Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.
Nhà giáo Lương Duy Cán và cánh cò không có trong bài giảng
Cô giáo Thanh Phương là con gái của một gia đình quyền quý, nên phụ huynh đâu dễ chấp nhận con gái mình hẹn hò với một gã trung niên túng bấn. Người yêu bị cha mẹ gọi vào TP.HCM công tác, nhà giáo Lương Duy Cán nấc lên những cung tơ não nề.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào | 20:00 18/11/2023
Nhà giáo Lương Duy Cán cũng từng ký bút danh Mai Liêm để viết bài thơ “Hai bài thơ tình của người thủy thủ” vào năm 1961, và nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc thành ca khúc “Tâm tình người thủy thủ” quen thuộc với công chúng hơn 60 năm qua.Trong không khí trang trọng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” xin giới thiệu câu chuyện “Nhà giáo Lương Duy Cán và cánh cò không có trong bài giảng”, để giúp nhiều thế hệ học trò hiểu thêm một nhân vật sư phạm đã sống và đã yêu theo đúng tâm niệm “Nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió/ Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao/ Có lẽ nào xứng với tình em”.(Trích băng ghi âm ca khúc “Tâm tình người thủy thủ”)Nhà giáo Lương Duy Cán làm thơ từ những ngày rời quê nhà Quảng Bình vào Huế trọ học đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Ví dụ, bài thơ “Mưa đêm Vỹ Dạ” được Lương Duy Cán viết năm 1953 “Mưa rơi trên ngọn dừa/ Mưa rơi vào cành lá/ Buông vào lòng khách lạ/ Một nỗi nhớ bâng quơ”.Sau hiệp định Geneve, Lương Duy Cán ra Hà Nội học tiếp trung học và trở thành sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cầm tấm bằng cử nhân, Lương Duy Cán được phân công đi dạy học ở Nghệ An gần 3 năm, rồi chuyển vào dạy học ở Quảng Bình. Trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, thơ Hà Nhật có một chọn lựa mới: “Tôi vẫn nghĩ thơ phải là gang thép/ Thơ phải làm ra lúa ra khoai/ Nhưng nếu thơ tôi mọc dậy ở quê nghèo/ Tôi ao ước thơ tôi làm hạt muối”. Và nhà giáo Lương Duy Cán lập tức được học trò mến mộ bởi những giờ lên lớp truyền cảm hứng yêu văn chương say đắm. Trong những năm bom đạn, mảnh đất Quảng Bình không chỉ khiến nhà giáo Lương Duy Cán thổn thức “Khi quân thù mang cái chết đi qua/ Ta bỗng nhận ra/ Những đóa hoa đã giúp ta bình tĩnh thế/ Tưởng như những đóa hoa nhỏ bé/ Đẩy cái chết lùi xa”, mà còn để lại cho ông những hồi ức không phai về nghề dạy học.(Trích băng ghi âm Lương Duy Cán 1)Non sông thống nhất, nhà giáo Lương Duy Cán có mặt trong đội ngũ những người đầu tiên chi viện cho giáo dục miền Nam. Năm học 1975-1976, nhà giáo Lương Duy Cán dạy học tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi, Phan Rang. Mảnh đất nắng gió ấy ghi dấu trong thơ ông: “Thành phố này chỉ có nắng là quá nhiều/ Thành phố này chỉ có gió là quá nhiều/ Nắng và gió làm phai hương tất cả/ Nắng và gió làm nhạt màu tất cả/ Thế mà lá vẫn xanh ngời dưới những giàn nho/ Và muối vẫn mặn mòi cho ngàn năm đi qua/ Phan Rang ơi, chỉ cần có thế/ Tôi đến một lần/ Và để lại trái tim”.
