Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Trên hành trình sáng tạo, Diệp Minh Tuyền có sự trợ lực từ mối tình thủy chung với hiền thê Huỳnh Bửu Lan vốn là một cựu tù Côn Đảo.

Xuân Hào - Lê Thiếu Nhơn  | 

Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Tự động

Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Diệp Minh Tuyền sinh ngày 18/8/1941 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Cha mẹ đều tham gia kháng chiến, nên tuổi thơ của Diệp Minh Tuyền trải qua trong chiến khu Đồng Tháp Mười và chiến khu U Minh. Năm 1954, Diệp Minh Tuyền theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở Trường Học sinh miền Nam. Năm 15 tuổi, gom góp ký ức những ngày ngụp lặn giữa phù sa chốn bưng biền, Diệp Minh Tuyền viết ca khúc đầu tay “Em bé miền Nam”.

Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Diệp Minh Tuyền nhận công tác ở Viện Văn học. Lúc ấy, cha của Diệp Minh Tuyền là ông Diệp Tư đang làm cán bộ lãnh đạo trong ngành giáo dục tại Thủ đô, nên cơ hội du học để có tương lai tươi sáng mở ra trước mắt Diệp Minh Tuyền. Thế nhưng, cuối năm 1967, Diệp Minh Tuyền lại chọn lựa con đường cam go nhất, con đường vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam với niềm tin được ông gửi gắm trong hai câu thơ “Bản đồ chẳng có đường này/ Tim ta vạch lối xóa ngày chia ly”.

Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Trong hồi ký của mình, Diệp Minh Tuyền viết: “Gia đình và bạn bè không có ai tin rằng tôi có thể vượt được Trường Sơn. Thân hình ốm nhom ốm nhách thì làm sao có thể mang trên mình 30 ký lô để lội bộ? Ấy thế mà tôi còn mang theo trong ba lô một cuốn từ điển Nga – Việt và vác trên vai một cây đàn ghi ta. Cứ mỗi khi đến một địa điểm đáng nhớ thì tôi lấy bút ghi địa danh và ngày tháng lên cây đàn”. Chính cây đàn ghi ta ấy đã giúp Diệp Minh Tuyền viết ca khúc “Người giao liên Trường Sơn” với bút danh Thanh Tuyền, đánh dấu hành trình sáng tác của một nghệ sĩ – chiến sĩ thử thách gian nan khói lửa.

Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Vào đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Diệp Minh Tuyền gặp được thần tượng của mình là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Tháng 9/1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, người dân cả nước được nghe một ca khúc viết từ Tân Biên – Tây Ninh có tên gọi “Tình Bác sáng đời ta” mà Diệp Minh Tuyền và Lưu Hữu Phước là đồng tác giả.

Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Được phân công nhiệm vụ ở tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng, Diệp Minh Tuyền lao vào thực tế chiến đấu của quân dân khu vực đất thép thành đồng. Ngoài những tin tức, Diệp Minh Tuyền làm thơ về những ngày cam go “Khuya đêm vắng/ pháo giặc bắn/ rung ánh trăng” với vẻ đẹp cô giao liên nội thành “Đêm lắng nghe tiếng ca bên kia vách/ vẽ thầm mặt em trong tim anh” hoặc kỷ niệm cô du kích vùng ven “cơn gió chuyền cây cho lá rơi đầy/ phủ dấu chân em trên lối mòn năm trước.../ có phải cây này võng em từng treo/ cho lòng anh nay đong đưa nỗi nhớ”.

Diệp Minh Tuyền nhạy cảm và lãng mạn. Ngay giữa bom đạn bủa vây, ông vẫn viết cả tập thơ hơn 100 bài để tặng một nữ diễn viên múa của đoàn văn công Nam bộ. Đáng tiếc, mối tình ấy chỉ còn lại những dư âm trống vắng xa xôi.

