Mang nguồn nước mát ngọt, an toàn về vùng hạn mặn
Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, đời sống người dân khu vực nông thôn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sạch an toàn vào mùa khô. Thời gian qua, bên cạnh những giải pháp hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, việc đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con vùng nông thôn là vấn đề quan trọng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm.
Kim Anh | 11:12 05/07/2023
Mang nguồn nước mát ngọt, an toàn về vùng hạn mặn
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Thủy lợi và phát triển.
Thưa quý vị và bà con, với đặc thù có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Đời sống người dân khu vực nông thôn nhiều khó khăn. Đặc biệt, là tình trạng thiếu nước sạch an toàn vào mùa khô. Thời gian qua, bên cạnh những giải pháp hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con vùng nông thôn là vấn đề quan trọng được tỉnh Sóc Trăng chú trọng. Những năm qua, nhiều nguồn lực đổ dồn cho tỉnh Sóc Trăng với mục tiêu đưa nước sạch về vùng hạn mặn được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thực hiện khẩn trương, đảm bảo tất cả người dân khu vực nông thôn đều được tiếp cận với nguồn nước chất lượng, hợp vệ sinh.
Bây giờ, Nongnghiepradio mời quý vị và bà con cùng nghe ghi nhận thực tế của phóng viên Kim Anh tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
MC 2:
Có mặt tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng vào đúng dịp hàng ngàn hộ dân vùng hạn mặn nơi đây vui mừng đón nhận Trạm cấp nước tập trung vừa ra mắt.
Xã Tân Hưng là một trong những địa phương ở Sóc Trăng chịu ảnh hưởng do nguồn nước bị nhiễm mặn vào mùa khô hạn. Đặc biệt, địa phương có 5 ấp nhưng trong đó 4 ấp đã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, hệ thống cấp nước của xã quy mô rất nhỏ, đã được xây dựng cách đây khoảng 20 năm, nên không thể nâng cao suất. Vì thế, chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sạch an toàn cho người dân.
Ông Đặng Thanh Nhận, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng bộc bạch:
Băng 1: Ông Đặng Thanh Nhận
[Bang DANG THANH NHAN]: “Trên địa bàn xã hiện có 273 hộ nghèo, trong đó dân tộc Khmer là 76 hộ. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia có 1.877/2.803 hộ. Việc khánh thành đưa vào sử dụng trạm cấp nước tập trung xã Tân Hưng đã giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sạch. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ nhân dân xã Tân Hưng mà còn của các xã bạn lân cận, cải thiện môi trường, giảm nguy cơ bệnh tật do nguồn nước kém chất lượng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng”.
MC 2:
Công trình có tổng mức đầu tư trên 8,4 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai vận động tài trợ 3 tỷ đồng, phần kinh phí còn lại do địa phương đối ứng.
Ông Phan Diễn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai bồi hồi nhớ lại, trong một lần ghé thăm tỉnh Sóc Trăng chứng kiến tình cảnh sản xuất của người dân bị ảnh hưởng do nguồn nước nhiễm mặn, thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt. Hoàn cảnh đó, thôi thúc Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai thực hiện vận động xây dựng các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung và xã Tân Hưng nói riêng.
Băng 2:
[Bang PHAN DIEN]: “Tôi còn nhớ lần đó chúng tôi về huyện Trần Đề vào lúc vụ lúa sắp chín. Đồng ruộng bị nhiễm mặn rất nặng. Bà con ở bên cạnh mương, nước rất đầy, ao hồ xung quanh nước đầy, nhưng bà con cho biết tất cả những nước này độ mặn rất cao. Cho nên ăn không được, uống không được. Thậm chí giặt quần áo cũng không được. Bà con hàng ngày phải đi xa 5-7km để mua, lúc đầu là xin, rồi sau mua nước ngọt về để sinh hoạt”.
MC 2:
Công trình Trạm cấp nước tập trung xã Tân Hưng có công suất dự kiến 1.200 mét khối/ngày đêm. Tổng chiều dài đường ống cấp nước là 3.500 mét, phục vụ cung cấp nước sạch cho khoảng 400 hộ dân trên tuyến.
Đồng thời, công trình này cũng hỗ trợ cung cấp nước sạch thông qua đấu nối với 15km đường ống hiện hữu, phục vụ thêm 2.000 hộ dân ở các xã lân cận là xã Long Phú, Tân Thạnh.
