Bản tin Lâm nghiệp ngày 1 tháng 11 năm 2023
Vườn quốc gia Phú Quốc cung cấp 20.000 cây con/năm để trồng cây phân tán; Chú trọng bảo vệ rừng gắn với nâng cao giá trị kinh tế; Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng; Cây táo mèo giúp địa phương vùng cao chống xói mòn đất; Bắc Giang có trên 600ha cây dược liệu.
Quỳnh Anh | 14:29 01/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 1 tháng 11 năm 2023
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Vườn quốc gia Phú Quốc cung cấp 20.000 cây con/năm để trồng cây phân tán
Mở đầu phần tin tức ngày hôm nay, mời quý vị và bà con cùng đến với hoạt động trồng cây gây rừng tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thưa quý vị, TP Phú Quốc hiện có trên 37.400ha rừng, trong đó phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc Vườn quốc gia Phú Quốcquản lý. Những năm qua, Vườn quốc gia Phú Quốc cung cấp khoảng 20.000 cây con mỗi năm cho các lực lượng vũ trang, cơ quan, ban, ngành thành phố và nhân dân trên đảo để trồng cây phân tán hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. Hàng năm, Vườn quốc gia Phú Quốc cũng phối hợp với chính quyền thành phố, các xã, phường xây dựng kế hoạch trồng từ 20-50ha rừng, khôi phục hiện trạng rừng trồng, rừng nghèo kiệt.
-
Chú trọng bảo vệ rừng gắn với nâng cao giá trị kinh tế
Trong công tác bảo vệ rừng, theo thông tin tại Hội nghị triển khai Kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Kế hoạch về thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Thanh Hóa vừa diễn ra, hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang quản lý gần 627.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo đó, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường đề nghị các ngành có liên quan của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế từ rừng. Đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị và các chủ rừng tăng cường các biện pháp chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chính sách và pháp luật về lâm nghiệp, trong đó có nội dung về thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính.
- Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng
Còn tại khu vực Tây Nguyênvốn là điểm nóng về tình trạng phá rừng thì thông tin mới đây của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, tổng số vụ vi phạm liên quan tới rừng trên địa bàn toàn tỉnh là trên 180 vụ. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ vi phạm đã giảm hơn 30 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng giảm gần 12 ha. Đồng thời, trong 10 tháng qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã kịp thời phát hiện 20 vụ việc phức tạp, nổi cộm, trong đó 12 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng cũng đã lập hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 15 vụ, tịch thu hơn 730 m3 gỗ tròn/xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng. Đặc biệt, có nhiều địa phương của tỉnh này đã và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.
- Cây táo mèo giúp địa phương vùng cao chống xói mòn đất
Những năm trở lại đây người dân ở nhiều xã của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bán không ngừng mở rộng diện tích trồng cây táo mèo. Qua đó góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn đất. Hiện nay, tổng diện tích táo mèo của toàn huyện là hơn 5.000 ha, diện tích cho thu hoạch quả trên 3.000 ha, năng suất trung bình đạt khoảng 1,4 - 1,5 tấn/ha/năm. Tổng sản lượng táo mèo hàng năm ước đạt gần 5.000 tấn. Nhiều năm qua, cây táo mèo đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.
- Bắc Giang có trên 600ha cây dược liệu
Cũng ở phía Bắc tổ quốc, do cấu trúc địa hình và khí hậu, tỉnh Bắc Giang là địa phương sở hữu sự đa dạng về tài nguyên sinh vật. Với hơn 129 ha đất rừng tự nhiên và rừng trồng, hệ thực vật rừng tại đây khá phong phú, trong đó phải kể tới hơn 450 loài cây dược liệu quý đã có mặt trên mảnh đất này và cây dược liệu đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang. Toàn tỉnh hiện đã có trên 600 ha trồng cây dược liệu. Các vùng chuyên canh được hình thành, tạo chuỗi liên kết, phát triển sản xuất an toàn, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 1 tháng 11 năm 2023
Vườn quốc gia Phú Quốc cung cấp 20.000 cây con/năm để trồng cây phân tán; Chú trọng bảo vệ rừng gắn với nâng cao giá trị kinh tế; Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng; Cây táo mèo giúp địa phương vùng cao chống xói mòn đất; Bắc Giang có trên 600ha cây dược liệu.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam dần trở thành trung tâm xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực; Hoạt động văn phòng cần sáng tạo, chuyên nghiệp và chủ động hơn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 15-16/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và giông.