Nguyễn Tất Nhiên thà như giọt mưa rơi trên đường yêu

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên có nhiều bài thơ được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng “Thà như giọt mưa”, “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”, “Chỉ chừng đó thôi”, “Hai năm tình lận đận”, “Ngọn trúc đào”… Và phía sau mỗi bài thơ được giai điệu bay xa, là một cuộc tình nhiều mơ mộng nhưng không ít não nề của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào  | 20:00 01/07/2023

Nguyễn Tất Nhiên thà như giọt mưa rơi trên đường yêu

Tự động

Nguyễn Tất Nhiên thà như giọt mưa rơi trên đường yêu

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Biên Hoà. Thuở làm thơ học trò, ông ký bút danh Hoài Thi Yên Thi nghe có vẻ rất mông lung và lãng đãng. Năm 1970, Nguyễn Hoàng Hải bất ngờ lấy tên Nguyễn Tất Nhiên để in tập thơ đầu tay “Thiên tai”. Chỉ với 16 bài, “Thiên tai” đã tạo được vị trí một nhà thơ cho tác giả khi vừa rời ghế trường phổ thông.

Vì sao tập thơ có tên “Thiên tai” nghe có vẻ lạ lùng như thế? Có thể là sự ngông ngạo của tuổi trẻ, nhưng quan trọng hơn, như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên có lần đã giải thích: “Người tình là Thiên Tai. Ngày xưa tôi nghĩ vậy”.

Đánh giá một cách khách quan, thì mức độ nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên không hẳn dựa vào khả năng tan tỏa chữ nghĩa thi ca, mà chủ yếu dựa vào sức ảnh hưởng sâu rộng từ ca khúc do Phạm Duy phổ nhạc. Riêng ca khúc “Thà làm giọt mưa” với giọng hát Duy Quang và Evils Phương đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng âm nhạc độc đáo.

Người chớm yêu, người đang yêu và người… hụt yêu đều thấy tâm tư của chính mình trong bài hát: “Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa, khô trên mặt Duyên/ Để ta nghe thoáng, tiếng mưa vội đến, những giọt run run, ướt sợi lông măng/ Khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn/  Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên”.

Một người con gái tên Duyên, chỉ nhón chân vào bài hát mà để lại một dư ảnh ngập tràn nhớ nhung. Kỳ lạ hay, bài thơ “Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên mà nhạc sĩ Phạm Duy dựa theo để phổ nhạc thành ca khúc “Thà như giọt mưa” lại không hề có một cái tên Duyên nào. Vậy, nguyên cớ nào một người con gái tên Duyên xuất hiện trong bài hát, mà chính nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng hài lòng?

Nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời đã hé lộ rằng, sở dĩ ông đưa cô Duyên vào bài hát vì ông đọc tập thơ “Thiên tai” và cảm nhận được tình cảm sâu nặng mà Nguyễn Tất Nhiên dành cho người con gái tên Duyên. Rõ ràng, cô Duyên không phải do nhạc sĩ Phạm Duy tưởng tượng ra rồi đưa vào ca khúc “Nhà văn Lan Khai mực mài nước mắt cùng vợ hiền” phổ theo bài thơ “Khúc tình buồn” cúa Nguyễn Tất Nhiên.

Ngay trong tập thơ “Thiên tai”, Nguyễn Tất Nhiên có hai bài thơ khác nhắc trực tiếp đến người con gái tên Duyên là “Đi trong mưa nhớ Duyên” và “Bài hối trên tay Duyên”. Như vậy, cô Duyên có thật! Trong lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Ngọc số 141 phát hành vào ngày 5/8/1974, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tiết lộ “Tôi nhớ rằng mình đã bỏ học gần trọn năm với tập thơ này, chỉ vì Duyên. Vâng, thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học của tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài… ”.

Những người cùng thời với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đều là những nhân chứng khẳng định, Nguyễn Tất Nhiên đã say đắm nữ sinh Bùi Thị Duyên khi cả hai cùng học chung trường Ngô Quyền ở Đồng Nai. Phần “lý lịch trích ngang” của Bùi Thị Duyên trong tập thơ “Thiên tai” cũng được Nguyễn Tất Nhiên viết lại thành thơ khá tỉ mỉ: “Em mùa thi khua đôi guốc cao/ Bàn chân Nam Định rất chiêm bao/ Ta sợ bùn đen vây nếp chỉ/ Bởi vì tháng bảy có mưa mau…”.  