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Hưng, công trình Trạm cấp nước tập trung xã Tân Hưng ứng dụng công nghệ hiện đại. Bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, chất lượng nước lọc đầu ra đảm bảo an toàn. Việc khánh thành đưa vào sử dụng công trình đã giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sạch an toàn và liên tục cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, giúp địa phương nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động nguồn nước sinh hoạt vào mùa khô.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết:
Băng 3
[Bang VUONG QUOC NAM]: “Để phát huy cao, hiệu quả công trình, vận hành khai thác đảm bảo chất lượng và ổn định. Tôi đề nghị Đảng ủy, UBND xã Tân Hưng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân trong phạm vi dự án. Và tham gia kết nối sử dụng nước sạch từ công trình đạt 100%. Đề nghị Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, quản lý, vận hành, khai thác công trình đạt hiệu quả liên tục, ổn định, đảm bảo chất lượng nước sạch theo quy định”.
MC 2:
Với sự chung tay của cộng đồng, trong 7 năm qua, Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai đã kịp thời vận động, tài trợ cho tỉnh Sóc Trăng nguồn kinh phí gần 15 tỷ đồng. Trong đó đã hỗ trợ xây dựng 4 trạm cấp nước mới tập trung, 1 công trình mở rộng đường ống cấp nước. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng trạm đo mưa tự động, cảnh báo sớm mưa lũ tại cộng đồng. Qua đó, giúp người dân khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng nâng cao chất lượng cuộc sống, chung tay cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chủ động ứng phó trước thiên tai.
MC 1
Thưa quý vị, theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ diễn ra phức tạp vào mùa khô 2023 – 2024. Nhất là, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra nghiêm trọng hơn ở khu vực ĐBSCL. Từ hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, hy vọng sẽ góp thêm động lực cho người dân các địa phương chủ động thích ứng. Qua đó mong rằng vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các Quỹ cộng đồng, doanh nghiệp, nhà tài trợ, xây dựng thêm những công trình thủy lợi hiệu quả, thiết thực nhất ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị và bà con cũng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực Thủy lợi vừa diễn ra trên cả nước.
MC 1:
Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang tiến độ gieo cấy lúa mùa tại địa phương đang rất chậm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là, năm nay tác động mạnh của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biết rất phức tạp, các đợt nắng nóng xuất hiện khốc liệt hơn và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng kéo dài đồng nghĩa với lượng mưa thấp. Nước không được bổ sung, trong khi các hồ chứa sau sản xuất vụ xuân đã dần cạn kiệt, hầu hết dưới mực nước chết không thể bơm, điều tiết để phục vụ sản xuất cho vụ mùa. Các chuyên gia khuyến cáo, đợt mưa “vàng” diện rộng từ ngày 20 đến 25 tháng 6 đã cung cấp lượng nước dồi dào, ruộng đồng đã được no nước. Người dân cần tập đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo gieo cấy lúa mùa trà chính vụ xong trước ngày 10-7, trà muộn trước ngày 20-7 theo đúng khung thời vụ.
MC 2:
Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 2.400 công trình thủy lợi, trong đó có 35 hồ chứa nước, 41 trạm bơm còn lại là các công trình đập dâng, kênh dẫn nước. Trong số này, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Kạn quản lý 390 công trình, hơn 2.000 công trình còn lại do các huyện quản lý. Dù là tỉnh miền núi còn khó khăn nhưng đến nay Bắc Kạn đã kiên cố hoá được gần 1.600km kênh mương, chiếm 68% tổng chiều dài toàn bộ kênh mương thuỷ lợi. Năng lực tưới tiêu của các công trình thuỷ lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất cho hơn 20 nghìn ha. Ngoài một số diện tích chân ruộng ở cao dọc các triền đồi, các công trình thuỷ lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.
MC 1
Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, chính quyền tỉnh Điện Biên đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ đập thủy lợi, hệ thống kênh mương để xây dựng phương án xử lý kịp thời, bảo đảm phục vụ sản xuất và an toàn vùng hạ du. Qua kiểm tra cho thấy, mới có 3/14 hồ đã lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và được UBND tỉnh phê duyệt, một số công trình bị hư hỏng nhẹ. Sở NN-PTNT đề nghị các đơn vị quản lý, chính quyền các địa phương có phương án sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ năm nay. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên hện đã thành lập 213 tổ chức thủy lợi cơ sở, gồm 10 hợp tác xã và 203 tổ hợp tác.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin kính chào và hẹn gặp lại.
Mang nguồn nước mát ngọt, an toàn về vùng hạn mặn
Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, đời sống người dân khu vực nông thôn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sạch an toàn vào mùa khô. Thời gian qua, bên cạnh những giải pháp hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, việc đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con vùng nông thôn là vấn đề quan trọng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm.
Kim Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm IUU; Rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn thực phẩm; Sương muối gây ảnh hưởng nhiều diện tích cà phê.
Thời tiết trên cả nước tiếp tục mang đậm nét đặc trưng của vùng. Từ mùa đông miền Bắc đến ẩm ướt miền Trung và sự ấm áp, rực rỡ của miền Nam.