Đầu tư vào cà phê chế biến để nâng cao giá trị
Hiện nay, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp, trong khi giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân tới 3 lần.
Thanh Sơn | 13:44 05/04/2024
Đầu tư vào cà phê chế biến để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Đầu tư nông nghiệp.
Thưa quý vị và bà con! Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, có đóng góp to lớn vào sự phát triển ngành nông nghiệp, xuất khẩu cà phê Việt Nam đã liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, liên tục ghi dấu những con số tăng trưởng ấn tượng và đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ đô la Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy, ngành sản xuất, xuất khẩu cà phê Việt Nam đang tồn tại nghịch lý lớn là cho đến nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, cà phê chế biến chiếm tỷ lệ thấp, trong khi giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân tới 3 lần. Như vậy, để nâng cao giá trị cho cà phê xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư chế biến là điều hết sức quan trọng.
MC 2
Thưa quý vị và bà con, dù vẫn đang chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, nhưng nắm bắt được xu thế của thị trường, trong những năm qua, ngành cà phê Việt Nam cũng đang chứng kiến làn sóng đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để tạo ra những sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Trong làn sóng ấy, nổi bật đang là các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có những công ty hàng đầu thế giới về cà phê đã tìm đến nước ta để phát triển, như thông tin của ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cao cao Việt Nam.
[Băng 1 – Đỗ Hà Nam]
Gần như tất cả các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới về cà phê đều có mặt tại Việt Nam dưới các đại diện, văn phòng, công ty hoặc là các nhà máy. Và khá nhiều doanh nghiệp hàng đầu đang tiếp tục đầu tư các nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao, hòa tan tại Việt Nam và tiếp tục đang xây dựng tiếp. Đó là điều chúng ta thấy rằng vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế.
MC 2:
Trong lĩnh vực cà phê chế biến, các doanh nghiệp Việt Nam đang có phần lép vế so với doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân là do vốn đầu tư cho một nhà máy là khá lớn. Ngoài ra các công ty còn phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng thương hiệu, thị trường cho những sản phẩm cà phê giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng nghỉ và chiến lược đúng đắn, nhiều doanh nghiệp cà phê chế biến của Việt Nam đang dần có được chỗ đứng trên thị trường, mà tiêu biểu là Tập đoàn Trung Nguyên – công ty Việt Nam duy nhất nằm trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan lớn nhất Việt Nam. Theo ông Dương Hải Đăng, trợ lý chủ tịch Tập đoànTrung Nguyên, chinh phục và đứng vững ở thị trường nội địa là bí quyết để Trung Nguyên vươn ra thị trường thế giới.
[Băng 2 – Dương Hải Đăng]
Trung Nguyên tập trung nhiều hơn cho chuỗi của cà phê chế biến và cà phê trải nghiệm. Trong cái chuỗi cà phê chế biến, đầu tiên Trung Nguyên có chiến lược muốn xuất khẩu được thì đầu tiên phải vững ở thị trường nội địa, không thể thua ngay trên sân nhà được. Cà phê hòa tan 3 trong 1 của Trung Nguyên đang đứng đầu phân khúc tại thị trường Việt Nam, hơn Nescafe, hơn hãng cà phê số 1 thế giới. Đấy không chỉ nỗ lực của Trung Nguyên mà trở thành niềm tự hào chung của chúng ta để làm sao xây dựng được hàng rào ý thức của người tiêu dùng Việt Nam.
MC 2
Phải đối mặt với những thách thức không dễ vượt qua, cùng sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nhiều doanh nghiệp cà phê hàng đầu Việt Nam vẫn đang mạnh dạn đầu tư vào cà phê chế biến. Bởi chế biến ra các sản phẩm giá trị gia tăng mới có thể nâng cao giá trị và tạo ra sự phát triển bền vững cho cà phê Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của các vùng trồng cà phê, như câu chuyện của Blue Sơn La và cà phê Sơn La.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, chia sẻ, từ khi Tập đoàn đầu tư nhà máy ở Sơn La và ra mắt cà phê Blue Sơn La, rất nhiều người tiêu dùng trên cả nước mới biết rằng một tỉnh ở vùng Tây Bắc như Sơn La cũng có cà phê và đó là cà phê Arabica với hương vị thơm ngon đặc biệt.
