Nhà thơ Lê Anh Xuân trái tim yêu nồng cháy giữa đạn bom

Không chỉ gìn giữ một mối tình son sắt, nhà thơ Lê Anh Xuân còn nâng mối tình với Xuân Lan lên mức tôn thờ.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào  | 

Nhà thơ Lê Anh Xuân trái tim yêu nồng cháy giữa đạn bom

Tự động

Danh ca Thái Châu biết sợ vợ để giữ gìn hạnh phúc

Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật Ca Lê Hiến, sinh ngày 5/6/1940 tại Bến Tre. Ông là con trai của giáo sư Ca Văn Thỉnh. Từ nhỏ, Lê Anh Xuân đã theo gia đình vào chiến khu, rồi được đưa ra Bắc học hành.

Giai đoạn đầu làm thơ, Lê Anh Xuân vẫn dùng tên thật Ca Lê Hiến. Bài thơ “Nhớ mưa quê hương” đánh dấu sự xuất hiện của ông trên thi đàn vào năm 1960: “Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm/ Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.../ Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống/ Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông”. Lúc ấy, Lê Anh Xuân 20 tuổi, cảm hứng sử thi nhen nhóm và định dạng như mạch thở xuyên suốt sự nghiệp thơ ông: “Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối/ Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm/ Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa mưa dông/ Nghe như tiếng của Cha Ông dựng nước”.

Cơn mưa nhỏ kỷ niệm cứ lớn dần thành cơn mưa lớn ý chí. Con đường trở lại miền Nam cũng là con đường mở ra tâm hồn thi ca của Lê Anh Xuân: “Bóng dài ngả dọc đường dây/ Đoàn quân đi giữa trời mây chập chùng/ Này đồi, này suối, này rừng/ Khi mưa ướt áo, lúc bừng nắng lên/ Có đêm lặn lội không đèn/ Bước cao bước thấp mưa đêm mịt mùng/ Có đêm đuốc đỏ sáng rừng/ Như hoa bừng nở đón mừng ta đi”.

Tốt nghiệp khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Lê Anh Xuân được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng ông quyết định trở lại miền Nam chiến đấu cùng đồng bào. Lê Anh Xuân lên đường vì nghĩa lớn và mang theo một mối tình vào chốn đạn bom.

Ngay trang đầu tiên của cuốn nhật ký Lê Anh Xuân gửi lại dương gian, ông viết: “Ngày 22/12/1964. Cả một ngày chuẩn bị đi. Chờ đợi bỗng như được thư Xuân Lan. Mừng quá. 5 giờ chiều đi bộ ra ga Phú Thọ”. Nhân vật Xuân Lan xuất hiện trong thương nhớ của Lê Anh Xuân là ai? Xuân Lan có tên đầy đủ là Bùi Xuân Lan, em gái của nhà văn Anh Đức. Vì vậy, công chúng không khó để nhận ra, bút danh Lê Anh Xuân được ghép từ Anh Đức và Xuân Lan.

Trong hồ sơ cán bộ trước khi vượt Trường Sơn, Lê Anh Xuân khai “Tôi có vợ chưa cưới, tên là Bùi Xuân Lan, hiện đang học năm thứ ba Học viện kinh tài Thượng Hải- Trung Quốc”. Và mối tình ấy trở thành điểm tựa cho hành trình cầm súng và làm thơ của Lê Anh Xuân. Nhật ký ngày 24/12/1964, Lê Anh Xuân viết: “4 giờ sáng đi xe hơi. Qua phà Ròn, làng Cảnh Dương, qua sông Gianh, đèo Ngang. Đường vòng lên núi cao. Biển xa. Cát vàng. Nhớ Xuân Lan nhiều”. Nhật ký ngày 6/1/1965, Lê Anh Xuân viết tiếp: “Đi lấy gạo. Đường nắng, cát, mệt. Nhớ Xuân Lan quá! Em đang làm gì đấy hở em? Anh nghĩ đến tương lai khi non sông thống nhất”.

