Người lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế
Nông nghiệp Radio gửi đến quý vị và bà con câu chuyện về Giám đốc một doanh nghiệp từ bỏ công việc của mình để về quê lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế.
Võ Dũng - Công Điền | 14:51 09/05/2024
Người lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con!
Cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.
Thưa quý vị và bà con!
Không phải ngẫu nhiên, ông Nguyễn Đăng Vương, giám đốc một doanh nghiệp đã từ bỏ công việc của mình để về quê nuôi lợn, nuôi bò, trồng lúa theo hướng hữu cơ. Ông Vương còn thành lập hợp tác xã, tập hợp các xã viên cùng chí hướng, tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm, mở của hàng nông sản an toàn cung cấp tận tay người tiêu dùng. Ông Vương không ngại chia sẻ và lan tỏa câu chuyện làm nông nghiệp tử tế. Phóng sự của phóng viên Võ Dũng – Công Điền được thực hiện tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
MC 2
Năm 2017, trong một chuyến tham quan tại Nhật Bản, tình cờ ông Nguyễn Đăng Vương được tiếp cận các mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn của nông dân nước bạn. Sốt sắng ứng dụng mô hình nông nghiệp tử tế trên quê hương Quảng Trị nhưng ông Vương nghĩ, mình phải trực tiếp làm, khi có thành quả mới nhân rộng.
Để thực hiện ý tưởng, ông Vương vào Đồng Nai học thêm kỹ thuật lên men vi sinh thức ăn gia súc. Với kiến thức thu nhận được, ông Vương trở về quê đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm gà, lợn, bò và trồng lúa.
Trang trại của ông Vương hiện có hàng trăm con lợn, hàng trăm con gà, 30 con bò nhưng tất cả đều sử dụng thức ăn là các phụ phẩm nông nghiệp. 5 ha lúa cũng được sản xuất theo hướng hữu cơ. Các phụ phẩm này được ông Vương ủ lên men trong vòng 15 ngày. Sau đó, chúng được đem ủ chung với đạm cá, bột ngô, bột lúa gạo, chuối chín, men vi sinh, nước men tỏi và một số vị lá thuốc nam trong vòng 24 - 36h trước khi đem cho gia súc gia cầm ăn. Điều đáng mừng là, các vật nuôi trong trang trại của ông Vương gần như miễn nhiễm với các loại dịch bệnh; thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Theo ông Vương, nông nghiệp hữu cơ sẽ là con đường tất yếu dù trước mắt đang gặp nhiều khó khăn.
Phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Vương (băng 1)
MC 2
Sau khi thành công với việc sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, ông Vương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn với 36 thành viên. Tất cả các hộ tham gia HTX đều chăn nuôi, trồng trọt theo cùng một quy trình do ông Vương hướng dẫn. Toàn bộ sản phẩm chăn nuôi ông Vương đều thu mua cao hơn thị trường 10 - 15%, bán cho các đầu mối lớn. Một phần được chế biến để bán tại các cửa hàng thực phẩm do mình xây dựng.
Hiện nay, cửa hàng thực phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn được xây dựng tại thành phố Đông Hà gồm các sản phẩm như miến sản xuất từ gạo trồng theo hướng hữu cơ, thịt lợn, thịt bò, xúc xích, giò lợn…Tệp khách hàng ngày càng tăng lên giúp hợp tác xã phát triển bền vững. Nắm bí kíp trong tay nhưng ông Vương và Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn luôn sẵn sàng chia sẻ.
Phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Vương (băng 2)
MC 2:
Ông Trần Phương Anh, một thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn cho biết, trước đây ông hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp để chăn nuôi. Tuy tạo ra nhiều sản phẩm nhưng lại đối diện với nhiều rủi ro về dịch bệnh và thường xuyên phải lo lắng vấn đề đầu ra, giá cả. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, khi tham gia hợp tác xã và chăn nuôi theo hướng hữu cơ, những lo lắng của gia đình ông đã vơi đi. Thời điểm này, gia đình ông đang nuôi 150 con lợn thịt, 50 lợn nái, 2 nghìn con gà, 30 con bò. Các vật nuôi này đều được nuôi theo hướng hữu cơ và tạo ra lợi nhuận 200-300 triệu đồng/năm.
