Nhạc sĩ Giao Tiên đắm say vó ngựa trên đồi cỏ non

Cuộc sống đưa đẩy mỗi người một phương, rồi họ thất lạc nhau. Nhạc sĩ Giao Tiên viết thêm hàng chục bài hát mà vẫn không thể nào tái ngộ cố nhân. Lỗi tại ai?

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào  | 20:00 11/11/2023

Nhạc sĩ Giao Tiên đắm say vó ngựa trên đồi cỏ non

Tự động

Quê quán ở Bình Định nhưng trưởng thành ở Sài Gòn, chàng trai Dương Trung rất thích nhân vật Giao Tiên trong tiểu thuyết “Hoa tiên”. Khi sáng tác ca khúc đầu tay năm 20 tuổi, Dương Trung đã quyết định lấy bút danh Giao Tiên để đi vào âm nhạc. Hữu duyên được một người quen biết tình cờ dạy cho chút kiến thức cơ bản về nhạc lý, Giao Tiên tự trau dồi để thành một nhạc sĩ nổi tiếng như hôm nay. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Giao Tiên lý giải, khởi điểm của ông trong việc viết nhạc chính là do thất tình. Ông yêu một cô bạn cùng lớp nhưng nàng không đón nhận trái tim ông. Ê chề và đau khổ, ông đành mượn giai điệu và ca từ để an ủi bản thân. Ông hồi tưởng: “Trong số các bài về mối tình ấy, thì ca khúc “Anh hãy về đi” là tác phẩm day dứt một nỗi đau tưởng chừng như không thể đứng lên khi chàng thư sinh nghèo bị người yêu xua đuổi. Nhưng tôi đã gửi nỗi đau thương đó lên từng nốt nhạc để âm nhạc mang cho tôi bớt những nỗi niềm. Cũng chính nhờ thổn thức qua âm nhạc tôi mới bước tiếp bằng nghị lực mạnh mẽ để tiếp tục học tập”.

Sau mối duyên đầu cay đắng, nhạc sĩ Giao Tiên có một cuộc tình thật sự say đắm. Khi nhạc sĩ Giao Tiên làm giám tuyển cho một cuộc thi ca hát và phát hiện một cô gái hát không hay lắm mà vẫn đến ứng tuyển. Nhạc sĩ Giao Tiên khuyên người đẹp khước từ giấc mơ nghệ thuật, nhưng lại để hình bóng người đẹp bước vào giấc mơ trai trẻ của ông. Nhạc sĩ Giao Tiên viết luôn chùm ca khúc “Nhớ người yêu”, “Thương nhớ người yêu” và “Lại nhớ người yêu” để gửi theo người đẹp. Riêng bài “Nhớ người yêu” có lời hát khá quyết liệt “uớc gì nhà mình chung vách, anh khoét tường anh đến với em”, mà bây giờ nhắc lại nhạc sĩ Giao Tiên vẫn cười sảng khoái: ““Đó là một cảm xúc cồn cào rất thật của tôi. Khi yêu nhau người ta chỉ muốn được gần bên nhau. Nỗi nhớ người yêu luôn thôi thúc trong lòng tôi mỗi giây, mỗi phút khiến cho người đang yêu có một ý nghĩ táo bạo: nếu như nhà mà chung vách thì…”Số phận luôn có những sắp đặt vừa trớ trêu lại vừa lý thú. Nếu mối tình “buổi chiều vừa gặp nhau đây, mà đêm đã nhớ như vậy, em hỡi em có hiểu có hay” mà đơm hoa kết trái thì có lẽ sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Giao Tiên không thể phong phú như hôm nay. Cuộc sống đưa đẩy mỗi người một phương, và rồi họ thất lạc nhau.

Nhạc sĩ Giao Tiên viết thêm hàng chục bài hát mà vẫn không thể nào tái ngộ cố nhân. Lỗi tại ai? Nhạc sĩ Giao Tiên chẳng biết và cũng chẳng muốn biết. Ông tự chìm đắm vào âm nhạc với tâm niệm “on tim có lý lẽ riêng của nó, đôi khi nhận ra tình yêu đó mang cho mình những nỗi đau đi cùng năm tháng. “Yêu lầm” và “Mất nhau rồi” là hai ca khúc mà tôi đã viết bằng nỗi tuyệt vọng”.Năm 1967, nhạc sĩ Giao Tiên đã gặp người phụ nữ mà Thượng Đế dành tặng ông: Hoàng Xuân. Hai người quen nhau rất nhẹ nhàng, hai người yêu nhau rất nhẹ nhàng, và hai người cưới nhau cũng rất nhẹ nhàng. Cột mốc duyên phận trăm của hai người chính là ca khúc “Vó ngựa trên đồi cỏ non”, mà chính nhạc sĩ Giao Tiên giải thích: “Lúc sáng tác ca khúc này tôi tự ví bản thân như một chú ngựa trên thảo nguyên rộng lớn đang đi tìm người bạn đời. Tôi giải phóng tâm hồn mình trước những quan niệm, hình ảnh cũ và thả hồn vào một thế giới trừu tượng khác để âm nhạc được bay bổng, mới lạ hơn. Thật sự ca khúc này có ca từ rất dễ hát, phù hợp với mọi hoàn cảnh nên may mắn được đông đảo khán giả yêu thích!”. (Trích băng ghi âm ca khúc “Vó ngựa trên đồi cỏ non” do Đan Trường hát)

Khác hẳn với ngôn từ phiêu lãng của chồng, bà Hoàng Xuân nói về định mệnh gắn kết hai người đơn giản: “Tôi gặp ông xã lúc 19 tuổi. Khi ấy, anh nhìn thư sinh, hiền lành lắm! Lúc gặp nhau, ông xã chưa phải nhạc sĩ gì, mà chỉ là người thích sáng tác, thích hát thôi. Có nhiều bài thấy chồng sáng tác về người yêu cũ, lúc đầu tôi cũng ghen hỏi này hỏi kia nhưng về sau tôi hiểu chồng mình nên không hỏi nữa, để anh tập trung sáng tác. Mỗi đêm, anh hay đốt đèn dầu để mà ngồi sáng tác. Thời điểm đó, tôi gánh vác hết việc nhà để ông xã có thời gian viết nhạc!”.Bà Hoàng Xuân không chỉ sinh cho nhạc sĩ Giao Tiên cả thảy 5 đứa con, mà còn theo ông bôn ba qua nhiều mảnh đất mưu sinh. 10 năm phát nương phát rẫy ở Bù Đăng – Bình Phước chẳng nên cơm cháo gì. 5 năm lên Đà Lạt – Lâm Đồng nấu đường, nấu rượu rồi trồng rau, trồng củ cũng khó khăn chồng chất. Năm 1989, nhạc sĩ Giao Tiên đưa cả nhà xuống Cam Ranh – Khánh Hòa với mơ ước đổi đời bằng nghề nuôi tôm. Cũng làm đìa, cũng chọn giống, cũng chăm sóc ngày đêm nhưng thất bại liên tục. Nợ nần tứ tung, nhạc sĩ Giao Tiên trắng tay đập vỡ cây đàn, ôm mặt khóc. Bà Hoàng Xuân đã động viên chồng đứng lên theo tinh thần “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Bà Hoàng Xuân gói bánh chưng, nấu bánh chưng rồi vợ đi bỏ mối, chồng đi bán dạo. Ân nghĩa phu thê lúc cam go nhất, được nhạc sĩ Giao Tiên tường thuật sơ lược như sau: “Lúc tôi sụp đổ thì vợ tôi vẫn không nản chí, vẫn khích lệ tôi và nói có làm sẽ có ăn. Bà ấy liền nấu bánh chưng để bán, nuôi cả gia đình. Mỗi buổi chiều bà ấy đi chợ mua nguyên liệu về gói bánh. Còn tôi ngồi canh nồi bánh từ 19h đến khoảng 3-4 giờ sáng hôm sau vớt ra để nguội, rồi hai vợ chồng chia nhau phân phối.

