Mỹ Châu tơ duyên từ sân khấu cải lương

Cuộc đời một cô đào chỉ biết diễn và diễn mỗi ngày bức màn nhung kéo lên đầy hồi hộp, ngỡ rất đơn điệu và tẻ nhạt, nhưng chuyện tình của Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu lại khiến mọi người thú vị vì những run rẩy chân thành ở người đeo mang nghiệp cầm ca.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào  | 20:00 02/12/2023

Mỹ Châu tơ duyên từ sân khấu cải lương

Tự động

Mỹ Châu tơ duyên từ sân khấu cải lương

Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu sinh ra tại Thủ Thừa – Long An, trong một gia đình có bốn anh chị em. Người cha của Mỹ Châu thường được gọi là “cậu Mười”, vốn có một trại mộc với thu nhập đủ để cả nhà sống sung túc, nhưng ông đột ngột qua đời vào năm Mỹ Châu mới 6 tuổi. Người mẹ mà Mỹ Châu hay gọi là Vú, bỗng dưng góa bụa ở độ tuổi thanh xuân, đành nuốt hết bẽ bàng và uất hận để mở một sạp hàng ngoài chợ lụi cụi buôn bán nuôi con. Mỹ Châu khi tập tễnh cắp sách đến trường đã được khen ngợi về tài ca hát. Năm lên 7 tuổi, Mỹ Châu được nghệ nhân Tám Chấn dắt đi thi văn nghệ thiếu nhi ở Nhà hát Tân An và giành được hạng ưu. Từ đó, thỉnh thoảng cô bé Mỹ Châu gầy gò và đen nhẻm được mời hát đám cưới quanh xóm, có trả thù lao đàng hoàng.

Lúc sinh thời, người cha của Mỹ Châu không mấy thiện cảm với những sinh hoạt văn nghệ, nên thường răn đe: “Cậu Mười không thích con gái đờn ca hát xướng đâu nghe! Mấy đứa bây phải lo học! Học cho mau nên người!”. Thế nhưng, người mẹ lầm lũi của Mỹ Châu lại nghĩ khác khi thấy sự đam mê của đứa con gái út. Năm Mỹ Châu 11 tuổi, bất ngờ Vú đi cùng đứa con gái út đến trường để đưa ra một quyết định: “Thưa cô giáo, xin phép cô giáo cho con Mỹ Châu nó nghỉ học để đi hát cải lương”. Khép lại những ngày sách vở, mẹ con Mỹ Châu xuôi đò về Sóc Trăng, theo gánh hát Tiếng Chuông của ông bầu Ba Cang.

Hai năm sau, năm 1963, Mỹ Châu có được bản giao kèo trị giá 5 ngàn đồng (tương đương 20 cây vàng) để về với gánh hát Út Bạch Lan – Thành Được. Và rạp Hưng Đạo, nơi được mệnh danh là thánh đường của cải lương Sài Gòn, đã chứng kiến những thử thách nghề nghiệp đầu tiên của ngôi sao tương lai Mỹ Châu. Bên cạnh công việc yêu thích là đánh phấn, dặm phấn cho nghệ sĩ Út Bạch Lan đang giai đoạn lừng lẫy, thì Mỹ Châu tự thú có trải nghiệm “từng đi móc cống, dọn cầu trong cái rạp hào nhoáng đó, những việc mà dù sau này đã nở mày nở mặt, Mỹ Châu cũng không dám kể cho Vú nghe!”. Một cơ duyên mang tính bước ngoặc trong cuộc đời Mỹ Châu, chính là được mời hát trên Đài phát thanh Sài Gòn.

Sau khi nghe Mỹ Châu ca bản tân cổ giao duyên “Nửa đêm sầu hận”, cùng lúc hai ông bầu của hai gánh hát lừng lẫy là Kim Chung và Thủ Đô đến chiêu dụ Mỹ Châu. Thế là Mỹ Châu tạm biệt thần tượng Út Bạch Lan để về gánh hát Thủ Đô với hợp đồng lao động được trả 150 ngàn đồng (tương đương 60 cây vàng). Trong sự cạnh tranh giữa các gánh hát, chỉ một năm sau, Mỹ Châu lại được gánh hát Kim Chung trả lương gấp đôi để rời khỏi gánh hát Thủ Đô. 15 tuổi, Mỹ Châu trở thành đào chánh, tên tuổi nổi như sóng cồn. Và trên sàn diễn Kim Chung, thiếu nữ Mỹ Châu đã có những xao xuyến đầu đời với đồng nghiệp Minh Phụng lớn hơn mình 6 tuổi!