Phỏng vấn ông Ông Trần Phương Anh
MC 2
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp đánh giá rất cao mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn. Theo ông Huy, thời gian tới, địa phương sẽ tuyên truyền để mở rộng mô hình này để tạo ra nhiều giá trị trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Phỏng vấn ông Lê Đức Huy
MC 1
Thưa quý vị và bà con!
Nhu cầu sử dụng các mặt hàng nông sản chất lượng đang ngày càng tăng, nhất là khi nền nông nghiệp nước ta đang từng bước thâm nhập những thị trường khó tính. Đó chính là thời cơ để người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng đang đối diện với nhiều thách thức về dịch bệnh, giá cả, đầu ra. Đứng trước thời cơ và thách thức đó, người nông dân phải hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được điều đó, nhà nông phải thay đổi tư duy, hướng tới sản xuất các mặt hàng an toàn, sạch, hướng hữu cơ và tiến lên sản xuất hữu cơ. Đó chính là con đường ngắn nhất vừa đem lại hiệu quả kinh tế bền vững mang lại những giá trị lớn lao về môi trường và xã hội.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Sở NN-PTNT Hà Nam vừa tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi Organic Fish trên cây dưa chuột bao tử xuất khẩu. Mô hình được triển khai trên diện tích gần 1 ha cây dưa chuột bao tử xuất khẩu vụ Xuân 2024 tại Hợp tác xã nông nghiệp Chân Lý, huyện Lý Nhân. Đánh giá bước đầu, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trên cây dưa chuột bao tử đã có những kết quả tích cực, cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, bộ lá đẹp, thu hoạch kéo dài, tỷ lệ đậu quả cao; năng suất thực thu trong mô hình cao hơn so với đối chứng 16,5%; hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng 32,5 triệu đồng/ha.
MC 2: tin 2
Với diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ 3 cả nước, Đắk Nông có lợi thế lớn để mở rộng sản xuất cà phê hữu cơ, nâng cao giá trị kinh tế. Tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, HTX có 65 thành viên trồng 150ha cà phê, trong đó 101ha đạt tiêu chuẩn 4C; năng suất trên 4 tấn/ha. Nhiều năm qua, HTX cung cấp nguyên liệu cà phê nhân xô và cà phê chất lượng cao theo hướng hữu cơ cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đắk Lắk, Đắk Nông... Mỗi năm, HTX bán 70 tấn cà phê chất lượng cao. Đối với HTX Đoàn Kết, thành viên được hướng dẫn kỹ thuật làm cà phê hữu cơ và thực tế chi phí đầu tư thấp hơn so với sản xuất vô cơ, chất lượng, năng suất ổn định 4 tấn/ha. Hiện tại, HTX đang xây dựng bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến cà phê hữu cơ. Người dân, thành viên rất tích cực hưởng ứng.
MC 1: tin 3
Những ngày này, nông dân xã Cẩm Sơn, một xã trọng điểm trồng mướp ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đang tập trung thu hoạch mướp hương. Hiện nay đang giai đoạn thu hoạch mướp hương chính vụ, giá bán khá tốt khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg tại ruộng, tư thương ra tận ruộng thu mua. UBND xã Cẩm Sơn cho biết, Vụ xuân này toàn xã có trên 42 ha rau màu, bầu bí, dưa hấu, trong đó có 6 ha mướp hương, đầu ra dễ tiêu thụ, mang lại nguồn thu khá lớn cho người dân, nên sau khi thu hoạch xong bà con sẽ tiếp tục triển khai trồng mướp hương trái vụ. Hiện nay, xã đang tiến hành xây dựng thương hiệu mướp hương sạch theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Người lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế
Nông nghiệp Radio gửi đến quý vị và bà con câu chuyện về Giám đốc một doanh nghiệp từ bỏ công việc của mình để về quê lan tỏa câu chuyện nông nghiệp tử tế.
Võ Dũng - Công Điền
Tin liên quan
Các chương trình
Với truyền thống hàng trăm năm tuổi, sản xuất tăm hương và làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã chuyển từ nghề phụ thành sinh kế chính, có những đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh những hình thức quảng bá truyền thống, hoa xuân Mê Linh hiện còn có mặt ở các phiên chợ, lễ hội và đặc biệt là những phiên livestream trên mạng xã hội.