Mối duyên kết nối xuyên biên giới Việt - Ý

Tôi nợ tình yêu của Elena, người con gái bốn mươi năm trước đã quen và yêu tôi hơn mọi thứ quý giá nhất trên đời. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng, vô vụ lợi, không toan tính nhỏ nhen. Nàng chấp nhận đến với tôi từ khi tôi còn là một 'công tử' ngu ngơ du học, đến những năm tháng khó khăn ở căn nhà không lò sưởi, mùa đông bên trong nhà còn lạnh hơn bên ngoài.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào  | 20:00 10/06/2023

Mối duyên kết nối xuyên biên giới Việt - Ý

Tự động

Mối duyên kết nối xuyên biên giới Việt – Ý

Những năm gần đây, giới trí thức phương Nam được chứng kiến một hình ảnh thú vị, đó là một ông chồng Việt thường chở một bà vợ Tây  trên chiếc xe máy cũ đi tham dự các buổi ra mắt sách hoặc các cuộc hội thảo khoa học. Nàng là Tiến sĩ Elena Pucillo Truong quê quán Nhà thơ Phùng Quán trời đã sinh ra anh để yêu em tha thiết, Ý và chàng là nhà văn Trương Văn Dân quê quán Bình Định, Việt Nam.

Họ đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ yêu nhau trên dương gian run rủi ly hợp, và cùng nhau bước qua từng trang bản thảo xôn xao vui buồn.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” xin giới thiệu câu chuyện “Mối duyên kết nối xuyên biên giới Việt – Ý”.

(Trích ca khúc “Tình không biên giới” của nhạc sĩ Thanh Tùng)

Giữa đô thị TP.HCM chộn rộn, nếu tình cờ thấy vợ chồng Elena Pucillo Truong và Trương Văn Dân tay nắm tay đi uống cà phê hoặc đi chợ, thì người thờ ơ nhất cũng nghe lòng mình thoảng một cơn gió ấm áp. Mái tóc vàng óng của Elena Puciilo Truong và ánh mắt tin cậy của Trương Văn Dân ít nhiều khẳng định cho những người xung quanh một điều giản dị: Tình yêu vẫn có thật trên đời, tình yêu của phụ nữ Việt với đàn ông Tây cũng có thật, mà tình yêu của đàn ông Việt với phụ nữ Tây cũng có thật.

Trường hợp Tiến sĩ Elana Pucillo Trương và nhà văn Trương Văn Dân khiến nhiều người ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Họ có cần trung tâm môi giới hôn nhân nào gắn kết đâu, từ hai phương trời xa lạ bỗng dưng họ chạm mặt nhau và gìn giữ nhau như định mệnh sinh ra để dành cho nhau!

Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với nhau, nhà văn Trương Văn Dân tiết lộ

(Trích băng ghi âm Trương Văn Dân 1)

Nhà văn Trương Văn Dân sinh năm 1953 tại Bình Định. 18 tuổi, chàng trai Trương Văn Dân ôm ấp giấc mơ được đi du học. Nhiều bạn bè thời ấy chọn nước Mỹ, nhưng Trương Văn Dân không thích. Sau khi nộp đơn chờ xét tuyển du học ở hai nơi là Pháp và Nhật, Trương Văn Dân trong một buổi chiều Sài Gòn ngẫu nhiên gặp mấy nhân viên sứ quán Ý đang chơi tennis ở Tao Đàn. Qua câu chuyện xã giao, Trương Văn Dân có chút thích thú với những người ngoại quốc này. Nghe thông tin nước Ý đang khuyến khích du học sinh Việt Nam, Trương Văn Dân liền thay đổi kế hoạch. Trương Văn Dân bàn bạc với gia đình và mua vé máy bay đến Milano. Thế nhưng, ở cái địa danh mà chính bản thân cũng mơ hồ kia, Trương Văn Dân đã có được một phúc phận lớn nhất trong đời mình.

Nhà văn Trương Văn Dân kể lại phút giây hạnh ngộ người vợ Ý khá chi tiết: “Những ngày chân ướt chân ráo nơi đất khách, tôi tập làm quen với môi trường sống mới bằng cách lui tới một hồ bơi gần nhà. Bình thường, hồ bơi chỉ có mấy du học sinh châu Á thôi, vậy mà hôm đó lại có một nhóm nữ sinh bản địa. Tôi đã nhìn thấy Elena Pucillo trong số đó, và kết quả là cô ấy thêm họ Trương của tôi vào tên mình để thành nàng dâu Việt Elena Pucillo Truong!”.

Còn Tiến sĩ Elena Pucillo Trương cũng không ngần ngại nói về khoảnh khắc rung động trước người chồng Việt: “Lúc đó, tôi đang học năm cuối bậc trung học. Vì cái hồ bơi của trường tôi phải sửa chữa, nên tôi và mấy cô cùng lớp mới phải đi xe buýt đến hồ bơi công cộng. Không ngờ, có một gã trai không quen biết dám đến gần và nói rằng: “Tôi là người Việt Nam. Tôi muốn làm quen với cô để học tiếng Ý!”. Mối tình đầu của tôi đã xuất hiện một cách kỳ lạ như vậy!”.

