Ngành thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới

Thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới; 300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi; Dừa Bến Tre khan hàng, 'sốt' giá do sâu đầu đen gây hại.

Quỳnh Anh  | 10:01 06/01/2025

Ngành thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới

Tự động

Thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới

SỐ  – 137–

Kịch bản; Dựng; Biên tập: Xuân Hào, Quỳnh Anh

Kỹ thuật: : Bình Thành – DũngSEO

Đồ họa: Khánh Thiện

MC1: Tùng Sơn

MC2: Anh Quỳnh

Nhạc hiệu (25 giây)

  Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.

Headline ( 45 giây)

  • Thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới
  • 12 cá thể tê tê Java được thả về ngôi nhà tự nhiên
  • 300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi
  • Các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang không nên tiếp tục gieo sạ lúa đông xuân
  • Dừa Bến Tre khan hàng, sốt giá do sâu đầu đen gây hại
  • Tuân thủ lịch thời vụ để đảm bảo vụ nuôi tôm nước lợ năm 2025
  • Hà Nội ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi 2025
  • Phát triển rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC

Sau đây là nội dung chi tiết:

  • Thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới

Thưa quý vị và bà con, theo thông tin tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT diễn ra trong tuần qua, ước tính đến hết tháng 12/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,6 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,75 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 10 tỷ USD, đạt hơn 100% kế hoạch. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế về hạ tầng vùng nuôi, hệ thống cung cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. sản lượng khai thác tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạh.... Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.

  • 12 cá thể tê tê Java được thả về ngôi nhà tự nhiên

Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam vừa tổ chức tái thả thành công 12 cá thể tê tê Java về tự nhiên. Đây là những cá thể tê tê được 2 đơn vị cứu hộ từ các vụ vận chuyển, săn bắt và buôn bán trái phép trong tháng 10-11/2024. Sau khi giải cứu và đưa về Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, các cá thể được theo dõi sát tình trạng sức khỏe để đánh giá tốc độ phục hồi, từ đó lên kế hoạch cho các giai đoạn rèn luyện kĩ năng sinh tồn trong tự nhiên, chuẩn bị tốt nhất để chúng có thể tự kiếm ăn, phòng vệ trong môi trường hoang dã. Qua hơn 2 tháng phục hồi, toàn bộ cá thể đều được đánh giá đã đáp ứng đủ điều kiện tái thả, sẵn sàng trở về ngôi nhà tự nhiên.

  • 2.300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, thời tiết lạnh về đêm và sương mù sáng sớm đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh và thiên địch gây hại phát triển. Diện tích lúa đông xuân 2024-2025 của tỉnh bị nhiễm bệnh trong tuần qua là 2.300ha, tăng 46ha so với tuần trước đó. Chi cục khuyến cáo bà con chủ động phòng ngừa bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông trên lúa, áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp như sạ thưa, chọn giống kháng bệnh, bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng. Khi phát hiện ruộng có dấu hiệu nhiễm bệnh, cần ngưng ngay việc bón phân đạm và phân bón lá, đồng thời thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa.

  • Các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang không nên tiếp tục gieo sạ lúa đông xuân

Nhằm đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân 2024 - 2025 an toàn, UBND tỉnh Tiền Giang vừa có Công văn  về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất tại các huyện phía Đông của tỉnh. Theo đó, để ứng phó tốt với hạn, xâm nhập mặn, UBND tỉnh giao UBND các huyện phối hợp các tổ chức, cơ quan chuyên môn, tuyên truyền vận động người dân không tiếp tục gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024 - 2025; khuyến cáo chuyển sang cây trồng cạn đối với diện tích chưa gieo sạ, để đảm bảo sản xuất an toàn. Các địa phương thông tin về diễn biến bất thường của xâm nhập mặn hiện nay và tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục xuống giống qua hệ thống Đài Truyền thanh. Các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình hạn, xâm nhập mặn, kịp thời hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm và thực hiện các giải pháp canh tác lúa trong điều kiện hạn, mặn theo khuyến cáo…