Tại Trung ương Cục miền Nam, nhà thơ Lê Anh Xuân hoàn thành một tác phẩm tâm đắc là “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” mà đến hôm nay vẫn còn nghe vang vọng những lời tha thiết trầm bổng: “Có nơi đâu đẹp tuyệt vời/ Như sông, như núi, như người Việt Nam/ Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/ Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa/ Trường Sơn chí lớn ông cha/ Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào/ Mặt người sáng ánh tự hào/ Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do/ Bốn ngàn năm dựng cơ đồ/ Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người/ Ôi Việt Nam, Việt Nam ơi/ Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha”.

Cảm hứng sử thi trong thơ Lê Anh Xuân, không chỉ lan tỏa ở “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi, mà thể hiện ở những bài thơ đơn lẻ. Như khi ông viết về những hàng dừa ở quê hương Bến Tre: “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi/ Mà lá tươi xanh mãi đến giờ/ Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi/ Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua/ Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu/ Từng ngâm thơ dưới rặng dừa này/ Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc/ Vừa qua đây còn lầy lội đường dây”. Hoặc như khi ông viết về trận Ấp Bắc oanh liệt: “Và đâu đây mùi bùn đất Việt Nam/ Tất cả đã trở thành bất tử/ Từng ngọn gió đã thổi vào lịch sử/ Tôi tưởng nơi đây tan nát còn đâu/ Lạ lùng thay lúa vẫn tươi màu/ Lúa trùng điệp vây quanh đồn giặc/ Lúa bất khuất như người bất khuất/ Phù sa đã lấp những hố bom/ Và cả những vết thương của tâm hồn”.

Sự nghiệp thơ của Lê Anh Xuân chỉ gói gọn 10 năm, ngay trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nên tính nghệ thuật nhiều tác phẩm vẫn chưa kịp chưng cất thật hàm súc. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ lưỡng những vần điệu Lê Anh Xuân, thì cũng rất bất ngờ khi bắt gặp những câu thơ đậm phẩm chất tài hoa của một người đầy mơ mộng “anh là con sông chảy trước nhà em”. Ví dụ, bài thơ ngắn không đặt tên được viết trong nhật ký ngày 5-1-1965 có hai câu: “Ai tắm bên khe đá/ Tiếng suối chảy triền miên”, không thấy mặt người sinh động nhưng thấy hồn người lãng mạn. Hoặc trong bài thơ Trở lại quê nội có hai câu cực kỳ ấn tượng: “Em ơi sao tóc em thơm vậy/ Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng” làm nổi bật lên vẻ đẹp độc đáo của phụ nữ Nam bộ!

Trong nhật ký Lê Anh Xuân, hình ảnh người vợ chưa cưới Bùi Xuân Lan hầu như xuất hiện ở mọi hoạt động của ông, khi thức cũng như khi ngủ. Nhật ký ngày 18/8/1965, Lê Anh Xuân viết: “Em Xuân Lan yêu quý của anh. Chắc em đã về Hà Nội rồi phải không? Độ này hai năm trước, anh sung sướng ở bên em, bây giờ anh ở xa em hàng ngàn cây số. Nghe tin cán bộ tập kết đang chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ trở về quê hương, anh xúc động lắm. Không biết chừng Xuân Lan của anh đang trên đường về. Anh phải sống sao cho xứng đáng với mối tình thiêng liêng ấy”.

Nhà thơ Lê Anh Xuân dùng chính hình ảnh người yêu để động viên mình, cũng như nhắc nhở mình. Nhật ký ngày 18/9/1965, ông viết: “Đêm qua mơ gặp Xuân Lan. Xuân Lan chạy qua một cái cầu gặp anh. Anh thấy mặt Xuân Lan. Kỳ lạ: lúc thế này lúc thế kia. Sau Xuân Lan mặc áo đẹp ra đón anh. Nhớ Xuân Lan, anh phải ráng gìn giữ đạo đức trong sạch thủy chung. Phải có nghị lực, ý chí để thực hiện mục đích của mình như Câu Tiễn vậy”. Còn nhật ký ngày 23/7/1966, ông viết: “Chiều thứ bảy, đọc lại thư của Xuân Lan. Ôi ngày nào anh lại chẳng nhớ đến Xuân Lan của anh. Anh phải làm sao luôn trong veo, là tấm gương trong sáng nhất của Xuân Lan”.