Tiến sĩ Elena Pucillo Truong có một tuổi thơ không ít sóng gió. Gia đình chuyển từ Napoli đến Milano, rồi bố mẹ cô cũng chia tay. Bố có hạnh phúc khác, Elena Pucillo sống với mẹ và hai người em. Chị thổ lộ: “Trước khi quen anh Trương Văn Dân, tôi chỉ biết đến Việt Nam qua những thước phim do người Mỹ thực hiện. Từ ngày yêu anh Trương Văn Dân, tôi hiểu Việt Nam hơn qua những câu chuyện về chính làng xóm của anh và họ hàng của anh. Tôi đồng ý lời cầu hôn vì nhận ra một người đàn ông Việt Nam có tính cách chân thành và kiên định!”.

Elena Pucillo và Trương Văn Dân đã có đến 13 năm chung sống trước khi tổ chức đám cưới. Lý do, Elena Pucillo thông cảm cho những khó khăn của Trương Văn Dân sau cột mốc lịch sử 1975. Ngược lại, Trương Văn Dân cũng chia sẻ với Elena Pucillo còn gánh nặng phải đỡ đần cho mẹ và hai em. Cứ thế, từng ngày yêu nhau, họ động viên nhau vượt qua trở ngại. Trương Văn Dân trở thành kỹ sư công nghiệp hóa dược, còn Elena Pucillo trở thành Tiến sĩ ngôn ngữ.

Năm 1985, trong một bữa cơm cuối tuần, Trương Văn Dân thưa với mẹ của Elena Pucillo: “Con không bao giờ đưa Elena về Việt Nam, để mẹ phải lủi thủi cô đơn. Con và Elena sẽ chăm sóc cho mẹ suốt đời!”. Với một chàng rể tương lai thấu hiểu gút mắc trong lòng mình, mẹ của Elena Pucillo xúc động gật đầu: “Hai đứa tổ chức hôn lễ đi!”.

Ngày về Bình Định ra mắt phía gia đình chồng, nàng dâu Elena Pucillo Trương lập tức phát hiện một tương đồng giữa Việt và Ý: “Cảnh buôn bán ở Quy Nhơn giống hệt thành phố Napoli quê hương tuổi thơ tôi!”.

Sau khi mẹ vợ qua đời vào năm 2002, nhà văn Trương Văn Dân bàn với Tiến sĩ Elena Pucillo Trương kế hoạch trở về Việt Nam sinh sống. Thế nhưng, Tiến sĩ Elena Pucillo Trương còn lịch giảng dạy dày đặc ở Đại học Milano và còn phải thăm nom người cha tuổi xế chiều bơ vơ. Năm 2008, nhà văn Trương Văn Dân về Sài Gòn trước. 3 năm sau, ông chồng Việt với chính thức rước bà vợ Ý về Việt Nam định cư.

Khi cả hai đến làm thủ tục hồi hương ở đại sứ quán Việt Nam ở Roma, một nhân viên thẳng thắn hỏi Elena Pucillo Trương: “Chị bỏ mọi thứ ổn định để về Việt Nam với chồng, chị không sợ gì sao?”. Chị đáp: “Sợ gì? Nơi nào có chồng tôi thì tôi thích sống nơi đó. Nếu hết tiền hay có chuyện bất trắc, thì tôi sẽ vào chùa xin tụng kinh và rửa chén!”. Đứng bên cạnh, nhà văn Trương Văn Dân trào nước mắt!

Trong bút ký “Milano Sài Gòn, đang về hay sang?” xuất bản năm 2011, nhà văn Trương Văn Dân nghẹn ngào tự thú: “Sống đời sống ở phương Tây mọi việc đều rõ ràng, sòng phẳng, thế nhưng lòng tôi luôn luôn canh cánh một món nợ. Nợ nước Ý. Nợ tình yêu của Elena, người con gái bốn mươi năm trước đã quen và yêu tôi hơn mọi thứ quý giá nhất trên đời. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng, vô vụ lợi, không toan tính nhỏ nhen. Nàng chấp nhận đến với tôi từ khi còn là một “công tử” ngu ngơ du học, đến những năm tháng khó khăn, sau 1975, ở căn nhà không lò sưởi, mùa đông bên trong nhà còn lạnh hơn bên ngoài; Nàng chẳng rời tôi thời không tiền ăn sáng… nhịn đói ôm sách ra thư viện để được ấm thân, vừa học vừa mong đến giờ ăn ở quán cơm sinh viên. Nàng động viên, khuyến khích và cho tôi sức mạnh để vượt qua bao nỗi khó khăn, từ khi tốt nghiệp, việc làm tạm bợ bị bóc lột đến xương tủy vì không có quốc tịch, lương ba cọc ba đồng, cho đến lúc vươn lên, trở thành giám đốc kỷ thuật và trưởng phòng nghiên cứu phát triển dược thú y cho một công ty thuộc tập đoàn lớn nhất nước Ý- Ferruzzi group.