Tháng 5/1973, Diệp Minh Tuyền tham dự sự kiện trao trả tù nhân chính trị tại Lộc Ninh theo tinh thần Hiệp định Paris, và ông hạnh ngộ người phụ nữ đích thực của cuộc đời mình, đó là bà Huỳnh Bửu Lan. Nhỏ hơn Diệp Minh Tuyền 7 tuổi, bà Huỳnh Bửu Lan bị lưu đày 5 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo. Tính cách hiền hậu và tinh thần bất khuất của Huỳnh Bửu Lan đã làm Diệp Minh Tuyền. Bài thơ tỏ tình của Diệp Minh Tuyền dành cho Huỳnh Bửu Lan được đặt tên “Thung lũng đêm”, viết ngày 30/5/1973: “Anh gặp em trong đêm Lộc Ninh/ Tay cầm tay dưới vòm trời yên tĩnh/ Đêm trong vườn thơm mùi quả chín/ Nghe thì thầm nhịp đập con tim/ Nụ hôn dường thơm hương sầu riêng/ Mát dịu lòng anh những đêm dài máu lửa/ Một đời gian lao đi qua một nửa/ Mới gặp em – niềm kiêu hãnh của đời anh…/ Nụ hôn anh in một dấu khuyên tròn/ Trên khuôn mặt em hằn nếp nhăn tra tấn/ Như dấu chấm hết trên trang đời vất vả/ Như nốt nhạc mở đầu chương hạnh phúc ngày mai”.

Cuối năm 1973, đám cưới Diệp Minh Tuyền và Huỳnh Bửu Lan được tổ chức giản dị ở chiến khu Chàng Riệc, như ông mô tả: “Tiếng hát cất lên chẳng muốn bay xa/ Cứ quanh quẩn đâu đây quyện tiếng cười đồng đội/ Niềm vui ấm thêm căn lều chật chội/ Hạnh phúc chừng nghiêng xuống nỗi đời riêng”. Tháng 8/1974, vợ chồng Diệp Minh Tuyền – Huỳnh Bửu Lan đón đứa con gái đầu lòng Diệp Bửu Chi. Niềm vui ấy được ông viết thành bài thơ “Con ra đời trên nền xưa đại hội quốc dân” với niềm hân hoan: “Chính nơi sinh hạ chính quyền/ Giờ con khóc tiếng đầu tiên chào đời/ Vòm xanh rừng ấy là nôi/ Võng treo dã chiến ru hời mẹ đưa”.

Non sông thống nhất, Diệp Minh Tuyền bước vào cuộc sống mới, như ông bộc bạch trong hồi ký: “Ngày 5/5/1975, tôi cùng vợ và đứa con gái 10 tháng tuổi, rời khu rừng già Tây Ninh về lại Sài Gòn sau hơn 30 năm xa cách. Thế là tôi đã để lại rừng già sau lưng mình hơn 8 năm sốt rét, đói cơm, thiếu muối, những tiếng bom rền và giai điệu êm đềm của những bài ca”.

Có được hòa bình như mong ước, Diệp Minh Tuyền thỏa sức sáng tạo cả nhạc lẫn thơ. Sự nghiệp âm nhạc của Diệp Minh Tuyền bật sáng với những ca khúc “Bài ca người lính”, “Tình biển”, “Tình cờ”... Còn sự nghiệp thi ca của Diệp Minh Tuyền chinh phục độc giả với các tập thơ “Đêm châu thổ”, “Tình ca nơi cuối đất”, “Hòa âm đỏ”... Đặc biệt, ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” được Diệp Minh Tuyền viết năm 1984, đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác âm nhạc về đề tài quân đội nhân dân Việt Nam. Sau bốn thập niên, “Hát mãi khúc quân hành” vẫn vang lên trong những ngày lễ lớn và trong những cuộc gặp gỡ nồng ấm “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ/ Ta ca vang triền miên qua tháng ngày/ Lượn bay trên núi rừng biên cương đến nơi đảo xa/ Mãi mãi lòng chúng ta ca bài ca người lính/ Mãi mãi lòng chúng ta vẫn hát khúc quân hành ca/ Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/ Ta yêu sao làng quê non nước mình/ Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca”.

Tự động

Diệp Minh Tuyền thường trú ở trái tim bạn đời

Trên hành trình sáng tạo, Diệp Minh Tuyền có sự trợ lực từ mối tình thủy chung với hiền thê Huỳnh Bửu Lan vốn là một cựu tù Côn Đảo.

Xuân Hào - Lê Thiếu Nhơn

Các chương trình

Giáo sư Dương Quảng Hàm lương duyên lưu giữ trang sử trang văn
Chuyện tình khó quên

Sau khi giáo sư Dương Quảng Hàm hy sinh, bà Trần Thị Vân dành phần đời còn lại để lặng lẽ nhớ thương chồng.

Giáo sư Dương Quảng Hàm lương duyên lưu giữ trang sử trang văn
Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau
Chuyện tình khó quên

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cặp vợ chồng cầm bút nổi tiếng bậc nhất trong giới văn chương Việt Nam.

Vợ chồng thi sĩ bồng bềnh cho tới mai sau