Cũng tại Phan Rang, nhà giáo Lương Duy Cán đã hạnh ngô cô giáo Thanh Phương trẻ hơn 17 tuổi, với ấn tượng đầu tiên “là một cô gái khá bé nhỏ, nhanh nhẹn, và có phần nóng nảy”. Tuy nhiên, nữ đồng nghiệp Thanh Phương không mấy làm ông bận tâm.Năm 1977, nhà giáo Lương Duy Cán được điều vào dạy học tại Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu, Phan Thiết. Và thật ngẫu nhiên, một năm sau, cô giáo Thanh Phương cũng về chung đơn vị với nhà giáo Lương Duy Cán. Sự run rủi của số phận khiến họ gần gũi nhau và nảy sinh tình cảm. Nhà giáo Lương Duy Cán xao động gửi gắm niềm riêng: “Tình anh như muối kia/ Không màu và lặng lẽ/ Em như làn gió nhẹ/ Thổi qua vườn cây chiều”. Thế nhưng, cô giáo Thanh Phương là con gái của một gia đình quyền quý, nên phụ huynh đâu dễ chấp nhận con gái mình hẹn hò với một gã trung niên túng bấn. Người yêu bị cha mẹ gọi vào TP.HCM công tác, nhà giáo Lương Duy Cán nấc lên những cung tơ não nề “Bài hát xưa, anh ngồi hát một mình/ Mưa đầy phố khiến giọng anh khàn đục/ Chẳng có gió cho hàng cây thổn thức/ Chỉ im lìm trời lạc tiếng mưa rơi” và không nguôi mong ngóng “Bây giờ em đã xa anh/ Cái thành phố ấy không xanh nữa rồi/ Vầng mây đã tối ngang trời/ Những ô cửa sổ em ơi, đâu còn/ Anh đi tìm lại lối mòn/ Tìm không thấy lối, chỉ còn gió bay”.Cũng may, tình yêu của cô giáo Thanh Phương đã vượt qua mọi trở ngại. Trước quyết tâm “nếu không được làm vợ của anh Lương Duy Cán, thì suốt đời con không lấy chồng”, cha mẹ của cô giáo Thanh Phương đành ưng thuận chàng rể không mấy môn đăng hộ đối.Ngày 17 tháng 3 năm 1979, nhà giáo Lương Duy Cán và cô giáo Thanh Phương tổ chức lễ cưới tại Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu, Phan Thiết. Sau khi kết hôn, vợ chồng họ vẫn phải xa nhau, thỉnh thoảng nhà giáo Lương Duy Cán từ Phan Thiết vào Sài Gòn thăm vợ, hoặc cô giáo Thanh Phương phải từ Sài Gòn ra Phan Thiết thăm chồng. Giai đoạn phu thê khốn khó ấy, nhà giáo Lương Duy Cán nhắn gửi vợ sự thấu hiểu trân trọng “Nắng miền Trung đổ lửa/ Sài Gòn đang mưa to/ Em thương anh nơi xa/ Chiều mưa che áo mỏng/ Em thật là vớ vẩn/ Lo anh như trẻ thơ/ Sài Gòn chiều nay mưa/ Nghĩa thương em cháy ruột” và dành cho vợ sự sớt chia ngọt bùi “Cuộc sống thì già, người sống thì khôn/ Chỉ có hai ta, hai chân trời tội nghiệp/ Chỉ có anh, câu thơ chưa kịp viết/ Mãi mãi nằm chết đuối dưới dòng sông”.
Năm 1982, nhà giáo Lương Duy Cán được chuyển vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư Phạm TP.HCM thì họ mới được ở bên nhau. Vợ chồng nhà giáo Lương Duy Cán có hai người con Thùy Dương sinh năm 1980 và Duy Bình sinh năm 1984. Cô giáo Thanh Phương không chỉ giữ gìn ngọn lửa ấm cho ngôi nhà hạnh phúc mà còn nuôi nấng ngọn lửa thi ca trong lòng nhà giáo Lương Duy Cán. Hãy nghe một trong những bài thơ được đặt tên “Viết cho Thanh Phương”, do chính nhà giáo Lương Duy Cán đọc(Trích băng ghi âm Lương Duy Cán 2)Để chăm lo đầy đủ cơm áo cho vợ con, nhà giáo Lương Duy Cán tạm gác mơ mộng cá nhân mà tập trung dạy học và viết sách. Không chỉ là người dạy luyện thi đại học số một tại TP.HCM, nhà giáo Lương Duy Cán còn chăm chỉ viết sách tham khảo nhằm tăng thu nhập. Một số đồng nghiệp xì xầm về khả năng “lúc thực tế thì thực tế hơn bất kỳ ai” của nhà giáo Lương Duy Cán. Ông cười và trả lời thành thật: “Làm thằng đàn ông mà để vợ con nghèo đói thì nhục lắm”.Nhà giáo Lương Duy Cán tự hào vừa là “vua dạy luyện thi” vừa là “vua viết sách tham khảo”. Xung quanh kỳ tích này của nhà giáo Lương Duy Cán có một chi tiết thú vị. Khi con gái Thùy Dương của ông đi làm thủ tục du học Mỹ, người ta yêu cầu chứng minh tài sản gia đình. Mọi giấy tờ nhà đất đều chưa đủ điều kiện, Thùy Dương bèn đưa ra mấy cuốn sách mà Lương Duy Cán đứng tên tác giả. Nhân viên lãnh sự quán Mỹ gật gù “cha của bạn giỏi quá” và đồng ý cấp visa cho Thùy Dương.Suốt 40 năm son sắt mặn nồng, vợ chồng nhà giáo Lương Duy Cán có được cơ ngơi rất khang trang. Xót xa thay, cô giáo Thanh Phương bất ngờ phát hiện bị ung thư. Thời gian chữa trị bệnh nan y, nhà giáo Lương Duy Cán luôn túc trực bên người vợ hiền. Thế nhưng, định mệnh vẫn có những trớ trêu không thể cưỡng lại.Nhật ký của nhà giáo Lương Duy Cán viết: “Chiều ngày 28 tháng 2 năm 2020, hai đứa con xin phép đưa mẹ về nhà. Gần tối thì xe cứu thương về trước cửa. Thanh Phương được đưa vào phòng. Tôi ngồi cạnh giường, thấy Thanh Phương càng lúc càng mê man. Cầm tay Thanh Phương, tôi thấy mạch đập càng lúc càng yếu. Cứ thế, Thanh Phương cứ mê dần đi.Một đêm dài dần qua. Gần sáng, ngày 29 tháng 2 năm 2020, lúc 4 giờ 34 phút, Thanh Phương thở hắt ra một cái cuối cùng. Cha con tôi cùng òa khóc. Thế là vĩnh viễn tôi đã mất Thanh Phương”.Không còn người vợ tào khang đã cùng mình đi qua bao nhiêu gieo neo, nhà giáo Lương Duy Cán hụt hẫng. Sức khỏe của ông giảm sút rất nhanh, và ông không muốn tin sự thật bẽ bàng ấy. Ông níu kéo hình ảnh cô giáo Thanh Phương bằng những câu thơ khắc khoải(Trích băng ghi âm Lương Duy Cán 3)Nhà giáo Lương Duy Cán tính toán tỉ mỉ rằng vợ chồng ông đã gắn bó với nhau được 40 năm 11 tháng 9 ngày. Đối với nhà giáo Lương Duy Cán, người vợ nhỏ hơn ông 17 tuổi là một cánh cò tảo tần không có trong bài giảng của ông, nhưng đã hiện diện trong đời ông như đặc ân của Thượng đế: “Ai hay một cánh cò còn bay đến thơ anh/ Một cánh cò còn bay đến đời anh/ Một cánh cò còn đơn đôc hơn xưa/ Một cánh cò còn nhọc nhằn hơn xưa/ Một cánh có chỉ đến với riêng anh/ Có bài ca dao nào dành cho em không/ Có bài thơ cánh cò nào dành cho em không”.N
Nhà giáo Lương Duy Cán và cánh cò không có trong bài giảng
Cô giáo Thanh Phương là con gái của một gia đình quyền quý, nên phụ huynh đâu dễ chấp nhận con gái mình hẹn hò với một gã trung niên túng bấn. Người yêu bị cha mẹ gọi vào TP.HCM công tác, nhà giáo Lương Duy Cán nấc lên những cung tơ não nề.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào
Các chương trình
Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.