Nhà thơ Lê Anh Xuân được kết nạp Đảng ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ngày 7/8/1966. Ông đã viết một đoạn thật dài để chia sẻ với người yêu: “Tối nay chúa nhật, em ở đâu? Xuân Lan yêu quý của anh. Em có biết đêm nay, trong một khu rừng ở miền Đông Nam bộ, anh đang đứng tuyên thệ trước lá cờ Đảng. Từ nay anh đã là đảng viên. Không chừng vào ngày 7/8/1967, ngày anh được công nhận là đảng viên chính thức, cũng là ngày anh gặp lại em. Có phải thế không em? Anh sẽ xứng đáng với lòng mong muốn của em. Ôi, anh sẽ là mặt trời của em. Anh sẽ là người chồng yêu quý của em”.

Không chỉ gìn giữ một mối tình son sắt, nhà thơ Lê Anh Xuân còn nâng mối tình với Xuân Lan lên mức tôn thờ. Trong nhật ký, ông luôn dành nhiều câu âu yếm và nồng nàn để nhắc đến sinh nhật của Xuân Lan. Ngày 16/2/1967, ông viết: “Đêm qua mấy anh cùng đơn vị đi xem phim hết. Anh ở nhà nhớ Xuân Lan nhiều, vì sáng mai là sinh nhật của Xuân Lan. Sáng nay em ở đâu? Em mặc áo gì? Em đang làm gì đó? Sinh nhật lần thứ 25 của em. Em lớn rồi, nhưng anh vẫn coi em như lúc 19 tuổi em đến với anh. Chúc em thêm một tuổi của tình yêu. Chúc em luôn vui, khỏe, đẹp. Mãi chung thủy với em. Hôn em nhiều. Không biết em đã nhận được thư của anh chưa? Anh sẽ nói chuyện bên em suốt ngày và đêm sinh nhật của em”.

Ngày 24/5/1968, nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Thi thể ông được đồng đội chôn tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Tác phẩm cuối cùng nhà thơ Lê Anh Xuân gửi về Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam là bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” mãi mãi giống như một huyền thoại cho thế hệ sau nâng niu: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ giải phóng quân/ Tên anh đã thành tên đất nước/ Ơi anh giải phóng quân! Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Người yêu Xuân Lan của Lê Anh Xuân khi nghe tin ông không còn nữa, đã nghẹn ngào làm bài thơ tiễn biệt: “Anh vẫn đi tiếp bước về phía trước/ Mãi đi như thế, anh cứ đi/ Cho đến khi tim anh ngừng đập/ Một cuộc đời chỉ 28 năm thôi/ Mà sao đáng sống như người đã sống/ Và anh đã nằm sâu trong lòng đất/ Đã hiến dâng cho Tổ quốc bình yên/ Cả cuộc đời, một khối óc, một trái tim”.

Tự động

Nhà thơ Lê Anh Xuân trái tim yêu nồng cháy giữa đạn bom

Không chỉ gìn giữ một mối tình son sắt, nhà thơ Lê Anh Xuân còn nâng mối tình với Xuân Lan lên mức tôn thờ.

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào

Các chương trình

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có niềm lãng mạn giữa bản hùng ca
Chuyện tình khó quên

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có biết đâu, chính Lan đã dùng tên Thu Hương để viết thư cho ông, nhưng đứng trước mặt thần tượng thì cô không dám thú nhận điều đó.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có niềm lãng mạn giữa bản hùng ca
Danh ca Thái Châu biết sợ vợ để giữ gìn hạnh phúc
Chuyện tình khó quên

Hành trình nghệ thuật của Thái Châu có không ít bóng hồng ngày đêm mộng mơ tơ tưởng vây quanh, nhưng ông vẫn tự hào bản thân hào hoa nhưng rất chung thủy.

Danh ca Thái Châu biết sợ vợ để giữ gìn hạnh phúc