Bản tin Thủy sản ngày 9/8/2024: Chủ động phòng bệnh cho thủy sản

Chủ động phòng bệnh cho thủy sản; Dư địa cho xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc; Hiệu quả cao nhưng sản phẩm tôm – lúa đang khó vươn xa.

Quỳnh Anh  | 

Bản tin Thủy sản ngày 9/8/2024: Chủ động phòng bệnh cho thủy sản

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 9/8/2024: Chủ động phòng bệnh cho thủy sản

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Dư địa cho xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc

Thưa quý vị và bà con, Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 690 triệu USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc với 35%, đạt hơn 243 triệu USD, giảm hơn 7% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 là tôm hùm với gần 122 triệu USD, tăng 174% và chiếm gần 18% tỷ trọng. VASEP dự đoán nhu cầu cá hồi và tôm hùm của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khi người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thích các sản phẩm hải sản chất lượng cao và có giá trị gia tăng.

  • Chủ động phòng bệnh cho thủy sản

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 32.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó riêng nuôi tôm là 7.500 ha. Vừa qua, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, đặc biệt vào đợt nắng nóng xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ lẻ tại TX Quảng Yên, huyện Đầm Hà, TP Móng Cái. Trong tháng 7, có gần 10ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh. Đến hết tháng 7, Quảng Ninh có trên 31ha nuôi tôm nhiễm bệnh EHP, hoại tử gan tụy, đốm trắng… và 4000 con giống cá biển bị nhiễm bệnh hoại tử thần kinh. Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người nuôi cần thả giống theo đúng quy hoạch, khung thời vụ, thường xuyên theo dõi, báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dịch bệnh. Đồng thời, chính quyền địa phương cần theo dõi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm, từ đó kịp thời khuyến cáo người dân.

  • Hiệu quả cao nhưng sản phẩm tôm – lúa đang khó vươn xa

Với mô hình nuôi tôm - lúa, Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 63.000ha sản xuất tôm - lúa thuộc các hợp tác xã, chiếm gần 60% diện tích sản xuất tôm - lúatoàn tỉnh. Nhờ tham gia mô hình, nhiều hộ thu về sản lượng từ 400-500kg tôm/ha và 5-6 tấn lúa chất lượng cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên theo một số hợp tác xã tôm - lúa, vào mùa nắng hạn những năm gần đây nông dân gặp nhiều khó khăn trong nuôi tôm. Đầu năm nay, đã có nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do nhiều nguyên nhân như nuôi không đúng yêu cầu kỹ thuật, con giống không đảm bảo chất lượng, độ mặn trong nước tăng cao vượt ngưỡng cho phép… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có mã vùng trồng, vùng nuôi cũng là một trong những rào cản khiến sản phẩm tôm, lúa Kiên Giang khó vươn xa.

  • Mô hình liên kết đảm bảo nghề nuôi cá nước lạnh bền vững

Còn với đối tượng nuôi là cá nước lạnh, tại Lào Cai, việc nuôi cá nước lạnh mang lại lợi nhuận và thu nhập khá cho người nông dân. Tuy nhiên, có không ít những rủi ro xảy ra trong quá trình nuôi, nhất là đầu ra cho sản phẩm. Giải quyết vấn đề này, các mô hình liên kết ra đời đã giúp người nuôi yên tâm sản xuất. Đơn cử như Hợp tác xã Thức Mai tại thị xã Sa Pa, ngoài tự sản xuất, cung ứng giống, cám cho cá, HTX còn liên kết thu mua cá của 30 hộ dân. Các hộ tham gia liên kết phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt từ con giống, thức ăn, đến kỹ thuật nuôi. Quá trình liên kết, hộ chăn nuôi tuân thủ lịch trình thả giống, tránh thu hoạch chồng chéo, từ đó ổn định giá bán cũng như chất lượng đầu ra.

  • Cà Mau bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thưa quý vị, thời gian qua, công tác chống khai thác IUU và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là vấn đề được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện và đã đạt một số kết quả. Tại huyện Trần Văn Thời, UBND huyện cho biết, thời gian qua, huyện đã vận động người dân giao nộp 172 bộ dụng cụ kích điện để khai thác nguồn lợi thuỷ sản; tổ chức 244 lượt kiểm tra , qua đó phát hiện 39 trường hợp vi phạm. Còn Đối với huyện U Minh, đến thời điểm này có hơn 18.500 hộ dân đã ký cam kết không sử dụng các loại kích điện để khai thác thuỷ sản. Đồng thời, địa phương cũng thu nộp hơn 372 bộ kích điện và đang chỉ đạo quyết liệt trong tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 9/8/2024: Chủ động phòng bệnh cho thủy sản

Chủ động phòng bệnh cho thủy sản; Dư địa cho xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc; Hiệu quả cao nhưng sản phẩm tôm – lúa đang khó vươn xa.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Xác định đúng đối tượng và nhu cầu khi hỗ trợ phục hồi sản xuất
Thời sự

Xác định đúng đối tượng và nhu cầu khi hỗ trợ phục hồi sản xuất; Bắc Giang công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi; Đồng Tháp mở rộng mô hình nuôi cá đồng.

Xác định đúng đối tượng và nhu cầu khi hỗ trợ phục hồi sản xuất
Thời tiết nông vụ ngày 19/9/2024: Miền Trung mưa lớn, đề phòng lũ lụt
Thời sự

Do tác động của Bão số 4, từ nay đến đêm mai, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-300mm, có nơi trên 500mm.

Thời tiết nông vụ ngày 19/9/2024: Miền Trung mưa lớn, đề phòng lũ lụt