Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.
Hành trình organic: Ươm mầm lúa hữu cơ trên vùng đất sét
Chặng cuối của hành trình, tôi về với xứ bưng biền, nơi có những đồng lúa dài tít tắp đang chuyển dần sang canh tác hữu cơ.
Xuân Hào - Kim Anh | 08:27 19/08/2024
Hành trình organic: Ươm mầm lúa hữu cơ trên vùng đất sét
Tiếp tục hành trình đi tìm giá trị của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tôi xuôi về vùng châu thổ Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước.
Ở vùng đất bưng biền này, chắc hẳn mọi người đã được nghe nhiều về mô hình tôm – lúa hữu cơ, sản xuất thuận tự nhiên nằm ở các tỉnh ven biển Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu hay Sóc Trăng.
Vào mùa mưa, tầm tháng 9 đến tháng 12, nông dân bắt đầu trữ nước, rửa mặn và canh tác lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Mọi thứ đều sản xuất dựa vào tự nhiên như thời ông bà ta, nên chất lượng gạo luôn ngon và an toàn. Việc tận dụng đất nuôi tôm trồng thêm 1 vụ lúa cũng giúp bà con tăng thêm thu nhập so với trước.
Như vậy, với những vùng điều kiện không được thuận lợi để phát triển mô hình tôm – lúa, để trồng lúa hữu cơ thành công phải làm sao?
Sau khi tìm hiểu nhiều tư liệu về tiến trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở ĐBSCL, đặc biệt là trên cây lúa, tôi quyết định tìm về tỉnh Sóc Trăng, bởi đây là địa phương đầu tiên trong vùng hiện thực hóa Đề án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt không nơi nào trồng được giống lúa ST mà giữ được hương vị thơm ngon như “chính chủ” Sóc Trăng
Hành trình organic: Ươm mầm lúa hữu cơ trên vùng đất sét
Đồng bằng những ngày nay đã bước vào mùa mưa, thế nhưng ban ngày nắng như đổ lửa. Vượt qua địa phận TP Cần Thơ và TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), tôi đi dọc theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, xuyên qua địa bàn thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) để đến với xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị.
Vĩnh Lợi nằm ở vị trí gần như trung tâm của huyện Thạnh Trị, phía Đông giáp xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi của tỉnh Bạc Liêu.
Qua khỏi cổng chào “Xã Vĩnh Lợi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, ôm trọn con đường dẫn vào trung tâm xã là những cánh đồng lúa đã ngả màu vàng óng, nằm “phơi mình” dưới ánh nắng chói chang, chực chờ vài ba hôm nữa sẽ đến ngày thu hoạch.
Con kênh Quản lộ Phụng Hiệp chảy qua hàng chục cây số, dẫn nước vào sâu vùng nội đồng, nhờ đó mà bà con nơi đây sản xuất 2 vụ lúa/năm tương đối thuận lợi.
Hành trình organic: Ươm mầm lúa hữu cơ trên vùng đất sét
Một nông dân trông bộ dạng rất hối hả, cứ chạy ra chạy vô trong sân nhà đón máy cắt đến để thu hoạch lúa.
Thấy tôi nhìn loanh quanh như tỏ ý muốn tìm kiếm nhà ai đó, ông đưa tay ngoắc lại hỏi “muốn tìm ai ở vùng này à”. Tôi như bắt được chiếc ô giữa cái nắng chang “cháy da cháy thịt”, rồi hỏi nhanh “Bác chỉ giúp HTX Vinh Lợi ở đâu?”
Hành trình organic: Ươm mầm lúa hữu cơ trên vùng đất sét
Vừa nghe tên, lão nông này này hỏi tiếp “thằng Út trồng lúa hữu cơ phải không”, không cần đợi tôi phải trả lời, ông chỉ ngay “qua cây cầu trèo này, đi vào chợ Vĩnh Lợi” là gặp liền.
Theo lời chỉ dẫn, tôi đến chợ Vĩnh Lợi, hỏi thăm một vài tiểu thương, gặp một tiệm thuốc tây nhỏ là nhà anh Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX nông nghiệp Vinh Lợi, đơn vị đang sở hữu 50ha lúa đạt chứng nhận lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU.
Vào ngay câu chuyện, anh Út tâm sự trồng lúa thân thiện với môi trường đã khó, trồng lúa hữu cơ trên vùng đất sét lại càng khó hơn rất nhiều. Trong một lần tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp ở một số tỉnh bạn, thấy mô hình làm hữu cơ rất hay, không ảnh hưởng sức khỏe, còn được các doanh nghiệp bao tiêu 100%. Anh quyết định vận động 1 vài bà con cùng chung chí hướng, thử nghiệm chuyển đổi 5ha lúa theo hướng hữu cơ. Rồi dần dần mô hình của HTX được nhiều người biết đến, các dự án tiếp sức hỗ trợ để anh cùng bà con nhân rộng.