[Băng 3 – Phan Minh Thông]
Trong quá trình hành trình của mình làm từ trước đến nay mình luôn mang lại những cái giá trị gia tăng cho các vùng đất mình đến. Và thực sự là tôi cũng muốn khi mà tôi nhìn thấy người ta phải nghĩ rằng là câu chuyện phải chở cà phê vào đây để bán, để trộn thì tôi mới nghĩ rằng là tại sao mình không xây dựng cái brant, cái thương hiệu cà phê ngon cho vùng đất này. Và thực sự thì chúng tôi xây dựng chúng tôi mới nghĩ một tâm thế như vậy. Và sau 6 năm nhìn lại thì cái mà chúng tôi nhận thấy rằng là nó vượt ra khỏi mong đợi của chúng tôi, đó là vượt ra thực sự. Ông bí thư ông ấy nói rằng ông không bao giờ ông hình dung rằng là chỉ có 5, 6 năm mà cà phê Arabica nổi tiếng trên toàn Việt Nam và bắt đầu nổi tiếng trên thế giới.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, dù còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến đang ngày càng tăng và có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam. Với nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường thế giới cũng như ở thị trường nội địa, các công ty cà phê trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là cơ sở quan trọng để cà phê chế biến gia tăng thị phần trong cà phê xuất khẩu, qua đó, giúp cho ngành cà phê ngày càng gia tăng giá trị và tiếp tục ghi dấu những con số xuất khẩu ấn tượng trong thời gian tới.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực đầu tư nông nghiệp.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con, Thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của ngành nông nghiệp trong quý I năm nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết trong quý I, Bộ NN-PTNT đã giải ngân được 2.149 tỷ đồng, tương đương 21,6% mục tiêu đặt ra. Tỷ lệ giải ngân này cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình vốn đầu tư công của cả nước trong quý I, ước tính khoảng 13,9%. Thứ trưởng khẳng định, giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng với Bộ. Vì có giải ngân đầu tư công nhanh, chạy đua với thời gian, thì mới có hạ tầng nông nghiệp tốt.
MC 2: tin 2
Nhằm tạo những 'cú hích' cho nông nghiệp địa phương bứt phá, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Ông Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết, từ năm 2015 đến nay, riêng HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành 14 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; trong đó có “chuỗi” 8 nghị quyết mấu chốt giải quyết các vấn đề còn bị "nghẽn" trong quá trình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Một trong số đó phải kể đến là Nghị quyết số 128 ban hành tháng 2 năm 2020. Qua 4 năm triển khai Nghị quyết này, đã có gần 670 lượt tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã ở tỉnh được hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
MC 1: tin 3
Để thu hút đầu tư vào nuôi biển ở Quảng Ninh, Sở NN-PTNT tỉnh này đã hoàn thiện tài liệu thu hút đầu tư nuôi biển của tỉnh, trong đó thể hiện tổng diện tích thu hút đầu tư nuôi biển của Quảng Ninh là hơn 13.400ha. Thị xã Quảng Yên là địa phương đầu tiên phê duyệt đề án nuôi biển với diện tích thu hút đầu tư nuôi biển 865ha. Các địa phương khác như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Cẩm Phả… đều được quy hoạch rõ diện tích vùng nuôi, phân tích rõ tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nuôi biển. Với quan điểm phát triển thủy sản theo hướng sinh thái - xanh - sạch gắn với quy trình sản xuất hiện đại trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế biển đảo, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có khoa học công nghệ nuôi biển tiên tiến đến với Quảng Ninh và cùng nhau mở biển.
Nội dung vừa rồi xung đã kết thúc chương trình đầu tư nông nghiệp của nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Đầu tư vào cà phê chế biến để nâng cao giá trị
Hiện nay, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp, trong khi giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân tới 3 lần.
Thanh Sơn
Tin liên quan
Các chương trình
Giải pháp nào để ngành chè Việt Nam xóa bỏ tư duy manh mún để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường quốc tế và phát triển bền vững?
Vườn cây ăn quả xanh tốt mênh mông trải dài từ thung lũng đến các sườn đồi, cho đến khu chăn nuôi được quy hoạch bài bản trên vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá.