Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.
Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát và đám cưới không có đêm tân hôn
Gần sáng, có người vén màn, Bùi Thị Nga hé mắt thấy chồng mình, nhưng bà vẫn giả vờ ngủ say. Huỳnh Tấn Phát nhẹ nhàng vuốt tóc vợ, rồi lặng lẽ quay đi. Sau này, Bùi Thị Nga mới biết, đêm tân hôn ấy Huỳnh Tấn Phát đã thức suốt đêm để chuẩn bị cho chương trình ngày mai nói chuyện tranh đấu.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào | 20:00 02/09/2023
Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 trong một gia đình công chức ở tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ Huỳnh Tấn Phát đã sớm bộc lộ sự thông minh và tài hoa. Sau khi học xong trung học ở trường Petrus Ký – Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938.
Về lại Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát làm việc cho Văn phòng kiến trúc sư Chauchaon của người Pháp gần 2 năm để tích lũy kinh nghiệm. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng Kiến trúc sư đầu tiên của người Việt Nam ở địa chỉ 70 đường Mayer (bây giờ là đường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM).
Không chỉ cạnh tranh với những văn phòng kiến trúc sư của người Pháp một cách sòng phẳng về giá cả và chất lượng công trình, Huỳnh Tấn Phát còn đánh bại những kiến trúc sư người Pháp kiêu hãnh để giành giải nhất cuộc thi thiết kế Hội chợ triển lãm Đông Dương trong khuôn viên Tao Đàn.
Với nghề kiến trúc sư, Huỳnh Tấn Phát hoàn toàn có thể thụ hưởng cuộc sống giàu sang phú quý, nhưng ông không cam chịu tình cảnh đất nước bị đô hộ. Huỳnh Tấn Phát nung nấu kế hoạch đánh thức tinh thần ái quốc của giới trẻ, nhất là lực lượng có trình độ học vấn ở đô thị. Qua nhiều buổi gặp gỡ và trao đổi với những người cùng chí hướng, Huỳnh Tấn Phát đóng cửa văn phòng kiến trúc sư, gom góp hết số tiền dành dụm để mở tờ báo Thanh Niên, đặt trụ sở tại số 9 đường Lucien Lacouture (nay là đường Nam Quốc Cang, quận 1, TP.HCM).
Số đầu tiên của tuần báo Thanh Niên do Huỳnh Tấn Phát đứng tên chủ nhiệm, được phát hành ngày 7/8/1943, ngay lập tức tạo tiếng vang lớn trong giới trí thức. Chủ trương của tuần báo Thanh Niên rất rõ ràng: đoàn kết người Việt khắp ba miền để chống lại óc địa phương tai hại, kêu gọi thanh niên chứng tỏ sức sống người Việt chung tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, nhắc nhớ những trang sử hào hùng chống ngoại xâm và khuyến khích xu hướng nghệ thuật phụng sự cộng đồng…
Tuần báo Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát phát hành được 40 số, thì bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa. Số báo cuối cùng ra ngày 30/9/1944 in một lời tạm biệt rất đanh thép, khiến những kẻ cầm quyền lúc đó điên tiết cho cảnh sát ập vào toà soạn để tịch thu mọi phương tiện làm báo và truy bắt hai nhân vật thân cận với Huỳnh Tấn Phát là Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng, đồng thời chiếm giữ toà soạn hòng chờ chộp cổ luôn vị kiến trúc sư đảm đương cương vị chủ nhiệm báo. Cũng may, Huỳnh Tấn Phát đoán được tình hình nên thoát khỏi cú giăng lưới trùng trùng nguy hiểm kia.
Giai đoạn kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm báo Thanh Niên, cũng là giai đoạn ông hạnh ngộ bà Bùi Thị Nga. Mùa hè năm 1943, Huỳnh Tấn Phát lúc ấy 30 tuổi và Bùi Thị Nga lúc ấy 20 tuổi, đã gặp nhau tại Đà Lạt, khi bà lên thành phố sương mù để thăm một người quen còn ông đi kiểm tra công trình xây dựng khu vực hồ Xuân Hương.