  • Dừa Bến Tre khan hàng, sốt giá do sâu đầu đen gây hại

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã đang thu mua trái dừa tươi giá từ 70.000 - 80.000 đồng/chục - 12 quả; riêng dừa khô (loại 1) giá trên 150.000 đồng/chục quả. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Điều đáng nói là hiện nay, nhiều nhà vườn ở xứ dừa không có dừa để bán cho thương lái, thậm chí có nhiều vườn dừa xơ xác, có nguy cơ chết trắng do sâu đầu đen gây hại. Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, tổng diện tích vườn dừa nhiễm sâu đầu đen hiện tại là hơn 490 ha. Lũy kế diện tích nhiễm từ năm 2024 đến nay là gần 890 ha. Để “cứu” vườn dừa đang bị sâu bệnh "tấn công", Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cùng các huyện tiếp tục phóng thích 4,7 triệu con ong ký sinh; hỗ trợ các địa phương tổ chức phát động ra quân đồng loạt phòng trừ sâu đầu đen trên địa bàn.

  • Tuân thủ lịch thời vụ để đảm bảo vụ nuôi tôm nước lợ năm 2025

Năm 2024, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, đầu ra không ổn định nên diện tích nuôi các loại tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thấp hơn so với kế hoạch. Theo đó, người dân toàn tỉnh chỉ thả nuôi hơn 2.200ha tôm nước lợ, đạt 80% kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ người nuôi đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả đã được áp dụng, nhân rộng nên sản lượng tôm nước lợ thương phẩm vẫn đạt cao, với gần 5.300 tấn, vượt 55% kế hoạch năm 2024. Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, dự báo tình hình nuôi trồng thủy sản trong năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn. Để chủ động về mùa vụ nuôi tôm, đảm bảo kế hoạch sản xuất, người nuôi cần tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và phải tuân thủ lịch thời vụ đã được hướng dẫn.

  • Hà Nội ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi 2025

UBND Thành phố Hà Nội vừa có Quyết định về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa trên địa bàn TP năm 2025. Theo Kế hoạch, năm 2025, diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi trồng cây hàng năm là hơn 500ha; Diện tích chuyển đổi trồng cây lâu năm là hơn 180ha; Diện tích được chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là hơn 560ha. UBND Thành phố giao Sở NN-PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định; Hướng dẫn các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm, loại thủy sản phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn, đồng thời phù hợp với nhu cầu người dân.

  • Phát triển rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC

Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, trong giai đoạn 2016-2024, tỉnh Thanh Hóa có trên 28.000ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSCvới hơn 4.600 hộ tham gia. Nhờ được cấp chứng chỉ FSC cũng như phát triển các mô hình sinh kế, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Toàn tỉnh hiện có gần 56 nghìn ha rừng gỗ lớn. Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cho phép hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu từ rừng. Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000ha, có thêm 25.000ha rừng trồng gỗ và 10ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC.

Nhạc cắt

Đối thoại

Thưa quý vị và bà con, dù đối mặt với rất nhiều khó khăn song năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta vẫn đạt trên 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2023. 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngànhthủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 – 2030. Năm 2025, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi trồng đạt hơn 1,3 triệu ha, tổng sản lượng khoảng 9,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 10,5 tỷ USD. Để lĩnh vực này tiếp tục phát huy lợi thế, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh khắc phục những tồn tại hiện có, ngành thủy sản cần tập trung khai thác dư địa lớn với nhiều đối tượng mới có tiềm năng.

Băng

Hồng Thắm

Nhạc

Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!

Tự động

Ngành thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới

Thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới; 300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi; Dừa Bến Tre khan hàng, 'sốt' giá do sâu đầu đen gây hại.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Giống, thức ăn và môi trường là trụ cột cho chăn nuôi phát triển
Thời sự

Giống, thức ăn và môi trường là trụ cột cho chăn nuôi phát triển; Quảng Ninh xuất khẩu dăm gỗ từ cây gãy đổ do thiên tai; Chăm sóc mạ khi thời tiết rét đậm.

Giống, thức ăn và môi trường là trụ cột cho chăn nuôi phát triển
Thời tiết nông vụ ngày 07/01/2025: Bắc bộ ngày nắng hanh, đêm rét buốt
Thời sự

Cả nước tiếp tục trải qua những ngày thời tiết dễ chịu, một số khu vực cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt.

Thời tiết nông vụ ngày 07/01/2025: Bắc bộ ngày nắng hanh, đêm rét buốt