Giải pháp vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới
Nâng cao năng lực quản lý, nâng cấp hệ thống công trình và áp dụng công nghệ hiện đại là giải pháp để vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.
Quỳnh Anh | 07:39 22/11/2024
Giải pháp vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai.
Thưa quý vị và bà con, xác định công tác thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, suốt chiều dài lịch sử, thủy lợi là vấn đề được cả hệ thống chính trị và người dân quan tâm. Thế nhưng hệ thống thủy lợi ‘gánh’ trên vai trách nhiệm nặng nề trong thời gian dài, kèm theo tình trạng thiên tai diễn biến ngày càng khó lường do biến đổi khí hậu… đã khiến nhiều công trình đập, hồ chứa thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Trước bối cảnh đó, việc tìm ra và áp dụng các giải pháp vận hành công trình thủy lợi đảm bảo an toàn trong tình hình mới hiện nay là yêu cầu tất yếu.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, khi những tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, hệ thống thủy lợi đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều năm qua, cùng với đầu tư xây dựng các công trình mới thì đất nước ta cũng luôn phải chú trọng việc sửa chữa và nâng cấp những công trình hư hỏng, xuống cấp. Dù vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, con số này vẫn rất khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, sau cơn bão số 3 vừa qua, hệ thống thủy lợi tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng và cũng cho thấy những bất cập trong công tác đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước.
Đơn cử như đối với việc thiết lập quy trình vận hành, về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành. Việc vận hành theo quản lý vận hành hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (dự báo mưa), do thiếu các thiết bị đo mưa trên lưu vực hồ chứa. Ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết thêm:
Băng ông Lương Văn Anh
MC 2:
Cùng với an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa được xác định là vấn đề quan trọng của quốc gia. Thế nhưng, những báo cáo về thực trạng hiện nay cũng cho thấy, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.
Hơn nữa, một số hồ lớn đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án đảm bảo an toàn hồ đập và phòng lũ. Hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không đảm bảo thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ. Bên cạnh đó là công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, nguồn nước đến hồ còn hạn chế, tổ chức bộ máy quản lý, khai thác, công tác hiện đại hóa quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn đập còn hạn chế…
Những thách thức đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp đồng bộ để xây dựng, hoàn thiện chính sách, để công tác quản lý vận hành, ứng dụng công nghệ được thực hiện hiệu quả trong tình hình mới hiện nay.
Liên quan tới nội dung này, TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, an toàn đập cần gắn với an toàn hạ du, gắn với khái niệm quản lý lũ theo lưu vực sông, quản lý vận hành liên hồ chứa và đặc biệt là vấn đề nâng cao năng lực cảnh quan trắc, hiệu quả thông tin để có thể chủ động trong mọi tình huống.
Băng TS Hoàng Văn Thắng
MC 2:
Là đơn vị quản lý công trình cung cấp nước tưới cho 24.100 ha diện tích canh tác của 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, ông Vũ Bá Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương cho biết, thời gian qua, công trình đã được đầu tư sửa chữa, vùng hạ du cũng được xây dựng bản đồ ngập lụt, được thực hiện việc cắm mốc phạm vi bảo vệ, lắp đặt các thiết bị quan trắc chuyên dùng, trong đó có cả phần mềm tính toán điều tiết lũ. Tuy nhiên kết cấu công trình từ khi xây dựng đã xuất hiện một số bất cập, hư hỏng, nhất là khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng như cơn bão số 3 vừa qua.
Điển hình như tràn số 1 có kết cấu cửa van cung, vận hành các van bằng thủ công, phải hạ hết cánh tràn nên không điều chỉnh được lưu lượng xả. Bên cạnh đó, việc xả lũ đảm bảo an toàn cho hồ chứa theo quy trình khi mực nước sông Thương phía hạ lưu ở mức cao sẽ gây thêm ngập lụt, thiệt hại cho các vùng thấp ở ven sông, đồng thời đe dọa đến sự an toàn của hệ thống đê sông Thương. Qua kinh nghiệm ứng phó bão số 3, ông Thành cho rằng để vận hành hồ chứa an toàn, việc tăng cường áp dụng công nghệ trong tính toán điều tiết lũ là điều cần thiết.
Băng ông Vũ Bá Thành
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, Việt Nam được xếp vào top 10 quốc gia có hệ thống thủy lợiphát triển nhất thế giới, trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, ngành thủy lợi đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Các hồ chứa thủy lợi mang nhiều nhiệm vụ trọng yếu. Thế nhưng, với hệ thống công trình xây dựng đã lâu và khi thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, hệ thống thủy lợi nói chung và các công trình đập, hồ chứa nước nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Trước bối cảnh đó, nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, vận hành, tiếp tục nâng cấp hệ thống công trình và áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại là giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới hiện nay.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực PCTT
MC 1
Thưa quý vị và bà con, theo Sở NN-PTNT Hà Nội, cơn bão số 3 vừa qua đã gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn. Để bảo đảm an toàn công trình, kịp thời vận hành phục vụ nông dân sản xuất, Sở đã đề xuất thành phố bố trí gần 124 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do bão lũ gây ra. Tuy nhiên, trên địa bàn TP vẫn còn nhiều công trình thủy lợi đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng vẫn đang chờ được nâng cấp. Cùng đó, nhiều tuyến kênh lớn làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu trên địa bàn cũng đã bị sụt sạt bờ, mái kênh, bồi lắng lòng dẫn. Nghiêm trọng nhất là tuyến kênh Trung Thủy Nông thuộc địa bàn xã Kim Lan, Văn Đức (huyện Gia Lâm). Có 5 vị trí mái kênh dài khoảng 150 m sạt gần kín lòng kênh, giảm năng lực tiêu úng cho hơn 2.350 ha sản xuất nông nghiệp và đe dọa an toàn tính mạng người dân khi đi qua tuyến kênh này.
MC 2:
Sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6, sông Kiến Giang đoạn chảy qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, khu vực sông Kiến Giang đoạn chảy qua thông Long Đại, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, có nhiều điểm sạt lở, xói sâu tạo thành những “hàm ếch” to và vực sâu dựng đứng khoảng 2 – 4m. Những hàng tre bảo vệ đất 2 bên bờ sông cũng bị sạt lở nuốt chửng. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị mất dần, sạt lở cũng uy hiếp 75 hộ dân, trong đó có 7 hộ ảnh hưởng trực tiếp. Sạt lở đất dọc sông Kiến Giang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của 70 hộ dân với diện tích gần 8ha.
MC 1:
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Văn bản đề xuất hỗ trợ các danh mục dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện trong năm 2024 - 2025. Theo đó, Thực hiện Văn bản của Bộ NN-PTNT về việc đề xuất danh mục dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách do ảnh hưởng của bão, Lào Cai đề xuất nhu cầu trên địa bàn tỉnh có 22 dự án sắp xếp bố trí ổn định dân cư tập trung cho vùng thiên tai khẩn cấp, cấp bách hết sức cấp thiết cần thực hiện ngay trong năm 2024 - 2025. Mục tiêu là bố trí ổn định dân cư cho hơn 1.200 hộ sắp xếp dân cư tập trung. Đối tượng được sắp xếp chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Giải pháp vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới
Nâng cao năng lực quản lý, nâng cấp hệ thống công trình và áp dụng công nghệ hiện đại là giải pháp để vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Nghệ An cần ưu tiên đầu tư vào hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và khai thác rừng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Ngành thủy lợi tỉnh Thanh Hóa đang huy động lực lượng ra quân đồng loạt nạo vét khơi thông dòng chảy, đảm bảo cung, tiêu nước trên phạm vi toàn tỉnh.