Thời đó, bánh nhỏ nhất chúng tôi bán năm trăm đồng, lớn là một nghìn đồng, vậy mà nuôi được năm đứa con ăn, học. Mỗi lần nhìn vợ, tôi lại nghĩ, nếu tôi không lấy được người vợ đảm đang, khéo léo thì không có tôi như ngày hôm nay. Tôi thương vợ nhiều điểm lắm. Trên đời này không có ai khiến tôi cảm thấy ưng ý đến như vậy. Phụ nữ có xinh xắn, tốt đẹp mấy cũng chỉ đến như vợ tôi thôi. Bà ấy khéo léo từ việc gia đình đến chuyện giao tiếp với bà con, lối xóm. Sống với nhau, dù đói khổ thế nào, vợ tôi cũng gói ghém, dành một số tiền nhỏ nhoi nhất để tôi yên tâm sáng tác âm nhạc. Bạn bè, đồng nghiệp đến nhà chơi, vợ tôi tiếp đãi chu đáo, khiến tôi thấy rất hãnh diện và phấn khởi”.Những cơ cực cơm áo ngỡ đã cắt đứt cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ Giao Tiên thì tình cờ một buổi chiều cuối năm năm 1994 ông nghe được từ cái loa của chiếc xe kẹo kéo phát ra hai ca khúc “Cô Thắm về làng” và “Tình đẹp mùa chôm chôm” mà ông đã viết mấy thập niên trước. Rất xúc động, nhạc sĩ Giao Tiên chạy ra chỗ điện thoại công cộng để gọi vào Sài Gòn hỏi thăm mấy người quen về sự tồn tại của ca khúc Giao Tiên. Khi được thông báo, nhiều bài hát từ xa xưa của mình đang được hát lại và rất được yêu thích, nhạc sĩ Giao Tiên liền về nhà khoe với vợ. Bà Hoàng Xuân gật gù chia vui với chồng: “Ông viết nữa đi. Tui thấy nhạc của ông hay mà!”. Vậy là nhạc sĩ Giao Tiên cặm cụi viết ca khúc trở lại.Không còn tiếc thương những mối tình mờ mịt trong ký ức kiểu “hào hoa là gì, mà không đào hoa là gì”, nhạc sĩ Giao Tiên viết tặng vợ ca khúc “Nàng Xuân chung tình”. Cái tên riêng của bà đi vào bài hát cũng đắm đuối như mùa xuân: “Nàng Xuân em từ đâu tới. Dẫu sao em vẫn tươi mới. Trần gian con đường quen lối. Mỗi năm tin Xuân lại sang. Lỡ mươi năm sau không còn anh. Với Xuân ai người chung tình?”. Còn một ca khúc nữa nhạc sĩ Giao Tiên đã thay mặt 5 đứa con để viết tặng bà Hoàng Xuân là ca khúc “Chiếc bánh chưng xanh”.
Từ thực tế cuộc sống, ca khúc “Soạn giả cải lương cài hoa trắng lên áo tím” thuyết phục người nghe bởi sự chân thành và dung dị: “Chỉ có cái bánh chưng xanh, mẹ tôi ngày đêm canh cánh/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, mẹ tôi dựng nên tổ ấm/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, suốt đời mẹ tôi gánh gồng/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, đời cha bình yên mưa nắng/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, bài ca ru mãi tình gần/ Chỉ có cái bánh chưng xanh, đời con rồng mây vươn cánh/ Ôi cái bánh chưng xanh của mẹ tôi/ Bao nhiêu vốn, bao nhiêu lời mỗi ngày/ Mẹ khổ công mấy mươi năm miệt mài/ Mẹ hy sinh tuổi xuân không mơ mộng/ Cầm lấy cái bánh chưng xanh, mà mơ trời cao xanh thắm”. Ca khúc “Cái bánh chưng xanh” đã được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng những ai ở khu vực xung quanh bến xe Cam Ranh – Khánh Hoà từng chứng kiến nhạc sĩ Giao Tiên đạp xe đi bán dạo bánh chưng vừa hát bài này, thì còn cảm thấy rung động sâu sắc hơn. Sau tuổi 70, nhạc sĩ Giao Tiên không còn bán bánh chưng nữa. Vợ chồng ông sống nhờ tiền bản quyền ca khúc của ông. Và thật mừng, bây giờ ở tuổi ngoài 80, nhạc sĩ Giao Tiên vẫn còn thao thức sáng tạo: “Tôi luôn tâm nguyện sẽ viết nhạc đến khi nào nhắm mắt buông tay mới thôi, vì nó đã ngấm vào máu thịt. Mấy năm nay tôi phổ thơ nhiều hơn là sáng tác bởi tuổi cao thì lời văn không còn dạt dào như trước. Tôi nghiên cứu những bài thơ hay và phổ thành giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ”. Và tất nhiên, khán giả đầu tiên thưởng thức những ca khúc mới của nhạc sĩ Giao Tiên chính là bà vợ Hoàng Xuân, nàng xuân chung thủy gắn bó suốt đời cùng người chồng lận đận hào hoa.
Tự động

Nhạc sĩ Giao Tiên đắm say vó ngựa trên đồi cỏ non

Cuộc sống đưa đẩy mỗi người một phương, rồi họ thất lạc nhau. Nhạc sĩ Giao Tiên viết thêm hàng chục bài hát mà vẫn không thể nào tái ngộ cố nhân. Lỗi tại ai?

Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào

Các chương trình

Napoléon Bonaparte, một chuyện tình sau thanh kiếm và lòng vị tha
Chuyện tình khó quên

Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.

Napoléon Bonaparte, một chuyện tình sau thanh kiếm và lòng vị tha
Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần
Chuyện tình khó quên

Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.

Elton John gieo hạnh phúc ở tuổi lục tuần