[Băng NGUYEN VAN UT 1]: “Tự nông dân mình phát sinh làm thôi. Mới đầu làm thấy hay hay rồi nhân rộng ra luôn. Trước kia mình có dự án Oxfarm hỗ trợ đào tạo học tập kỹ thuật, tham quan mô hình. Sau nữa có dự án Mekong Orgainic họ cũng tài trợ một phần về kinh phí. Hiện nay có nguồn kinh phí của nhà nước cũng đầu tư 20ha hỗ trợ 50% phân bón, lúa giống cho bà con làm”.
Thành công hôm nay, thăng trầm anh Út trải qua cũng không phải ít. Nhất là giai đoạn xã viên biến động, người xin vào, người rút ra liên tục. Anh Út vừa cười, vừa bảo “làm hữu cơ phải tinh thần thép mới được”.
Hành trình organic: Ươm mầm lúa hữu cơ trên vùng đất sét
[Băng NGUYEN VAN UT 2]: “Họ vô rồi họ ra, họ đòi vô nữa, chứ không phải vô không. Mới đầu vô theo kiểu có người hỗ trợ sẽ vô, không có người hỗ trợ rồi ra. Phần lớn là những trường hợp đó do tác động lớn của người phụ nữ, người vợ ở nhà là chính. Nguyên nhân là vợ chỉ biết lời bao nhiêu, được nhiêu tiền, chứ họ chưa hiểu hết vấn đề làm hữu cơ. Tôi nói làm hữu cơ là phải tinh thần thép, mặc ai nói cứ nói mình làm cứ làm như vậy mới được”.
Sau một lúc trò chuyện, anh Út liên hệ anh Võ Thanh Trúc dẫn tôi đi tham quan cánh đồng lúa hữu cơ đang vào độ thu hoạch.
Anh Trúc là xã viên tham gia HTX từ năm 2021, anh nhiệt tình và hăng hái dẫn chúng tôi dạo một vòng thăm hỏi bà con, nhất là ngắm ruộng lúa hữu cơ, với bao nhiêu tâm huyết, kiên trì xây dựng của xã viên.
Cánh đồng nằm sâu trong con đường bê tông nhỏ, chỉ vừa đủ để chiếc xe máy lọt qua, nếu không giữ vững tay lái, rất dễ có một cú “nằm đường”.
Anh Trúc cho biết, xuất phát điểm ban đầu, năm 2018 một số nông dân cùng chung chí hướng canh tác lúa hữu cơ, liên kết cùng nhau trồng thử nghiệm 5ha. Giai đoạn đầu chuyện đổi mọi thứ đều khó khăn với bà con, từ phân bón, chế phẩm vi sinh… đều phải tuân thủ theo quy trình, trong khi xã viên lại chưa có kinh nghiệm. Dần dần, bà con được tiếp cận với các chương trình tập huấn kỹ thuật từ Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Trị rồi các đơn vị, tổ chức, kinh nghiệm từ đó được đúc kết dần. Khoảng 5 năm sau công cuộc chuyển đổi từ trồng lúa truyền thống sang canh tác hữu cơ mới thật sự đạt được thành công.
[Băng VO THANH TRUC]: “Hữu cơ làm cũng dễ. Trước đây mình chưa quen khó thôi, còn bây giờ quen rồi, nhiều năm rồi, như thuộc lòng luôn rồi. Hơn nữa trước đây thói quen của mình thấy con sâu là mình phun, phun con sâu phải chết liền. Bắt đầu mình chuyển đổi từ từ, ví dụ vụ này mình xài phân hữu cơ, giảm bớt hóa học, từ từ 2 – 3 năm mới ngắt luôn. Mặt ruộng bây giờ rất tốt, mấy tháng nước nổi, lội xuống nó mát chân lắm, đất lội xuống nổi bọt khí lên liền”.
Lão nông Trần Văn Sang, đã 70 tuổi, nhưng lại là người tiên phong đưa gần 3ha đất trồng lúa của gia đình tham gia chuyển đổi sang canh tác lúa hữu cơ và duy trì đến nay khoảng 6 năm. Ông Sang kể, từ trước thế kỷ XIX, xã Vĩnh Lợi vốn là vùng đất hoang vu, bao quanh là rừng biển miền Tây, giáp với Bạc Liêu và Cà Mau - vùng đất cuối cùng được phù sa màu mỡ bồi đắp.
Người dân từ các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… di cư xuống Vĩnh Lợi khai hoang, lập nghiệp ngày càng nhiều hơn. Bà con phá rừng, khai hoang ruộng đất để trồng lúa mùa, thuận tự nhiên, tuy không gọi là giàu có nhưng vẫn có dư.
