Gạo Việt được thị trường châu Âu đón nhận
Việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại với thị trường quốc tế đã thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng cao, đặc biệt là sản phẩm gạo.
Trọng Linh | 10:23 15/12/2023
Gạo Việt được thị trường châu Âu đón nhận
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.
Thưa quý vị và bà con, đến nay, Việt Nam có hơn 16 năm tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO, tham gia 19 Hiệp định Thương mại tự do - FTA và có 16 Hiệp định đã được ký kết chính thức. Trong đó, có nhiều Hiệp định Thương mại được coi là Hiệp định Thương mại thế hệ mới. Sau khi các Hiệp định này được ký kết đã thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên. Nhiều năm qua giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn đạt cột mốc khá cao. Đặc biệt, tháng 8/2020 Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam với 27 nước Liên minh Châu Âu - EU đã thúc đẩy xuất khẩu nông sản 2 chiều giữa Việt Nam và các nước trong khối EU tăng lên, đặc biệt là sản phẩm gạo Việt.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, hiện nay, đối với thị trường EU thì Việt Nam có những cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, các thành viên EU có đến 103 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu sang thị trường EU.
PB3:
“Đối với sản phẩm gạo Việt khi xuất khẩu sang thị trường EU, trong nhiều năm trở lại đây dưới dự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cùng với sự chỉ đạo của địa phương, đặc biệt là nông dân trực tiếp canh tác thì trong 2 năm vừa qua không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo về tồn dư thuốc BVTV. Như vậy, chất lượng gạo của chúng ta đều đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ thị trường khó tính này. Đặc biệt, thị trường EU là một trong những thị trường đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn rất cao nhưng chúng ta vẫn đáp ứng được…sản phẩm gạo Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng”.
MC 2:
Tại Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu – EVFTA vừa diễn ra, nhiều diễn giả đã chia sẻ những quy định một số thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản tại các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc hay Hàn Quốc… Đồng thời, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ngành xuất khẩu nông sản phát triển bền vững.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là tỉnh thuần nông, có thế mạnh về sản xuất thủy sản. Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh luôn đạt trên 1 tỷ USD và thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này chủ yếu là Châu Âu. Với diện tích nuôi tôm lớn của cả nước với gần 300.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 220.000 tấn, chiếm gần 1/3 về tích cũng như kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Những năm qua, Văn phòng SPS đã cung cấp những thông tin liên quan đến các điều kiện quy định xuất khẩu sang thị trường châu Âu về vệ sinh ATTP, kiểm dịch động, thực vật. Nếu không nắm rõ những quy định, điều kiện nhập khẩu của các thị trường thì khó tiếp cận được các thị trường này.
PB 4:
Ông Bằng cho biết: Đã nhiều vụ dư lượng kháng sinh đã vượt ngưỡng cho phép….chúng ta phải làm tốt việc này”.
MC 1:
Thưa quý vị và và con, trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia cũng nhận định, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Minh chứng là ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã có nhiều thông báo liên quan đến các quy tắc đối với các cơ sở nuôi trồng và vận chuyển động vật thủy sản. Quy định về yêu cầu sức khỏe động vật đối với các hoạt động di chuyển đối với động vật trên cạn và trứng ấp; quy tắc giám sát, chương trình loại trừ và tình trạng sạch bệnh đối với một số bệnh đã được liệt kê và bệnh mới nổi. Ngoài các quy định của chính quyền, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải tuân theo như tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh thiết lập (BRC), nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin tức về hoạt động áp dụng quy định SPS về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.
MC 1: Tin 1
Ngay sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết, ông Ngô Xuân Nam Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, nội dung của Nghị định thư có năm vấn đề cần lưu ý. Một là Nghị định thư đã xác định rõ các yêu cầu về nhập khẩu với hai vấn đề phải quan tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm và đối tượng kiểm dịch. Hai là quả dưa hấu tươi của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc không được nhiễm năm đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống bao gồm: ba loài ruồi đục quả, một loài rệp và một vi khuẩn. Thứ 3, tất cả các vùng trồng, các cơ sở đóng gói dưa hấu tươi xuất khẩu phải được đăng ký và được cả Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã. Cơ sở đóng gói phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc. Và cuối cùng các lô hàng dưa hấu của Việt Nam được xuất khẩu qua tất cả các cửa khẩu đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép nhập khẩu trái cây tươi.
MC 2 Tin 2
Bắc Giang hiện có hơn 51 nghìn ha cây ăn quả, đứng thứ hai miền Bắc. Trong đó vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích 29,7 nghìn ha, cây có múi 10 nghìn ha... Những năm qua, hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ nông sản của tỉnh, đặc biệt là vải thiều diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Mặc dù vậy, theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tại một số địa phương, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. Qua kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng mạo danh, mượn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến phía Cơ quan Kiểm dịch Trung Quốc đã ra cảnh báo về việc có thể thu hồi hoặc hủy mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.
MC 1 Tin 3
Huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ hiện có trên 2.700ha trồng bưởi, trong đó có hơn 1.400ha bưởi đặc sản. Sản lượng bưởi quả có sự tăng trưởng rõ rệt từ 11.000 tấn vào năm 2016 lên 52.000 tấn - năm 2023, giá trị sản phẩm ước đạt 800 tỉ đồng. Ông Phan Văn Đạo, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, đối với những vùng bưởi xuất khẩu, đơn vị vẫn đang hướng dẫn người trồng duy trì 18 mã số vùng trổng với 9 vùng bưởi trên diện tích hơn 366ha. Trong số đó có 9 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nga và 9 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, đến nay chưa ký được hợp đồng nào trong việc xuất khẩu sang các nước. Nguyên nhân dẫn đến chưa xuất khẩu được là do các nước yêu cầu rất nghiêm. Các sản phẩm trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ sản phẩm. Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc chưa có Trung tâm chiếu xạ dẫn đến khó khăn trong việc xuất khẩu sang Mỹ và một số nước khác.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Gạo Việt được thị trường châu Âu đón nhận
Việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại với thị trường quốc tế đã thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng cao, đặc biệt là sản phẩm gạo.
Trọng Linh
Tin liên quan
Các chương trình
Với truyền thống hàng trăm năm tuổi, sản xuất tăm hương và làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã chuyển từ nghề phụ thành sinh kế chính, có những đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh những hình thức quảng bá truyền thống, hoa xuân Mê Linh hiện còn có mặt ở các phiên chợ, lễ hội và đặc biệt là những phiên livestream trên mạng xã hội.