Sản xuất hữu cơ nâng cao giá trị quả dừa

Nhằm nâng cao giá trị của quả dừa, trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm tại Khánh Hòa đã kiên định sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2018 đến nay.

Kim Sơ  | 10:22 22/04/2024

Sản xuất hữu cơ nâng cao giá trị quả dừa

Tự động

Sản xuất hữu cơ nâng cao giá trị quả dừa

MC1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.

Thưa quý vị và bà con: Nhằm nâng cao giá trị của quả dừa, anh Nguyễn Phi Trường, chủ trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã kiên định sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2018 đến nay. Hiện quả dừa xiêm của trang trại sản xuất ra đã được người tiêu dùng thưởng thức đánh giá chất lượng với vị nước ngon ngọt, đậm đà, khác biệt với những dừa ở vùng khác. Chính vì vậy, quả dừa Phượng Hoàng Farm hiện có giá bán gấp đôi so với quả dừa trồng truyền thống. Vậy để có được những sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường, phương thức canh tác, quy trình chăm sóc của Phượng Hoàng Farm có gì đặc biệt, mời quý vị cùng đến với ghi nhận của phóng viên Kim Sơ.

MC2:

Những ngày tháng 4 này, chúng tôi đến trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm, nằm dưới chân đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 26, thuộc xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một không gian xanh mát từ dưới đất cho đến những hàng dừa đang cho quả xum xuê. Tại đây, hàng ngày mọi người chia nhau chăm sóc, thu hoạch những buồng dừa tươi ngon nhất để kịp thời mang đến cho người tiêu dùng thưởng thức.

Ông Nguyễn Nông, một lao động làm việc tại trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm cho biết, những quả dừa của trang trại được sản xuất theo hướng hữu cơ nên đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Trang trại không dùng bất kỳ thuốc hóa học nào để phun xịt các loại côn trùng, sâu bệnh hại dừa, mà đẩy đuổi bằng long não.

Băng ông Nông 21 giây: “Bỏ long não treo lên cây dừa để xua đuổi con côn trùng cắn phá hoại cây quả. ở đây trồng dừa hữu cơ nên không phun thuốc gì hết. Trồng dừa hữu cơ cắt cỏ làm phân, chứ không xịt thuốc gì hết”.

Triết lý làm nông nghiệp sạch của trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm là luôn thủ nguyên tắc “5 không” gồm “không sử dụng thuốc diệt cỏ, không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi và bảo vệ thiên địch”. Do đó, cỏ trong vườn dừa được giữ tự nhiên nhằm che phủ, bảo vệ đất trồng, hạn chế xói mòn rửa trôi và giúp đất giữ độ ẩm tốt hơn, cải thiện lượng hữu cơ trong đất. Từ đó giúp vườn dừa sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Lê Văn Phát, phụ trách kỹ thuật tại trang trại này chia sẻ, việc trồng dừa tại Phượng Hoàng Farm hoàn toàn sạch từ đất, nước và phân. Trong đó, khâu đất đã làm sạch bỏ sản xuất trong 3 năm. Còn nước tưới cho dừa chủ yếu là nước suối tự nhiên. Phân bón sử dụng là phân xanh từ xác của các loại cây xanh trong vườn và phân hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản rất chất lượng. Bên cạnh đó, để giúp quả dừa cho nước ngon, ngọt, cây được bổ sung cho ‘ăn’ muối định kỳ, phù hợp.

Băng anh Phát 18 giây: “Khi mình cho muối để tạo độ ngọt cho cây dừa. Việc bỏ muối cũng hạn chế sâu bệnh hại, kiến vương. Định kỳ mình bỏ trên đọt, tất các bẹ đều có muối hết. Nếu tiêu sẽ xuống gốc, cây vẫn hút được sẽ làm ngọt cho quả dừa”.

Hiện nay trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm có tổng diện tích khoảng 20 ha, bước đầu trồng 4 ha giống dừa xiêm Ninh Đa, một trong những loại quả đặc sản ở tỉnh Khánh Hòa, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị nước ngon ngọt, cơm mỏng vừa, da xanh. Trong đó 2 ha dừa đã cho thu hoạch ổn định khoảng 4.000 - 5.000 quả/tháng. Vườn dừa được thiết kế trồng ngay hàng thẳng lối, cây cách cây khoảng 6 mét và áp dụng hệ thống tưới phun mưa, tưới tiết kiệm hiện đại.

Anh Nguyễn Phi Trường, chủ trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm chia sẻ, phương pháp trồng dừa của trang trại là trồng theo thuận thiên như cách ông bà ngày xưa đã làm. Dù trồng dừa hữu cơ chi phí đầu tư cao hơn so với trồng dừa truyền thống. Nhưng bù lại khi sản phẩm làm ra chất lượng, có thương hiệu và người tiêu dùng biết đang uống đúng quả dừa của vùng trồng đó, của chuỗi trang trại đó thì giá bán rất cao. Điển hình như Dừa Phượng Hoàng Farm ngoài tiêu thụ tại một số sở sở khách sạn 4-5 trên địa bàn thành phố Nha Trang thì còn phục vụ các hội nghị của địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu.

