Ngày quốc tế lao động, nghĩ về nguồn nhân lực nông nghiệp

Tinh thần đề cao Ngày Quốc tế Lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một di sản được nhiều thế hệ người Việt Nam kế thừa.

Lê Thiếu Nhơn  | 

Ngày quốc tế lao động, nghĩ về nguồn nhân lực nông nghiệp

Tự động

Kính thưa quý vị thính giả

Bắt đầu từ cuộc mít tinh của hon 100 nghìn công nhân tại thành phố Chicago – Mỹ vào ngày 1/5/1886 để yêu cầu thực hiện “mỗi ngày 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”, thì nhân loại hình thành ý thức về quyền lợi chính đáng dành cho người lao động. Thế nhưng, phải đến đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II dưới sự chủ trì của nhân vật lỗi lạc Engels vào năm 1889, thì ngày 1/5 mới được chọn làm ngày biểu dương sức mạnh tầng lớp vô sản trên thế giới.

Ngày Quốc tế Lao động hàng năm, không chỉ là ngày lễ để chúc tụng và nghỉ ngơi, mà còn là dịp để tất cả chúng ta suy ngẫm sâu sắc hơn về giá trị sáng tạo từ bàn tay và khối óc của mỗi con người. Đặc biệt, trong Ngày Quốc tế Lao động, chúng ta không thể không nghĩ về sự phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trên con đường thúc đẩy đất nước Việt Nam hội nhập toàn cầu. 

Kính thưa quý vị thính giả.

Việt Nam bây giờ đã là một thành viên tích cực của Liên hiệp quốc. Thử nhìn lại chiều dài lịch sử, chúng ta sẽ không khó để thấy rằng Ngày Quốc tế Lao động được người Việt Nam tiếp nhận và phát huy một cách trọn vẹn, một cách văn minh.

Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào năm 1930. Đó là dấu ấn không thể nào quên. Ngày 1/5/1930, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương vừa thành lập, đã biểu tình rầm rộ ở nhiều địa phương để thể hiện tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế. Đồng thời, cuộc biểu tình ấy cũng đấu tranh trực diện với bọn thực dân Pháp, đòi hỏi chính quyền đô hộ phải cải thiện điều kiện lao động, phải tăng lương và thực hiện quy chế mỗi ngày làm việc 8 giờ. Không khí rộn rã và tưng bừng của Ngày quốc tế Lao động năm 1930, đã tạo tiền đề cho phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh mang đầy tráng khí tự hào.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 ngày 18/2/1946 qui định những ngày nghỉ Tết, nghỉ lễ. Trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày vẫn hưởng nguyên vẹn tiền lương.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1946 được tổ chức rất trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn người lao động thuộc nhiều giới, nhiều ngành khác nhau.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến Ngày Quốc tế Lao động. Bởi lẽ, suốt 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thấu hiểu, rất chia sẻ với những cuộc đời cần lao lam lũ và lương thiện.

Ngày 1/5/1951, trong thông điệp ngày Quốc tế Lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”.

Ngày 1/5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bày tỏ: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới”.

Ngày 1/5/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá - Vinh, trong đó có công trình xây dựng lại Cầu Hàm Rồng bị đổ nát vì bom đạn kẻ thù.

Tinh thần đề cao Ngày Quốc tế Lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một di sản được nhiều thế hệ người Việt Nam kế thừa. Chăm lo cho người lao động, không chỉ là trách nhiệm của tổ chức công đoàn, mà còn là nghĩa vụ của cả cộng đồng. Việt Nam có Bộ luật Lao động và một số luật khác để đồng hành người lao động như Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài… Vì vậy, lực lượng lao động nước ta không ngừng lớn mạnh, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Kính thưa quý vị thính giả

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia yêu thích vì chúng ta có nguồn nhân lực trẻ trung và năng động. Thống kê gần đây nhất cho biết, Việt Nam đang có khoảng 51 triệu người ở độ tuổi dồi dào năng lực cống hiến. Hơn nữa, người Việt Nam có sẵn truyền thống cần cù và sáng tạo, nên lực lượng lao động Việt Nam rất đa dạng, từ lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến lao động tự do.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lưu ý, đó là khả năng cải thiện sự chênh lệch về trình độ học vấn giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Sự mất cân đối nguồn nhân lực giữa các vùng miền kéo theo sự khác biệt về mức sống dân cư, về cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta phải thừa nhận, tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tạm thời vẫn còn khá thấp.

Theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề và công nhân kỹ thuật bậc cao. Với tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ đang diễn ra, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nói một cách dễ hình dung, nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ lao động bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần, được đào tạo chuyên môn bài bản, biết vận hành phương tiện kỹ thuật hiện đại, biết ứng dụng công nghệ số và có kỹ năng hòa nhập, thích nghi trong môi trường đa văn hóa... Cho nên, trong các văn bản của Đảng và Chính phủ Việt Nam, thường xuyên nhấn mạnh: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.

Kính thưa quý vị thính giả

Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh chung của lao động Việt Nam, thì nguồn nhân lực nông nghiệp không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nông nghiệp, ngoài sự có mặt của các nhà khoa học và các kỹ sư nông nghiệp, thì chính nông dân Việt Nam cũng quen dần với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với sự trang bị những kiến thức về công nghệ sinh học, công nghệ trồng cây không đất, công nghệ điều khiển cây trồng, công nghệ tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Quan trọng hơn, nông dân Việt Nam gắn bó lâu đời với đất đai tổ tiên nên ý thức lao động của họ luôn đặt cao hơn bài toán thu hoạch và lợi nhuận. Nông dân Việt Nam không tách rời thành quả sản xuất mỗi vụ mùa với việc bảo vệ môi trường thiên nhiên. Cho nên, nguồn nhân lực nông nghiệp Việt Nam không chỉ lao động bằng kinh nghiệm, bằng công nghệ mà họ còn chú ý đến thị trường nông sản và thương mại điện tử để tận tụy phục vụ no ấm cho người Việt Nam và xuất khẩu khắp năm châu.

Quan sát thực tế, chúng ta sẽ thấy, bên cạnh những thương hiệu nông sản Việt Nam rất được ưa chuộng tại Nhật Bản, Mỹ, Trung Đông và Châu Âu thì chúng ta cũng có những nông dân trẻ tự livestream trên Tik Tok để bán nông sản của mình, với doanh số từ vài trăm triệu đồng đến nhiều tỷ đồng mỗi tháng.

Kính thưa quý vị thính giả

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay, nghĩ về nguồn nhân lực nông nghiệp Việt Nam, chúng ta vui mừng chia sẻ với nhau một sự thật: Chính mỗi người nông dân từng ngày lao động miệt mài trên mỗi cánh đồng, mỗi nương rẫy, mỗi lâm trường, mỗi bến cá, mỗi đìa tôm, mỗi ruộng muối… góp phần kiến tạo những giá trị mới cho nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thuận thiên.

Chúng tôi tin rằng, với ý chí và tấm lòng Việt Nam, nguồn nhân lực nước ta trong tương lai sẽ vun đắp diện mạo đất nước Việt Nam thanh bình và thịnh vượng. Một lần nữa, chúng tôi xin chúc mừng Ngày Quốc tế Lao động với tinh thần bất diệt “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Tự động

Ngày quốc tế lao động, nghĩ về nguồn nhân lực nông nghiệp

Tinh thần đề cao Ngày Quốc tế Lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một di sản được nhiều thế hệ người Việt Nam kế thừa.

Lê Thiếu Nhơn

Các chương trình

Vẻ đẹp Bác Hồ trong lòng trí thức Nam bộ
Đối thoại

Người dân Nam bộ dành cho Bác Hồ tất cả sự kính yêu. Vẻ đẹp Bác Hồ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của văn nghệ sĩ Nam bộ.

Vẻ đẹp Bác Hồ trong lòng trí thức Nam bộ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lệnh phải thắng ở Điện Biên Phủ
Đối thoại

Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp luôn là cụm từ được người dân cất lên với lòng tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại ngày 7/5/1954.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lệnh phải thắng ở Điện Biên Phủ