Bốn mươi năm, tôi đã đi theo sự chọn lựa mà nhiều khi cũng không có quyền chọn lựa. Nhiều lúc tôi đã phải cắn răng chịu đựng nhưng có lúc cũng mỉm cười, nhìn chướng ngại như môt cuộc thử sức rồi ngẩng đầu để đi lên… Là người luôn chấp nhận hy sinh, Elena yêu tôi bằng một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy như hai trái tim nằm giữa lằn ranh, vừa Hòa vừa Nhập, thách thức mọi khác biệt của hai nền văn hóa”.

Tình yêu giữa Tiến sĩ Elena Pucillo Trương và nhà văn Trương Văn Dân đã được thử thách thêm một lần qua đại dịch khắc nghiệt Covid-19. Cùng đón Giáng sinh và năm mới 2020 tại Ý, nhà văn Trương Văn Dân về Việt Nam trước để ăn tết cổ truyền dân tộc còn Tiến sĩ Elena Pucillo có việc phải ở lại Milano thêm một tháng. Nào ngờ, Covid-19 bùng phát, nước Ý phong tỏa, Tiến sĩ Elena Pucillo Trương bị kẹt trong thành phố Milano.

Trong khi những người khác tìm cách di chuyển từ nơi có dịch Covid-19 sang nơi an toàn, thì nhà văn Trương Văn Dân có một quyết định ngược lại. Không thể để vợ mình bơ vơ trong đại dịch, ông đã tìm cách đi từ Việt Nam sang Ý. Ông vượt mọi cam go đi vào tâm dịch, với mong ước giản dị và cao cả “chúng tôi phải đoàn tụ, dù có chết thì chúng tôi cũng phải chết bên nhau”.

Nhà văn Trương Văn Dân đã gắn bó với chữ nghĩa từ lâu, còn Tiến sĩ Elena Pucillo Trương bắt đầu sáng tác khi về sống trên quê chồng. Dù nói tiếng Việt tương đối lưu loát, nhưng Tiến sĩ Elana Pucillo Trương vẫn chưa mấy tự tin để viết văn theo Tiếng Việt, với lý do: “Tiếng Việt cùng một từ nhưng có nhiều nghĩa khác nhau, tôi không thể viết văn bằng tiếng Việt, dù có chồng là người Việt và bản thân cũng nghiên cứu tiếng Việt đã lâu. Tuy vậy, sự khác biệt của tiếng Việt cũng như văn hóa Việt đã cuốn hút tôi với tất cả sự say mê”. Không có gì phức tạp, tác giả Elena Pucillo Trương cứ thoải mái viết bằng tiếng Ý, vì đã có dịch giả chính là… ông chồng Việt! Vợ tác giả, chồng dịch giả, cũng là một sự hợp tác thú vị đấy chứ! Sau hai tập “Một phút tự do” và “Bóng của ngày”, liên danh tác giả vợ - Elena Pucillo Trương và dịch giả chồng – Trương Văn Dân còn có thêm cuốn sách “Vàng trên biển đá đen”!

Sự đồng điệu giữa hai tâm hồn Việt Ý trong một mái nhà, được nhà văn Trương Văn Dân chia sẻ

(Trích băng ghi âm Trương Văn Dân 2)Mỗi khi nhắc đến Tiến sĩ Elena Pucillo Trương, nhà văn Trương Văn Dân luôn đọc hai câu thơ của Hồ Dzếnh “Mình vừa là chị, là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời” để ca ngợi người vợ Ý. Còn Tiến sĩ Elena Pucillo Trương cũng yêu chồng đến mức tự tay làm được nhiều món ăn Việt để hợp khẩu vị của chồng.

Bây giờ nhà văn Trương Văn Dân và Tiến sĩ Elena Pucillo Trương sinh sống vui vẻ bên nhau chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TPHCM. Những người hàng xóm của họ rất quý mến đôi vợ chồng Việt – Ý và gọi Tiến sĩ Elena Pucillo Trương bằng cái tên thân mật là “cô Na”.

Tự động

Mối duyên kết nối xuyên biên giới Việt - Ý

Tôi nợ tình yêu của Elena, người con gái bốn mươi năm trước đã quen và yêu tôi hơn mọi thứ quý giá nhất trên đời. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng, vô vụ lợi, không toan tính nhỏ nhen. Nàng chấp nhận đến với tôi từ khi tôi còn là một 'công tử' ngu ngơ du học, đến những năm tháng khó khăn ở căn nhà không lò sưởi, mùa đông bên trong nhà còn lạnh hơn bên ngoài.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào

Các chương trình

Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần
Chuyện tình khó quên

Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.

Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần
Tỷ phú Bill Gates và chuyện tình yêu theo ngôn ngữ lập trình
Chuyện tình khó quên

Tỷ phú Bill Gates là niềm cảm hứng của những người trẻ có hoài bão, năng lực muốn chinh phục những mục tiêu cao nhất, Nhưng về chuyện tình yêu, cũng không thể khác được.

Tỷ phú Bill Gates và chuyện tình yêu theo ngôn ngữ lập trình