Sản phẩm từ trồng trọt chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp; Gia Lai liên tục xảy ra vi phạm về lâm nghiệp; Hậu Giang vào mùa thu hoạch cá trên ruộng.
Ngọn mãng cầu xiêm, thân cây dại, lại kiếm nhiều tiền
Hậu Giang đã áp dụng nhiều biện pháp canh tác mới, tìm ra những loại cây trồng, cây ăn trái có khả năng chống chịu tốt mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông nghiệp Radio | 08:24 21/07/2022
Thưa quý vị và bà con, Hậu Giang là địa phương có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa hình và thổ nhưỡng. Đất phù sa chiếm diện tích khá lớn tại nơi đây nhưng chỉ được phân bố tập trung dọc theo sông Hậu còn đất phèn, đất mặn lại được phân bố rộng khắp ở các vùng xa sông và khu vực phía Nam của tỉnh. Diện tích đất phèn, đất mặt lớn đã trở thành điểm hạn chế chính cho hoạt động canh tác của bà con nông dân. Đối mặt với những thách thức từ thiên nhiên và điều kiện tự nhiên, Hậu Giang đã áp dụng nhiều biện pháp canh tác mới, nghiên cứu và tìm ra những loại cây trồng, cây ăn trái có khả năng chống chịu tốt mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mãng cầu xiêm – loại cây ăn quả đã trở thành đặc sản, giúp người Hậu Giang ổn định, phát triển đời sống dân sinh.
#Nhạc nền
MC 2:
Mãng cầu xiêm là loại cây có sức đề kháng tốt, ít kén đất, năng suất và có giá trị kinh tế cao. Nông dân Hậu Giang nhiều năm nay đã trồng mãng cầu xiêm trên đầu cây dại không chỉ lấy trái để ăn, mà còn chế biến thành trà, rượu, sấy dẻo, làm mứt, cho doanh thu hàng trăm triệu mỗi ha.
Điển hình phải kể đến Ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, địa phương từng được biết đến là vùng đất nghèo do canh tác nông nghiệp gặp khó khăn. Đất nhiễm phèn nặng, người dân chỉ có thể làm lúa mùa mỗi năm một vụ, năng suất rất thấp. Còn vườn tạp nhiều thứ cây nhưng lại chẳng loại nào mang lại giá trị kinh tế. Từ đầu những năm 2000, nông dân ở đây đã nghĩ đến việc chuyển đổi sản xuất để có thu nhập cao hơn nhưng nhiều người thất bại.
Ông Phan Văn Niềm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa tại địa phương này cho biết, nông dân ở đây đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây như chanh, bưởi, cam, quýt… nhưng đều không hiệu quả. Do đất phèn nên cây phát triển còi cọc, cho trái thì chai sần, khô khốc, ăn không ngon. Cuối cùng nhiều người đành bỏ cuộc.
Có điều lạ là trong khi các loại cây ăn trái nhà nông trồng, bỏ công chăm sóc cẩn thận cứ còi cọc thì riêng cây bình bát mọc hoang dại quanh vườn cứ phát triển xanh tốt, cho trái sai trĩu cành. Nhưng trái bình bát thì chẳng ai mua, chỉ để rụng cho cá căn. Lợi dụng đặc tính mọc hoang dã, thích nghi rộng của cây bình bát, nông dân đã mày mò ghép cây mãng cầu xiêm vào, chủ yếu là ghép mắt, tạo thành cây mãng cầu ghép gốc bình bát.
[Băng ông Phan Văn Niềm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa]
MC 2:
Cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát có ưu thế sức sống khỏe, phát triển tốt kể cả trong trường hợp bị ngập gốc một thời gian hay đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Không những vậy, cây mãng cầu ghép bình bát còn cho trái to, năng suất vượt trội so với trồng cây thuần, mang lại thu nhập khá. Từ đó, mãng cầu xiêm ghép bình bát trở thành cây trồng chủ lực ở vùng đất Thuận Hòa cho đến nay.
Ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa cho biết, cây mãng cầu xiêm ghép bình bát mỗi năm cho trái 1 vụ và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 6 tháng mới kết thúc. Mỗi cây khi đã cho trái thuần thục đều rất năng suất, giá bán khá cao. Tính ra 1 công doanh thu lên đến 35 triệu đồng trở lên, trừ chi phí nông dân còn lãi hơn 20 triệu đồng, một con số khá ấn tượng với vùng đất nghèo trước đây.
[Băng ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa]
MC 2:
Để gia tăng giá trị kinh tế và đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, xã viên Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa đã chuyển dịch theo hướng hữu cơ, ứng dụng vi sinh trong canh tác. Hiện nay, Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa đã áp dụng thành công tiêu chuẩn GlobalGAP và sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp thu mua chế biến và tiêu thụ.
Được biết, chưa loại cây nào ở đây cho doanh thu khủng như mãng cầu xiêm mang lại. So với vùng chuyên trồng lúa thì lợi nhuận cũng cao gấp 2-3 lần. Nhờ trồng mãng cầu mà từ ấp nghèo nhất xã, nay ấp 2 đã trở thành ấp nhà tường nổi tiếng của xã Thuận Hòa.
Ông Trần Văn Vẹn, Phó trưởng Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp huyện Long Mỹ cho biết, cùng thời điểm này, tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã cho triển khai đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó có hợp phần chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đây là điều may mắn với nhà vườn ở xã Thuận Hòa, vì được hỗ trợ một phần kinh phí khi chuyển đổi cũng như được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn.
Hiện nay, Hợp tác xã đã có trên 60 hộ nông dân chuyển đổi vườn tạp, ruộng lúa kém hiệu quả sang chuyên trồng mãng cầu xiêm gốc ghép bình bát. Để gia tăng giá trị, nhà vườn tại đây còn chế biến thành trà mãng cầu từ loại trái chớm già, tạo ra thứ thức uống độc đáo rất tốt cho sức khỏe. Với trái mãng cầu chín thì chế biến thành rượu, mứt mãng cầu… Nhờ đó, đã giúp giảm được áp lực tiêu thụ trái tươi mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ. Hiện nay, không ít sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu xiêm đã trở thành sẩn phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, mang lại giá trị gia tăng cao cho nhà nông.
[Băng ông Trần Văn Vẹn, Phó trưởng Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp huyện Long Mỹ]
MC 2:
Thời gian qua, Hậu Giang đã xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và điều kiện nguồn nước được kiểm soát khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành. Các mô hình này được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạng tầng vùng sản xuất, nạo vét kênh mương, hỗ trợ một phần vật tư, cây, con giống. Đồng thời, đào tạo, tập huấn phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu…
Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, đến nay, các mô hình đã cho thu hoạch đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng khoảng 30% so với ngoài mô hình. Trong đó, mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát không chỉ thích ứng tốt mà còn mang lại lợi nhất cao nhất.
[Băng Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang]
#Nhạc nền
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, đứng trước sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu, tỉnh Hậu Giang đã chủ động đối mặt và tìm ra những biện pháp khắc phục, từng bước phát triển nông nghiệp và nâng cao kinh tế cho bà con nông dân. Dưới sự hỗ trợ từ những công trình thủy lợi, ấp 2, xã Thuận Hòa đã trở thành địa phương phát triển cây ăn trái điển hình của tỉnh. Thành quả của việc tái cơ cấu cũng đang mở ra cơ hội cho việc hình thành một vùng nguyên liệu đạt chuẩn, sẵn sàng phục vụ cho thị trường trong nước cũng như quốc tế. Những vườn mãng cầu xiêm của bà con Ấp 2 nói riêng và Hậu Giang nói chung sẽ còn xum xuê mãi, sản phẩm nông sản được làm từ trái mãng cầu xiêm sẽ ngày càng đa dạng, chinh phục nhiều thị trường và mang thương hiệu mãng cầu xiêm Hậu Giang vươn
xa.
Ngọn mãng cầu xiêm, thân cây dại, lại kiếm nhiều tiền
Hậu Giang đã áp dụng nhiều biện pháp canh tác mới, tìm ra những loại cây trồng, cây ăn trái có khả năng chống chịu tốt mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông nghiệp Radio
Các chương trình
Từ đêm 27/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến phía Tây Bắc bộ, Trung Trung bộ.