Bản tin Thủy sản ngày 12/12/2023: Nhật Bản liên tục tăng nhập khẩu cua, ghẹ Việt
Nhật Bản là quốc gia duy nhất liên tục tăng nhập khẩu cua, ghẹ Việt Nam; Quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi; Phòng bệnh cho cá chim vây vàng nuôi lồng bè.
Quỳnh Anh | 15:06 12/12/2023
Bản tin Thủy sản ngày 12/12/2023: Nhật Bản liên tục tăng nhập khẩu cua, ghẹ Việt
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Nhật Bản là quốc gia duy nhất liên tục tăng nhập khẩu cua, ghẹ Việt Nam
Mở đầu là thông tin về thị trường xuất khẩu, thưa quý vị, Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tính riêng trong tháng 10/2023, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam tăng 25%, đạt gần 25 triệu USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt 161 triệu USD, giảm 14%. Tính đến hết tháng 10 năm nay, các sản phẩm cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 32 thị trường trên thế giới. Đáng chú ý, trong số những thị trường này, Nhật Bản là quốc gia duy nhất liên tục tăng nhập khẩu cua ghẹ của Việt Nam từ đầu năm. Cùng với Nhật Bản, Canada cũng là nước tăng mạnh nhập khẩu cua ghẹ từ Việt Nam trong nhiều tháng kể từ đầu năm, có những tháng xuất khẩu sang nước này tăng tới 3 con số.
-
Quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi
Trong nuôi trồng thủy sản, việc quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi là hoạt động rất quan trọng, năm 2023, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III – gọi tắt là Viện III được Cục Thủy sản giao thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đến cuối tháng 10, Viện III đã thực hiện 20 đợt quan trắc định kỳ nước cấp vùng nuôi và vùng sản xuất giống tôm nước lợ, 26 đợt quan trắc nước vùng nuôi tôm hùm lồng và 10 đợt quan trắc nước cấp vùng nuôi cá nước lạnh. Khi có kết quả quan trắc, kết hợp với bản tin dự báo tình hình thời tiết, Viện III đưa ra các khuyến cáo, lưu ý. Sau đó gửi thông báo kết quả quan trắc này để các địa phương phổ biến và có giải pháp ổn định môi trường đến người nuôi. Đồng thời, cập nhập số liệu quan trắc vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường của Cục Thủy sản.
- Phòng bệnh cho cá chim vây vàng nuôi lồng bè trên biển
Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao và đã được sản xuất giống nhân tạo thành công ở Việt Nam nên hoàn toàn chủ động được nguồn giống để đưa vào nuôi thương phẩm. Tuy vậy, do đặc tính vùng nuôi là ven biển mở nên cá chim vây vàng thường nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm. Hiện nay, những giải pháp phòng, chữa bệnh cho cá chim vây vàng sau khi được các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I hoàn thành đã áp dụng thực tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang. Các mô hình nuôi áp sụng đều cho kết quả tốt. Vì vậy, quy trình công nghệ giám sát môi trường và bệnh ở cá chim vây vàng có triển vọng lớn trong việc chuyển giao, mở rộng sản xuất trong thời gian tới, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế.
-
Tôm công nghiệp khó phát triển do thiếu thủy lợi
Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng nuôi thủy sản, Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2023 của tỉnh đạt trên 136.240 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 121.000 tấn. Trong đó, loại hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp có tỷ trọng thấp nhất về diện tích, với trên 4.340 ha thả nuôi nhưng cho sản lượng lớn với trên 40.800 tấn. Tuy diện tích thả nuôi và sản lượng tôm công nghiệp, bán công nghiệp đều tăng, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu về diện tích theo kế hoạch hàng năm. Nguyên nhân tôm nuôi công nghiệp của tỉnh Kiên Giang chậm phát triển có một phần là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, giao thông, điện... chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, nhiều vùng nuôi tôm chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi chuyên biệt, chưa có đường cấp và thoát nước riêng nên tôm nuôi luôn trong tình trạng “khát" nguồn nước biển sạch.
- Các cơ sở chế biến hải sản ở Hà Tĩnh hối hả “gom” hàng tết
Cuối cùng là thông tin về thị trường thủy sản trong nước, Thời điểm này, các cơ sở chế biến hải sản ở Hà Tĩnh đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường tết Dương lịch và tết Nguyên đán 2024. Hiện tại, giá các mặt hàng hải sản đang ở mức ổn định. Để đảm bảo chất lượng hải sản tươi ngon, một số gia đình còn đầu tư xây dựng kho đông lạnh bảo quản hải sản được tốt hơn. Việc thu mua hải sản từ sớm sẽ giúp các cơ sở có đủ nguồn hàng cung ứng thị trường tết, tránh tình trạng cháy hàng. Theo nhiều ngư dân, tình hình khai thác cuối năm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, sản lượng không cao nhưng bù lại các loại hải sản được giá nên bà con rất phấn khởi.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 12/12/2023: Nhật Bản liên tục tăng nhập khẩu cua, ghẹ Việt
Nhật Bản là quốc gia duy nhất liên tục tăng nhập khẩu cua, ghẹ Việt Nam; Quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi; Phòng bệnh cho cá chim vây vàng nuôi lồng bè.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.