Gìn giữ bản sắc từng ngôi làng để phát triển du lịch nông thôn; Trồng rừng bảo vệ nguồn nước, mang lại sinh kế cho bà con; Cá chết trắng mặt hồ rộng 36 ha.
Sức mạnh dân tộc rì rầm trong tiếng đất
Với một dân tộc đã nếm trải lịch sử thử thách thăng trầm, ngày 2/9/1945 mãi mãi như dấu son trong lòng người. Bởi lẽ, từ đây, không chỉ một Nhà Nước được sinh ra, mà một dĩ vãng nặng trĩu được khép lại. Người Việt Nam được tắm gội vết bùn nô lệ để bước vào một hành trình mới, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Lê Thiếu Nhơn | 09:09 02/09/2023
Quốc Khánh, với mọi nghề ngành hay mọi giai tầng, đều là một dịp lễ trọng đại. Chữ “khánh” theo nguồn gốc trong tiếng Hán, bao hàm ý nghĩa của sự vui mừng, sự tốt lành, sự may mắn, sự tưởng thưởng. Với một dân tộc đã nếm trải lịch sử thử thách thăng trầm, thì ngày 2/9/1945 mãi mãi như dấu son trong lòng người. Bởi lẽ, ngày 2/9/1945, không chỉ một Nhà Nước được sinh ra, mà một dĩ vãng nặng trĩu được khép lại. Và từ ngày 2/9/1945, người Việt Nam được tắm gội vết bùn nô lệ để bước vào một hành trình mới, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Ngoảnh lại quá khứ ngàn năm áo gấm đi đêm, càng thêm trân trọng sức mạnh dân tộc của người Việt Nam. Những quốc hiệu Xích Quỷ, Văn Lang, Âu Lạc tự hào trong cơ cực. Rồi những quốc hiệu Nam Việt, Giao Chỉ, Lĩnh Nam chìm đắm trong đọa đày.
Điểm sáng thứ nhất xuất hiện vào tháng giêng năm 544, khi Lý Nam Đế lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân. Ngậm ngùi thay, Vạn Xuân chỉ giống như một khoảnh khắc, để tiếp tục trầm luân những quốc hiệu Giao Châu, An Nam, Tĩnh Hải Quân.
Điểm sáng thứ hai xuất hiện vào tháng giêng năm 939, Ngô Quyền xưng vương. Và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt Nam ra đời năm 981: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Sau ba lần Bắc thuộc nghiệt ngã, quốc hiệu Đại Việt lại cùng người Việt đương đầu những cuộc xâm lăng khác, như tâm tư Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” vào năm 1428: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào/ Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh/ Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”.
Sự hà khắc của chế độ phong kiến và sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, từng đẩy người Việt vào những vũng lầy tối tăm. Thế nhưng, từ trong khốn quẫn, sức mạnh dân tộc đã bùng lên mạnh mẽ vào mùa thu năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với ý chí bất diệt: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
78 năm đã trôi qua, kể từ Tháng Tám cờ bay kiêu hãnh, người Việt Nam đã chung tay làm nên nhiều kỳ tích để thống nhất non sông, đoàn tụ ba miền, như những câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Hành trình người Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ để tự do kiếm tìm hạnh phúc, đã mở ra nhiều chân trời khát vọng. Cuộc sống thanh bình với hàng nghìn nhu cầu khác nhau, cũng đặt ra hàng vạn suy tư ngổn ngang. Hai mặt của tấm huy chương cũng hiển lộ sự dằn vặt, mà hai mặt của tờ giấy bạc cũng hiển lộ sự âu lo. Mỗi con người tự học cách làm chủ chính mình và làm chủ đất nước, giữa lương tri bền bỉ và danh lợi sôi sục, giữa băn khoăn bản năng bị đè nén và dấu hiệu nhân phẩm bị chà đạp.78 mùa thu vang bài ca vỡ đất
Việt Nam hội nhập, thành tựu có thật mà tổn thương cũng có thật. Quan niệm thực dụng và đam mê vật chất đang đẩy một bộ phận xã hội vào guồng quay náo động cuống cuồng và hoang mang. Hơn bao giờ hết, thông điệp ngày 2/9/1945 lại thúc giục cộng đồng nghĩ về sức mạnh dân tộc. Từ ăn đói mặc rét đến ăn no mặc ấm không có nhiều xung đột, nhưng từ ăn no mặc ấm đến ăn ngon mặc đẹp lại tiềm ẩn những mâu thuẫn khó lường. Không ai muốn chậm chân trên con đường sung túc cơm áo, mà sao nhiều kẻ lại tự bỏ rơi mình trên con đường gìn giữ đạo đức?
Cuộc chiến bảo vệ giá trị con người dù không có bom đạn, dù không có khói lửa vẫn là cuộc chiến dai dẳng bất trắc. Không có sự thịnh vượng nào không phải vật lộn với cam go.
Tâm thức văn hóa tự lực tự cường giúp người Việt Nam biết tỉnh táo trước những giáo điều, biết hỗ thẹn trước những lầm lạc, biết chia sẻ trước những thương yêu. Người Việt Nam trách nhiệm với người Việt Nam, người Việt Nam ân cần với người Việt Nam, người Việt Nam độ lượng với người Việt Nam, thì hào khí Tiên Rồng lại được bồi đắp, lại được lan tỏa, lại được bay bổng.
Những xô lệch còn tồn tại hôm nay cũng chỉ mang tính nhất thời, trong sức mạnh dân tộc vang vọng theo tiếng hát những người đi tới ngày mai. Ánh điện ở mỗi nhà máy, màu lúa ở mỗi đồng ruộng, bài học ở mỗi ngôi trường, lời ru ở mỗi mái nhà... vẫn tiếp tục câu chuyện chinh phục mọi trở ngại của người Việt Nam.
Lễ Quốc Khánh 2023, đứng trên đất đai thấm đẫm mồ hôi và xương máu của tổ tiên để lại, mỗi người Việt Nam nâng niu từng mầm xanh mơ ước. Sức mạnh dân tộc hiện hữu trong mỗi người Việt Nam và thăng hoa trong mỗi người Việt Nam.
Sức mạnh dân tộc rì rầm trong tiếng đất
Với một dân tộc đã nếm trải lịch sử thử thách thăng trầm, ngày 2/9/1945 mãi mãi như dấu son trong lòng người. Bởi lẽ, từ đây, không chỉ một Nhà Nước được sinh ra, mà một dĩ vãng nặng trĩu được khép lại. Người Việt Nam được tắm gội vết bùn nô lệ để bước vào một hành trình mới, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Lê Thiếu Nhơn
Các chương trình
Rét đậm, rét hại sẽ bao trùm khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nên bà con cần chú ý giữ ấm để bảo vệ sức khỏe.