Sau khi diễn chung khá ăn ý hai vở cải lương “Bình rượu nhiệm mầu” và “Kiếm sĩ người dơi”, Mỹ Châu và Minh Phụng đều biết “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Mỹ Châu thổ lộ: “Minh Phụng thương tôi đến mức luôn quanh quẩn, xớ rớ bên tôi, bất kể trên sân khấu hay ngoài đường. Buổi tối, diễn xong, anh ngồi ngó theo tôi thấp thoáng tẩy trang, lui tới trong hậu trường”. Tuy nhiên, người mẹ của Mỹ Châu thì kịch liệt cấm cản cả hai phát triển quan hệ tình cảm. Người mẹ của Mỹ Châu nói thẳng với nghệ sĩ Minh Phụng: “Con Mỹ Châu nó còn rất nhỏ, nó mới có một chút xíu thôi, chứ chưa là gì hết. Con đường tương lai của nó xa lắm. Đừng ngăn trở nó! Đừng có thương nó! Nó không có cái gì hết, của cải, nhà cửa nó không có đứng tên đâu”Chưa hết, người mẹ của Mỹ Châu còn bắt cô phải bày tỏ thái độ dứt khoát ngay trước mặt bà. Người mẹ ngồi dưới khán đài, còn Mỹ Châu và Minh Phung cùng “diễn” bi kịch chia ương rẽ thúy trên sân khấu cho bà chứng kiến. Mỹ Châu nói với Minh Phụng: “Anh ơi, bây giờ Vú hổng chịu cho em thương anh. Nếu anh cứ vầy hoài thì phải đổi đoàn đó! Vú không cho em hát chung với anh đâu. Từ rày về sau, anh nghe lời Vú đi, anh đừng thương em nữa! Vú không chịu gả, vì Vú nói em còn nhỏ lắm. Mà nếu anh thương em, thì anh cứ đợi…”. Minh Phụng không hồi đáp được lời nào, chỉ khóc. Mỹ Châu cũng khóc. Dù mối tình đầu như gió thoảng qua song cửa, nhưng Mỹ Châu và Minh Phụng vẫn trân trọng mỗi khi nghĩ về nhau. Minh Phụng không oán cũng không hận. Sau này, Minh Phụng kết hôn với nghệ sĩ Kiều Tiên và sinh ra cô con gái nổi tiếng Y Phụng.

Nguyễn Nhược Pháp mộng mị em đi chùa HươngHơn 50 năm sau ngày bị từ chối trên sân khấu Kim Chung bẽ bàng, Minh Phụng đã thổ lộ trong đêm diễn cuối cùng trước khi qua đời ngày 29/11/2008: “Đời tôi có may mắn lớn trong nghề nghiệp, đó là gặp được cô Mỹ Châu. Thời đó, Mỹ Châu đẹp lắm, nổi danh dữ lắm, ai hát với cổ cũng được lên, chỉ cần hát với cổ là lên. Nếu không có Mỹ Châu, thì không có Minh Phụng hôm nay”.Bây giờ, mối tình đứt đoạn xót xa của Minh Phụng và Mỹ Châu còn lại những bản song ca lai láng cảm xúc của họ. Mời quý vị nghe trích đoạn “Áo Vũ Cơ Hàn” với hai tiếng hát Minh Phụng – Mỹ Châu.(Trích băng ghi âm MY CHAU 2)Năm 1967, Mỹ Châu 17 tuổi đã được giải thưởng danh giá Thanh Tâm và có tất cả những điều mà một nghệ sĩ cải lương ao ước từ tên tuổi đến tiền bạc. Thế nhưng, rung động trái tim của Mỹ Châu thì vẫn bị giám sát bởi người mẹ ruột kiêm người quản lý. Người mẹ thường xuyên nhắc nhở mỗi khi có bóng dáng nam nhân nào đó lọt vào đôi mắt Mỹ Châu: “Con nên nhớ là đã bước chân vô nghề này thì phải đi tới nơi, về tới chốn. Đừng vì chuyện yêu đương này nọ mà buông xuôi, bỏ dở sự nghiệp, ở dưới quê người ta cười con. Con biết không, lấy chồng rồi thì phải đẻ con, đang hồng tươi mơn mởn vậy, không giữ được sắc vóc nữa, hát hò gián đoạn hết. Sinh đẻ rồi, xấu xí bê bối lắm. Con lấy người ngoài nghề còn đỡ, lấy người trong nghề thì cả hai người đều mất khán giả. Khán giả sụp đổ liền! Vú thấy người trong nghề mau chán nhau lắm, con à!’.