Theo xu hướng phát triển, trồng lúa vô cơ truyền thống khó kiểm soát được tồn dư hóa chất trong đất và sản phẩm gạo. Xã viên HTX nông nghiệp Vinh Lợi ai nấy đều đồng lòng chuyển đổi. Vậy là đến nay diện tích trồng lúa theo quy trình hữu cơ đã đạt 70ha. Trong đó, 50ha đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA/EU, 20ha tiếp tục triển khai chứng nhận vào cuối năm 2025. Mà cơ duyên đưa những xã viên tiến tới quy trình hữu cơ nghe qua cũng thật tình cờ.
[Băng TRAN VAN SANG 1]: “Lúc chưa thành lập HTX, chưa làm hữu cơ, đi tham quan tỉnh Đồng Tháp. Các doanh nghiệp dắt lên tham quan HTX hữu cơ ở Đồng Tháp, thấy người ta mần, nếu mình không mần thì không biết, có mần mới có biết. Vậy đó, chứ mình nghe không mình cũng không học hỏi được gì. Bước đầu làm chia 7:3, 70% xài hữu cơ, 30% xài hóa học, mới bắt đầu mà, từ từ giảm dần”.
Tôi đứng trên bờ đê bao quanh là cánh đồng lúa hữu cơ ST25, xa xa máy cắt đã di chuyển xuống đồng và bắt đầu cắt những thửa ruộng đầu tiên. Giai đoạn chuyển đổi nền đất, từ canh tác truyền thống sang hữu cơ mất từ 2 – 3 năm, đồng nghĩa trong khoảng thời gian này nông dân chấp nhận việc năng suất lúa bị giảm sâu.
Giờ đây, bà con có được môi trường tốt để nuôi cá, tạo nguồn thực phẩm hàng ngày cho gia đình hoặc kiếm thêm thu nhập.
Những nông dân tâm huyết ở HTX Vinh Lợi như ông Võ Thanh Trúc luôn mong muốn chuyển đổi và mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ, chỉ cần một “chất xúc tác” là doanh nghiệp kết nối tiêu thụ đầu ra, để tạo động lực thế là đủ.
[Băng VO THANH TRUC 2]: “Bây giờ chuyển đổi nhiều cũng được nhưng mà chuyển đổi nhiều để làm gì. Chuyển đổi nhiều làm hữu cơ mà bán với giá lúa rất thấp thành ra cũng không muốn chuyển đổi nhiều đâu. Nếu mà có 1 công ty nào đó đồng hành với HTX theo từ đầu đến cuối, bà con sẵn sàng chuyển đổi hết diện tích luôn cũng được”.
Tiếp lời ông Võ Thanh Trúc, ông Trần Văn Sang bộc bạch thêm
[Băng TRAN VAN SANG 2]: “Hữu cơ làm phải theo chương trình, không xài hóa học là phải thua người ta. Ví dụ người ta 1 tấn, mình chừng 600 – 700kg, không có hơn nữa đâu. Như vậy giá cả phải chênh lệch 1.000 – 2.000 đồng”.
Hiện nay, lúa hữu cơ sau khi thu hoạch xong, HTX đã kết nối tiêu thụ được với doanh nghiệp và được thu mua với giá cao hơn giá thị trường là 400 đồng/kg. Khoảng 70% sản lượng lúa hữu cơ được tiêu thụ, diện tích còn lại HTX chủ động sấy, xay sát và đóng gói bán lẻ ra thị mang thương hiệu Vinh Lợi.
Tạm biệt các xã viên, tôi rời xã Vĩnh Lợi mang theo những gửi gắm và tâm huyết của những nông dân thích làm nông nghiệp. Lại nhớ, một doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu gạo hữu cơ vững chắc trên thị trường quốc tế từng chia sẻ câu chuyện, rất muốn tìm vùng nguyên liệu, để liên kết sản xuất lúa hữu cơ nhưng chưa thành công và nếu tìm được chi phí đầu tư cũng không nhỏ.
Bởi để chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ cần nhiều điều kiện, trong đó có việc quy hoạch, thiết kế lại hệ thống thủy lợi. Đặc biệt là vùng nguyên liệu phải đủ lớn để đảm bảo sản lượng ổn định cho doanh nghiệp.
Ngoài tinh thần, nhiệt huyết và trách nhiệm của người sản xuất là những xã viên trong các HTX, vai trò dẫn dắt đặc biệt quan trọng của chính quyền địa phương trong hành trình phát triển lúa hữu cơ ở vùng bưng biền này.
Hành trình organic: Ươm mầm lúa hữu cơ trên vùng đất sét
Chặng cuối của hành trình, tôi về với xứ bưng biền, nơi có những đồng lúa dài tít tắp đang chuyển dần sang canh tác hữu cơ.
Xuân Hào - Kim Anh
Các chương trình
Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.