Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Cẩn trọng trong mọi khâu của chuỗi giá trị để thực hiện Hiệp định SPS
Các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, những hiệp định này cũng đặt ra thách thức không nhỏ, trong đó có việc bắt buộc thực hiện Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn dịch bệnh động, thực vật (gọi tắt là Hiệp định SPS).
Thanh Sơn | 15:38 13/11/2023
Cẩn trọng trong mọi khâu của chuỗi giá trị để thực hiện Hiệp định SPS
Thưa quý vị và bà con! Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới khi đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do.
Các Hiệp định thương mại tự do, nhất là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đang mở ra cơ hội lớn để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, những hiệp định này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, trong đó có việc bắt buộc phải thực hiện Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn dịch bệnh động, thực vật, gọi tắt là Hiệp định SPS.
Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, 10 tháng đầu năm nay, có 55 cảnh báo từ EU đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này liên quan tới an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật.
Điều đáng chú ý là những nguyên nhân dẫn tới việc nông sản, thực phẩm bị cảnh báo có thể đến từ bất cứ một sơ suất nào đó trong mọi khâu của chuỗi giá trị, như lời của Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam
[Băng 1 – Ngô Xuân Nam]
Thực tế cũng đã cho thấy là Việt Nam chúng ta cũng đã bị EU cảnh báo một chai nước mắm bị vỡ. Chúng ta vi phạm vì trên quan điểm khi mà bị vỡ như vậy sẽ gây mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Hoặc là một trái thanh long của chúng ta không may trong quá trình vận chuyển bị dập. Bị dập thì có thể các vi sinh vật xâm nhập vào trong sản phẩm đó thì vẫn bị cảnh báo. Như vậy, chúng ta có thể hiểu câu chuyện cảnh báo không đơn giản là chuyện vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay vượt mức dư lượng về kháng sinh, chỉ cần bao bì, nhãn mác hoặc sản phẩm bảo quản không tốt trong quá trình vận chuyển là bị cảnh báo.
Thực tế cho thấy, trong việc đảm bảo Hiệp định SPS về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, chúng ta thường chỉ quan tâm nhiều tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, việc mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, hoàn toàn có thể đến từ những khâu khác do kiểm soát không kỹ càng hay do những thao tác sai, như chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch
[Băng 2 – Nguyễn Mạnh Hiểu]
Những thao tác mà đặt trái cây xuống những chỗ không đúng, như đặt xuống đất trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì chất lượng trái cây sau thu hoạch, có thể bị nhiễm những nấm bệnh chẳng hạn. Hoặc là đặc biệt với ngành trái cây nhiệt đới của chúng ta, ví dụ như xoài, sầu riêng thu hoạch không có độ chín, thu hoạch non, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng trái cây xuất khẩu. Như sầu riêng chẳng hạn, thu hoạch không đúng tuổi thì cơm sầu riêng không thể lên được màu đẹp đặc trưng của sầu riêng hoặc là những cái chất lượng, hương thơm, màu sắc, mùi vị, đặc biệt là vị ngọt … không thể đạt được, gọi là hàng dưới tiêu chuẩn.
Mỗi khi có lô hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo về an toàn thực phẩm hay an toàn dịch bệnh động thực vật, sẽ làm phát sinh những chi phí, gây ra những tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu và thậm chí có thể làm ảnh hưởng tới cả ngành hàng khi thị trường nhập khẩu gia tăng việc kiểm tra, kiểm soát đối với các lô hàng nhập khẩu khác cùng chủng loại hàng hóa. Đó là thông tin từ ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Mega A
[Băng 3 – Đặng Đình Long]
Một lô hàng từ càng xuất đến cảng đích phải thông qua 2 lần kiểm dịch. Một lần kiểm dịch ở nước xuất khẩu, một lần ở nước nhập khẩu. Tại nước nhập khẩu, nếu có phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu thì sẽ có 2 cách giải quyết, một là buộc trả lại nơi sản xuất, 2 là tiêu hủy. Vấn đề này sẽ mang đến tổn thất rất lớn cho các nhà xuất khẩu, ví dụ như tổn thất về tiền hàng không thu được, tổn thất về chi phí tiêu hủy hay chi phí mang hàng trở về nơi sản xuất. Ngoài ra cũng sẽ ảnh hưởng đến cả ngành hàng khi nước nhập khẩu tăng cường thông báo, tăng cướng cảnh báo và tỉ suất kiểm tra những lô hàng từ quốc gia đó sẽ cao hơn, phát sinh các chi phí cao hơn.
Để giảm thiểu nguy cơ bị cảnh báo từ các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp, hợp tác xã, và nông dân phải chủ động tìm hiểu các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật của các thị trường nhập khẩu và triển khai thực hiện một cách chặt chẽ những quy định này như khuyến cáo của Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam
[Băng 4 – Ngô Xuân Nam]
Từ những câu chuyện này, doanh nghiệp và hợp tác xã, người nông dân cần phải làm gì? Chúng tôi cũng khuyến cáo, đầu tiên muốn xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường nào thì phải nắm vững các quy định của thị trường đó. Các quy định của thị trường đó thì lấy ở đâu? Theo quy định của WTO, khi Việt Nam tham gia WTO, bắt buộc phải thành lập văn phòng SPS là cơ quan đầu mối để cung cấp tất cả các quy định cho các doanh nghiệp và các bên liên quan để năm được và có thông tin. Thứ hai là trong toàn bộ quá trình tổ chức sản xuất, việc theo dõi hồ sơ, sổ sách, ghi chép đặc biệt quan trọng để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc không may xảy ra sự cố thì chúng ta có thể truy xuất nguồn gốc để có giải pháp khắc phục từ vùng trồng, vùng nuôi, từ nhà máy sản xuất chế biến thì chúng ta phải quản lý tốt. Vấn đề thứ 3 là bắt buộc phải đào tạo ngồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới trong tình hình mới của thị trường.
Thưa quý vị và bà con, nông sản, thực phẩm Việt Nam đang ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào các thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc … Ngoài việc chất lượng nông sản, thực phẩm được nâng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng các thị trường này, còn có nguyên nhân quan trọng từ việc nông sản, thực phẩm Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật, Hiệp định SPS.
Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ bị cảnh báo từ các thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bàn con nông dân vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật trong suốt quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Cẩn trọng trong mọi khâu của chuỗi giá trị để thực hiện Hiệp định SPS
Các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, những hiệp định này cũng đặt ra thách thức không nhỏ, trong đó có việc bắt buộc thực hiện Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn dịch bệnh động, thực vật (gọi tắt là Hiệp định SPS).
Thanh Sơn
Các chương trình
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.