó có 10 hồ chứa nước, 10 đập dâng, 2 trạm bơm điện và 2 hệ thống đê ngăn mặn. Các công trình thủy lợi do công ty này quản lý có năng lực phục vụ sản xuất khoảng 33 ngàn ha/ năm, cấp nước thô phục vụ sinh hoạt, công nghiệp khoảng trên 90 ngàn mét khối/ ngày.
Đánh giá về tình hình các hồ chứa, ông Nguyễn Văn Lương - PGĐ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho biết, phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp. Do đó, theo ông Lương, công ty cũng sẽ ưu tiên nâng cấp các công trình hồ có sẵn để tối ưu hóa năng lực phục vụ đa mục tiêu.Ông Nguyễn Văn Lương - PGĐ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai: Hiện nay thì công ty đang đầu tư vào ba hồ chứa, trong đó là hồ chứa có hồ chứa Đa Tôn, hồ chứa sông Mây và hồ chứa Gia Ui thì các hồ chứa này thì được xây dựng từ lâu đến nay thì nó cũng đã có xuống cấp thì để đảm bảo phục vụ an toàn công trình thủy lợi, nhất là mùa mưa bão. UBND tỉnh đã quan tâm và cải tạo, nâng cấp để đáp ứng được những cái nhiệm vụ của dự án, của công trình.
Hiện nay thì công trình hồ Đa Tôn đã về giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công đã gần xong, đang phê duyệt để đưa vào đấu thầu thực hiện công việc sửa chữa, cải tạo công trình . Hồ Sông Mây cũng như là đang thiết kế và dự kiến là sẽ khởi công vào quý 4. Công trình hồ Gia Ui thuộc huyện Xuân Lộc thì mới được UBND tỉnh phê duyệt dự án cách đây có khoảng một tháng thì công ty đang gấp rút làm những cái thủ tục tiếp theo để để sớm sửa chữa công trình để nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.Thưa quý vị và bà con, hiện dân số của Đồng Nai là hơn 3,2 triệu người và 31 khu công nghiệp đang hoạt động nên nhu cầu về nước sạch của tỉnh là rất lớn. Trong những năm tới, sẽ có thêm 8 khu công nghiệp thành lập mới và hàng loạt khu công nghiệp sẽ mở rộng diện tích nên nhu cầu về nước sạch có thể sẽ tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay.
Do đó, chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai về nâng cấp các hồ chứa hiện hữu và đầu tư mới thêm 10 hồ chứa trải rộng khắp tỉnh là quyết định đúng đắn, không chỉ chủ động trước những biến đổi thời tiết mà còn phục vụ việc dân sinh, phát triển kinh tế xã hội.Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực thủy lợi vừa diễn ra trên cả nước.Thưa quý vị và bà con, hiện cả nước đã xây dựng được trên 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng chiều dài đập gần 1.200 km, tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp. Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, một số nhiệm vụ được các chủ đập thực hiện khá tốt. 100% số hồ được kiểm tra theo quy định, 90% số hồ có cửa van có quy trình vận hành được duyệt, 86% số hồ được đăng ký an toàn đập, 77% số hồ được lập phương án ứng phó thiên tai.Chia sẻ tại Hội thảo "Khoa học và công nghệ thủy lợi phục vụ phát triển bền vững" PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khu vực Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã và đang đứng trước những vận hội, thách thức lớn, đặc biệt các thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Song song đó, quá trình phát triển nội tại và tác động thượng nguồn đã làm thay đổi quy luật dòng chảy về ĐBSCL thời gian qua là minh chứng cho những thách thức biến động về nguồn nước và môi trường. Những vấn đề đó đã đặt ra cho ngành Khoa học Thủy lợi những bài toán lớn, rất nan giải nhưng cần phải giải quyết, nhằm mục tiêu góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam.Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý, thực hiện đảm bảo công tác an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hồ thải trên địa bàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành liên qua. Trong đó, Sở NN-PTNT Lào Cai được giao tăng cường công tác tập huấn, chỉ đạo kiện toàn các tổ chức khai thác công trình đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo năng lực theo quy định, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa theo đúng quy định và chủ trì tổng hợp các đập, hồ chứa thủy lợi vi phạm phạm vi bảo vệ an toàn công trình.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
3.000 tỷ đồng để xây thêm 10 hồ chứa nước
Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch, giảm tỉ lệ sử dụng mạch nước ngầm và chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư xây mới khoảng 10 hồ chứa nước với kinh phí thực hiện trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Lê Bình - Minh Sáng
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.