Giải bài toán dư lượng của ngành hàng tỷ đô
Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội để các loại gia vị Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Tuy nhiên, trong hơn 3 năm EVFTA có hiệu lực, ngành gia vị nước ta vẫn chưa khai thác được nhiều lợi thế từ Hiệp định này, một nguyên nhân quan trọng là EU đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng cao về ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Thanh Sơn | 10:54 27/11/2023
Giải bài toán dư lượng của ngành hàng tỷ đô
Thưa quý vị và bà con! EU là thị trường nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu thế giới, chiếm khoảng một phần tư lượng nhập khẩu trên toàn cầu. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, các loại gia vị được nhập khẩu nhiều vào EU là gừng, nghệ, hạt tiêu, vani quế …, và 95% gia vị nhập khẩu vào EU đến từ các nước đang phát triển.
Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gia vị sang EU, khi mà nước ta có tiềm năng rất lớn về nhóm hàng này vì hiện đang là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn nhất thế giới.
Hiệp định EVFTA đang mở ra thêm nhiều cơ hội để các loại gia vị Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, khi nhóm hàng hồ tiêu và gia vị được đưa vào diện cắt giảm thuế nhập khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong hơn 3 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành gia vị Việt Nam vẫn chưa khai thác được nhiều lợi thế từ hiệp định này, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là EU đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng cao về ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (viết tắt là MRL), như lời của bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam
[Băng 1 – Hoàng Thị Liên]
Bản thân thị trường EU là một thị trường ở phân khúc rất cao, có giá trị lợi nhuận rất lớn nếu chúng ta khai thác được. Cái khó khăn hiện nay mà chúng ta phải nhìn về tương lai để làm sao tiếp tục khai thác hiệp định này như là một công cụ để vào thị trường. Nhưng đấy chỉ là trước mắt.. Còn về lâu dài, những hiệp định này cũng chỉ là bàn đạp gây sức ép để chúng ta đi theo xu hướng thị trường một cách bài bản. Tức là vấn đề bây giờ EU rất đơn giản, tất cả đều phải theo quy tắc, quy chuẩn. Quy định về chất lượng như thế nào, các chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ra sao, chúng ta hoàn toàn phải tuân thủ.. Hiện nay EU đã ban hành hơn 500 tiêu chí về MRL và tiếp tục ngày càng có những tiêu chí mới ban hành và cái ban hành sau sẽ ngặt nghèo hơn, chặt chẽ hơn và đồng thời diện hóa chất được cho phép có quy định tồn dư hay không sẽ rộng hơn, mà rộng hơn như thế sẽ ảnh hưởng đến canh tác của bà con.
Không chỉ Việt Nam, quy định về dư lượng hóa chất của Liên minh châu Âu được áp dụng với nông sản từ tất cả các nước xuất khẩu vào EU. Do đó, để duy trì và thâm nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường EU, từ người sản xuất đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của thị trường này liên quan tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, như chia sẻ của ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam
[Băng 2 – Ngô Xuân Nam]
Không riêng gì Việt nam mà các thành viên WTO khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường EU, chúng ta chỉ cần vượt ngưỡng các chất bảo vệ thực vật, EU quy định rằng 0,01 ppm, mà chúng ta chỉ cần 0,012 ppm thì cũng là vi phạm. Đây là quy định bắt buộc áp dụng. Đây là điều mà tôi cho rằng tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, các bên liên quan, kể cả người nông dân khi canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hay kể cả các hộ chăn nuôi các sản phẩm có nguồn gốc động vật thì phải quy định dư lương kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là các quy định bắt buộc áp dụng mà chúng ta phải tuân thủ
Để quản lý được dư lượng trong gia vị xuất khẩu, nhất là trong sản phẩm hồ tiêu, cần phải đẩy mạnh nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc văn phòng Rainforest Alliance tại Việt Nam, cho rằng đây là công cụ hữu hiệu nhất trong việc quản lý sâu bệnh và giảm thiểu nguy cơ tồn dư hóa chất trong sản phẩm.
[Băng 3 – Nguyễn Văn Thiết]
Chúng tôi kiến nghị là phải thay đổi ngay lập tức càng nhanh càng tốt bằng cách tiếp cận chiến lược IPM. Không có IPM không giải quyết được vấn đề sâu bệnh. Vậy thì IPM là cái gì? Chúng ta nghĩ lại trong quá khứ ông bà ta trồng cây cỏ có phun thuốc đâu, họ vẫn ăn no, ngủ yên, không có gì là ghê gớm. Nhưng tất nhiên năng suất không phải như bây giờ, nhưng lợi nhuận chưa chắc ai hơn ai. Vậy thì các cụ có biện pháp nào đó. Chúng ta quay lại không phải là bây giờ chúng ta hiện đại, công nghệ 4.0 mà quay lại văn hóa, tập quán canh tác của các cụ không phải là lạc hậu đâu, mà các cụ thông minh lắm. Các cụ không bón phân, không sử dụng thuốc hóa học, vẫn ăn uống đầy đủ.
Xác định vị thế quan trọng của hồ tiêu cũng như các sản phẩm gia vị nước ta, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các đối tác trong việc giải bài toán dư lượng hóa chất trên các sản phẩm gia vị xuất khẩu.
Theo bà Hoàng Thị Liên, nếu nếu nhận thức đúng vấn đề, tích cực hỗ trợ những người sản xuất trực tiếp, ngành hàng gia vị hoàn toàn có thể giải được bài toán dư lượng, qua đó đưa gia vị Việt Nam đi xa hơn trên thị trường thế giới.
[Băng 4 – Hoàng Thị Liên]
Hiện nay ngành gia vị của Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về cung cấp cho thị rường thế giới. Và thị trường thế giới bắt buộc phải cần nguồn nguyên liệu của chúng ta. Chỉ có rằng chúng ta tăng thời gian thích ứng, đáp ứng với thị trường nhanh hơn, tốt hơn và một cách bền vững hơn, đa dạng hơn, thì nông dân chúng ta sẽ bớt khổ, như vậy đời sống được cải thiện hơn. Với những nỗ lực mà chúng ta đã làm, trong vòng 3 năm tới chúng ta có những nỗ lực tích cực hơn, hợp tác cùng nhau hơn thì chúng ta sẽ đi được xa hơn. Tức là bài toán bền vững, bài toán MRL không phải là bài toán không có lời giải, nhưng nó yêu cầu chúng ta phải nhận thức được vấn đề, cùng nhau hỗ trợ nông dân, vì nông dân là người quyêt định canh tác như thế nào.
Thưa quý vị và bà con, gia vị hiện là ngành hàng tỷ đô của Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu và gia vị đạt 1,126 tỷ đô la Mỹ.
Nếu giải quyết tốt vấn đề dư lượng trong các sản phẩm gia vị, xuất khẩu gia vị Việt Nam sang EU cũng như các thị trường khác sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt hơn và bền vững hơn trong thời gian tới.
Giải bài toán dư lượng của ngành hàng tỷ đô
Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội để các loại gia vị Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Tuy nhiên, trong hơn 3 năm EVFTA có hiệu lực, ngành gia vị nước ta vẫn chưa khai thác được nhiều lợi thế từ Hiệp định này, một nguyên nhân quan trọng là EU đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng cao về ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Thanh Sơn
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.