Mối tình của Nguyễn Tất Nhiên và Bùi Thị Duyên có những tương tác gì đáng nhớ chăng? Nguyễn Tất Nhiên lúc ấy như ông bộc bạch “Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạch chính hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình”, thì e khó có nữ sinh nào để mắt đến. Cô Bùi Thị Duyên cũng vậy.

Dù nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên trong tập “Thiên tai” đã chọn phương pháp chinh phục phái đẹp riêng “Khi giáp mặt người tình/ Cứ lừa thế tấn công/ Bằng tất cả thủ đoạn/ Đó là một điều răn/ Dỗ tôi – người bất hạnh/ Dỗ tôi – người hay quên”, nhưng ông cũng đành ngậm ngùi ôm nỗi tương tư trút vào bao câu thơ hụt hẫng: “Tôi có chỉ cho gia đình/ Người tôi yêu/ Là một nàng con gái Bắc/ Mẹ tôi hai lần nhìn/ Dáng em đi/ Và nói nó còn nhỏ dại/ Không hiểu nó thương mày chỗ nào/ Tôi trả lời chỗ con làm thi sĩ/ Tuy nhiên tôi vừa đau nhói trái tim/ Vì hiểu rằng/ Muôn đời/ Em vẫn ngó tôi nửa mắt/ Có gì đâu/ Thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng!”.

Tập thơ “Thiên tai” của Nguyễn Tất Nhiên trước khi được phát hành rộng rãi, thì tác phẩm ấy đã được chép tay thành 3 bản đặc biệt để lưu truyền trong trường học. Người ưu tiên được tặng một bản, dĩ nhiên là nữ sinh Bùi Thị Duyên. Thời gian trôi qua như chớp mắt, nữ sinh Bùi Thị Duyên “người từ trăm năm, về qua sông rộng, ta ngoắc mòn tay, nghìn trùng gió lộng” đã thành một người phụ nữ định cư ở bang Michigan – Mỹ. Quá khứ không “khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên” mà để lại kỷ niệm đẹp.

Bà Bùi Thị Duyên chia sẻ: “Tôi biết sự hình thành quyển thơ “Thiên tai”, tất cả bạn bè trong lớp cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ… Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với anh ấy ngay từ đầu là mình làm bạn thôi. Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau Nguyễn Tất Nhiên phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp nhau. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm…”.

(Trích băng ghi âm ca khúc “Thà như giọt mưa” đoạn sau “Người từ trăm năm, về qua trường Luật...)

Sau mối tình vô vọng với nữ Bùi Thị Duyên “Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng/ Người thì không bắt bóng được bao giờ” đã góp phần để lại cho nhân gian một ca khúc nổi tiếng “Thà như giọt mưa”, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tiếp tục mơ mộng tiếp một cô gái Bắc khác, có tên gọi Hoàng Thị Kim Oanh.

Nếu như Bùi Thị Duyên được xác định quê gốc Nam Định, thì Hoàng Thị Kim Oanh được Nguyễn Tất Nhiên đoán rằng: “Anh chắc rằng cô sinh trong Nam/ Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng/ Khi nghe ai luyến thương Hà Nội/ Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng”. Không những vậy, nếu như Bùi Thị Duyên xuất hiện trong bài thơ “Duyên của tình ta con gái Bắc” với giọng điệu ngang tàng: “Nếu vì em mà ta phải điên tình/ Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội/ Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối/ Tay tre khô mối mọt ăn luồn/ Dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương/ Khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!”, thì Hoàng Thị Kim Oanh đi vào bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” với tâm sự nhẹ nhàng hơn: “Anh vái trời cô thích cải lương/ Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn/ Mốt mai thê thảm quanh đời sống/ Cô sẽ còn đôi chút lạc quan”.