Năm Mỹ Châu 25 tuổi, người mẹ mới mở cửa tự do yêu đương cho con gái: “Bây giờ thì Vú tùy con đó!”. Thế nhưng nhiều người mang lễ vật đến dạm hỏi, vẫn không khiến Mỹ Châu xiêu lòng.Sau năm 1975, Mỹ Châu vẫn là một ngôi sao cải lương được săn đón trong các chuyến lưu diễn. Nghệ ĩ đàn anh Thành Được không ngần ngại biểu dương: “Mỹ Châu là một nghệ sĩ rất đặc biệt. Mặc dù xinh đẹp, nổi tiếng, tiền bạc vô như nước nhưng Mỹ Châu vẫn sống một cuộc đời trầm lặng, không bon chen hay ồn ào như nhiều người khác!”. Khi đầu quân ở đoàn cải lương Trần Hữu Trang, Mỹ Châu đã gặp lương duyên tiền định, đó là nghệ sĩ Đức Minh, nhỏ hơn Mỹ Châu 2 tuổi. Tuy không xuất sắc bằng Mỹ Châu, nhưng Đức Minh từng là một kép chánh của gánh hát Trường Sơn và gánh hát Trùng Dương. Nghệ sĩ Đức Minh cũng từng đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Nghệ sĩ Đức Minh đã có một cuộc hôn nhân đổ vỡ trước khi gặp Mỹ Châu. Họ đứng chung sân khấu với nhau qua các vở diễn “Nàng Hai Bến Nghé”, “Tiếng sáo đêm trăng”, “Mùa thu trên non cao”, “Hai phương trời thương nhớ”… Và càng ngày càng gắn bó với nhau. Năm 1990, Mỹ Châu và Đức Minh làm đám cưới tại tư gia, theo yêu cầu của khán giả muốn đến xem để chung vui. Ngày tân hôn, người đông nghịt lớp trong lớp ngoài chen lấn kẹt cứng cả một đoạn đường Lê Quang Định gần chợ Bà Chiểu, TP.HCM. Đôi tân lang tân nương Mỹ Châu – Đức Minh phải ra đứng ban công tầng ba để vẫy tay chào giới mộ điệu. Nghệ sĩ Đức Minh gọi vợ là “cô Năm Thủ Thừa”.

Dù thường đùa kiểu cắc cớ “Bộ em tưởng là anh sung sướng lắm sao? Buồn lắm đó, cưới xong mà ai nấy đi hát liền, không có trăng mật trăng mà gì hết. Buồn mà hổng nói ra đó nghe”, nhưng nghệ sĩ Đức Minh chân thành về sự chọn lựa hiền thê của mình. Đức Minh nói với Mỹ Châu: “Anh thương em vì em có hiếu. Còn em thương anh thì phải biết thương cha mẹ và các con của anh. Hồi trước anh chia tay với một người, chỉ vì anh thấy bộ quần áo con nít đẹp nên nhờ cổ mua, nhưng cổ đi một vòng rồi về nói người ta bán mất rồi. Hôm sau anh ra chợ thấy bộ đó còn y nguyên, anh biết vậy là cổ không thương con anh!”. Thời son trẻ của Mỹ Châu, người mẹ vẫn tỉ tê: “Vú không muốn con lấy chồng, vì con giống Vú, quá bền lòng chặt ý với một người, quá thủy chung. Nếu con gặp người vô chung vô thủy thì con sẽ khổ. Vú không muốn con khổ như thế, chứ không phải không cho phép con lấy chồng!”. Thật may cho Mỹ Châu, vì nghệ sĩ Đức Minh yêu vợ đến mức tôn thờ. Mỹ Châu thổ lộ: “Đức Minh thay đổi tôi gần 180 độ. Anh xốc tôi từ một người khép kín, rụt rè, chỉ biết loanh quanh với sân khấu thành một bà trẻ vui vẻ, vi vu xe máy cùng chồng ăn quán cóc, cười rất nhiều, giữa đường thấy trời đổ mưa còn thích vọc nước mưa, biết chỗ nọ chỗ kia ở Sài Gòn”. 40 tuổi mới lấy chồng, Mỹ Châu không có con với Đức Minh, nên dành hết tình thương cho mấy đứa con riêng của chồng. Năm 2003, vợ chồng Mỹ Châu sang Mỹ định cư, sống gần như ẩn dật với mọi thị phi nghệ thuật. Năm 2014, nghệ sĩ Đức Minh qua đời, Mỹ Châu đưa hài cốt đức lang quân về cố hương Cồn Phụng- Bến Tre để người chồng quá cố được nằm bên cạnh mẹ ruột của mình. Sau tuổi 70, Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu kể lại cuộc đời một ngôi sao cải lương giữa nghịch lý danh vọng và hạnh phúc, trong cuốn tự truyện “Chút tạ tình tri âm”.

Tự động

Mỹ Châu tơ duyên từ sân khấu cải lương

Cuộc đời một cô đào chỉ biết diễn và diễn mỗi ngày bức màn nhung kéo lên đầy hồi hộp, ngỡ rất đơn điệu và tẻ nhạt, nhưng chuyện tình của Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu lại khiến mọi người thú vị vì những run rẩy chân thành ở người đeo mang nghiệp cầm ca.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào

Các chương trình

Nhà thơ Hữu Loan hạnh phúc ẩn hiện trong màu tím hoa sim
Chuyện tình khó quên

Nhà thơ Hữu Loan tạm biệt cô bé học trò Lê Đỗ Thị Ninh để làm công tác tuyên truyền cứu quốc. Ông đã viết những bài thơ thời sự phục vụ cách mạng.

Nhà thơ Hữu Loan hạnh phúc ẩn hiện trong màu tím hoa sim
Ca sĩ Quang Dũng yêu em vì chỉ biết đó là em
Chuyện tình khó quên

Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi với hoa hậu Jennifer Phạm, suốt 15 năm qua, ca sĩ Quang Dũng vẫn chưa tìm thấy mái ấm hạnh phúc thứ hai.

Ca sĩ Quang Dũng yêu em vì chỉ biết đó là em