Bản tin Thủy sản ngày 11/1/2024: Sử dụng AI để quản lý âu thuyền, cảng cá
Sử dụng AI để quản lý âu thuyền, cảng cá; Kiên Giang dự kiến giảm sản lượng thủy sản 40.000 tấn; Người dân Sóc Trăng lại lao đao vì cá chẽm mất giá.
Quỳnh Anh | 13:49 11/01/2024
Bản tin Thủy sản ngày 11/1/2024: Sử dụng AI để quản lý âu thuyền, cảng cá
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Sử dụng AI để quản lý âu thuyền, cảng cá
Thưa quý vị và bà con, Để đáp ứng công tác quản lý ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng cũng như phục vụ công tác chống khai thác IUU, các công nghệ quản lý thông minh đang được áp dụng, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI để nhận dạng phương tiện ra, vào khu vực. Hiện khu vực này đã có 70 camera giám sát và đang hoạt động hiệu quả. Trong điều kiện mưa to, gió mạnh và tiếng ồn lớn, hệ thống camera giám sát cùng nhiều phương tiện được Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sử dụng để thông báo kịp thời các thông tin liên quan cho thuyền trưởng và phục vụ công tác sắp xếp tàu cá neo đậu. Các chuyên viên cũng túc trực để giám sát hình ảnh từ hệ thống camera để kịp thời phát hiện những sự cố bất thường.
- Kiên Giang dự kiến giảm sản lượng thủy sản 40.000 tấn
Vớ hoạt động phát triển kinh tế thủy sản năm 2024, Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm nay tỉnh có kế hoạch về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn, giảm 40.000 tấn so kế hoạch năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn, giảm 45.000 tấn so với kế hoạch năm trước và sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 365.000 tấn. Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác lớn nhất cả nước. Thời gian qua, do cường lực khai thác vượt khả năng tái tạo, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Để bù đắp sản lượng khai thác sụt giảm, tỉnh đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác sang nuôi trồng, nhất là nuôi biển công nghệ cao.
-
Người dân Sóc Trăng lại lao đao vì cá chẽm mất giá
Thông tin về thị trường thủy sản, thưa quý vị, do đem lại hiệu quả kinh tế cao, cá chẽm được nông dân Sóc Trăng nuôi nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, giá cá chẽm đang giảm mạnh khiến người nuôi lao đao. Theo người dân địa phương, những tháng đầu năm 2023, giá cá chẽm ở mức cao, từ 75.000 - 85.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 90.000 đồng. Trong khi đó, hiện nay, giá 1 kg cá chẽm chỉ còn khoảng 60.000 - 65.000 đồng. Với giá thành hiện tại, hộ nuôi không có lợi nhuận. Thậm chí, tùy vào điều kiện nuôi và quy mô ao nuôi, nhiều hộ có thể lỗ. Vì vậy, nhiều hộ nuôi đành "treo ao" chờ giá. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa phải kéo dài thời gian nuôi, đội chi phí thức ăn. Đáng nói, nhiều thương lái dù đã đặt cọc thu mua cá chẽm từ trước nhưng khi giá sụt giảm đã bỏ tiền, không quay lại. Việc tìm thương lái để thu mua cá hiện rất khó.
- Khai thác tiềm năng từ nước mặt để phát triển kinh tế
Với hoạt động khai thác tiềm năng mặt nước để phát triển kinh tế, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 1.300 ha mặt nước. Những năm qua, người dân trong tỉnh đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh này, phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.500 tấn, sản lượng khai thác ước đạt trên 300 tấn, đều tăng so với năm 2022. Theo tìm hiểu thực tế một số hộ nuôi trồng thủy sản, thu nhập thấp nhất cũng đạt 40 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập cao đạt trên 100 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh phát triển thủy sản, người dân cũng đã tận dụng mở một số dịch vụ câu cá, ăn uống, du lịch lòng hồ, sông để tăng thêm thu nhập. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước, cải thiện đời sống người dân.
-
Nâng giá trị sản vật biển
Còn tại Cà Mau, Nông nghiệp Radio được biết tới HTX Mắm cá mào gà của anh Nguyễn Minh Thái, Bí thư Xã đoàn Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi. Anh Thái cho biết, trên địa bàn xã hiện nay có hơn 200 phương tiện thuỷ nội địa tham gia đánh bắt, sản lượng rất dồi dào và đa dạng chủng loại, nhất là cá mào gà. Do đó, năm 2021, anh Thái thành lập HTX Mắm cá mào gà, tạo ra những sản phẩm đặc sản vùng miền và quảng bá, tiêu thụ rộng khắp trong cả nước. HTX đã giúp nâng cao giá trị của những loại thuỷ sản trước kia giá trị rất thấp, thường không tiêu thụ được. HTX là đơn vị duy nhất đến thời điểm này được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Mắm cá mào gà Ðầm Dơi”. Hiện nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 11/1/2024: Sử dụng AI để quản lý âu thuyền, cảng cá
Sử dụng AI để quản lý âu thuyền, cảng cá; Kiên Giang dự kiến giảm sản lượng thủy sản 40.000 tấn; Người dân Sóc Trăng lại lao đao vì cá chẽm mất giá.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.