Quan hệ giữa Napoléon Bonapartre và người đẹp Josephine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.
Nhạc sĩ Lam Phương đời đẹp vì tiếng em cười
Với nhạc sĩ Lam Phương, hầu như mỗi ca khúc đều gắn với một bóng hồng cùng ông đi qua năm tháng thăng trầm. Khi nghe những ca khúc nhiều rộn ràng lắm buồn thương của nhạc sĩ Lam Phương, ít ai hình dung được những mối tình đã tạo cảm hứng cho giai điệu bật ra từ trái tim ông.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào | 20:00 06/05/2023
Nhạc sĩ Lam Phương đời đẹp vì tiếng em cười
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá - Kiên Giang. Nhà nghèo, bố mẹ cũng không êm ấm, Lâm Đình Phùng từ năm 10 tuổi đã lên Sài Gòn nương nhờ bác ruột để được tiếp tục đi học.
Sống ở khu vực Đa Kao, cậu trai Lâm Đình Phùng ngoài giờ đến trường thường lân la các lớp dạy nhạc để nghe trộm những thanh âm luôn khiến mình xao xuyến. Nhận thấy Lâm Đình Phùng có niềm ham thích thực sự với âm nhạc, một người thầy đã cho cậu trai hiền lành và nhút nhát ấy được học miễn phí.
Không phụ sự kỳ vọng của người truyền nghề nhân hậu, Lâm Đình Phùng tiếp thu rất nhanh, không chỉ chơi đàn điệu nghệ mà còn tập tành sáng tác. Năm 15 tuổi, ca khúc đầu tay “Chiều thu ấy” được ra đời với bút danh Lam Phương. Tuy được bạn bè đồng trang lứa tán thưởng, nhưng Lam Phương vẫn chẳng biết làm sao đưa sáng tác của mình ra công chúng.
Sau nhiều lần đắn đo, Lam Phương vay tiền để in ca khúc “Chiều thu ấy” dưới dạng những tờ nhạc và mang đi bán dạo. Chẳng có ai ủng hộ kẻ vô danh, Lam Phương thua lỗ nặng. Không nản chí, Lam Phương tiếp tục vay tiền để in những ca khúc mới. Đến năm 1954, ca khúc “Khúc ca ngày mùa” mới thực sự tạo được tiếng vang, giúp Lam Phương thanh toán hết nợ nần.
Học xong phổ thông, Lam Phương rời khỏi nhà bác ruột, thuê một căn nhà tồi tàn ở ven kênh Nhiêu Lộc để đưa cả mẹ và các em từ quê nhà lên Sài Gòn đoàn tụ. Lam Phương làm nhiều việc để mưu sinh, nhưng vẫn loay hoay thiếu trước hụt sau.
Một hôm trời mưa như trút nước, Lam Phương đi làm về khuya, chứng kiến mẹ và các em co ro trong giá rét. Lam Phương cố dằn lòng vẫn phải bật khóc ngay trước cửa.
Khi nước mắt và nước mưa đã nhòa đi trên khuôn mặt Lam Phương, thì những dòng nhạc của ca khúc “Kiếp nghèo” cũng vụt đến: “Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh. Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…”.
Chính ca khúc “Kiếp nghèo” đã giúp Lam Phương thoát nghèo. Qua tiếng hát Thanh Thúy, ca khúc “Kiếp nghèo” trở thành một hiện tượng âm nhạc. Số tiền tác quyền của ca khúc “Kiếp nghèo” đủ để Lam Phương mua một căn nhà tươm tất cho mẹ và các em có chốn đi về bình yên.
(Trích băng ghi âm ca khúc “Kiếp nghèo” do ca sĩ Lệ Quyên trình bày, 1 phút)
Sau cú đột phá ca khúc “Kiếp nghèo”, Lam Phương được xếp vào hàng những nhạc sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn lúc ấy. Hơn nữa, nhạc sĩ Lam Phương tuổi 20 rất điển trai, nên được mời đóng vai chính trong bộ phim “Chân trời mới”. Điều kiện như vậy thì khối bóng hồng vây quanh, nhưng kỳ lạ thay, Lam Phương lại thường xuyên… thất tình.
Có ba ca sĩ mà nhạc sĩ Lam Phương say đắm và tương tư thời thanh xuân, đã để lại cho ông nhiều ca khúc nổi tiếng.
Với ca sĩ Bạch Yến, ông có “Tình bơ vơ”, “Chờ người”…
Với ca sĩ Minh Hiếu, ông có “Biển tình”, “Em là tất cả”…
Với ca sĩ Hạnh Dung, ông có “Phút cuối”, “Gửi người ngàn dặm”…
Nắng sớm mưa chiều rồi cũng tan, nhạc sĩ Lam Phương gặp được lương duyên thực sự của ông, đó là diễn viên Túy Hồng.
Từ Bình Dương theo anh trai lên Sài Gòn, cô gái Trương Ánh Tuyết đã tham gia ban kịch nói Dân Nam của ông bầu Anh Lân, và lấy nghệ danh là Túy Hồng. Được nhạc sĩ Lam Phương hướng dẫn thanh nhạc, Túy Hồng cũng có giọng ca rất ấn tượng, nhưng Túy Hồng trong âm nhạc ít được ái mộ bằng Túy Hồng trên sân khấu.
Năm 1959, diễn viên Túy Hồng 19 tuổi chính thức làm vợ của nhạc sĩ Lam Phương. Hai con gái Ánh Hằng và Ánh Loan lần lượt chào đời, tổ ấm cùng vun đắp với diễn viên Túy Hồng đã giúp nhạc sĩ Lam Phương viết ca khúc “Ngày hạnh phúc” đến tận hôm nay vẫn hát rộn ràng trong các đám cưới: “Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền. Đêm về nghe con khóc, vui triền miên. Lời ru trong đêm vắng với tình thương chứa chan. Còn mong ước gì vì ta vẫn bên nhau…”.
