Cà phê Việt Nam thích ứng với quy định chống phá rừng
Là thị trường lớn nhất, nên việc EU ban hành quy định về chống phá rừng (EUDR) vào tháng 6/2023 đã gây ra những lo ngại nhất định cho ngành cà phê Việt Nam.
Thanh Sơn | 17:12 16/04/2024
Cà phê Việt Nam thích ứng với quy định chống phá rừng
MC1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con! Châu Âu – EU là thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cà phê sang EU đạt 600 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ đô la Mỹ. Là thị trường lớn nhất, nên việc EU ban hành quy định về chống phá rừng hay còn gọi là EUDR vào tháng 6 năm ngoái, đã gây ra những lo ngại nhất định cho ngành cà phê Việt Nam, vì cà phê là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng bởi quy định này. Vậy trong bối cảnh chỉ còn rất ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện thích ứng với EUDR, ngành hàng cà phê nước ta đang có những bước đi như thế nào, mời quý vị và bà con cùng đến với phóng sự sau của Nông nghiệp Radio.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, tháng 6/2023, EU đã ban hành Quy định chống phá rừng rừng, gọi tắt là EUDR nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này. EUDR được áp từ tháng 01/2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2025.
Trước quy định chống phá rừng này của EU, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành cà phê và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu nước ta đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các hành động thích ứng. Nhờ vậy, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đã tự tin sẽ vượt qua được cửa ải chống phá rừng của EU, như chia sẻ của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex – nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam.
[Băng 1 – Đỗ Hà Nam]
Chúng tôi đã bắt đầu bán thử, lô hàng đầu tiên thử bán vào châu Âu với cái hồ sơ là không phá rừng. Và chúng tôi đã thử và được đánh giá là khá ổn. Và như vậy nếu mà cái việc này thì rõ ràng đây là một lợi thế mà không phải nước nào cũng làm được, tại vì vấn đề phá rừng cũng nghiêm trọng trên toàn cầu và không dễ gì chính phủ các nước tham gia vào giải quyết bài toán này một cách dễ dàng. Nhưng rất may là Việt Nam thì Chính phủ đã rất quan tâm.
MC 2:
Chính quyền nhiều tỉnh có vùng cà phê nguyên liệu cũng đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng các yêu cầu từ những thị trường nhập khẩu, trong đó có quy định chống phá rừng của EU.
Với hơn hai mươi nghìn ha cà phê và chỉ trồng cà phê Arabica, Sơn La đang là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê Arabica lớn nhất Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, cho biết, đại đa số diện tích cà phê Sơn La đã áp dụng sản xuất bền vững, không gây mất rừng.
[Băng 2 – Nguyễn Thành Công]
Muốn vươn ra thế giới thì phải đảm bảo chống suy thoái đất rừng. Sơn La đã chú trọng cái này nhiều năm nay rồi. Chính ví thế mà trong hơn hai mươi nghìn hecta có mười chín nghìn hecta đã thực hiện tổ chức sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn RA, GTZ, 4C hay là các tiêu chuẩn khác để làm sao đó khi mà lên bản đồ hiện trạng rừng của châu Âu, thì cái tỷ lệ liên quan đến suy thoái và mất rừng là ít nhất.
Trong các quốc gia xuất khẩu cà phê, Việt Nam hiện được đánh giá là có mức độ an toàn cao nhất liên quan đến EUDR khi xuất khẩu cà phê vào châu Âu. Tuy nhiên, để hoàn toàn thích ứng với quy định chống phá rừng của thị trường EU, vẫn còn nhiều việc phải làm cho cà phê Việt Nam, trong đó có xây dựng bản đồ rừng, như những đề nghị từ ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam.
[Băng 3 – Nguyễn Nam Hải]
Về EUDR, quy định về chống phá rừng và gây suy thoái rừng có hiệu lực tháng 6 năm 2023 và triển khai thực hiện từ mùng 1 tháng 1 năm 2025, đề nghị Bộ NN-PTNT khẩn trương trình Chính phủ khung kế hoạch hành động thích ứng EUDR, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, các địa phương trồng cà phê xem xét, xây dựng thống nhất bản đồ rừng tính đến ngày 31/12/2020, đàm phán với EU để đưa Việt Nam vào danh sách vùng có rủi ro thấp về EUDR, công nhận bản đồ rừng của Việt Nam đưa ra. Đồng thời cũng ban hành tài liệu hướng dẫn cụ thể, chi tiết các doanh nghiệp thực hiện, tuân thủ EUDR
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, quy định chống phá rừng của EU đã đặt ra thêm những thách thức cho ngành cà phê Việt Nam và một số ngành hàng nông, lâm sản chủ lực khác như cao su, gỗ. Tuy nhiên, thách thức lớn cũng đi kèm với những cơ hội lớn. Vì khi cà phê Việt Nam vượt qua được quy định này để tiếp tục phát triển ở thị trường EU, thì cũng sẽ vượt qua được những quy định tương tự sẽ có trong tương lai từ những thị trường lớn khác, vì chống phá rừng trong thương mại đang là xu thế chung để hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên toàn cầu.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực lâm nghiệp.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương ước đạt gần 8 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật trong số đó là ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ có sự bứt phá khá ấn tượng. Riêng trong 2 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn, ngành gỗ của tỉnh vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Trong đó, thị trường chủ yếu là Mỹ, chiếm gần 83% tổng lượng xuất khẩu ngành gỗ, tăng hơn 93% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu chiếm 4,5%, tăng hơn 67%; Nhật Bản chiếm 3,2%, tăng hơn 40%...
MC 2: tin 2
UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Công điện khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý đốt dọn thực bì, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về lâm nghiệp, chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng của người dân; quản lý chặt chẽ việc đốt dọn nương rẫy, thực hiện linh hoạt các biện pháp xử lý thực bì. Các lực lượng chức năng rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những nơi cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên…
MC 1: tin 3
Với gần 4.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 85% diện tích đất tự nhiên, thời gian qua, người dân xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế rừng. Nhờ sự định hướng của cấp ủy, chính quyền xã và sự chủ động của người dân, diện tích rừng của xã không ngừng được nâng lên, hiện toàn xã có gần 1.200 ha rừng, chủ yếu là các loại cây keo, bạch đàn. Hằng năm, sau khai thác, người dân đều chủ động đầu tư trồng rừng mới, trung bình mỗi năm, bà con trồng mới khoảng 100 ha rừng. Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 10 %, giảm hơn 13% so với năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu so với năm 2022.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Cà phê Việt Nam thích ứng với quy định chống phá rừng
Là thị trường lớn nhất, nên việc EU ban hành quy định về chống phá rừng (EUDR) vào tháng 6/2023 đã gây ra những lo ngại nhất định cho ngành cà phê Việt Nam.
Thanh Sơn
Tin liên quan
Các chương trình
Hoa cúc Ninh Giang đã tạo được thương hiệu ở khu vực Nam Trung bộ vì màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn tượng trưng cho sự sum vầy trong ngày Tết.
Từ trồng lúa và rau màu trên đất bãi, Phù Đổng nay đã trở thành vùng sản xuất hoa giấy lớn nhất nhì miền Bắc và tự chủ từ giống gốc tới cây thành phẩm.