Công ty thủy lợi Nghệ An quay cuồng trong nỗi lo 'thu không bù chi'
Các công ty thủy lợi tại tỉnh Nghệ An đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do tình trạng 'thu không bù chi' kéo dài triền miên.
Việt Khánh | 17:09 22/12/2023
Công ty thủy lợi Nghệ An quay cuồng trong nỗi lo 'thu không bù chi'
MC1: Xin kính chào quý vị và bà con. Cảm ơn quý vị và bà con quay trở lại với Nongnghiep radio trong chương trình Thủy lợi và phát triển.
Thưa quý vị và bà con, những năm qua, các công ty thủy lợi trên cả nước đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do tình trạng “thu không bù chi” kéo dài triền miên, dẫn đến đời sống của số đông thủy nông viên không thực sự đảm bảo. Tỉnh Nghệ An với hệ thống thủy lợi dày đặc cũng không nằm ngoài thực trạng này.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, Qua ghi nhận thực tế, Nghệ An có hơn 1.000 hồ chứa, 423 đập dâng, hơn 700 trạm bơm… phục vụ tưới tiêu cho gần 238.000 ha. Hơn phân nửa trong số đó được giao cho 7 công ty thủy lợi quản lý, vận hành. Hệ thống công trình dàn trải nhưng đa phần đã xuống cấp do xây dựng từ lâu, trong khi kinh phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng rất hạn hẹp.
Theo tìm hiểu, kinh phí trang trải của các công ty thủy lợi MTV chủ yếu đến từ ngân sách cấp hỗ trợ thông qua sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích theo chính sách thủy lợi phí. Song, hơn 10 năm qua giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi không đổi, đi ngược lại với xu thế phát triển của xã hội, kết hợp diện tích tưới, tiêu giảm mạnh qua từng năm, trừ chi phí liên quan vô hình nguồn thu không đáng kể.
Đánh giá tổng quan, ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An khẳng định:
Trích băng ông Nguyễn Hào
MC 2:
Nhìn vào Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An sẽ thấy rõ những bất cập, đơn vị này có nhiệm vụ quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước, phục vụ tưới tiêu cho gần 70.000 ha diện tích nông nghiệp, công nghiệp và phục vụ nhu cầu dân sinh cho các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
Quá trình thực hiện, đơn vị chịu trách nhiệm phân phối hợp lý nguồn nước, ngăn chặn xâm nhập mặn, phòng chống và hạn chế thiệt hại do hạn hán, lũ lụt gây ra. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu thực sự khó lường, kết hợp diễn biến thiên tai ngày càng khó đoán.
Muôn vàn áp lực bủa vây khiến Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An phải tính toán căn ke lộ trình, kế hoạch, cơ bản hoạt động dưới dạng giật gấu vá vai suốt thời gian dài. Điều này được thể hiện rõ qua những con số thống kê, dự kiến năm 2023 doanh thu của công ty này đạt mức 44,4 tỷ, trong khi tổng chi phí lên đến 65,7 tỷ, cân đối thu chi lỗ nặng.
Ông Tạ Duy Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An thừa nhận những khó khăn, vướng mắc:
Trích băng ông Tạ Duy Hiền:
MC:
Đầu tàu trầy trật kéo theo cơ sở lay lắt, đó là điều không thể khác. Hiện các đầu mối trực thuộc của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An đang phải gánh vác nhiệm vụ vô cùng nặng nề, hết căng mình ứng phó thiên tai lại quay cuồng phòng chống hạn hán, quanh năm suốt tháng luôn thấp thỏm, âu lo.
Dù người lao động đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khỏa lấp những mặt tồn tại, vướng mắc nhưng chung quy chẳng nói lên nhiều điều. Trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn, anh lê Đức Long, nhân viên của trạm quản lý Bara Bến Thủy, đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An hiểu rõ tình hình lúc này.
Trích băng anh Lê Đức Long:
MC:
Vâng thưa quý vị và bà con, từ thực trạng vừa nêu, co thể thấy rằng ngành thủy lợi đang có phần chững lại so với guồng quay chung. Công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi rất cấp thiết nhưng chưa được thừa nhận xứng đáng. Và để tháo gỡ nút thắt cho các doanh nghiệp, giúp người lao động vững tin, tiếp tục cống hiến, cần những sự điều chỉnh mang tính đột phá trong thời gian tới.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực thủy lợi:
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Công văn gửi các Bộ và các địa phương về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024. Trong đó, đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn và nguồn nước, đánh giá cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp với diễn biến nguồn nước trên lưu vực sông, tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024, chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan về thời gian cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt, hướng dẫn các địa phương khu vực hạ du thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.
MC 2: tin 2
Để vụ Đông Xuân 2023-2024 đạt hiệu quả cao, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, đưa giống chất lượng cao vào canh tác và gieo trồng tập trung. Bên cạnh đó, huyện đặc biệt chú trọng duy tu sửa chữa công trình thủy lợi nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng. Theo đó, vhuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2023-2024, huyện Chư Păh đã tiến hành sửa chữa công trình thủy lợi Ia Roey với kinh phí 43,3 triệu đồng, sửa chữa công trình thủy lợi làng Yăh, thị trấn Ia Ly với kinh phí 51,5 triệu đồng, sửa chữa công trình thủy lợi Ia Naih, xã Ia Phí với kinh phí 482,2 triệu đồng. Đồng thời, huyện chỉ đạo đội ngũ thủy nông viên quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành, điều tiết nước theo nhu cầu sử dụng của từng loại cây trồng theo từng giai đoạn; phân lịch tưới hợp lý, tránh để tranh chấp nước tưới giữa cây cà phê, hồ tiêu với cây lúa.
MC 1: tin 3
Để đảm bảo công tác cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, bảo vệ môi trường sinh thái, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mai dương và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Thời gian thực hiện được duy trì xuyên suốt trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tuần lễ cao điểm phát động phong trào là từ ngày 20 - 30/12. Thông qua kế hoạch nhằm nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; hình thành tập quán lâu dài bền vững trong nhân dân về công tác thủy lợi và ý thức tinh thần trách nhiệm về tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, trạm bơm, kênh mương nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chống ô nhiễm.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con xin chào và hẹn gặp lại.
Công ty thủy lợi Nghệ An quay cuồng trong nỗi lo 'thu không bù chi'
Các công ty thủy lợi tại tỉnh Nghệ An đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do tình trạng 'thu không bù chi' kéo dài triền miên.
Việt Khánh
Tin liên quan
Các chương trình
Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.
Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.