Băng anh Trường 22 giây: “Hiện nay giá của tôi bán ra thị trường giá câp đối so với nông dân trồng dừa khác. Hiện nay dừa tại vườn này thông thường người ta mua 7 ngàn đồng, nhưng tối bán 15 ngàn, còn bán tại Nha Trang 20 ngàn đồng. Mọi người cũng rất chào đón, hiện nay sản lượng trang trại không đủ cấp cho số đông, đang bán cầm chừng để giữ các mối quan hệ, sau đó từ từ mở rộng vùng nguyên liệu”.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, hiện nay, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc về cách trồng dừa theo hướng hữu cơ của trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm thông qua mã QR code. Không những vậy, từ những thành công của phương thức sản xuất hữu cơ, chủ trang trại cũng đang làm việc với Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa và Cục Trồng trọt để thẩm định kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chính thức dừa hữu cơ Phượng Hoàng Farm. Đồng thời, thành lập Hợp tác xã Canh nông - Du lịch xanh Phượng Hoàng nhằm liên kết, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trồng dừa theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị quả dừa, đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường hiện nay.

MC : bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin tức liên quan tới lĩnh vực Nông nghiệp Hữu cơ.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Trong khi nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp tư nhân làm nông nghiệp hữu cơ gặp khó hoặc phải chen chân vào thị trường ngách nhỏ hẹp, thì không ít nông dân, đặc biệt nông dân các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên lại thành công nhờ biết liên kết. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, các nhà khoa học, họ đã chủ động áp dụng công nghệ mới, cùng nhau sản xuất ra sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường. Tại kon Tum, heo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh này, địa phương đã xây dựng 4 nhóm sản phẩm nông nghiệp đạt đúng và đủ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ organic gắn với xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ. Việc sản xuất hữu cơ đã mang lại giá trị cao cho người trồng. Đối với rau củ quả, thông thường 1 năm sản xuất 3 vụ, lợi nhuận thu được bình quân khoảng 1 tỷ đồng/ha.

MC 2: tin 2

Sản xuất hữu cơ tốn nhiều công sức, vì vậy, phần lớn phải có vai trò của HTX để phát huy hiệu quả trong sản xuất và tạo nguồn hàng hóa dồi dào đủ lớn để cung ứng cho thị trường, đặc biệt khi nông sản hữu cơ là xu hướng thế giới đang theo đuổi. Tại tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp nơi đây cũng chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Có thể kể đến mô hình trồng xoài Cát Chu theo tiêu chuẩn hữu cơ được thực hiện tại xã Tịnh Thới và xã Hòa An, TP Cao Lãnh với quy mô hơn 32ha/44 hộ tham gia, đạt năng suất hơn 9 tấn/ha, lợi nhuận mô hình đạt 37,9 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn có mô hình trồng sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ thực hiện tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười với quy mô 20 ha/7 hộ tham gia...

MC 1: tin 3

Tân Thắng là địa phương có diện tích dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An với 1.200 ha, trong đó có trên 500 ha đang thu hoạch, sản lượng toàn xã ước đạt gần trên 6000 tấn, đem lại nguồn thu không nhỏ cho bà con. Thời điểm này, nông dân trong xã đang hối hả thu hoạch dứa để kịp cấp hàng cho thương lái. Năm nay cơ bản dứa được mùa, được giá, bình quân dứa đạt trên 40 tấn/ha, bán với giá 7.500 đồng/kg, thu về gần 300 triệu đồng/ha/vụ. Trong đó, toàn xã có trên 30 ha của người dân xây dựng mô hình trồng dứa hữu cơ đều đạt thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/vụ. Về lâu dài, xã đang khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng dứa hữu cơ, “dứa sạch” để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

 

Tự động

Sản xuất hữu cơ nâng cao giá trị quả dừa

Nhằm nâng cao giá trị của quả dừa, trang trại Dừa Phượng Hoàng Farm tại Khánh Hòa đã kiên định sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2018 đến nay.

Kim Sơ

Tin liên quan

Các chương trình

Hồi ức về những chuyến hàng đầu tiên ở làng hương truyền thống
Phóng sự

Với truyền thống hàng trăm năm tuổi, sản xuất tăm hương và làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã chuyển từ nghề phụ thành sinh kế chính, có những đơn hàng xuất khẩu.

Hồi ức về những chuyến hàng đầu tiên ở làng hương truyền thống
Hoa xuân Mê Linh 'bắt sóng' khách hàng online
Phóng sự

Bên cạnh những hình thức quảng bá truyền thống, hoa xuân Mê Linh hiện còn có mặt ở các phiên chợ, lễ hội và đặc biệt là những phiên livestream trên mạng xã hội.

Hoa xuân Mê Linh 'bắt sóng' khách hàng online