Ấn tượng ban đầu của Huỳnh Tấn Phát đối với Bùi Thị Nga là hình ảnh một gã trai cao ráo, mặc bộ tussor trắng và cổ choàng khăn trắng, Tuy nhiên dáng điệu rất hợp thời trang của Huỳnh Tấn Phát không tạo cho Bùi Thị Nga cảm xúc sâu đậm bằng đôi mắt sáng đôn hậu dưới cặp chân mày rậm của ông.
Bùi Thị Nga lớn lên trong một gia đình trí thức gốc Hà Nội. Thân phụ của Bùi Thị Nga từng làm trưởng phòng hoạ đồ và thiết kế của hãng thầu xây dựng Pháp – Brossard Mophin, nhưng đã mất khi bà còn nhỏ. Tốt nghiệp Thành Chung, Bùi Thị Nga đi dạy học ở trường tư thục để phụ giúp mẹ nuôi hai em.
Sau cái duyên tương phùng ở Đà Lạt, Huỳnh Tấn Phát thường xuyên lui tới nhà Bùi Thị Nga, với lý do muốn đọc ké tủ sách mà người cha quá cố của Bùi Thị Nga để lại. Tình ý dần lộ rõ, nhưng Huỳnh Tấn Phát cũng không bày tỏ yêu đương hay hứa hẹn gì. Thỉnh thoảng Huỳnh Tấn Phát mời Bùi Thị Nga đi ăn ở nhà hàng sang trọng với tâm sự chân thành: “Hôm nay đại lý phát hành báo Thanh Niên mới trả tiền cho tôi. Có tiền lúc nào ăn lúc ấy. Mai sẽ hết ngay, cô à!”.
Đầu năm 1945, mẹ của Bùi Thị Nga nhắc nhở con gái: “Má thấy tụi bây quen nhau đã lâu. Cậu Phát cứ lui tới hoài mà không tính chuyện dài lâu, má sợ người ta dị nghị”. Bùi Thị Nga đem những lời mẹ mình để truyền đạt lại Huỳnh Tấn Phát. Nghe xong, Huỳnh Tấn Phát bày tỏ: “Nếu mẹ nói như vậy, thì ta làm đám cưới đi em, có gì trắc trở đâu. Anh thú thiệt, hiện nay anh không có xu nào hết. Anh không muốn người thân phải đi vay nợ để lo cho anh. Thời buổi bất ổn này, mình làm đơn sơ thôi nghe em”.
Trong hồi ký của mình, Bùi Thị Nga kể lại: “Ngày 15/6/1945, chúng tôi đám cưới. Buổi sáng, đàng trai bưng qua mấy quả trầu cau, rượu bánh, trái cây, còn đàng gái chỉ có mỗi mình tôi đón khách, vì đến trưa mẹ và hai em tôi mới mướn được xe thổ mộ từ vùng ngoại ô vào trung tâm Sài Gòn cùng với mấy nồi thức ăn nấu sẵn. 5 giờ chiều, tôi về nhà chồng trên chiếc xe du lịch sơn đen, không trang trí gì cho ra vẻ một dịp đại hỉ. Lúc đứng thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, tôi đã tủi thân và bật khóc”.
Buổi tối, cả hai đưa nhau về nhà riêng thì Huỳnh Tấn Phát lại có khách đến tìm và trò truyện rất khuya, nên Bùi Thị Nga giận, bỏ sang nhà mẹ chồng để ngủ. Đêm tân hôn cũng bẽ bàng.
Gần sáng, có người vén màn, Bùi Thị Nga hé mắt thấy chồng mình, nhưng bà vẫn giả vờ ngủ say. Huỳnh Tấn Phát nhẹ nhàng vuốt tóc vợ, rồi lặng lẽ quay đi. Sau này, Bùi Thị Nga mới biết, đêm tân hôm ấy Huỳnh Tấn Phát đã thức suốt đêm để chuẩn bị cho chương trình ngày mai nói chuyện tranh đấu với công nhân Xưởng sửa chữa đường sắt Sài Gòn, theo sự phân công của Xứ ủy Nam kỳ.
