Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Sản phẩm khoa học công nghệ nên được tiếp thị tới nông dân
Sản phẩm khoa học công nghệ nên được tiếp thị tới nông dân; Cần 270 nghìn tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống; Định hướng xây dựng khuyến nông cộng đồng trên 5 lĩnh vực; Trên 7,1 nghìn ha tôm thiệt hại do dịch bệnh.
Xuân Hào | 06:43 27/03/2023
Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp về triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh các tiến bộ kỹ thuật phải giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân, xây dựng hình ảnh cho nông sản Việt Nam, đảm bảo uy tín cho nông nghiệp Việt Nam. Cho rằng để hoàn thiện ý tưởng cần phải có những đóng góp ý kiến, quan điểm và góc nhìn từ nhiều người, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn các viện, trường phải trở thành những trung tâm nông nghiệp, khuyến nông để mời các địa phương, nông dân đến tham quan, trao đổi, lan tỏa các kiến thức và tiến bộ kỹ thuật. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục thông tin đến quý vị trong phần sau của chương trình.
Phạm Hiếu
- Cần 270 nghìn tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống
Cũng trong tuần qua, tại Hội nghị về quản lý tôm giống để bàn các giải pháp và triển khai nhiệm vụ quản lý sản xuất tôm giống, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm nay, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi là 750.000 ha; sản lượng trên 1 triệu tấn. Do vậy nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống cần khoảng 140-150 tỷ con. Để đạt số lượng này, ngành tôm nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ nghiên cứu gia hóa trong nước tôm bố mẹ nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ khỏe, sạch bệnh và có sức đề kháng cao đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Minh Hậu
- Định hướng xây dựng khuyến nông cộng đồng trên 5 lĩnh vực
Gợi ý về định hướng hoạt động khuyến nông năm nay và chiến lược phát triển khuyến nông trong những năm tới tại Hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, phải xác định lực lượng khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng là chủ lực của ngành nông nghiệp, nông thôn ở cơ sở. Bởi lực lượng này nắm sát tình hình sản xuất nông nghiệp và đồng hành, định hướng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Theo đó, Thứ trưởng giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia nên định hướng xây dựng khuyến nông cộng đồng trên 5 lĩnh vực gồm: chuyển giao khoa học công nghệ; tổ thức tư vấn lại sản xuất; tư vấn dịch vụ cho nông dân; tư vấn công tác quản lý, sản xuất nông nghiệp và tư vấn về các chính sách.
Kim Sơ
- Trên 7,1 nghìn ha tôm thiệt hại do dịch bệnh
Theo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là trên 23,4 nghìn ha. Trong đó, trên 7,1 nghìn ha được xác định là do dịch bệnh, chiếm trên 30% diện tích tôm bị thiệt hại. Tôm nuôi hiện đang phải đối diện với nhiều vấn đề như: thời tiết diễn biến cực đoan, nguồn nước ô nhiễm, các mô hình nuôi tôm chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt chưa có vacxin để chủ động phòng bệnh. Trong năm nay, ngành thú y lên kế hoạch và đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo đó tăng cường theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên tôm ở các địa phương, tổ chức giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi. Đồng thời tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh tại một số vùng nuôi trọng điểm.
Quỳnh Anh
- Nguy cơ hạn hán cao, Lâm Đồng khuyến cáo dời dịch thời vụ
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhiều địa phương trong tỉnh đang có nguy cơ hạn hán cục bộ trong thời điểm cuối tháng 3 này do lượng mưa hiện đang thấp hơn từ 70 – 100% và tổng lượng dòng chảy sông suối thấp hơn 19% so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, các địa phương có nguy cơ hạn hán cao gồm huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đây là những địa bàn có diện tích cây trồng hàng năm và cây trồng lâu năm nhiều nhất tỉnh với tổng diện tích hơn 160.000 ha. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT đề xuất các địa phương căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng đảm bảo cấp nước của các công trình thủy lợi để điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp hoặc xem xét lùi thời vụ.
Minh Quý
- Luôn sẵn sàng phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ diện tích rừng khô hạn
Còn tại Cà Mau, Chi cục kiểm lâm thuộc Sở NN-PTNT tỉnh này cũng cho biết, do thời tiết khô hanh, nắng nóng gay gắt khiến trên 22.700 ha rừng và đất lâm nghiệp ở U Minh Hạ và cụm đảo Hòn Khoai của tỉnh bị khô hạn. Dự báo của cơ quan chức năng, thời gian tới tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt tiếp tục kéo dài sẽ đặt nhiều diện tích rừng ở U Minh Hạ đứng trước nguy cơ xảy ra cháy cao do diện tích rừng có nguy cơ cháy cấp cao và cấp nguy hiểm tăng lên. Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu đơn vị Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ và các chủ rừng luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trọng Linh
- Nấm bệnh bùng phát, gây hại nhiều diện tích keo tại Quảng Ngãi
Nhiều rừng keo từ 1 đến hơn 2 năm tuổi ở Quảng Ngãi đang xuất hiện nấm bệnh làm cây chết hàng loạt. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ keo trên địa bàn. Theo đó, đã có hơn 422 ha keo ở Quảng Ngãi bị bệnh chết. Nếu như năm ngoái tình trạng này chỉ xảy ra lác đác thì hiện nay đã lan rộng nhiều nơi. Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, cây keo chủ yếu do 2 loại nấm gây ra là nấm đen thân và nấm thối rễ. Chi cục đang tham mưu Sở NN&PTNT lấy mẫu gửi cơ quan Trung ương giám định, để tìm biện pháp phòng chống hiệu quả. Trước mắt, Chi cục hướng dẫn người trồng keo thực hiện các biện pháp phòng trừ khẩn cấp, chủ yếu là thủ công, để ngăn chặn nấm bệnh lây lan.
Lê Khánh
- Tiền Giang phát triển nhà nuôi chim yến đứng thứ 3 cả nước
Do hiệu quả kinh tế cao nên thời gian gần đây, mô hình nuôi chim yến thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh, toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 nhà nuôi chim yến, đứng thứ 3 cả nước. Không ít doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhiều nhà nuôi yến có quy mô lớn, tổ chức sơ chế tổ yến, được công nhận sản phẩm OCOP... để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, người nuôi chim yến ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì sản lượng tổ yến thu hoạch đạt khá và đầu ra thuận lợi. Để đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung quốc, người nuôi chim yến ở địa phương đang đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng tổ yến theo hướng sạch, an toàn thực phẩm và hướng đến đề nghị cấp mã số định danh nhà yến.
Minh Đảm
Sản phẩm khoa học công nghệ nên được tiếp thị tới nông dân
Sản phẩm khoa học công nghệ nên được tiếp thị tới nông dân; Cần 270 nghìn tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống; Định hướng xây dựng khuyến nông cộng đồng trên 5 lĩnh vực; Trên 7,1 nghìn ha tôm thiệt hại do dịch bệnh.
Xuân Hào
Các chương trình
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.