Đồng vợ đồng chồng, nếu không tát cạn biển Đông thì cũng làm nên sự nghiệp. Với sự trợ lực của nhạc sĩ Lam Phương, diễn viên Túy Hồng rời khỏi ban kịch Dân Nam để hoạt động độc lập. Đầu tiên là thành lập ban kịch Sống sáng đèn hằng đêm, sau đó thành lập hãng phim Sống sản xuất những bộ phim ăn khách như “Gác chuông nhà thờ”, “Nhà tôi”, “Lệnh bà xã”…
Đặc biệt, sàn diễn của ban kịch Sống cũng là nơi công bố những sáng tác mới của nhạc sĩ Lam Phương. Năm 1970, ca khúc “Thành phố buồn” của Lam Phương đã lập kỷ lục về tác quyền âm nhạc tại Sài Gòn.
Lúc đó, lương bổng một bộ trưởng khoảng 50 ngàn đồng mỗi năm, mà ca khúc “Thành phố buồn” lại thu được 12 triệu đồng. Ca khúc “Thành phố buồn” đã đem lại nhịp đời vui cho nhạc sĩ Lam Phương, với cuộc sống đủ đầy biệt thự và xe hơi.
Sau năm 1975, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sang Mỹ định cư. Không chỉ trở lại “kiếp nghèo” nơi đất khách, mà hôn nhân của Lam Phương và Túy Hồng cũng chênh chao. Năm 1979, họ chính thức đường ai nấy đi, kết thúc hôn nhân đẹp đẽ kéo dài 20 năm.
Sự đổ vỡ làm nhạc sĩ Lam Phương hụt hẫng, ông viết ca khúc “Lầm” như một nỗi xót xa: “Anh đã lầm đưa em sang đây. Để đêm trường nghe tiếng thở dài…Lời yêu thương nồng cháy của hai mươi năm đầy, ngày yên vui hạnh phúc, ước vọng đến tương lai, đã vùi trong giấy ngủ say, cơn đau và vũng lầy…”
Trốn chạy đau thương, năm 1980 nhạc sĩ Lam Phương rời Mỹ sang Pháp tìm nơi nương náu. Ở đây, ông chấp nhận phụ việc trong nhà hàng của em gái, để quên đi quá khứ ê chề. Thế nhưng, một người đẹp khác đã đánh thức tình yêu và âm nhạc của ông.
Nghệ sĩ Cẩm Hường mà nhạc sĩ Lam Phương cưới làm vợ thứ hai, đã tạo cảm hứng lai láng để ông viết “Bài tango cho em” thật lãng mạn: “Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề. Dòng nhạc tình đã tắt lâu, bỗng tuôn trào ngọt ngào như dòng suối. Ta xây vách chung tình, nhiều chông gai có tay mình. Xin cám ơn đời còn nhau, xin ghi phút ban đầu bằng bài tango cho em…”.
(Trích băng ghi âm bài hát “Bài tando cho em” do Elvis Phương – Ái Vân trình bày, 1 phút)
Đáng tiếc, hạnh phục đối với nhạc sĩ Lam Phương luôn mong manh. Sau gần 10 năm chung sống, Lam Phương và Cẩm Hường cũng chia lìa.
Năm 1995, nhạc sĩ Lam Phương trở lại Mỹ. Với cộng đồng người Việt bên kia đại dương ngày càng nhiều, nhạc sĩ Lam Phương cũng có hoạt động nghệ thuật rất sôi nổi.
Trớ trêu thay, năm 1999, ngay ở bữa tiệc sinh nhật lần thứ 62 của mình, nhạc sĩ Lam Phương bị tai biến. May mắn được cấp cứu kịp thời, nhưng nhạc sĩ Lam Phương phải ngồi xe lăn trong cô đơn và buồn bã, như chính ca khúc “Một mình” mà ông chia sẻ: “Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình, Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình. Biết lời tỏ tình, đã có người nghe. Nắng xuyên qua lá, giọt sương lìa cành. Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình. Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh. Đường xưa quen lối, tình dối người mang. Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan…”.
Bước qua thế kỷ 21, nhạc sĩ Lam Phương không sáng tác nữa. Ông có tất thảy 217 ca khúc, mà hơn phân nửa trong số đó đã được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Dù ca từ không quá bay bổng và điêu luyện, nhưng giai điệu của nhạc sĩ Lam Phương khá phong phú và đa dạng, nên ông có người hâm mộ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhạc sĩ Lam Phương thú nhận “chuyện tình của tôi, buồn nhiều hơn vui”, và điều ấy thể hiện tương đối rõ trong các ca khúc mà ông dâng tặng cuộc đời./.
Nhạc sĩ Lam Phương đời đẹp vì tiếng em cười
Với nhạc sĩ Lam Phương, hầu như mỗi ca khúc đều gắn với một bóng hồng cùng ông đi qua năm tháng thăng trầm. Khi nghe những ca khúc nhiều rộn ràng lắm buồn thương của nhạc sĩ Lam Phương, ít ai hình dung được những mối tình đã tạo cảm hứng cho giai điệu bật ra từ trái tim ông.
Lê Thiếu Nhơn - Xuân Hào
Các chương trình
Gặp được Furnish, danh ca huyền thoại tìm thấy bến đỗ cho con tim và tình yêu đã đến với họ rất nhanh chóng.