Cũng tương tự như đêm tân hôn, Bùi Thị Nga không thấy chồng về nhà vào đêm 24/8/1945. Bởi đêm đó, ông lo dựng kỳ đài sơn đỏ có chiều cao 15 mét ở ngã tư Charner – Bonard trung tâm Sài Gòn ( tức giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM ngày nay) để tổ chức cuộc tổng khởi nghĩa ngày 25/8/1945.
Hạnh phúc riêng tư của vợ chồng Huỳnh Tấn Phát – Bùi Thị Nga thực sự khiến nhiều người đồng cảm và thán phục. Nhà thơ Lê Minh Quốc, người đã có không ít công trình nghiên cứu về cuộc đời chính khách Huỳnh Tấn Phát, chia sẻ:
(Trích băng ghi âm Lê Minh Quốc)
Có một điều do bà Bùi Thị Nga tiết lộ cho nhà văn Nguyệt Tú (vợ của cố Chủ tịch Quốc hội – Lê Quang Đạo) viết trong cuốn sách “Chuyện tình của các chính khách Việt Nam”, đó là sau Cách mạng Tháng Tám thì kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vẫn nung nấu làm lại tuần báo Thanh Niên để có thêm vũ khí hữu hiệu chống Pháp. Ngay giữa Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát thuê một căn nhà bí mật để phục vụ Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ gửi lại ba mối tình thơcho việc in báo. Chính tại căn nhà bí mật này, khi Bùi Thị Nga đến thăm chồng thì cả hai đều bị địch bắt, vào ngày 1/4/1946. Huỳnh Tấn Phát bị kết án 2 năm tù. Bùi Thị Nga cũng bị giam, khi đang mang thai đứa con trai đầu lòng Huỳnh Thiện Hùng!
Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực kiến trúc. Nhiều công trình kiến trúc của Huỳnh Tấn Phát vẫn được truyền tụng về giá trị thẩm mỹ như Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Hoà Bình – TPHCM…
Đặc biệt, có những ngôi biệt thự rất đẹp ở Sài Gòn từng được Huỳnh Tấn Phát thiết kế khi mở văn phòng kiến trúc sư đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, đến hôm nay vẫn tồn tại khiến bao người trầm trồ chiêm ngưỡng.
Thế nhưng, cả đời Huỳnh Tấn Phát không thiết kế căn nhà nào cho riêng ông và gia đình. Ngày 30/9/1989, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát khép lại 76 năm sống trên dương gian, cống hiến trọn vẹn và trong sáng cho Tổ quốc. Người cùng thời với nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát là nhà báo Thép Mới, đã nhận định rằng: “Cái cách Huỳnh Tấn Phát quan hệ, ứng xử với các bạn trí thức, đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho than hồng nhen thành lửa ngọn. Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh”.
Trong chiến tranh, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát phải nuốt nước mắt nén nỗi đau một người cha, khi đứa con gái Huỳnh Lan Khanh hy sinh lúc mới 19 tuổi ở Tân Biên – Tây Ninh vào năm 1968. Trong hoà bình, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát chấp nhận cảnh vợ chồng cách xa hai đầu công tác, khi ông làm lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội, còn bà làm Chủ tịch Hội Phụ nữ TPHCM một thời gian dài.
Nhớ thương về người chồng trí thức chỉ biết đóng góp cho non sông một cách tận tuỵ và liêm khiết, bà Bùi Thị Nga trong hồi ký của mình, đã tiết lộ: “Lúc gần cuối đời, anh luôn ao ước có một chiếc Honda để khi về hưu chở vợ hay cháu nội, cháu ngoại đi chơi!”.
Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát và đám cưới không có đêm tân hôn
Gần sáng, có người vén màn, Bùi Thị Nga hé mắt thấy chồng mình, nhưng bà vẫn giả vờ ngủ say. Huỳnh Tấn Phát nhẹ nhàng vuốt tóc vợ, rồi lặng lẽ quay đi. Sau này, Bùi Thị Nga mới biết, đêm tân hôn ấy Huỳnh Tấn Phát đã thức suốt đêm để chuẩn bị cho chương trình ngày mai nói chuyện tranh đấu.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào
Các chương trình
Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.