Bản tin Lâm nghiệp ngày 29/11/2023: Ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng
Ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Lãnh đạo huyện, xã có rừng phải đi kiểm tra rừng ít nhất hai lần/tháng.
Quỳnh Anh | 12:01 29/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 29/11/2023: Ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học
Mở đầu là thông tin về hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, thưa quý vị và bà con, 10 tháng đầu năm nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thiếu biên chế. Địa bàn chỉ có 14 viên chức trực tiếp bảo vệ gần 23,5 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, không có hạt kiểm lâm khu bảo tồn nên việc tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng là điều rất cần thiết. Hiện ban đã triển khai xây dựng quy chế và ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ rừng. Đến nay, hơn 200 dữ liệu tuần tra rừng của các Trạm quản lý bảo vệ rừng được quản lý trên ứng dụng Smart. Đơn vị đã mua sắm và trang cấp 13 tài khoản vTools survey pro cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm biến động tài nguyên rừng.
-
Lãnh đạo huyện, xã có rừng phải đi kiểm tra rừng ít nhất hai lần/tháng
Còn tại các địa phương, theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 190 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích bị thiệt hại do phá rừng trên 14 ha. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, lãnh đạo UBBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, lãnh đạo huyện ủy, Thành ủy, UBND cấp huyện, Đảng ủy, UBND cấp xã có rừng phải thực hiện nhiệm vụ đi kiểm tra rừng, dự án có rừng ít nhất hai lần/tháng để nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sớm phát hiện, xử lý các vụ vi phạm.
- Duy trì hoạt động 1.600 tổ đội bảo vệ rừng
Tương tự tại tỉnh Thanh Hóa, công tác bảo vệ rừng cũng được triển khai khá hiệu quả. Cụ thể, Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ năm 2017 đến nay, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã kiện toàn hơn 250 trung đội dân quân tự vệ, duy trì hoạt động 1.600 tổ đội bảo vệ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng lên gần 54%, vượt chỉ tiêu đề ra, tình trạng cháy rừng giảm qua từng năm, không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, an ninh rừng được giữ ổn định
- Chủ động phòng cháy rừng đầu mùa hanh khô
Hiện đã bắt đầu bước vào mùa hanh khô ở các tỉnhTây Bắc, công tác phòng chống cháy rừng đang được các địa phương chủ động triển khai. Mùa khô hanh năm trước, toàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra hơn 40 vụ cháy rừng, làm thiệt hại khoảng 200ha rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho biết, theo dự báo, mùa hanh khô năm nay, nắng nóng gay gắt sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Do vậy, lực lượng đã, đang tích cực triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “bốn tại chỗ” và lấy chủ động phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và an toàn. Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng của tỉnh đã ban hành các văn bản, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm đang thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy sớm trên website của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm cháy rừng cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác.
- Nhiều biện pháp ngăn chặn lửa rừng
Tương tự, huyện Trạm Tấu là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh Yên Bái. Hiện, ngành chức năng và cộng đồng tại địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn lửa rừng. Ngay từ đầu mùa khô, huyện đã kiện toàn 12 Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững ở các xã, thị trấn và chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện, thành lập 12 tổ cơ động bảo vệ rừng, Phòng cháy, chữa cháy rừng của 12 xã, thị trấn với tổng số hơn 250 thành viên. Bên cạnh đó, các thôn, bản cũng đã thành lập 55 tổ, đội bảo vệ rừng, Phòng cháy chữa cháy rừng với gần 640 người, đồng thời, xây dựng lịch trực phòng cháy chữa cháy rừng, có ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ”.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 29/11/2023: Ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng
Ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Lãnh đạo huyện, xã có rừng phải đi kiểm tra rừng ít nhất hai lần/tháng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.