Sự vương vấn của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên với cô gái Bắc thứ hai cũng tạo tác một ca khúc lừng lẫy. Thế nhưng, có một nghịch lý thú vị là bài hát “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, không phải dựa trên bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà lấy cảm hứng từ bài thơ “Đám đông”. Cả hai bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đều được sáng tác vào năm 1973, nhưng bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” viết bằng thể thơ tự do phóng túng, còn bài thơ “Đám đông” viết theo thể thơ năm chữ tuân thủ nhịp điệu: “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ/ Tóc demi-garçon/ Cười ngây thơ hết nụ/ Tình cờ thấy anh trông/ Khi không đường nín gió/ Bụi hết thời bay rong/ Khi không đường nín gió/ Anh lấy gì lang thang?”.

Không chỉ tán tụng Hoàng Thị Kim Oanh như một ẩn số mông lung “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ/ Mắt như trời bao dung/ Hãy nhìn anh thật rõ/ Trước khi nhìn đám đông” mà Nguyễn Tất Nhiên còn làm hẳn bài thơ lấy tựa đề “Oanh” đích danh người đẹp, với nguyện cầu cháy bỏng: “Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu giọt sương/ Sớm vẫn ngủ quên trên cánh hoa hường/ Sương kết hơi mù mơn man lá cỏ/ Chàng kết tình vui hơi thở em nồng/ Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu luống mạ/ Say gió chiều nghiêng kể chuyện thanh bình/ Mạ đơm lúa đầy trẻ thơ mau lớn/ Chàng đơm tình đầy trong ngực em, xinh”. Thật hữu tình, bài thơ “Oanh” cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Hãy yêu chàng” được ưa chuộng một thời!

(Trích băng ghi âm ca khúc “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”)

Sau hai mối tình với hai cô gái Bắc chỉ lãng đãng kiểu mây trôi nước cuốn “chiều xưa có ngọn trúc đào, mùa thu lá rụng bay vào sân em”, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên theo đuổi bạn học Nguyễn Thị Minh Thủy – vốn cũng là cô gái làm thơ trong bút nhóm ở Biên Hòa. Thuở hẹn hò của họ, cũng được thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên viết thành bài thơ “Hai năm tình lận đận” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: “Hai năm tình lận đận/ Hai đứa cùng xanh xao/ Mùa đông, hai đứa lạnh/ Cùng thở dài như nhau/ Em bây giờ có lẽ/ Toan tính chuyện lọc lừa/ Anh bây giờ có lẽ/ Xin làm người tình thua/ Chuông nhà thờ đổ mệt/ Tượng Chúa gầy hơn xưa/ Chúa bây giờ có lẽ/ Rơi xuống trần gian mưa…”.

Năm 1978, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và Nguyễn Thị Minh Thủy làm đám cưới, sau đó sang Mỹ Mỹ định cư. Họ có với nhau hai đứa con trai, nhưng hạnh phúc gia đình không gìn giữ được bao lâu. Hôn nhân đổ vỡ, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên trút buồn vào thơ: “Em hết thương ta rồi phải không/ Thôi thế cho ta bớt não nùng/ Thôi thế cho đời ta ngậm đắng/ Còn nghe vị ngọt của tình nhân”. Năm 1992, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên qua đời tại California, khi vừa tròn 40 tuổi, để lại không ít dư âm ngậm ngùi: “Lâu rồi… không biết bao nhiêu/ Nắng mưa trên những tan xiêu đỗ đời/ Hôm em êm ả điệu ngồi/ Sau lưng là những tình ơi hỡi tình…”

Tự động

Nguyễn Tất Nhiên thà như giọt mưa rơi trên đường yêu

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên có nhiều bài thơ được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng “Thà như giọt mưa”, “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”, “Chỉ chừng đó thôi”, “Hai năm tình lận đận”, “Ngọn trúc đào”… Và phía sau mỗi bài thơ được giai điệu bay xa, là một cuộc tình nhiều mơ mộng nhưng không ít não nề của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào

Các chương trình

Napoléon Bonaparte, một chuyện tình sau thanh kiếm và lòng vị tha
Chuyện tình khó quên

Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.

Napoléon Bonaparte, một chuyện tình sau thanh kiếm và lòng vị tha
Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần
Chuyện tình khó quên

Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.

Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần